Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Có nên tách đoàn khi đi du lịch theo tour?

Hầu như ai cũng đã từng đi du lịch theo tour ít nhất 1 lần trong đời và có suy nghĩ muốn “bỏ đoàn” để tự do lịch trình. Nhưng không phải ai cũng biết cách tách đoàn sao cho lịch sự, an toàn nhất đâu.


Có nên tách đoàn khi đi du lịch theo tour?

Đi theo tour từ trước đến nay luôn là hình thức du lịch phổ biến nhất vì giá thành hợp lý, lựa chọn đa dạng và giúp cho những du khách “lười nghĩ” không phải động tay động chân quá nhiều trong 1 chuyến đi, nhưng vẫn đảm bảo dịch vụ và tinh thần du lịch. Tuy vậy, dần dà hình thức đi tour không còn đáp ứng được nhu cầu khám phá của nhiều người, nhất là với giới trẻ (khi phải đi du lịch cùng đoàn gia đình hoặc công ty). Vì thế mà một số du khách có ý định tách đoàn khi đi theo tour, chỉ di chuyển đến điểm du lịch, còn lại sẽ chủ động lịch trình.

Tuy vậy, không phải chuyến du lịch nào hay bất kỳ thời điểm nào trong tour khách du lịch cũng có thể tự ý tách đoàn đâu nhé. Việc tự ý đi 1 mình ở địa điểm du lịch có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt người, ảnh hưởng đến các hoạt động của cả đoàn, tổn hao chi phí, chưa kể những nguy hiểm có thể diễn ra ở nơi “đất khách quê người”. Tất cả phải “đúng người, đúng thời điểm”.

Vậy, có nên tách đoàn khi đi du lịch theo tour không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, đầu tiên, du khách cần nắm rõ lịch trình tour đăng ký để xem tour đến những địa điểm nào và có khoảng thời gian cho du khách tự do khám phá hay không? 

Nếu tour chỉ có lịch trình ngắn, khoảng nửa ngày theo đoàn, nửa ngày còn lại để cho du khách tự do khám phá thì bạn không nên tách đoàn đi riêng, nên đi cùng mọi người và hướng dẫn viên. Vì sau đó đằng nào bạn cũng sẽ có nửa ngày để đi khám phá, dạo chơi theo ý muốn mà.

Nếu lịch trình tour dày đặc, phải di chuyển cả ngày, bạn hãy tham khảo ý kiến của hướng dẫn viên du lịch. Thông thường, các đơn vị lữ hành sẽ không khuyến khích việc tách đoàn vì dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn như du khách bị lạc hoặc gặp những rủi ro khác về sức khoẻ... 

Chính vì thế, không ít công ty lữ hành đã phải áp dụng phụ thu cho việc khách tách đoàn và viết giấy đảm bảo miễn trừ trách nhiệm trong thời gian du khách không tuân theo lịch trình đoàn. 

Thế nếu muốn tách đoàn du lịch tour nhưng vẫn tế nhị và an toàn thì cần làm những gì?

Có 2 trường hợp du khách tách đoàn thường gặp nhất: một là những vấn đề bất khả kháng (sức khoẻ có vấn đề, có việc đột xuất phải giải quyết...), hai là khách không muốn tiếp tục theo lịch trình của đoàn. Dù là lý do nào, việc đầu tiên du khách cần làm là cẩn trọng nói chuyến với hướng dẫn viên/ trưởng đoàn, xin số điện thoại của người đó. Đồng thời, khách tách đoàn cũng phải cung cấp đầy đủ mọi thông tin cho hướng dẫn viên, bao gồm số điện thoại cá nhân, số điện thoại của người thân, thậm chí cả địa chỉ nhà để và cả địa điểm mà du khách định lui tới trong thời gian tách đoàn để hướng dẫn viên có thể chủ động liên hệ nếu có rủi ro hay việc đột xuất.

Tiếp theo, du khách cần nắm được địa chỉ, thông tin liên hệ của khách sạn/ resort lưu trú của đoàn tour. Một số mẹo có thể áp dụng là chụp ảnh cổng khách sạn, xin card visit, báo với lễ tân…

Tuy nhiên, khách du lịch không nên tách đoàn trong ngày cuối chuyến đi, đặc biệt sát giờ kết thúc tour, nhất là khi đi nước ngoài. Đặc biệt, bạn tuyệt đối đừng tách đoàn khi du lịch theo tour tại một số quốc gia như Ấn Độ, Triều Tiên… trừ trường hợp sức khoẻ và cần ở lại trong khách sạn.

Thường thường, nếu du khách liên lạc và trao đổi rõ ràng với hướng dẫn viên, sẽ không ai “làm khó” mong muốn tách đoàn của bạn, trừ khi đã có hợp đồng hoặc quy định gắt gao của bên tour. Tốt nhất, khi đi tour, du khách nên lựa chọn những tour có thời gian trống dành cho du khách tự khám phá, dạo chơi, không nên chọn những tour lịch trình quá dày đặc. Như vậy là thuận lợi cho cả hai bên.

Theo Kenh14.vn

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

Lời khuyên hữu ích của Hướng dẫn viên đối với khách du lịch theo tour

Nhiều người chọn đi du lịch theo tour bởi không phải lên lịch trình, được công ty du lịch lo trước chỗ ăn, ngủ. Ngoài ra, nếu đi tour ghép bạn sẽ an toàn hơn, quen thêm nhiều bạn mới, giảm bớt chi phí so với đi tự túc. Sau khi chọn được tour du lịch cho mình, bạn nên lưu ý đến lời khuyên của Hướng dẫn viên đối với du khách khi đi du lịch theo tour dưới đây để có hành trình như ý.


Lời khuyên hữu ích của Hướng dẫn viên đối với khách du lịch theo tour

Vai trò của Hướng dẫn viên khi đi du lịch theo tour

Trong các chương trình tour du lịch, hướng dẫn viên thường được ví là “ba đầu sáu tay” khi phải cùng lúc giải quyết rất nhiều công việc: Khi lên xe, hướng dẫn viên du lịch là người thuyết minh, giới thiệu, cung cấp thông tin về các địa danh nổi tiếng, các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử của từng vùng miền đoàn đi qua. Bước xuống xe, hướng dẫn viên du lịch là người phục vụ, lo cho khách từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Trong giờ ăn, họ chạy đôn chạy đáo như nhân viên của quán, để mắt những món ăn còn thiếu, lo lắng khách ăn có ngon miệng không. Ban đêm nếu khách kêu đau bụng, nhức đầu phải ngay lập tức chạy tới thăm nom – nhẹ thì lo thuốc, nghiêm trọng hơn phải mời bác sĩ hoặc thậm chí đưa khách đi cấp cứu.

Họ là người “chạy trước” tất cả các loại giấy thông hành, vé tham quan, visa… là người sau cùng ở lại thanh toán, kiểm soát các loại hóa đơn. Trong quá trình dẫn tour phải giúp khách hàng có được những lời khuyên du lịch, mua sắm chân thành nhất. Suốt chuyến đi, hướng dẫn viên du lịch phải lắng nghe, ghi nhận ý kiến phản ánh để vừa rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong công tác hướng dẫn và vừa phản ánh với lãnh đạo các vấn đề phát sinh liên quan đến tour tuyến của công ty.

Chính vì vậy, khi tham gia bất kỳ một tour du lịch nào, bạn nên để ý đến những gì mà Hướng dẫn viên dặn dò.

Lời khuyên hữu ích của Hướng dẫn viên dành cho khách đi du lịch theo tour

Trước khi đi tham quan


-Nhập gia tùy tục, lắng nghe những lưu ý của hướng dẫn viên để phù hợp với văn hóa nơi mình sắp tham quan.

-Lưu số điện thoại của Hướng dẫn viên. Điều này rất quan trọng vì lỡ có xẩy ra việc đi lạc, bệnh tật hay bất kỳ trục trặc nào cũng có thể chủ động gọi liền cho hướng dẫn viên giải quyết. Trường hợp đi sang nước ngoài phải mua sim mới, du khách nên mua sim của Hướng dẫn viên bán, họ luôn có sẵn để phục vụ bạn.

– Khi các thành viên muốn đi ra khỏi khách sạn một mình nhớ cầm theo card của khách sạn để phòng trường hợp bị lạc còn có thông tin về khách sạn mình đang ở.

– Các khách sạn không chịu trách nhiệm về những vật dụng, đồ đạc quý giá, tiền bạc để trong phòng khách sạn mà không gửi tại lễ tân.

– Ðối với hộ chiếu, giấy tờ quan trọng, tiền mặt và các tài sản cá nhân có giá trị lớn đề nghị các thành viên luôn mang theo bên mình, không để trong phòng khách sạn đề phòng trường hợp mất cắp. Thông báo cho hướng dẫn viên khi xảy ra sự việc.

Trong các ngày tham quan


– Chương trình tham quan có thể thay đổi thứ tự lịch trình phù hợp với thời tiết và sức khoẻ cả Đoàn, điều này sẽ được Hướng dẫn viên thông báo đến các thành viên trong đoàn vào cuối buổi mỗi ngày.

– Trong suốt quá trình du lịch ở nước ngoài sẽ không có thời gian nghỉ trưa ở khách sạn. Hành trình diễn ra từ sáng, ăn trưa tại các điểm du lịch, tối mới về khách sạn. Mặt khác hành trình du lịch đã được sắp xếp hợp lý vì vậy du khách nên thu xếp việc riêng để không làm ảnh hưởng đến cả đoàn.

– Các thành viên trong đoàn nên thực hiện đúng yêu cầu của Hướng dẫn viên về thời gian tập trung theo như thông báo. Ðoàn không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của khách.

– Khi đến bất cứ một điểm tham quan nào phải đi theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Nếu cần tách đoàn vì việc riêng, du khách buộc phải báo cho hướng dẫn viên biết.

– Trong hành trình tham quan, khi du khách mệt và không thể đi theo đoàn được thì nhất thiết phải thông báo cho hướng dẫn viên hoặc trưởng đoàn. Du khách không nên tự ý ngồi nghỉ lại để chờ Đoàn quay ra vì phần lớn các điểm tham quan đều vào một cửa và khi quay ra là cửa khác.

– Khi du khách nào bị lạc Đoàn nên đứng tại chỗ, hướng dẫn viên sẽ chủ động quay lại tìm bạn tại vị trí tham quan cuối cùng của bạn. Không nên đi tìm Đoàn vì các điểm tham quan rất rộng nên càng dễ lạc.

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Những kỹ năng cơ bản của một Sale giỏi

Hầu hết khách hàng khi mua một sản phẩm hay sử dụng một dịch vụ nào đó, thường rất quan tâm và tập trung đánh giá về người bán hàng, người cung cấp dịch vụ để đưa ra kết luận cuối cùng về việc có quay trở lại lần sau hay không.Vậy để trở thành một sale giỏi, bạn cần phải ghi nhớ những điều sau đây.


Những kỹ năng cơ bản của một Sale giỏi

1. Hãy lắng nghe thái độ của khách hàng trước tiên

Những giây phút đầu của cuộc trò chuyện nếu bạn nói luôn về hàng hóa/dịch vụ mà không quan tâm khách hàng quan tâm điều gì, sở thích thế nào thì coi như bạn đã sai ngay từ bước đầu. Hãy dành chút thời gian để hiểu tâm lý khách hàng trước khi mời chào sản phẩm để tránh làm khách sợ hãi quay ngoắt khỏi bạn.

Điều này bạn nên học hỏi kinh nghiệm ở những người đi trước. Những người giỏi trong việc nắm bắt tâm lý khác hàng sẽ giúp họ thuyết phục các vị thượng đế của mình một cách dễ dàng.

2. Hãy chủ động hỏi khách hàng chứ đừng chờ đợi câu hỏi và trả lời như robot

Vốn dĩ tâm lý khách hàng luôn biết mục tiêu tiếp cận khách hàng của bạn là để bán hàng. Thế nhưng nếu bạn tạo được sự chân thành thì mục đích kia sẽ được che đi hoặc xếp lại phía sau.

Bằng cách chủ động đặt câu hỏi cho khách hàng với tâm thái thoải mái nhất là cách rất hay để tạo thiện cảm. Tuy nhiên ở những lĩnh vực khác nhau, bạn hãy chuẩn bị cho mình những câu hỏi khiến khách hàng không phải suy nghĩ nhiều và hướng đến sản phẩm của mình.

3. Hãy luôn giữ phong thái tự tin

Sẽ chẳng ai muốn mua hàng từ một người bán hàng rụt rè, ánh mắt không tự tin. Có thể khách hàng sẽ cho rằng những lời bạn nói, bạn giới thiệu là sáo rỗng nhưng với phong thái tự tin và cách phản ứng nhanh sẽ khiến khách hàng của bạn bị thuyết phục.

Khách hàng sẽ đổ gục và sử dụng dịch vụ của bạn khi bạn thể hiện được phong thái tự tin với chuyên môn và kinh nghiệm vốn có.

Vì vậy khi bán hàng hãy thật thoải mái và nói chuyện với khách hàng một cách thân mật như bạn bề, người thân, xóa nhòa khoảng cách và sự đề phòng.

4. Hãy theo sát thái độ của khách hàng

Bạn không thể cứ chăm chăm bán hàng mà không để ý xem khách hàng vừa lòng lúc nào, cười lúc nào hay nhăn nhó lúc nào. Khi bạn nói chuyện hãy để ý xem khách hàng có muốn nghe bạn nói không bằng cách nhìn nét mặt, ngôn ngữ hình thể. Nếu khách tỏ sự khó chịu hãy khéo léo hẹn khách vào một dịp khác khi họ thoải mái hơn.

5. Đừng cố đề nghị những điều mà khách hàng không quan tâm

Khách hàng cần gì, có nhu cầu thế nào thì bạn chỉ nên đưa ra những gì đáp ứng nhu cầu hiện tại của họ. Đừng cố chèo kéo thêm sản phẩm hay dịch vụ nào khi họ đã đồng ý mua sản phẩm thứ nhất. Lần này họ mua một sản phẩm nhưng với sự vừa lòng từ sản phẩm cũng như thái độ phục vụ của bạn, chắc chắn họ sẽ quay trở lại vào lần sau.

6. Xác định rõ mục tiêu của cuộc đàm phán

Mục đích của người bán hàng là bán được hàng và hướng khách hàng quay trở lại vào lần sau. Như vậy khi chắc chắn khách hàng sẽ mua sản phẩm của mình rồi, bạn hãy mạnh dạn đưa cuộc nói chuyện đến hồi kết để tránh lãng phí thời gian.

Bài đăng phổ biến