Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Những địa điểm ‘lên hình là đẹp’ ở Bangkok, Pattaya

Đã không còn xa lạ với giới trẻ Việt, Thái Lan luôn được mệnh danh như 1 thiên đường du lịch với  chi phí rẻ, vô vàn đồ ăn ngon và nhiều địa điểm sống ảo mê mệt như BangkokPattaya.

Những địa điểm ‘lên hình là đẹp’ ở Bangkok, Pattaya

Trang trại cừu Pattaya Sheep Farm


Trang trại cừu là một trong những điểm vui chơi khó thể bỏ qua ở Pattaya dành cho những ai yêu mế loài vật này. Cả nông trại được trang trí rất dễ thương với những ngôi nhà có ống khói, cối xay gió, biển báo hiệu xinh xắn, cây cầu kiểu cổ, những bức tượng chú cừu đáng yêu, và cả những chú cừu thật trắng muốt... Chính vì thiết kế này mà nhiều du khách có cảm giác bị “choáng ngợp” bởi như lạc bước giữa vùng trời Tây Âu nào đó dù đang đứng trên đất Thái Lan.

Không khí ở Pattaya Sheep Farm cũng rất mát mẻ, dễ chịu và trong lành. Nơi đây là địa điểm thích hợp dành cho những bạn trẻ yêu thích động vật, chụp ảnh hay gia đình có trẻ nhỏ. Du khách có thể vuốt ve bộ lông trắng muốt, mềm mại của những chú cừu ngoan ngoãn, cho chúng ăn một cách dễ dàng hoặc chụp ảnh với chúng. Bạn còn có thể cùng các bé tìm hiểu về đời sống của loài cừu, cách chúng được cho uống sữa, cách lấy lông cừu... Đây sẽ là kiến thức hữu ích giúp trẻ nhỏ được học tập và hiểu hơn về thế giới động vật. Thậm chí vào một số khung giờ cố định, bạn còn có thể xem những chú cừu chạy đua rất ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Bảo tàng tranh nghệ thuật 3D – Art in Paradise


Art in Paradise là trung tâm bảo tàng tranh 3D đầu tiên và lớn nhất ở Thái Lan. Đây là địa điểm du lịch không chỉ dành riêng cho giới trẻ mà còn phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau. Hoàn toàn khác biệt với bảo tàng truyền thống, bảo tàng 3D Pattaya là một ngôi bảo tàng hiện đại, một thiên đường nghệ thuật, một thế giới 3 chiều siêu thực rực rỡ đầy màu sắc. Với số lượng hơn 200 bức tranh khổ lớn theo phong cách hoạt hình nhí nhảnh, dễ thương, mang ý nghĩa văn hóa, giáo dục… Đến đây, không những bạn được tìm hiểu về nền văn minh của các nước như Ayutthaya của Thái Lan, thành phố đã mất của người Inca ở Peru và nền văn minh Ai Cập của sông Nile… mà còn được thỏa sức tạo dáng với các tác phẩm sống động.

Wat Benchamabophit


Wat Benchamabophit có tên tiếng Việt là chùa Cẩm Thạch, tọa lạc nổi bật ở quận Dusit của Bangkok. Chùa Cẩm Thạch được xây dựng theo ý nguyện của quốc vương Chulalongkom vào năm 1899 và sau 10 năm thì được hoàn thành. Khác với những ngôi chùa mang đậm kiến trúc Thái Lan khác, chùa Cẩm Thạch có sự pha trộn của kiến trúc giáo hội châu Âu với những cửa sổ lắp kính màu sẽ cho bạn những tấm hình rực rỡ.

Airplane Graveyard


Cái tên "nghĩa địa máy bay" ra đời khi những chiếc máy bay MD82 bị cắt thành nhiều phần và bỏ hoang ở một bãi đất trống tại Thủ đô Bangkok. Background những chiếc máy bay bị bỏ hoang với các mảng sắt hoen gỉ, cây cỏ mọc um tùm hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những khung hình "so deep", ma mị hết sức có thể đấy.


Tổng hợp

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ngoài việc nắm vững những nghiệp vụ cần thiết, bạn cần có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội…


Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Kiến thức chính trị

Đối tượng khách du lịch thường rất đa dạng về quốc tịch, độ tuổi, nghề nghiệp, quan điểm chính trị… cho nên hướng dẫn viên du lịch cần phải nắm vững đường lối lãnh đạo của đất nước, đặc biệt là chính sách đối ngoại để định hướng quan điểm một cách đúng đắn. Những hiểu biết về tình hình chính trị trong nước và thế giới sẽ giúp các HDV tránh gây ra những hiểu lầm sai lệch cho du khách và không bị những du khách có đồ xấu lôi kéo. Do đó mà các HDV cần theo dõi các biến động về chính trị được báo chí cập nhật hàng ngày.

Kiến thức kinh tế

Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp phải hiểu biết về quá trình phát triển kinh tế của quốc gia cũng như của địa phương có các điểm du lịch; các thủ tục trong hoạt động kinh doanh, quản lý kinh tế… Những kiến thức này sẽ giúp HDV có thể hướng dẫn hoặc thực hiện việc ký hết các hợp đồng, thanh toán chí phí… một cách dễ dàng.

Kiến thức về lịch sử - địa lý - văn hóa

Đây là phần kiến thức bắt buộc mà các hướng dẫn viên du lịch cần phải biết và am hiểu kỹ càng. Đó là những thông tin về quá trình hình thành, lịch sử phát triển của quốc gia, điểm du lịch; những đặc trưng văn hóa; những lễ hội nổi bật; những yếu tố địa lý khác biệt,… Khi xâu chuỗi được những kiến thức này, sẽ giúp các HDV du lịch có được cái nhìn hệ thống, toàn cảnh về quốc gia, địa phương… để từ đó dễ dàng trả lời được những câu hỏi thắc mắc của khách du lịch.

Kiến thức về luật pháp, tập quán địa phương

Tất nhiên những kiến thức về luật pháp hay tập quán địa phương không thể được “nhồi nhét” trong ngày một ngày hai mà cần được tích lũy qua một quá trình học hỏi, trải nghiệm với nghề, nhưng những thông tin - kiến thức cơ bản về luật cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh.. thì hướng dẫn viên cần phải biết.

Kiến thức y tế

Chẳng ai có thể đảm bảo rằng, trong quá trình dẫn khách đi tour, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của khách xảy ra. Do đó mà HDV du lịch cần trang bị có mình những kiến thức sơ cấp cứu cho những tình huống có thể xảy ra: đuối nước, điện giật, rắn cắn, ngộ độc thực phẩm, cảm sốt, say nắng, đột quỵ… Hướng dẫn viên càng am hiểu nhiều kiến thức về lĩnh vực này sẽ càng hỗ trợ tốt cho công việc và hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Kiến thức ngoại ngữ

Ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để một hướng dẫn viên quốc tế có thể hành nghề, không chỉ giúp HDV giao tiếp mà còn là phương tiện để học hỏi, tìm kiếm các thông tin tài liệu nước ngoài… Với hướng dẫn viên quốc tế thì cần thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ và có kiến thức cơ bản về 1 ngoại ngữ bổ sung.

Nghề hướng dẫn viên du lịch không chỉ yêu cầu phải hiểu biết sâu rộng mà còn chuyên sâu đúng mảng. Do vậy, muốn trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bạn cần phải đầu tư thời gian học hỏi và tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Nhân viên buồng phòng và quy trình dọn phòng khách sạn

Đối với các khách sạn thì buồng phòng chính là “sản phẩm” mang lại doanh thu đáng kể cho cơ sở dịch vụ của mình. Để “sản phẩm” ấy luôn đạt chất lượng tốt nhất làm hài lòng các khách hàng thì vai trò của nhân viên buồng phòng là cực kỳ quan trọng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem lại nhân viên buồng phòng là ai cũng như tìm hiểu về quy trình dọn phòng khách sạn nhé!


Nhân viên buồng phòng và quy trình dọn phòng khách sạn

Nhân viên buồng phòng là ai?

Nhân viên buồng phòng là người chịu trách nhiệm dọn dẹp làm vệ sinh phòng khách theo đúng tiêu chuẩn của khách sạn nhằm mang lại cho người ở sự thoải mái tối đa trong thời gian lưu trú. Nhân viên buồng phòng trực thuộc bộ phận Housekeeping. Đây là bộ phận không thể thiếu với bất kỳ khách sạn nào.

Các bước trong quy trình dọn phòng

1. Chuẩn bị trước khi làm phòng:


– Xem trong báo cáo về tình trạng của phòng cần làm (khách còn ở hay đã check – out)

– Chuẩn bị xe đẩy (trolley) đựng các dụng cụ làm phòng (khăn, mền, bàn chải, dầu gội…) và các dụng cụ để làm phòng (chổi, máy hút bụi…) và đẩy xe đến trước cửa phòng.

– Đối với những phòng khách còn ở thì kiểm tra xem khách có treo bảng DND (Do not Disturb) trước cửa phòng hay không. Nếu có thì ghi nhận vào báo cáo và bỏ qua phòng đó và làm phòng tiếp theo.

– Nếu không có bảng DND thì gõ cửa 3 lần mỗi lần 3 cái và xưng “Housekeeping” và mỗi lần cách nhau khoảng 30 giây.

+ Nếu khách mở cửa thì xin phép làm phòng, nếu khách đồng ý thì thực hiện bước tiếp theo.

+ Trong trường hợp khách mở cửa và không đồng ý cho làm phòng (hoặc đang phân vân) thì xin phép quay lại sau và xác nhận thời gian có thể được quay lại làm phòng cho khách.

+ Nếu không có tiếng trả lời, nhân viên dùng chìa khoá được cấp phát khi vào ca mở cửa nhẹ nhàng (có thể khách đang ngủ hoặc đang trong phòng tắm). Nếu cửa cài chốt bên trong thì nhẹ nhàng đóng lại và quay lại làm phòng sau. Với khách đang ngủ thì nhân viên cũng làm tương tự.

+ Nếu trong phòng không có ai, nhân viên tra chìa khoá vào ổ, mở cửa và tiến hành quy trình dọn phòng.

2. Dọn dẹp giường ngủ:

– Gỡ drap giường, bao gối, bao chăn bẩn ra cẩn thận, phân loại đồ dơ và để riêng gọn gàng.

– Tiếp theo là kiểm tra, điều chỉnh đệm giường cho ngay ngắn, đệm lông vũ và lót giường ngay ngắn, phồng đều, vuốt lót giường cho phẳng.

– Trải drap mới và gấp đầu giường theo tiêu chuẩn

– Lồng bao chăn. Lưu ý: trước khi lồng phải kiểm tra ruột chăn có bị bẩn hay rách không (nếu có thay mới cho khách), xem có đúng chiều hay chưa, đúng loại chăn với phòng đó không?

– Lồng bao gối mới. Sau đó xếp gối ngăn ngắn đầu giường  Lưu ý: cũng giống như khi lồng bao chăn, cần kiểm tra ruột gối có vết dơ không, loại tương ứng với phòng và nhớ tạo độ phồng cho gối.

– Kiểm tra và trải tấm trang trí.

– Vuốt lại, điều chỉnh bao chăn cho phẳng.

3. Dọn vệ sinh phòng tắm

– Giật nước và cho trực tiếp hóa chất vào bồn vệ sinh, để ngâm khoảng 3 phút rồi làm sạch.

– Cọ rửa bồn rửa tay, bồn tắm, kính bằng bàn chải. Chú ý các vị trí kín, khó vệ sinh như xung quanh chân vòi nước, kẽ tường…

–  Lau, rửa bệ vệ sinh

– Xả nước theo trình tự bồn rửa tay, phòng tắm đứng, bồn tắm

– Lau khô gương và các thiết bị trong phòng. Đặt cốc, tách về đúng vị trí sạch trong phòng

– Xếp khăn và các đồ dùng cá nhân ngay ngắn

– Thêm các đồ dùng Amenities, các loại khăn

– Lau sàn nhà tắm sạch sẽ, khô ráo trước khi rời khỏi.

4. Làm sạch phòng ngủ

– Thu dọn các khay thức ăn Room Service, gom đồ khách yêu cầu giặt ủi rồi báo tới các bộ phận có liên quan

– Dọn các loại rác, vỏ chai…

– Lau chùi bụi ở tất cả các cánh cửa (cửa ra vào, cửa sổ, khung cửa)

– Dùng hoá chất lau kính trong phòng

– Phủi, lau, đánh bóng các đồ gỗ, trang trí trong phòng với hoá chất tương ứng phù hợp

– Kiểm tra các thiết bị điện. Báo sửa chữa nếu có hư hỏng, ghi nhận vào báo cáo

– Kiểm tra vệ sinh các vật dụng trong phòng như ly, tách, tủ lạnh

– Ghi nhận các vật phẩm trong quầy minibar khách đã sử dụng và bổ sung đầy đủ

– Hút bụi sàn nhà, dưới gầm bàn, ghế, tủ và đặc biệt các góc phòng

– Bổ sung các vật phẩm Amenities cần thiết cho khách sử dụng hàng ngày (nước suối, trà, cafe, dép đi trong phòng)

5. Kiểm tra trước khi rời phòng

– Kiểm tra lại giường ngủ, nhà tắm và các khu vực đã lau dọn

– Kiểm tra lại các thiết bị điện lần cuối

– Kiểm tra các vật dụng amenities trong nhà tắm, trong phòng ngủ đã bổ sung đầy đủ chưa?

– Ghi nhận vào báo cáo

– Rút chìa khoá từ ra khỏi ổ cắm

– Đóng cửa cẩn thận và kiểm tra xem cửa đã khoá chưa.

Bài đăng phổ biến