Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch tại Việt Nam

Ở Việt Nam, đi du lịch cũng là nhu cầu từ xa xưa, các thế hệ người Việt cũng đã có những chuyến du lịch nổi danh trong lịch sử. Khách du lịch chủ yếu thuộc các tầng lớp thương gia, nhà khoa học, nhà tu hành,….Ngoài ra, khách du lịch nước ngoài cũng có những chuyến lữ hành đến Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi đời của ngành du lịch Việt Nam hiện nay chưa cao và đã trải qua biết bao thăng trầm sau đó từng bước trưởng thành.


Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch tại Việt Nam

Trong thời kỳ đổi mới, du lịch Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quốc gia. Định hướng sắp tới, du lịch được xem là 1 trong những ngành có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam vốn giàu tài nguyên du lịch và đang từng bước khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên ấy. Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được xác định là quan trọng nhất trong sự phát triển du lịch Việt Nam do các loại hình du lịch này đang được nhiều du khách quan tâm.

Các chính sách được đề ra nhằm phát triển du lịch Việt Nam là triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước , bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử và khu danh lam thắng cảnh.
Việt Nam hiện đang huy động nguồn nhân lực của nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch tập trung và các trung tâm lớn.

Ngoài ra, chính sách nâng cao trình độ văn hóa và chất lượng dịch vụ đối với các loại khách khác nhau cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm song song với đẩy mạnh vốn đầu tư trong nước, cải tạo nâng cấp, liên doanh với nước ngoài vào các loại hình khách sạn và các khu du lịch.

Các chính sách và định hướng thiết thực của Việt Nam cho thấy du lịch quốc gia đang chuyển mình, đón kịp xu thế quốc tế và sự phát triển chung của đất nước, nên việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đang là yêu cầu khách quan, kể cả việc trang bị kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cũng hết sức quan trọng.

Cùng với việc tăng lượng khách, nguồn ngoại tệ thu được từ du lịch tăng lên hàng trăm lần từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Điều đó cho thấy nhu cầu du lịch và khả năng thanh toán của khách ngày càng cao và các dịch vụ du lịch cũng ngày càng đa dạng hóa, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển du lịch nói riêng và sự phát triển - kinh tế xã hội nói chung.

Cùng với việc phát triển du lịch, các tổ chức quốc tế  và khu vực về du lịch cũng ra đời đã tăng cường khả năng liên kết của ngành kinh tế đặc biệt này, xu hướng quốc tế hóa du lịch đòi hỏi sự phối hợp giữa các hãng, các công ty du lịch trên thế giới.

Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra những thay đổi quan trọng như hướng đi của dòng du khách mà nét nổi bật là xu hướng tới các nước đang phát triển với loại hình du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Các nước ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương đang là những nước giữ vai trò du lịch quốc tế chủ động.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng thay đổi theo từng giai đoạn mà nổi bật hơn hết là tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch trong các dịch vụ cơ bản như: lưu trú, vận chuyển, ăn uống,..có xu hướng giảm trong khi chi tiêu của khách cho các dịch vụ bổ sung như: mua sắm, giải trí, tham quan,...có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các dịch vụ du lịch trọn gói ngày càng ít hơn cùng với việc giảm bớt các thủ tục về xuất cảnh hải quan, khách du lịch ngày càng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ du lịch, kể cả dịch vụ hướng dẫn du lịch.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Biển Suối Ồ, Đèo Nước Ngọt – Điểm cắm trại cuối tuần lý tưởng

Bạn đã có kế hoạch cho ngày cuối tuần chưa? Nếu vẫn còn phân vân chưa biết đi đâu thì hãy thử ghé qua Đèo Nước Ngọt, hoặc đến biển Suối Ồ để tận hưởng bầu không khí trong lành và trải nghiệm cắm trại qua đêm cùng nhóm bạn ở đây nhé! 

Biển Suối Ồ, Đèo Nước Ngọt – Điểm cắm trại cuối tuần lý tưởng

Biển Suối Ồ


Cách Sài Gòn khoảng 120km, biển Suối Ồ hay còn được gọi là biển Sông Lô là gợi ý khá hay ho dành cho bạn nếu muốn dã ngoại cuối tuần. Suối được chia làm hai phần rõ ràng, một phần “suối” tách biệt giữa bãi cát trắng, sâu tới thắt lưng người lớn và một phần biển nối tiếp bãi cát trải dài. Phần đầu tiên có thể nói là vùng nước đọng nên khá phẳng lặng thích hợp cho bất cứ ai muốn bơi lội, kể cả với những người không biết bơi.


Phần biển cũng không có sóng quá to và biển cũng khá bằng chứ không dốc. Tuy nhiên tới tầm 5 giờ chiều khi thuỷ chiều lên thì sóng bắt đầu lớn, nên để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn đừng ra biển vào tầm giờ này.

Nếu chịu khó đi ra xa thêm một chút bạn sẽ bắt gặp những bãi đá vôi cao thấp dọc bờ biển. Đứng trên những bãi đá này phóng tầm mắt ra xa ngắm hoàng hôn Vũng Tàu cũng khá thi vị. Do chưa được khai thác du lịch nhiều như Vũng Tàu nên Suối Ồ khá vắng, chủ yếu dân phượt đến cắm trại hoặc thỉnh thoảng có một công ty tổ chức team building. Vì thế, nơi đây cũng không có nhiều nhà hàng, khách sạn mà chỉ có vài hàng quán dựng mấy chiếc chòi lá nhỏ gần bờ cho khách đi về trong ngày có nhu cầu nghỉ ngơi.


Nếu muốn cắm trại qua đêm, bạn phải mang theo lều và vật dụng cần thiết. Buổi chiều hoặc sáng sớm, thuyền đánh cá của ngư dân địa phương cập bến, bán hải sản tươi với giá không đắt. Bạn có thể mua về làm tiệc BBQ buổi tối cũng khá thú vị. Chịu khó đi xa một đoạn, bạn bắt gặp bãi đá vôi - nơi lý tưởng để đứng ngắm hoàng hôn trên biển. 

Đèo Nước Ngọt


Đèo Nước Ngọt cách trung tâm Sài Gòn khoảng 92km, từ lâu đã là điểm đến yêu thích của những người yêu biển nhưng không thích sự ồn ào, xô bồ và muốn được gần với thiên nhiên hơn. Thay vì chen chúc ở Bãi Sau - Vũng Tàu vào ngày cuối tuần, bạn vác lều trại ra đây ngủ một đêm, trải nghiệm cảm giác nghe sóng vỗ rì rào bên tai.



Nó là một con đèo dài khoảng 5km dọc theo tỉnh lộ 44A, cách biển Long Hải khoảng 2km với một bên là núi Minh Đạm, một bên là biển. Cung đường đèo đẹp nhưng không quá nguy hiểm, lại là điểm ngắm cảnh biển chuẩn. Bạn nên mua vé vào cổng với giá 90.000 đồng/người tại khu du lịch đèo Nước Ngọt để cắm trại qua đêm bên trong, khu vực gần bờ biển khá an toàn. 


Bãi tắm còn hoang sơ, ít người, phía sau là hàng dương tạo những góc "sống ảo" ưng ý mà không bị dính người. Trừ ngày lễ ra, ngày thường ở đây tương đối vắng. Gần đèo nước ngọt có bãi đá dành cho những ai thích sự yên tĩnh câu cá. Ban đêm, bạn chọn một vị trí ưng ý, dựng lều dưới những gốc dương, đốt lửa trại, làm một bữa nướng nho nhỏ với hải sản vừa câu hay mua ở quán gần đó thưởng thức là đủ xả stress sau những ngày buồn chán.


Tổng hợp

Đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn viên du lịch

Do đặc điểm nghề nghiệp nên nghề hướng dẫn viên cần có những năng lực và phẩm chất cần thiết, những phẩm chất và năng lực này được hình thành và hoàn thiện trong suốt thời gian hoạt động của mình và không áp đặt theo 1 khuôn khổ nhất định.



Đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn viên du lịch

1. Thời gian làm việc không cố định

Nghề hướng dẫn viên không có thời gian cố định làm việc: bao gồm thời gian đón khách, đi cùng khách, giải quyết vấn đề phát sinh của khách, tiễn khách,…Đôi khi vì 1 số tác động khách quan mà hướng dẫn viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng giải quyết sự vụ 1 cách bất ngờ, ngay cả sau khi đã tiễn đoàn khách khi khách kết thúc chuyến du lịch.

2.  Sự phức tạp và đa dạng của khối lượng công việc

Bằng sự hiểu biết và các phương cách linh động, kết hợp với các phương tiện hỗ trợ, hướng dẫn viên luôn không ngừng học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để cải thiện khả năng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề nhằm chuẩn bị cho các chuyến hướng dẫn kế tiếp tốt hơn. Công việc của hướng dẫn viên bao gồm: dẫn khách và giới thiệu khách tham quan tại các điểm du lịch, giúp đỡ khách trong 1 số hoạt động giải trí đặc thù, hỗ trợ khách làm thủ tục xuất nhập cảnh, hướng dẫn khách mua sắm, giải trí, vui chơi và xử lý nhanh chóng các sự cố phát sinh trong chuyến du lịch của khách.

3. Tính chất đơn điệu

Nghề hướng dẫn viên là nghề khá đơn điệu, thường lặp lại các thao tác cụ thể, hay lặp lại lộ trình với các đối tượng quen thuộc. Đặc biệt, nội dung hướng dẫn không thay đổi nhiều do đó là các thông tin chủ yếu mà hướng dẫn viên phải cung cấp cho khách. Một hướng dẫn viên có thể chỉ chuyên phục vụ 1 đối tượng khách đặc trưng hoặc trên 1 tuyến điểm du lịch nhất định nên khả năng chán việc hoàn toàn có thể xảy ra và sức ép tâm lý cũng khá lớn.

4.  Lòng nhiệt huyết

Tuy có những trở ngại nghề nghiệp nhất định, nhưng nói chung, nghề này đòi hỏi hướng dẫn viên phải tiếp xúc với khách trong tư thế của người phục vụ nhiệt tình, chu đáo vì hướng dẫn viên chính là người đại diện cho tổ chức kinh doanh du lịch, đại diện cho ngành, cho quốc gia, cho dân tộc. Vì vậy, hướng dẫn viên phải có sức chịu đựng cao, cả về thể chất lẫn tinh thần, nghĩa là tâm lý phải luôn ở trạng thái ổn định khi làm việc.

Bài đăng phổ biến