Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Ghé thăm khu chợ 'uyên ương' ở Tô Châu

Hơn 1.000 cửa hàng may váy, đồ phụ kiện cho đám cưới tập trung rải rác trong khu chợ, thực sự là điểm đến lý tưởng cho cô dâu chú rể.

Đồi Hổ Khâu là địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích tại Tô Châu (Trung Quốc), nơi bạn có thể tham quan các di tích cổ kính như các ngôi chùa, khu vườn rêu phong. Không chỉ vậy, nơi đây còn là điểm đến trong mơ của các cô dâu ở Trung Quốc với một khu chợ rất đặc biệt.


Được mở vào cuối những năm 1980 nhờ vào ngành công nghiệp dệt lụa rất phát triển ở địa phương, chợ váy cưới ở Tô Châu nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Với số lượng cửa hàng váy và phụ kiện cưới lên tới hơn 1.000, khu chợ này đáp ứng gần như tất thảy những nhu cầu của cô dâu trước đám cưới, với mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. 


Không tập trung trong trung tâm thương mại, các cửa hàng ở đây nằm rải rác xung quanh 4 đại lộ của ngã tư gần đường Huqiu. Số lượng khách ghé thăm và lượng váy bán ra mỗi ngày rất nhiều nên tất cả các tiệm đều có từ 10 đến 20 thợ thay nhau làm việc.


Tại đây, cô dâu có thể tìm thấy tất cả những kiểu dáng váy cưới từ hiện đại tới truyền thống, với các chất liệu khác nhau, bao gồm cả loại lụa nổi tiếng được sản xuất tại Tô Châu. Đa phần váy có khá khoảng vài trăm nhân dân tệ, phù hợp với nhu cầu bình dân. Với các yêu cầu đặc biệt, đòi hỏi gia công bằng tay để đảm bảo tính độc đáo và ý nghĩa, bộ váy có thể rơi vào khoảng 2.000 nhân dân tệ trở lên (khoảng 7 triệu đồng), dù vậy, bạn có mặc cả, thương lượng đôi chút với chủ hàng. 

Có tới 1.000 cửa hàng lớn nhỏ trong khu vực.

Để làm một chiếc váy thủ công mất từ 4 ngày đến một tuần. Còn nếu không có yêu cầu quá khắt khe, cô dâu có thể sử dụng ngay những mẫu sẵn có ở cửa hàng và thay đổi một số chi tiết nhỏ theo sở thích.

Chủ cửa hàng có thể sẵn sàng cùng bạn ngồi đính tỉ mỉ những hạt đá lên vương miện, xoa rê đội đầu hay thay đổi các chi tiết trên bộ váy một các chu đáo nhất. Theo một số du khách nước ngoài, mặc dù tiếng Anh của họ rất hạn chế nhưng luôn cố gắng phục vụ một cách niềm nở nhất.


Nếu không có thời gian quay lại để lấy váy cưới sau khi yêu cầu sửa, du khách có thể hỏi chủ cửa hàng bởi phần lớn những tiệm này đều có dịch vụ chuyển hàng đến Thượng Hải và những vùng khác khắp Trung Quốc với giá vận chuyển từ 5 đến 20 tệ.

Không chỉ bán, cho thuê, thiết kế váy và phụ kiện đi kèm, những dịch vụ cưới khác cũng được cung cấp tại đây với giá cả phải chăng. Chú rể đi cùng người bạn đời của mình cũng có thể tìm được những bộ vest ưng ý nhất cho ngày trọng đại.

Một mẫu váy cưới được hoàn thành ở khu chợ.

Ngoài các trang phục cưới theo kiểu phương Tây, các cô dâu thực hiện nghi lễ truyền thống hoặc khách nước ngoài cũng có thể đặt may váy cưới với thiết kế cổ điển mang màu đỏ và những chi tiết ánh váng đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Dù vậy, những thiết kế này có giá cao và thời hoàn thành lâu hơn.

Cách di chuyển tới chợ váy cưới Tô Châu:

Tô Châu cách Thượng Hải 100 km, từ Việt Nam, bạn bay tới Thượng Hải (sân bay Hongqiao hoặc Pudong), sau đó đi ôtô hoặc tàu hỏa cao tốc tới Tô Châu. Du khách không phải lo lắng vì hết vé bởi số chuyến tới Tô Châu trong ngày rất nhiều.


Khu chợ rất nổi tiếng nên bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng taxi từ nhà ga, với giá chưa tới 30 tệ. Để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể đi xe bus số Y1 hoặc Y2 từ ga tàu điện Tô Châu đến ga Hu Qiu Shou Mo Zhan. Nếu đi từ đồi Hổ Khâu ra, bạn đi xuống phía Nam theo đường HuQiu sẽ nhìn thấy những cửa hàng đầu tiên của khu chợ này.

Thông thường, cô dâu chú rể sẽ ở lại đây vài ngày để lựa chọn, cũng như chờ đợi váy được hoàn thành. Trong thời gian này, họ thường tranh thủ tham quan những danh thắng non nước hữu tình nổi tiếng của thành phố xinh đẹp này.

Ngôi sao

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

30 phút thư giãn cùng nhạc và tiếng suối chảy

Bài đăng phổ biến