Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

9 lý do để yêu và nhớ Đà Lạt

Đà Lạt tuy không đẹp bằng Australia, Jeju (Hàn Quốc)... nhưng mang một nét bình yên riêng khiến du khách thương nhớ.

1. Ngồi cà phê ngắm Hồ Xuân Hương


Đến Đà Lạt thì chắc chắn phải uống cà phê Thanh Thuỷ như là một thói quen. Quán cà phê màu tím này có vị trí thật là đẹp, gọi ly nước, bày máy tính ra, chỉnh hình, xem ảnh, viết nghuệch ngoạc những dự định là việc làm yêu thích của nhiều người mỗi lần đến đây. Ngồi đây thì chẳng cần có nhu cầu nói chuyện với ai, chỉ chơi một mình thôi cũng đủ muốn ngồi hàng giờ mà không chán.

2. Chạy xe máy dọc hồ Tuyền Lâm



Hồ này rộng lớn lắm, cứ xách xe chạy một vòng lớn, nhất định sẽ có nhiều khúc quanh đẹp để dừng lại chụp ảnh. Buổi sáng sớm thì sương bay là đà quanh hồ, buổi trưa nắng vàng rực rỡ, buổi chiều hoàng hôn đỏ một góc hồ. Lái xe giữa thiên nhiên thế này sao không yêu đời được. Sâu trong Hồ Tuyền Lâm cũng đang mới có rất nhiều dự án xây dựng resort cao cấp.

3. Thành phố sương


Phải chịu siêng năng vì buổi sáng Đà Lạt lạnh lắm, nhưng bước ra ngoài thấy toàn thành phố sương mờ mờ, sướng lắm. Cả những cánh rừng cũng đầy sương.

4. Món ngon Đà Lạt


Đừng nghĩ thành phố bé xíu thì không có đồ ăn ngon nhé. Đà Lạt tập trung người dân từ nhiều vùng miền nên món ăn ở đây cũng đa dạng và phong phú vô cùng. Có rất nhiều món đặc sản chỉ có thể tìm thấy ở đây. Một chút đậm đà cộng một chút se lạnh, sao mà thức ăn không ngon cho được.


Để liệt kê những món không thể bỏ qua thì phải nhắc đến nem nướng, ốc nhồi thịt, ếch rang sả, mì Quảng, bánh tráng nướng...

5. Kiến trúc Pháp và các thể loại nhà thờ


Đà Lạt đặc biệt hơn so với những vùng cao nguyên khác là nhờ có nhiều kiến trúc thời Pháp rải rác quanh thành phố. Xen kẽ là những căn biệt thự xinh xắn mới có cũ có, nhưng vẫn rất hoà hợp với thiên nhiên nơi đây. Quanh Đà Lạt có vô số Nhà thờ, nhà thờ Domain, Con Gà thì chắc là ai cũng biết, nhưng nhiều người thích nhất lại là nhà thờ của người dân tộc sống gần khu vực Langbian.

6. Hoa và những con đường dốc


Đà Lạt còn được goị là thành phố hoa mà, không chỉ trồng hoa để cung cấp hoa cho cả Sài Gòn và các vùng khác, Đà Lạt còn rất duyên dáng vào những mùa hoa bang nở khắp con đuờng. Mùa xuân có hoa anh đào, mùa hè có hoa phượng tím.

7. Người Đà Lạt


Chẳng đi đâu mình thấy dễ chiụ như tiếp xúc ngưòi địa phương bằng Đà Lạt, người dân đa phần là hiền hoà và dễ mến. Đàn ông thường có cái từ tốn, thanh lịch. Phụ nữ thì trắng hồng hay cười và con nít thì đáng yêu.

8. Nhiều nơi chụp lưu niệm đẹp lung linh


Ga Đà Lạt – đừng bỏ qua tour đi Trại Mát trên xe tàu lửa bằng gỗ nha, rất là thú vị đấy.

Đâu đâu quanh Đà Lạt cũng có phong cảnh đẹp để chụp ảnh lưu niệm, rất nhiều góc độc mà bạn có thể tha hồ sáng tác cả ảnh nghệ thuật. Còn tìm địa điểm chụp ảnh cưới thì đẹp mê ly luôn.



Nhà Tây đổ nát – chỗ này đặc biệt lắm, nhưng leo trèo nguy hiểm và mình không khuyến khích các bạn đến đây chụp vì không biết nó sập khi nào.

9. Audiophile Cafe


Đà Lạt có kha khá quán cà phê xinh với nhiều phong cách. Nơi cảm thấy ấm cúng và nghe nhạc sướng nhất là Audiophile Cafe. Ông chủ là người có sở tích sưu tầm các thể loại ampli, loa. Đến quán này thì đừng nói chuyện to tiếng nhe, ông chủ mở nhạc nhỏ lắm, nhưng âm thanh rất hay, tiếng rền, tiếng nhạc, tiếng ca tách lớp rất rõ ràng và cực kỳ trong trẻo. Quán thiết kế ấm áp, đơn giản và rất thanh lịch. Ông chủ thay phiên cho nghe đủ dạng đĩa, đĩa CD, đĩa than, đĩa manhê, lần đầu tiên mình biết đến ampli đèn cũng từ quán cà phê này. Đây cũng là nơi không thể không tới khi đến Đà Lạt

Bài và ảnh: Zee Mai

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Lời nguyền 'ma quái' nghìn năm ở Tokyo

Nhật Bản không chỉ thu hút du khách bởi những phong tục truyền thống độc đáo, cảnh vật hữu tình, lễ hội kỳ lạ mà còn bởi những lời nguyền ma quái được truyền lại theo thời gian.


Thủ đô nước Nhật được biết đến như một thiên đường mua sắm cho những du khách nghiện shopping, là mảnh đất hứa cho người luôn khao khát khám phá cái đẹp. Tuy nhiên, để có được một Tokyo giàu sang vào bậc nhất, nơi đây đã trải qua bao sóng gió song hành cùng mỗi thời kỳ lịch sử.

Ngôi mộ của Masakado nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng. Ảnh: CNN.

Nhiều người Nhật tin rằng do máu đã đổ khá nhiều ở khu vực này nên ngày nay vẫn còn những linh hồn giận dữ lang thang trên các con phố Tokyo náo nhiệt. Nếu có dịp trò chuyện với dân bản địa, du khách sẽ được họ hào hứng kể cho nghe về Taira no Masakado - một trong những hồn ma nổi tiếng nhất trong tín ngưỡng của người Nhật với lời nguyền tàn độc: bất kỳ ai mạo phạm nơi yên nghỉ của mình sẽ đều bị trừng phạt.

Là một trong những samurai đầu tiên của Nhật Bản, Taira no Masakado (903-940) sớm có tiếng tăm vang dội khi còn trẻ. Ông chống đối lại sự cai trị của triều đình ở Kyoto và tự xưng hùng xưng bá ở vùng Kanto (nơi có thủ đô Tokyo ngày nay). Không những thế, Masakado còn tự phong cho chính mình là "hoàng đế của nước Nhật". Để trừng trị kẻ nổi loạn, Nhật hoàng đã treo giải thưởng hậu hĩnh cho ai lấy được cái đầu của chàng samurai trẻ.


Hai tháng sau đó, Masakado đã tử nạn vì một mũi tên bắn trúng trán trong một trận đấu quyết liệt tại khu vực mà bây giờ là tỉnh Saitama. Thủ cấp của ông được đưa tới Kyoto và treo lên nhằm thị uy dân chúng.

Tương truyền, cảnh tượng bêu đầu cho dân chúng xem kinh hoàng đó diễn ra không lâu. Quá tức giận vì bị tách rời khỏi cơ thể, chiếc đầu của Masakado tự động trở về đất mẹ Kanto. Nó điên cuồng tìm kiếm thi thể của mình nhưng vô ích. Cuối cùng, chiếc đầu đã rơi xuống. Dân làng kinh hãi trước sự việc này nên đã chôn thủ cấp và dựng lên trên ngôi mộ một hòn đá tưởng nhớ, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của vị samurai dữ tợn.

1.000 năm sau đó, ngôi làng đánh cá nhỏ bé nơi có ngôi mộ chôn chiếc đầu của Masakado phát triển thành thủ đô Tokyo sầm uất. Các tòa nhà chọc trời hiện đại đã mọc lên quanh ngôi mộ cũ. Dù thời gian có trôi qua, danh tiếng của Masakado vẫn không bị mai một. Chính phủ đã rất cố gắng để di chuyển ngôi mộ sang một vị trí khác nhằm quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại bởi một lời nguyền ở ngôi mộ ngàn năm tuổi này.

Tokyo ngày nay đã trở thành một trong những thành phố giàu có bậc nhất thế giới. Ảnh: Panoramio.

Vào năm 1923, trận động đất kinh hoàng diễn ra ở Kanto đã hủy hoại phần lớn thành phố. Bộ Tài chính nắm bắt cơ hội này đổ đất lấp chiếc ao nơi người dân từng dùng để "tắm rửa" cho chiếc thủ cấp, dựng lên một tòa nhà văn phòng thay thế. Trong vòng 2 năm, các quan chức cấp cao lẫn nhân viên trong bộ đều gặp tai nạn, bệnh tật và một số bất hạnh khác. Các nhân viên đều bị thương một cách khó lý giải.


Sau đó, người ta đã phải xây dựng lại lăng mộ đàng hoàng và tổ chức nghi lễ Shinto (nghi lễ trong Thần đạo để cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại các nơi linh thiêng) nhằm xoa dịu cơn giận giữ của linh hồn. Nghi lễ này diễn ra hàng năm cho đến khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ hai.

Tại Kyoto, Masakado bị coi là kẻ làm phản, nhưng người dân ở Edo (Tokyo ngày nay) lại coi ông như một anh hùng. Ảnh: Pinktentacle.

Câu chuyện về lời nguyền "mạo phạm là chết" tại ngôi mộ của vị lãnh chúa tạo phản một thời vẫn chưa dừng lại đó. Khi quân Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, họ đã cố gắng san bằng nơi đây để xây dựng khu để xe quân sự. Trong quá trình xây dựng, một chiếc xe ủi đất bất ngờ bị lật, giết chết người lái. Sau đó là một chuỗi các tai nạn thương tâm khác xảy ra. Người dân và chính quyền Nhật đã thuyết phục người Mỹ hủy dự án, và nhờ đó yên bình mới quay trở lại nơi đây.

Khác với các quốc gia khác, phần lớn dân bản địa đều hứng thú với các câu chuyện ma quái. Không chỉ riêng ngôi mộ này, các điểm đến khác trong thành phố cũng được người dân tin tưởng có những hiện tượng siêu nhiên tồn tại. Tuy nhiên, nhiều du khách cho rằng những câu chuyện kể phía trên chỉ là một lời đồn, một truyền thuyết được hư cấu, nhằm tăng thêm phần huyền bí và hấp dẫn cho Tokyo.


Đường đến mộ Masakado: Nhà ga gần nhất là Otemachi (Tokyo Metro), đi theo lối ra C5 và đi thẳng về phía tòa nhà Mitsui Bussan. Ngôi đền ở ngay cạnh đó. Địa chỉ gần ngôi mộ nhất là: 1-2-1Otemachi, Chiyoda-ku.

Một số điểm đến tham quan nổi bật ở Tokyo: tháp sky tree - nơi bạn có thể ngắm nhìn toàn thành phố từ trên cao, cung điện hoàng gia, tòa nhà chính phủ, đền Asakusa, Shibuya, công viên Ueno, Disneyland, phố Ginza- nổi tiếng khắp thế giới với phong cách thời trang đường phố Harajuku...


VnExpress

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Mẹo hay giúp xếp hành lí cực gọn dù mang nhiều đồ

Trước mỗi chuyến du lịch, khâu đóng gói hành lý luôn là vấn đề khiến không ít người đau đầu vì có quá nhiều thứ muốn mang theo mà diện tích vali, túi xách hay balo lại có giới hạn.


Tuy nhiên, dưới sự gợi ý sau đây, khâu đóng đồ vào vali sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết!


Nguồn: Aiesechcmc

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Các chợ nhân sâm, nấm linh chi lớn ở Hàn Quốc

Nhân sâm, nấm linh chi và các loại thuốc bổ của Hàn Quốc là những mặt hàng được người Việt ưa chuộng và mua về làm quà tặng cho gia đình.

Hiện nay sâm, nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán rất nhiều trong các khu chợ ở Hàn Quốc với giá rẻ. Nếu không biết tiếng Hàn thì có thể sẽ mua phải những loại sâm, nấm này. Bạn có thể tự đi đến các chợ bán đồ, nhưng tốt nhất nên tham khảo hướng dẫn viên du lịch hoặc người có kinh nghiệm về các sản phẩm này. 


Dưới đây là những khu chợ lớn chuyên bán các mặt hàng nhân sâm và nấm linh chi nổi tiếng ở Hàn Quốc:

1. Chợ Namdaemun ở Seoul

Chợ Namdaemun nổi tiếng là chợ truyền thống lớn nhất ở Hàn Quốc. Nhân sâm, linh chi và rất nhiều loại thảo dược cũng được bán với số lượng vô cùng lớn ở khu chợ truyền thống giữa lòng thủ đô này.

Hãy cẩn thận, đừng ham đồ giá rẻ kẻo bị mua nhầm phải các sản phẩm của Trung Quốc.

Nấm linh chi nguyên cây được đóng gói, nhãn mác chuẩn.

2. Chợ Gyeongdong ở Seoul

Chợ Gyeongdong cũng là một trong những khu chợ lớn nhất ở Seoul. Nhưng khác với chợ Namdaemun với đa dạng các loại sản phẩm thì chợ Gyeongdong chỉ chuyên về thực phẩm (thịt tươi và rau quả tươi) và thảo dược.


Ngay lối vào của chợ có rất nhiều cửa hàng bán nhân sâm và nấm linh chi. Nhiều cửa hàng thậm chí còn thuê người Việt Nam đứng bán ở đây do có quá nhiều khách du lịch Việt Nam tìm mua nhân sâm và nấm linh chi.

3. Chợ sâm Bujeon ở Busan

Giống như chợ Gyeongdong ở Seoul. Chợ Bujeon chỉ chuyên bán các sản phẩm về sâm, nấm và thảo dược. Đây là chợ nhân sâm lớn nhất ở thành phố Busan.

Khác ở Việt Nam, nhân sâm Hàn Quốc được bày bán trên những chiếc rổ hết sức bình dân.

4. Trung tâm Nhân sâm Ganghwa ở Incheon

Đảo Ganghwa chuyên trồng nhân sâm. Trung tâm nhân sâm Gwanghwa được dựng lên chỉ để trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm trên đảo. Vì thế, có thể nói đây là một trong những khu bày bán sản phẩm nhân sâm chính hiệu Hàn Quốc. Đường đến đây khá xa xôi, nhưng cũng bõ công để bạn tìm đến đây.

5. Chợ sâm quốc tế Geumsan ở Chungnam

Geumsan tự hào là quê hương của Lễ hội nhân sâm Geumsan, đây là một trong những nơi trồng nhân sâm có chất lượng tốt nhất Hàn Quốc. Không chỉ là nơi trồng sâm, Geumsan còn có một khu chợ quốc tế với quy mô lớn để bày bán các sản phẩm chế biến từ nhân sâm.

Theo Thông tin Hàn Quốc

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Hướng dẫn chi tiết hành trình du lịch Lệ Giang

Lệ Giang được mệnh danh là Venice châu Á với những góc phố cổ kính xen lẫn những con kênh nhỏ uốn lượn. Mỗi góc phố, ngôi nhà đều là những góc nhỏ êm đềm. 

Lệ Giang là thành phố cổ nằm ở phía tây bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dưới chân núi Ngọc Long cao gần 5.600 m quanh năm tuyết phủ. Đô thị cổ Lệ Giang là một trong những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. 

Lệ Giang là một cổ trấn đã được UNESCO xếp hạng. Ảnh: China Travel

Thời gian

Lệ Giang đẹp nhất vào mùa thu, khi lá đổi sang màu vàng và nước trong hồ có màu xanh, tuyết thì trắng quanh năm trên đỉnh Ngọc Long. Dịp Tết Âm lịch cũng là thời điểm cảnh sắc rất đẹp khi đất trời cây cỏ chuyển mùa, đẹp nhất khi ngắm hoa đào, hoa cúc trong không khí mùa xuân tràn ngập khắp nơi. Thời gian đi Lệ Giang bằng đường bộ mất khoảng từ 8 đến 10 ngày, kèm với Đại Lý và Sangrila.

Visa Trung Quốc

Không có gì khó khăn, bạn có thể liên hệ các công ty du lịch làm visa với giá khoảng 65 USD, sau đó 4 ngày sẽ có visa, làm nhanh thì thêm một chút lệ phí. Với các bạn ở phía Nam thì việc xin visa Trung Quốc sẽ khó hơn, bạn nên nhờ các công ty du lịch để mọi việc được suôn sẻ.

Hướng dẫn đến Lệ Giang

Lệ Giang nằm ở tây bắc tỉnh Vân Nam, trên đường tới Lệ Giang có vô số cảnh đẹp khác mà bạn không thể bỏ qua, các bạn sẽ phải dành khá nhiều thời gian cho một chuyến đi Lệ Giang. Sẽ có 2 con đường chính dẫn tới Lệ Giang và bạn sẽ lựa chọn theo cách đi phù hợp với thời gian cũng như kinh phí của bạn:

- Đi theo đường Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Sangrila và trở về theo đường cũ. Phương án này dành cho các bạn đi theo đường bộ, tối giản chi phí bay, có thể tham quan thêm 2 địa danh nổi tiếng khác là Đại Lý và Sangrila. Nhược điểm là khá tốn thời gian cho việc di chuyển bằng đường bộ.

- Bay từ Hà Nội hoặc TP HCM và quá cảnh qua một điểm khác để tới Thành Đô - Phan Chí Hòa - Lệ Giang, đi theo đường Đại Lý Côn Minh về lại Việt Nam hoặc trở lại Thành Đô bay về. Phương án này dành cho các bạn ít thời gian nhưng dư giả tiền bạc, hoặc các bạn có phương án kết hợp đi Thành Đô và Cửu Trại Câu.

Hành trình 1 đi theo đường Lào Cai - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang

- Đêm ngày 1: Từ Hà Nội bạn lên Lào Cai bằng xe bus giường nằm (khoảng 300-350.000 đồng/người) hoặc đi tàu hỏa giường nằm cho thoải mái (khoảng 800.000 đồng).

- Ngày 2: Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (450 km), Côn Minh - Đại Lý (320 km).

Tới Lào Cai khoảng 5h30 - 6h sáng, bạn sẽ có thời gian ăn sáng và nghỉ ngơi. Hoàn tất thủ tục nhập cảnh và di chuyển tới bến xe Hà Khẩu. Giờ Trung Quốc lệch một tiếng (nhanh hơn) với Việt Nam, bạn nên điều chỉnh thời gian cho chuẩn. Xe đi Côn Minh khởi hành lúc 10h40 giá tham khảo: 137 tệ/người.

Tới Côn Minh khoảng 19h, bắt tiếp taxi sang bến xe phía Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45, giá tham khảo (100 tệ/người). Hoặc bạn cũng có thể mua vé tàu, giá vé nằm cứng khoảng 17 USD. 

- Ngày 3: nếu đi xe khách thì tới Đại Lý lúc đêm, bạn có thể đặt phòng trước để tới đó có thể đỡ phải bỡ ngỡ đi tìm phòng lúc đêm. Một số gợi ý về phòng ở Đại Lý có ở phía dưới bài viết. Nếu đi tàu giường nằm thì đỡ một đêm nhà nghỉ.

Đại Lý cũng là một điểm tham quan đẹp, bạn có thể dành 1 hoặc 2 ngày ở đây.

Nếu bạn không qua Đại Lý thì có thể mua vé tàu từ Côn Minh đi Lệ Giang, giá vé ngồi mềm khoảng 90 tệ, còn giường cứng khoảng 151 tệ.

- Ngày 4: Đại Lý - Lệ Giang (190 km)

Cách đọc vé tàu Trung Quốc. 

Nếu các bạn đi nhóm đông có thể thuê xe riêng đi với chi phí khá rẻ. Nếu đi lẻ có thể đi bus hoặc tàu. Thông tin về tàu và đặt vé bạn có thể tham khảo tại http://www.travelchinaguide.com/china-trains

Hành trình 2 bay từ Hà Nội, Sài Gòn hoặc quá cảnh giá vé rẻ tới Thành Đô (Chengdu) – Phàn Chi Hòa – Lệ Giang

Bạn bay tới Thành Đô, tiếp đó thăm Tứ Xuyên hoặc Vân Nam (nơi có Lệ Giang). Từ đây bạn có thể đi tàu tới Phàn Chi Hòa (Panzihua) khoảng 15 tiếng, xe bus từ Panzihua đi Lệ Giang khoảng 7 tiếng.

Vé tàu ở Trung Quốc chủ yếu mua trực tiếp từ ga hoặc thông qua các đại lý du lịch trong nước. Vé tuy nhiều nhưng nên mua trước từ 3 đến 5 ngày khởi hành vì số lượng người Trung Quốc đi tàu rất lớn, một phần do yếu tố địa lý. Với họ, đi tàu 10-12 tiếng, vượt khoảng cách 800-1.000 km có thể xem là gần. Với khách du lịch nếu không có điều kiện mua vé trực tiếp thì nên nhờ khách sạn ở Trung Quốc đặt vé cho rồi nhận vé sau khi đã đến nơi.

Thành Đô có 2 ga lớn là ga phía Bắc (North Train Station) và ga phía Nam (South Train Station), trong đó ga phía Bắc luôn là điểm khởi hành của các chuyến tàu, các thông tin trên mạng nếu không ghi chú cụ thể thì mặc định là ga phía Bắc. Các thông tin biển hiệu đều là tiếng Trung, nhưng số hiệu tàu - giờ khởi hành - sân ga hiển thị số nên vẫn có thể tìm được đúng tàu cần đi. Trước khi vào ga, hành khách phải đưa hành lý qua băng kiểm tra như ở sân bay. Nguyên tắc số 1 là giữ chặt vé, ví, tư trang, chen lấn nhiệt tình và không đi theo đám đông nào cả vì tất cả mọi người đi về tất cả mọi hướng.


Để có thể đi đến Lệ Giang, bạn phải bắt xe từ nhà ga đến bến xe trung tâm. Cung đường Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là một trong các cung đường chính nên việc mua vé khá dễ dàng.

Giá vé Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là 80 tệ/người (khoảng 12 USD), quãng đường 300 km, thời gian ghi trên vé: 9:00 - 13:00, thời gian thực tế: 8 tiếng, đến Lệ Giang khoảng 5h chiều. Xe thường dừng 2-3 lần để ăn trưa và cho hành khách thư giãn.

Những điểm đến ở Lệ Giang 

Toàn bộ thành phố Lệ Giang thực ra rất rộng lớn, bao gồm khu đô thị mới (New Town), Đại Nghiên (Dayan) cổ trấn, Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn và Bạch Sa (Baisha) cổ trấn. Thành cổ Lệ Giang (hay Lệ Giang cổ trấn hoặc đô thị cổ Lệ Giang) mà vẫn hay được nhắc đến chính là Đại Nghiên cổ trấn.

Đại Nghiên có nghĩa là nghiên mực lớn, có thể xem đây là cách ví von thi vị nhưng rất chính xác của người xưa bởi nơi này giống như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có một không hai của Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Còn chữ Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Sông Ngọc Hà (Jade Water) mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, nối nhau bằng 354 chiếc cầu đá; cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo trong con mắt khách du lịch.

Lệ Giang được xây vào thời Tống - Nguyên, đến nay đã hơn 800 năm tuổi, cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như vẹn nguyên so với ban đầu làm cho giá trị lịch sử và văn hóa của Lệ Giang càng rõ nét hơn.

Nhìn vào bản đồ phía trên bạn có thể hình dung ra những điểm tham quan ở Lệ Giang:

- Đi bộ trong phố cổ, hướng đến chợ trung tâm (Square Market), rồi đi ra quảng trường trung tâm (People’s Square) ở tâm bản đồ.

- Nếu đi tiếp lên hướng bắc là công viên Hắc Long (Black Dragon Park): bên trong là hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool) và Ngũ Phụng Lầu (Five Phoenix Hall).

- Phía tây nam bản đồ là Mộc Phủ (Mu Fu, hay Mu Family Maison): đây là nơi ở của thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Lệ Giang, giờ đã thành viện bảo tàng nổi tiếng nhất ở Lệ Giang.

- Sau lưng Mộc Phủ là Công viên Đồi Sư Tử (Lion Hill Park): trên đỉnh của nó Vạn Cổ Lầu (Wanggu Lou, hay Looking at the Past Pavilion), là nơi cao nhất ở Lệ Giang cung cấp cái nhìn bao quát toàn cảnh về cổ trấn cũng như khu đô thị mới.

- Đi xa khỏi Lệ Giang khoảng 14 km là làng Bạch Sa (Baisha village), chính là Bạch Sa cổ trấn ngày xưa, giờ là một ngôi làng cổ nhỏ và yên tĩnh hơn Lệ Giang. Khách du lịch thường hay thuê xe đạp để đi giữa Lệ Giang và Bạch Sa.

- Cách Lệ Giang 30 km là núi Ngọc Long Tuyết Sơn (Yulongxue Shan, hay Jade Dragon Snow Mountain) cũng là điểm đến thường xuyên của mọi du khách.

Lịch trình thăm quan Lệ Giang

Ngày đầu tham quan Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long và xem màn trình diễn ấn tượng Lệ Giang (Impression Lijiang) ở chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn.

Ngày thứ hai là đi thăm làng Bạch Sa rồi trở lại thăm Mộc Phủ của Lệ Giang và leo đồi Sư Tử.

Chú ý: mỗi du khách thường phải mua vé bảo tồn phố cổ (Old Town Preservation fee) giá 80 tệ/người. Vé này không bắt buộc, nhưng nếu muốn tham quan một số nơi sẽ bị hỏi vé. Vé có thể mua ở các quầy thông tin du lịch (Tourism Information board) trong cổ trấn.


Núi Ngọc Long nói chính xác là một quần thể núi lớn mà nổi bật nhất là đỉnh Ngọc Long. Phí vào cửa là 80 tệ/người. Từ trạm thu phí, bạn đi sâu vào thêm 14 km là tới điểm dừng đầu tiên nơi tổ chức trình diễn “ấn tượng Lệ Giang” do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng.

Điểm dừng thứ hai gọi là Hải Bằng (Dry Sea Meadow), du khách có thể đi cáp treo (giá 170 tệ) lên độ cao 4.400m vốn là vùng hồ cạn hơn 2 thế kỷ.

Điểm dừng thứ ba trên lộ trình xe là Vân Bằng (Cloud Fir Meadow). Tại đây bạn có thể đi cáp treo với giá 160 tệ để tới độ cao 3.300m rồi từ đó trèo lên tiếp để ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn xung quanh. Điểm dừng cuối cùng và xa nhất là Mao Ngưu Bằng (Yak Meadow) ở độ cao 3.500m. Thông thường các bạn chỉ cần xem show Ấn tượng Lệ Giang và tới độ cao 4.400m là cũng đã thích lắm rồi.

Chỉ dẫn và lưu ý khi đi Ngọc Long:

Ngọc Long Tuyết Sơn, điểm đến của hầu hết khách du lịch khi tới Lệ Giang. Ảnh: Yunnan Adventure. 

Núi này nằm cách Lệ Giang 35 km, có thể đi xe buýt số 7 ở gần tượng đài Mao Trạch Đông trong khu phố mới (10 tệ/người) hoặc thuê xe taxi hay xe tải nhỏ của người địa phương để đến núi (20 tệ - 40 tệ).

Khi đi nhớ chuẩn bị áo ấm, bình oxy mua sẵn hoặc mua tại núi (đắt hơn) để đề phòng thiếu dưỡng khí khi thay đổi độ cao. Nên mua 1 bình dùng cho 2 hoặc 3 người, giá khoảng 200 tệ/bình. Mua nhiều dùng không hết. Nếu bạn không muốn phải chờ lâu ở bến xe bus lên cáp treo, bạn nên có mặt ở đó từ 8h.

Để quay lại Lệ Giang, du khách có thể đi taxi từ chân núi hoặc đi xe buýt 7, nên lưu ý là taxi sẽ hết rất nhanh còn xe buýt thì không phải lúc nào cũng có! Ngoài ra có thể đi bộ ra đường lớn rồi vẫy bất kỳ xe nào chạy về hướng cổ trấn, một cách khá phiêu lưu nhưng cũng đáng để thử.

Làng Bạch Sa (Baisha village)

Vị trí khoảng 12 km hướng Bắc Lệ Giang, có thể thuê xe đạp (10-15 tệ/xe/ngày) hoặc thuê taxi đi. Làng Bạch Sa chính là Bạch Sa cổ trấn xưa, vốn là kinh đô cũ của vương quốc Nạp Tây (Naxi kingdom) trước đây khi người Nạp mới di cư đến vùng này, theo thời gian đã mai một đi nhiều. Nếu ai đó muốn tạm lánh khỏi không khí ồn ã của Lệ Giang thì có thể đi làng Bạch Sa, tìm hiểu thêm về cuộc sống thường nhật của người bản xứ trước khi nó bị thương mại hoá. Giá vé tham quan Làng Bạch Sa là 30 tệ/người.

Shangri-la (Zhongdian, hay Trung Điện)

Cái tên Shangri-la có thể gây tò mò lớn cho bất cứ khách du lịch nào bởi nó gắn liền với một thế giới tâm linh xa xôi được hư cấu qua vô số tiểu thuyết giả tưởng về đất Phật huyền bí… thực ra Shangri-la ở Vân Nam có tên cũ là Zhongdian (Trung Điện), vốn là một ngôi làng nhỏ nằm cách Lệ Giang 5 tiếng chạy xe về phía bắc. Người Trung Quốc nắm bắt được tâm lý của du khách nên vào năm 1997 đã đổi tên Trung Điện thành Shangri-la và đó là một chiến thuật thông minh. Shangri-la giờ đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách phương xa đi Vân Nam.

Hổ Khiêu Hiệp (Tiger Leaping Gorge)

Hẻm núi hổ nhảy nằm cách Lệ Giang 60km về phía Bắc, được coi là hẻm núi hiểm trở nhất thế giới thu hút những ai ưa mạo hiểm, nơi đây vách núi dựng đứng, trên đầu trời xanh như ngọc, dưới chân là vực sâu hun hút, nước xoáy tung bọt trắng xóa. Từ hẻm núi này cũng có thể ngắm khúc quanh đầu tiên của Dương Tử Giang vào Trung thổ, để chinh phục Hổ Khiêu Hiệp bạn sẽ cần ít nhất 2 ngày.

Mộc Phủ (Mu Fu)

Mu Fu đã có lịch sử gần 500 năm tuổi, trước kia là vương phủ của Mộc thế tộc ở Lệ Giang được nhà Minh ban cho tên hiệu - chính là Mộc Anh (cha của Mộc Thạch sau này đem quân xâm lược Đại Việt…)

Mu Fu nằm ở phía Nam trên bản đồ cổ trấn, từ quảng trường trung tâm đi mất khoảng 15 phút, quanh co vòng vèo men theo con suối nhỏ, du khách sẽ đến được Mu Fu, vé vào cửa là 45 tệ/người.


Mu Fu dài cả thảy gần 400m có cấu trúc chữ Quốc (国) cực kỳ chặt chẽ, đi từ trước ra sau chia làm 5 khu ngay ngắn: tiền điện, chính điện, hậu điện, nhà hội đồng, nhà thờ tổ; đồng thời hai bên là hai dãy hành lang nối dài chạy xuyên suốt toàn phủ. Cấu trúc này còn được gọi Nội công Ngoại quốc, tức là bên trong thì giống chữ Công (工) còn tổng thể bao ngoài thì giống chữ Quốc (国); là kiểu kiến trúc dễ gặp ở chùa Thầy (Hà Tây) hay chùa Mía – Sùng Lâm Tự (Đường Lâm). Mỗi gian điện đều nguy nga rộng lớn, xây theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái, riêng chính điện 12 mái; các mái đều như đầu đao uốn cong không cách điệu, vươn cao sắc nhọn, chạm trổ màu sắc theo phong cách cao nguyên bắt mắt. Cả Mu Fu toát lên một vẻ bề thế uy nghi, chẳng thế mà người ta gọi nơi đây là Tử Cấm Thành của Vân Nam.

Công viên đồi Sư Tử (Lion Hill Park)

Mộc Phủ được xây theo hướng Đông, lưng dựa vào Đồi Sư Tử, nắng chỉ dột vào trưa còn về chiều râm mát. Từ phía sau Mu Fu có đường lên công viên, giá vé vào công viên là 15 tệ/người, du khách sẽ được ngắm Vạn Cổ Lầu (Wang gu Lou), đây cũng là nơi cao nhất ở Lệ Giang cho phép người ta nhìn toàn cảnh thị trấn.

Đường lên Vạn Cổ Lầu cao và khá mệt, nhất là sau khi đã đi hết một vòng Mu Fu, nhưng lên đến đỉnh đồi thì quả là bõ công, ngước mắt ngắm lầu mà lòng rung động. Vạn Cổ Lầu có cấu trúc bảo tháp, cao hơn chục trượng, đỏ rực trong nắng chiều, lầu chia làm 5 tầng, cửa mở tứ phương, mỗi cửa vào đều có thạch sư trấn hai bên.

Theo Timeout Vietnam

Bài đăng phổ biến