Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Đắm say thiên đường hạ giới Raja Ampat

Với cảnh quan tự nhiên lộng lẫy vẫn còn nguyên nét hoang sơ, quần đảo Raja Ampat (Indonesia) ở khu vực Tam giác san hô được xem là một trong những nơi có hình ảnh thiên nhiên siêu thực ở châu Á.


Một góc Raja Ampat - Ảnh: shutupandtakemethere

Raja Ampat còn có nghĩa là "bốn vì vua", nằm sát ven biển New Guinea về phía tây bắc. Quần đảo có nền đa dạng sinh biển lớn nhất thế giới này hiện là công viên quốc gia của Indonesia.

Có khoảng 1.500 hòn đảo với nhiều núi non trên đảo, trong đó lớn nhất là các đảo Waigeo, Batanta, Salawati và Misool. Và trong số này có chưa đến 40 đảo là có người ở và in dấu chân du khách.

Các hòn đảo nhỏ với thảm thực vật xanh tươi và dưới nước là những sinh vật biển kỳ lạ cùng những rạn san hô muôn màu muôn vẻ đã tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời cho Raja Ampat.

Thiên nhiên ở Raja Ampat được bảo tồn rất tốt nên đến nay vẫn còn hoang sơ và không gian yên tĩnh, trong lành. Vì vậy, mặc dù khó tiếp cận do các đảo nằm khá xa đất liền nhưng số du khách thế giới tìm đến "thiên đường hạ giới" Raja Ampat đang tăng mạnh mỗi năm.

Với người thích lặn biển, Raja Ampat được xem là nơi phải đến trong đời, bởi 70% rạn san hô trên thế giới tập trung tại đây. Du khách còn dễ dàng chiêm ngưỡng cá voi, cá heo, rùa biển hàng loạt loài cá có hình dáng và màu sắc cực kỳ ấn tượng.

Theo giới nghiên cứu, Raja Ampat có ít nhất 1.400 loài cá nhiệt đới, hơn 700 loài động vật thân mềm, 57 loài tôm bọ ngựa, 13 loài động vật biển có vú, 600 loài san hô cứng...

Bức tranh thiên nhiên ở Raja Ampat còn được chấm phá bằng hình ảnh những đầm phá xanh biếc, rừng ngập mặn và rừng nguyên sinh.

Do ít người ở và tình trạng du lịch đại chúng chưa mở rộng, nên Raja Ampat luôn mang lại cho du khách cảm giác họ là những người đầu tiên khám phá thiên đường này.

Sau khi chiêm ngững những báu vật của đại dương, du khách có thể dạo xuồng khám phá hệ động thực vật trên cạn hay gặp gỡ người dân Papua và tìm hiểu nền văn hóa độc đáo của họ...

Sau khi chiêm ngững những báu vật của đại dương, du khách có thể dạo xuồng khám phá hệ động thực vật trên cạn hay gặp gỡ người dân Papua và tìm hiểu nền văn hóa độc đáo của họ...


Thiên đường hạ giới Raja Ampat - Ảnh: milliwall


Thiên nhiên kỳ ảo ở Raja Ampat - Ảnh: shutupandtakemethere


Chèo thuyền khám phá các đảo ở Raja Ampat - Ảnh: wordpress


Không gian xanh biếc ở Raja Ampat - Ảnh: wordpress


Sinh vật biển ở đảo Raja Ampat - Ảnh: wordpress


San hô lộng lẫy ở đảo Raja Ampat - Ảnh: wordpress


San hô khoe sắc ở đảo Raja Ampat - Ảnh: wordpress


Lặn biển ngắm thế giới đại dương ở đảo Raja Ampat - Ảnh: nautisme


Thư giãn tại một thác nước ở đảo Raja Ampat - Ảnh: dive-and-boats
Thông tin cho bạn:
- Thành phố cảng Sorong là cửa ngỏ để đến Raja Ampat. Để đến Sorong, bạn có thể sử dụng các chuyến bay nội địa xuất phát từ đảo Sulawesi. Từ Sorong, tàu sẽ đưa bạn đến các đảo.

- Lệ phí giất phép tham quan công viên hải dương tự nhiên Raja Ampat có giá trị một năm ở mức khoảng 100 USD

- Du khách có thể chọn lưu trú theo hình thức homestay hay resort trên đảo

- Thời điểm tốt nhất đến Raja Ampat từ tháng 10 đến 11 và tháng 2 đến tháng 3. Đây là mùa cao điểm du lịch lặn biển do ít gió và sóng to.
Theo Amusingplanet

Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn


Với những cánh đồng tỏi xanh ngút ngát, những sóng nước trong xanh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) như một thiên đường hấp dẫn du khách.
Xem thêm: Ba bãi biển hoang sơ đẹp như tranh hút hồn teens mê phượt

1. Ngắm bình minh và hoàng hôn ở cổng Tò Vò

Đây là một trong những địa điểm yêu thích hàng đầu của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần buông xuống.


Cổng tò vò ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một "vòm cổng" bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục, và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Quanh cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn. Ngắm bình minh hay hoàng hôn là thời điểm tuyệt vời ở đây. Chính vì cảnh đẹp nên nơi đây được gọi là cổng Thiên Đường. Đây là địa điểm chụp ảnh được ưa chuộng hàng đầu của giới trẻ khi đến với đảo Lý Sơn.

2. Dạo chơi bên những cánh đồng tỏi



Được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, vì vậy bạn sẽ bắt gặp bạt ngàn cánh đòng tỏi, một màu xanh ngút ngát mang lại cho Lý Sơn một mùi vị đặc biệt không giống nơi nào. Tỏi được trồng ở cánh đồng, trên núi, dưới khe đá, nói chung chỗ nào tỏi phát triển được là người nông dân xuống giống. Đất đai ít, nên người dân Lý Sơn tận dụng mọi khoảnh đất trống, ngay cả mấy sườn núi dốc, dân Lý Sơn cũng làm đất, trồng tỏi theo kiểu bậc thang, giống như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Muốn ngắm toàn cảnh những cánh đồng tỏi, du khách nên đi men theo triền núi và ngược lên đỉnh Thới Lới. Khung cảnh ở đây đẹp như một bức tranh với những thửa ruộng được sắp xếp như bàn cờ.

3. Ngắm trăng trên núi Thới Lới


Lới là ngọn núi lớn nhất trong 5 ngọn núi ở Lý Sơn. Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m³ cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả đảo Lớn và đảo Bé.

Lên con dốc dựng đứng dài khoảng 600 mét là hồ chứa nước Thới Lới. Bạn sẽ choáng ngợp trước thiên nhiên tuyệt đẹp, có thể bắt gặp những vỉa đá đen, kết quả của dòng nham thạch được phun lên từ hàng triệu năm trước. Đặc biệt, từ đỉnh Thới Lới nhìn xuống, bạn sẽ nhìn thấy những cánh đồng hành, tỏi của cư dân Lý Sơn hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc. Vào mùa trăng, ánh sáng chiếu xuống thật huyền ảo và lãng mạn.

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Những điểm đến không thể bỏ qua ở Busan



Chợ cá Jagalchi, bãi biển Haeundae, thủy cung... là những điểm đến bạn nên ghé thăm khi tới Busan du lịch.

Dưới đây là một số điểm du lịch gợi ý cho du khách khi đặt chân tới Busan.
Xem thêm: 9 điều cần biết khi đi du lịch Hàn Quốc

Đền Beomeosa

Nằm trên sườn dốc của núi Geumjeongsan, Beomeosa là một ngôi đền cổ có lịch sử khoảng 1.300 năm. Đây là một trong những ngôi đền quan trọng nhất của Hàn Quốc, được nhà sư Uisang khởi công xây dựng vào năm 678 dưới thời vua Munmu của triều đại Silla.

Giờ mở cửa: 8h30 - 17h30.



Busan là thành phố cảng sầm uất của Hàn Quốc. Ảnh: Eu-asien.

Chợ cá Jagalchi

Là khu chợ hải sản nổi tiếng và lớn nhất Hàn Quốc, du khách đến đây có thể thưởng thức món gỏi cá tươi. Chợ cũng là địa điểm mà bất kỳ ai ghé thăm Busan đều muốn tới.
Giờ mở cửa: 5h - 21h.

Bãi biển Gwangalli

Với chiều dài 1,4 km, rộng 64 m, biển Gwangalli nổi tiếng với những bãi cát đẹp. Xung quanh bãi biển là một số quán cà phê và khoảng 300 nhà hàng hải sản tươi sống.

Công viên Taejongdae

Công viên được đặt theo tên của vị vua thứ 29 của triều đại Silla, vua Taejong Mu-Yeol. Khi xưa, nhà vua cũng thường đến đây để bắn cung.
Giờ mở cửa: 4h - 22h
Vé vào cửa: Người lớn: 1.500 won (29.000 đồng), trẻ con: 600 won (12.000 đồng).

Bãi biển Haeundae

Haeundae là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất xứ sở kim chi. Bãi biển này được học giả nổi tiếng của triều đại Silla Choi Chi Won đặt tên.
Thời gian hoạt động: Đầu tháng bảy đến cuối tháng tám hàng năm (phụ thuộc vào thời tiết).

Changseondong Meokja Golmok

Đến với địa danh nổi tiếng này, du khách sẽ được thưởng thức vô số món ăn ngon, đậm chất Hàn Quốc từ những quán hàng bày san sát bên lề đường như cơm cuộn rong biển, bibimbab, pajeon (một loại pizza Hàn Quốc)...

Thủy cung Busan

Busan Aquarium tọa lạc gần bãi biển Haneundae. Đây là một bể cá lớn chứa hơn 35.000 loài sinh vật từ cá, tảo biển cho đến các loại bò sát, chim cánh cụt hay rái cá.

Giờ mở cửa: Thứ 2 - thứ 5: 10h - 20h. Ba ngày cuối tuần và các ngày lễ: 9h - 22h.

Giá vé: Từ 19 tuổi: 19.000 won (370.000 đồng), 13-18 tuổi: 17.000 won (332.000 đồng), 3-12 tuổi: 15.000 won (292.000 đồng).

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Ngồi sưởi ấm bên lò đúc chờ bánh căn chín, tìm đến ấp Ánh Sáng để thưởng thức tô bún bò giò... sẽ khiến bạn thật sự hòa nhịp vào một ngày mới cùng người dân thành phố sương mù.



Ở một nơi có khí hậu giá lạnh như Đà Lạt, những chiếc bánh căn vàng ươm nóng hổi luôn được nhiều người lựa chọn cho bữa điểm tâm. Món ăn không dùng dầu mỡ mà được đúc chín trên khuôn đất nung tạo ra mùi thơm của bánh với chút cháy cạnh.


Bạn có thể ăn kèm bánh căn với mắm nêm hoặc nước mắm mỡ hành. Sự kết hợp này khiến cho miếng bánh càng thêm đậm đà. Trong cái lạnh buổi sớm, người dân Đà Lạt thường ngồi quây quần bên lò đúc để vừa sưởi ấm, vừa chờ bánh chín để thưởng thức bữa ăn sáng. Những câu chuyện ngày mới vì thế cũng rôm rả hơn.


Trên con phố nhỏ của ấp Ánh Sáng, người dân lại yêu thích ăn bún bò giò để khởi đầu ngày mới thật “ấm bụng”. Tô bún đúng khẩu vị Đà Lạt thường không quá nồng mùi nước hầm sả bò mà chỉ cần có vị ngọt thanh, mùi thơm thoang thoảng để khi ăn sẽ hài hòa với phần giò heo.


Tùy theo khẩu vị mà có thể thêm chanh hoặc nước mắm ngâm ớt, gắp thêm một chút rau sống thái vụn để tô bún tăng thêm hương vị.


Ít cầu kỳ hơn so với những món ăn nóng hổi khác ở Đà Lạt, bánh mì xíu mại là một bữa sáng nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn. Một phần đầy đủ của bữa sáng này chỉ bao gồm bát nước xíu mại thơm lừng và ổ bánh mì giòn rụm để ăn kết hợp. Cái lạnh của xứ sở sương mù càng khiến món ăn trở nên ngon miệng.


Hầu hết người dân ở thành phố này đều thích ăn mọi thứ thật nóng hổi. Do vậy chủ quán đặt một lò than ấm để mọi người có thể nướng lại bánh mì nóng giòn hơn.


Một buổi sáng nhẹ nhàng sẽ chầm chậm kết thúc cùng với giọt cà phê tí tách. Trong quán cà phê bình dân nhỏ bé, mọi người thường nói với nhau những câu chuyện chung hoặc chơi vài ván cờ để tạm quên đi cái lạnh ngoài trời.


Bên ly cà phê cao nguyên ấm áp, bạn có thể hòa mình vào câu chuyện cùng mọi người, hoặc đắm chìm trong bản nhạc xưa để cảm nhận trọn vẹn một buổi sáng thư thả ở thành phố này.

Gỏi sam đậm đà vị biển ở đảo Cát Bà


Thịt sam được nướng trên bếp than cho chín vàng, thơm lừng rồi xé nhỏ, trộn cùng với trứng sam, rau răm, húng, lạc, vừng... tạo thành món gỏi sam ngọt, thơm.

Sam biển là đặc sản mà nhiều du khách đến đảo Cát Bà thường săn tìm. Từ tháng 10 tới tháng 2 âm lịch hàng năm là mùa sam sinh sản. Vì vậy để bắt được sam biển, ngư dân cũng phải tính con nước và chọn ngày ra khơi.

Điểm đặc biệt khác so với các loài là sam thường đi theo cặp nên khi bắt sẽ được cả đôi. Nếu bắt được một con, ngư dân sẽ nhanh chóng thả ngay xuống biển.

Thịt sam rất ngọt, có mùi vị riêng, có thể chế biến thành các món ăn ngon, bổ dưỡng, chứa nhiều đạm và có tác dụng thanh nhiệt. Trong đó, các món được ưa chuộng hơn cả là chả sam, sam nướng, gỏi sam, xào chua ngọt hay nấu cháo, miến.



Món sam biển từ lâu đã được nhiều du khách săn tìm khi ghé thăm đảo Cát Bà.

Để làm món gỏi sam người chế biến phải rất cầu kỳ. Thường người nấu chỉ chọn sam cái vì nhiều thịt. Sau khi cắt tiết, toàn bộ mai, vây, chân của sam được vứt bỏ. Để an toàn, phần gan, ruột của sam không được để dính vào thịt bởi sẽ gây dị ứng.

Sam được rửa sạch đem đặt lên bếp than hồng, trở đều cho đến khi chín vàng ươm bốc mùi thơm. Người chế biến sẽ dùng kéo sắc cắt vòng quanh yếm để lấy được trứng sam, phần thịt ở sống lưng và sát đuôi. Thịt sam nướng lên rất thơm, dai và ngọt thịt, trứng bùi béo, ăn không ngán.

Trứng sam và thịt sam được xé thành miếng nhỏ, trộn cùng với hành lá, ớt, tỏi, rau răm, húng, vừng, lạc rang giã nhỏ, thêm chút giấm gạo trộn cùng, nêm gia vị cho vừa miệng là có món gỏi sam hấp dẫn.

Gỏi sam phải được ăn kèm với nước mắm ngon, cay. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, thơm không thua bất kỳ loại hải sản nào ở biển như cua, ghẹ... Món ăn lạ và đầy ắp hương vị biển thường được bán ở các nhà hàng trên đảo Cát Bà. Với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng một đôi, du khách có thể mua xong để nhà hàng chế biến.
Theo VnExpress

Bài đăng phổ biến