Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng của Hoàng Su Phì ánh lên một màu bạc lấp lánh, tựa như một tấm gương khổng lồ in bóng đất trời, núi rừng miền sơn cước.
Nếu vào mùa lúa chín, Hoàng Su Phì lộng lẫy sắc vàng, tới mùa nước đổ (tháng 5 đến tháng 6) lại là sự xen lẫn của màu xanh non của lúa, lẫn ánh nước lóng lánh của hàng trăm bậc thang trải dài miên man, từ đỉnh núi xuống chân núi. Từng thửa ruộng ánh lên vẻ lóng lánh của mặt nước là cảnh đẹp khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thích thú.
Nếu vào mùa lúa chín, Hoàng Su Phì lộng lẫy sắc vàng, tới mùa nước đổ (tháng 5 đến tháng 6) lại là sự xen lẫn của màu xanh non của lúa, lẫn ánh nước lóng lánh của hàng trăm bậc thang trải dài miên man, từ đỉnh núi xuống chân núi. Từng thửa ruộng ánh lên vẻ lóng lánh của mặt nước là cảnh đẹp khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thích thú.
Nếu lên Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, bạn sẽ thấy nơi đây như một tấm thảm trải dải với màu vàng óng hay xanh mướt của lúa mới. Còn vào khoảng tháng 5 đến tháng 7, Hoàng Su Phì lại tựa nhưng một tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Đông Bắc.
Đây là thời điểm lúa đã được gặt xong cũng là lúc những cơn mưa mùa hạ xuất hiện nhiều, bà con sẽ tranh thủ để đưa nước vào ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng như khoác lên mình một tấm áo mới, lấp lánh ánh bạc dưới nắng. Những thửa ruộng đều tăm tắp, uốn lượn bao quanh theo những triền đồi, lưng núi khiến những vị khách phương xa đến không khỏi ngỡ ngàng.
Khác với Mù Cang Chải hay Y Tý, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) dường như có độ cao hơn, dốc hơn, chênh vênh hơn hẳn. Chính điều này làm cho cảnh sắc càng thêm hùng vĩ. Những bờ ruộng cao, thẳng đứng làm cho người ta nghĩ tới tác phẩm điêu khắc được con người gọt đẽo công phu.
Đến đây bạn mới thấy bàn tay con người kỳ diệu đến nhường nào. Để canh tác được trên những thửa ruộng bậc thang như này bà con nơi đây phải tốn không biết bao nhiêu công sức. Có lẽ cũng bởi thế mà sau mỗi vụ mùa họ lại làm lễ tạ ơn đất trời đã cho họ một vụ mùa no đủ, bội thu.
Tận hưởng khung cảnh ruộng bậc thang vào sáng sớm với những đường cong mềm mại, len lỏi trong đó là những làn mây trắng, ánh nắng chói chang buổi bình minh, những mái nhà xinh xắn…và hít hà hương vị của núi non cây cỏ sẽ cho du khách cảm giác vô cùng khoáng đạt.
Đường lên Hoàng Su Phì giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều, cách Hà Nội khoảng 300 km và đường rất đẹp, những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt. Từ Hà Nội bạn theo QL2 đi qua Tuyên Quang là đến Hà Giang. Con đường từ ngã 3 Tân Quang lên Hoàng Su Phì được xem như “cửa ải” của cung đường này. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau vô cùng nguy hiểm nhưng cũng lại rất hùng vĩ và nên thơ. Bởi vậy mà nơi đây còn là điểm đến được những kẻ ưa xê dịch, ưa khám phá hẹn nhau mỗi khi vào mùa.
Hoàng Su Phì đẹp bởi sự yên bình giữa mênh mông đất trời và đẹp bởi sự thân thiện, dễ mến của những người dân lao động chân chất nơi đây. Thế mới nói đến đây bạn không chỉ được “mãn nhãn” bởi sự tạo hóa của thiên nhiên, bởi những thành quả lao động đáng ngưỡng mộ của con người mà đến đây bạn còn được tìm hiểu, trò chuyện với những bà con dân tộc về văn hóa, về cuộc sống giản dị nơi đây. Sự an yên, trong lành của Hoàng Su Phì chắc chắn sẽ giúp bạn xua tan đi những mệt mỏi, lo toan sau những chuỗi ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng nơi phố thị đầy bon chen, xô bồ.
Trải nghiệm, cảm nhận ruộng bậc thang Hoàng Su Phì từ nhiều thời điểm và góc nhìn, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước những tuyệt tác được hòa quyện bởi thiên nhiên và con người. Và bạn sẽ hiểu vì sao mảnh đất miền tây của Hà Giang lại là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều ống kính nhiếp ảnh, là điểm dừng chân khám phá của nhiều dân phượt đến thế.
Nguồn: Internet