Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Đến miền Tây vào mùa con nước, chuyện trò rôm rả với người dân địa phương và thưởng thức cháo vịt sóng sánh, béo ngậy là một trải nghiệm thú vị dành cho lữ khách.
 

Với người miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước tháng 9 âm lịch, những cánh đồng chỗ nào cũng trắng xóa. Mùa nước về cũng là lúc nơi đây bước vào vụ thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào, hàng trăm đàn vịt tràn xuống ruộng. Những con vịt xiêm béo tròn, kêu quang quác cả một vùng rộng lớn.

Người dân sau vụ lúa cũng rảnh rang và thường đãi nhau những món ngon từ vịt. Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng, họ bắt lại và làm món nướng, luộc, nấu chao... Nhưng dễ làm và dễ ăn hơn cả là món cháo vịt, lai rai làm mồi nhậu ấm bụng mỗi buổi tối.

Vịt được chọn là những con nhỏ, khoảng hơn một kg vừa chắc thịt lại thơm ngon. Để khử bớt mùi hôi, vịt sau khi làm sạch lông sẽ dùng gừng hoặc rượu trắng sát nhẹ. 


Vịt được chặt thành miếng, rắc thêm chút hành phi thơm vàng óng, chấm với nước mắm tỏi là món ăn dân dã ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: giamua

Thịt vịt được cho vào nồi nước luộc cùng chút gừng, muối, và hành củ đã được nướng chín và đập dập. Khi nước sôi phải giảm nhỏ lửa và hớt hết bọt để nước luộc vịt được trong.

Muốn cháo vịt ngon phải chọn loại gạo thơm, thêm một nắm gạo nếp cho dẻo, vo sạch rồi cho vào chảo rang lên đến khi ngả sang màu vàng nhạt. Khi luộc vịt chín vớt ra cho gạo vào nồi đun trên bếp để hạt gạo nở bung, tỏa ra mùi thơm nức.

Thịt vịt luộc được chặt ra thành từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm pha chua ngọt, cùng tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm vài sợi gừng thái nhỏ, gia giảm cho vừa miệng.

Cháo nóng được rắc thêm hành lá, tía tô hay rau mùi thái nhỏ, thêm chút tiêu xay cho dậy vị, ăn kèm với thịt vịt luộc chấm mắm tỏi. Bạn sẽ cảm nhận những miếng thịt ngọt, béo mà không ngấy, lẫn trong bát cháo sóng sánh.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Thuyền buồm hóa khách sạn giữa biển băng

Vào mùa hè, Noorderlicht là thuyền buồm chở khách ở quần đảo Svalbard, Na Uy. Khi mùa đông đến, nó lại trở thành khách sạn nằm cố định giữa vùng nước đóng băng ngoài biển khơi.
 
 
Noorderlicht ban đầu có tên Fs Kalkgrund II, được đóng ở thành phố Flensburg, Đức vào năm 1910, gồm ba cột buồm chính. Trong quá khứ, nó từng là một chiến hạm lớn làm trạm cho các phi công.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, thuyền đổi tên thành Flensburg và được Hải quân Đức sử dụng. Cột buồm giữa bị tháo dỡ, đồng thời lắp thêm một khẩu súng phòng không.


Con thuyền buồm Noorderlicht nằm cố định một chỗ trong mùa đông băng giá.
 
Đến năm 1963, con thuyền được chuyển sang dùng với các mục đích khác. Có thời gian nó là nơi ở của công nhân, lúc lại là một câu lạc bộ. Người chủ hiện tại mua lại Flensburg vào năm 1991 và cải tiến để nó có thể chống chịu với băng ở Bắc Cực. Cái tên Noorderlicht ra đời từ đây và dùng để chở khách du lịch.

Noorderlicht (có nghĩa "Ánh sáng phương Bắc" trong tiếng Hà Lan), hoạt động ở Longyearbyen, đảo Spitsbergen. Thuyền đưa du khách tham quan quanh vùng cực Bắc, quần đảo Svalbard, Na Uy và các điểm xa xôi khác vào mùa hè. Những hải trình sẽ cho mọi người cơ hội được khám phá cuộc sống hoang dã ở các khu vực này.

Bên trong thuyền gồm 10 buồng có thể cung cấp chỗ ăn ngủ cho 20 hành khách. Hai chiếc thuyền nhỏ dễ dàng bơm phồng được trang bị thêm để mọi người di chuyển vào bờ và có cơ hội tìm hiểu về thế giới hoang dã xung quanh. 


Du khách dùng bữa trên thuyền Noorderlicht.

Vào mùa thu, Noorderlicht được đưa tới Tempelfjorden, một vùng vịnh hẹp ở đảo Spitsbergen, thuộc Svabard và chờ hàng tuần trời cho tới lúc nước đóng băng chắc chắn để cố định một chỗ. Có thể mất đến cả tháng chuẩn bị trước khi đội thủy thủ giữ thuyền đứng yên đúng cách. Khi mặt nước đóng băng, Noorderlicht biến thành "khách sạn" duy nhất nằm cố định giữa biển. Thuyền cũng từng có lần bị kẹt và không di chuyển được.

Vị trí con thuyền được cố định cách Longyearbyen khoảng 60 km về phía đông bắc. Vì vậy, hải trình qua nơi bị đóng băng khá dài và nguy hiểm, phương tiện di chuyển tại đây là xe chó kéo hoặc xe chạy bằng máy trên băng tuyết.

Trong suốt thời gian Noorderlicht cố định một chỗ, du khách có thể rời thuyền buồm tham gia các hoạt động trên bờ như tham quan, tìm hiểu về chim cánh cụt, chó biển, hải mã, cáo, vô số loài chim muông và thậm chí cả gấu Bắc Cực.
 
Hương Chi (Theo Amusingplanet) 

Khách sạn có phải nơi an toàn nhất khi đi du lịch

Nhiều người tin rằng ở khách sạn tốt hơn các nhà trọ, nhà nghỉ ít tiền, tuy nhiên có những bí mật các nhân viên lễ tân chưa bao giờ tiết lộ cho bạn. 

Xem thêm: Các khách sạn hang động nổi tiếng thế giới

Khi đi du lịch, nhiều người thường mặc định rằng ở khách sạn càng nhiều sao, họ càng được an toàn về mọi mặt. Tuy nhiên, khi chuyên trang du lịch của BBC đặt ra câu hỏi này, họ đã nhận được khá nhiều câu trả lời dũng cảm và thành thật từ những người quản lý khách sạn có kinh nghiệm lâu năm.


Phía sau mỗi cánh cửa phòng của khách sạn đều có những bí mật mà không phải ai cũng sẽ nói với bạn. Ảnh: Telegraph.

Cẩn thận với lỗ nhòm trên cửa

Tại các khách sạn thường có một lỗ nhòm trên cửa. Đây là công cụ giúp du khách an toàn ở trong phòng khi có chuông cửa để quyết định mời ai đó vào trong.

"Nên kiểm tra lỗ nhòm, nếu bạn thấy nó mờ đục hay nghi ngờ có ai đã tác động vào nó, hãy chuyển phòng lập tức", Michael Forrest Jones, giám đốc điều hành khách sạn Beechmont Hotels ở Winston-Salem, North Carolina, Mỹ nói.

Micheal cho biết khi lỗ nhòm bị mờ đục, hay có dấu hiệu từng bị cậy, rất có thể nó đã bị nhét thêm vào đó một ống kính camera khác và từ bên ngoài quan sát mọi thứ diễn ra trong phòng. Nếu bạn không thể đổi phòng, hãy lấy giấy và dán kín chỗ đó lại. Trong trường hợp có người gọi cửa nhưng bạn không nhìn thấy ai qua lỗ nhòm, hãy gọi cho lễ tân thay vì mở cửa, nhất là vào đêm hôm khuya khoắt.

Không dùng máy pha cà phê

Ken Lim, một cựu quản lý khách sạn ở Chicago, Mỹ cho biết: "Máy pha cà phê nhìn có vẻ sạch, nhưng ai mà biết được những vị khách trước đã dùng chúng như thế nào. Có thể họ nôn mửa vào đó, búng tàn thuốc lá hay nhét chì màu thì sao? Tốt nhất bạn nên nói không với việc uống một tách cà phê pha".

Cooper Woods, một dân mê du lịch cho biết cốc uống nước cũng là thứ bạn không nên dùng đến, vì chúng là một trong những thứ được làm sạch theo cách bẩn nhất như dùng thuốc tẩy, khăn tắm bẩn để lau...

Nơi an toàn để đồ là phòng vệ sinh

Khách sạn thường chuộng dùng đồ gỗ và những con rận cũng rất yêu chất liệu này. Do đó, giá gỗ để đồ chưa chắc là nơi an toàn nhất cho hành lý của bạn. Nếu nhà vệ sinh đủ sạch sẽ, khô ráo, bạn nên để đồ trong đó nhằm tránh sự viếng thăm của những vị khách không mời mà đến.

Tuy nhiên nếu giá đựng đồ trong khách sạn bằng kim loại, bạn cũng có thể để lên đó vì rận không sống được ở nơi này.

Điều khiển tivi bẩn như bồn cầu

William Payne, một người về hưu và dành phần lớn thời gian đi du lịch cho biết thứ bẩn nhất trong phòng là điều khiển tivi vì "rất nhiều người đã dùng chúng, nhưng hầu phòng rất hiếm khi lau chùi".

Theo nghiên cứu vào năm 2012 của đại học Houston, điều khiển tivi bẩn như bồn cầu vậy.

Tuy nhiên, hãy thoải mái cảm nhận chuyến đi. Bạn đến khách sạn là để thư giãn, nghỉ ngơi. Do đó, chỉ cần cẩn thận một chút, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng những kỳ nghỉ đầy nắng gió và vui vẻ bên gia đình, người thân mà không phải suy nghĩ về việc mình có bị ai ám sát hay quay lén.

Anh Minh (VnExpress)

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Những thắc mắc của du khách khi tới Hy Lạp thời khủng hoảng

Đến đây có an toàn không, phà vẫn hoạt động chứ hay người dân sẽ có thái độ thế nào là những câu hỏi mà nhiều du khách thắc mắc khi đến Hy Lạp thời gian này.
 

Dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc của du khách về chuyến nghỉ ở Hy Lạp trong thời điểm hiện tại.

Tôi có nên đi không?

Một kỳ nghỉ đến Hy Lạp thời gian này sẽ khá bất tiện, đặc biệt là liên quan đến các giao dịch tài chính. Bạn có thể phải chờ đợi hàng dài trước cây ATM để rút tiền. Hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế còn dẫn đến việc thiếu hụt nhiên liệu và nguồn lương thực.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc một chuyến du lịch đến đây bởi giá đặt phòng tại các khách sạn hiện đang giảm và có mức rẻ, trong khi lại không bị tình trạng đông đúc. Cuộc khủng hoảng cũng làm giảm sức mạnh của đồng euro, điều đó đồng nghĩa với việc du khách ngoài châu Âu sẽ được hưởng mức giá rẻ hơn.


Du khách có thể cân nhắc cho quyết định đến Hy Lạp thời gian này. Ảnh: CNN

Tôi nên mang theo tiền mặt không?

Câu trả lời là có và bạn nên mang theo càng nhiều tiền mặt càng tốt. Các ngân hàng ở đây vẫn đóng cửa và giới hạn số tiền rút tại ATM đối với khách hàng là người Hy Lạp. Điều này không áp dụng với các chủ tài khoản nước ngoài nhưng việc mọi người đổ xô đi rút tiền cùng hàng dài chờ đợi trước máy ATM tất yếu dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt.

Ở hầu hết mọi nơi, thẻ tín dụng vẫn có thể sử dụng nhưng với tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" của các ngân hàng hiện nay thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Do đó nhiều chuyên gia du lịch tư vấn khách nên mang theo tiền mặt để chi trả toàn bộ chuyến đi.

Các công ty du lịch có lên phương án dự phòng?

Sophia Antoniadou, đồng sáng lập tour khám phá văn hóa Hy Lạp có trụ sở tại Athens cho biết các công ty lữ hành đã không lường trước được những tình huống khẩn cấp và tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ không ảnh hưởng đến ngành du lịch, ít nhất là trong mùa hè này.

Điều đó cho thấy du khách nên mua các gói bảo hiểm du lịch tốt để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị mắc kẹt.

Có bất kỳ mối nguy hại nào khi thẻ tín dụng không còn hoạt động?

Với ngân hàng Hy Lạp, sử dụng thẻ tín dụng là một sự mạo hiểm. Nếu chúng vẫn có hiệu lực, rất có thể các khách sạn và nhà hàng nhỏ sẽ yêu cầu bạn chuyển đổi sang tiền mặt.

Nếu Hy Lạp rút khỏi châu Âu, đồng euro vẫn có giá trị ở đây chứ?

Panagiotis Zarifis, giám đốc đầu tư và ngân hàng có trụ sở ở Athens cho biết nếu điều này xảy ra, tiền tệ Hy Lạp có thể trở về đồng drachma, đô la Mỹ và đồng euro vẫn được chấp nhận.

Hy Lạp có an toàn không?

Một vài cuộc biểu tình xảy ra kể từ khi Hy Lạp gặp khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, Georgina Tzevelekou, cư dân Athens cho biết Hy Lạp là đất nước yên tĩnh, thanh bình và mọi người vẫn hiếu khách hơn bao giờ hết. "Tất nhiên, người Hy Lạp đang lo lắng về những điều có thể xảy ra, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng hoặc gây bất kỳ tổn hại cho các du khách khi ở đây".

Tzevelekou chỉ ra rằng ngay cả khi Athens hay nhiều thành phố lớn khác trở thành tâm điểm của cuộc biểu tình, nó cũng không lan đến những khu nghỉ mát trên các đảo của Hy Lạp.

Phà vẫn hoạt động chứ?

Phà là một trong những phương tiện di chuyển quan trọng đưa khách ra các đảo nghỉ mát. Do đó nhiều du khách lo ngại chuyến đi sẽ phải hủy do phương tiện này ngừng hoạt động vì Hy Lạp vỡ nỡ.

"Không có dấu hiệu cho thấy phà sẽ ngừng hoạt động", Stephanie Anastasiou, người đứng đầu Ask2Travel Group, Yachts-sailing.com và hệ thống đặt phòng Entrada Central nói.

Doanh nghiệp du lịch là các công ty tư nhân, do đó sẽ không ngừng hoạt động khi vẫn có khách hàng. Cô nói: "Các doanh nghiệp này đã được chứng minh là hoàn toàn có thể hoạt động ngay cả trong thời điểm khó khăn hơn nhiều".

Có bị thiếu lương thực không?

Nhiều báo cáo cho biết nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men cơ bản đã cạn kiệt tại Athens và một số hòn đảo du lịch nổi tiếng do các đơn vị nhập khẩu phải vật lộn để chi trả các hóa đơn. Nhưng một số khác lại cho rằng nhiều cửa hàng vẫn đầy kho.

Theo Theodore Agiostratitis, Giám đốc điều hành khách sạn cao cấp Margi, các điểm đến du lịch đều được chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ nghỉ mùa hè. Ông nói: "Du lịch rất quan trọng đối với Hy Lạp. Ngay cả khi điều tồi tệ nhất xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và các hoạt động sau nhiều tháng tháng chứ không chỉ trong ngày một ngày hai".

Du khách có được chào đón ở Hy Lạp không?

"Người Hy Lạp nổi tiếng với lòng hiếu khách và chúng tôi tự hào về điều đó", Yorgos Geniatakis, tổng giám đốc của Minos Imperial Luxury Beach Resort ở Crete chia sẻ. Ông cho biết đó là một phần trong văn hóa ở nơi đây, hơn nữa Hy Lạp phụ thuộc vào du lịch, vì vậy du khách sẽ luôn được chào đón.

Vy An (theo CNN)

Bí kíp ăn mặc không bị 'lạc loài' khi du lịch thế giới

Bạn nên mặc quần áo rộng khi đến Ấn Độ, đi bốt, mang theo ủng nếu tới Anh và tránh diện đồ có logo hoặc váy ngắn, quần short ở Italy.
 

Trang Business Insider vừa tiết lộ bí kíp ăn mặc sao cho phù hợp nhất đối với du khách khi tới thăm các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Bạn có thể tham khảo những lưu ý dưới đây.

Tokyo, Nhật Bản

Cách ăn mặc của người dân Tokyo rất khác nhau, từ phong cách Harajuku với màu sắc tươi sáng nhưng đôi chút liều lĩnh, cho đến những bộ quần áo thời trang, sành điệu. Tuy nhiên, khi đi làm đàn ông sẽ mặc vest đen còn phụ nữ chọn váy áo gọn gàng, giày cao gót. Nếu bạn không phải là nhân viên ở các công ty, phong cách điển hình nên là áo sơ mi, jeans tối màu...

Đàn ông Nhật không mặc quần short, trừ khi họ đang tập thể dục hoặc đi dạo trên bãi biển. Họ cũng cạo râu sạch sẽ và đầu tóc chải chuốt gọn gàng, lịch sự.

Hong Kong, Trung Quốc

Hầu hết người dân ra đường đều mang theo ô để che mưa vào mùa thu, đông và tránh ánh nắng mặt trời vào mùa hè. Phong cách ăn mặc của họ khá giản dị, chủ yếu là giày thể thao, quần jeans. Dép xỏ ngón và quần short cũng khá phổ biến nhưng bạn lưu ý không mặc quá hở hang. Phụ nữ Hong Kong có thể mặc váy ngắn, nhưng họ thường không thích khoe quá nhiều phần trên của cơ thể.

Jakarta, Indonesia

Đàn ông bản địa thường mặc áo sơ mi, quần kaki và đi giày trong khi phụ nữ hạn chế đeo đồ trang sức.

New Delhi, Ấn Độ

Bạn không nên mặc quần áo khoe quá nhiều da thịt. Quần áo rộng thùng thình hoặc quần dài, áo sơ mi là những trang phục phù hợp.

Amsterdam, Hà Lan

Legging là vật dụng chủ yếu của phụ nữ ở đây. Họ thường kết hợp các loại legging bó sát, dày, dài tới mắt cá chân khi mặc váy, quần sóoc và đi giày thể thao màu sắc tươi sáng. Vào mùa đông, họ đi bốt bệt. Trang phục để du khách đi chơi vào buổi tối phù hợp nhất là áo khoác thể thao và quần jeans.


Người Thụy Sĩ ăn mặc khá đơn giản, không đeo nhiều phụ kiện rườm rà. Ảnh: BI.

Berlin, Đức

Mùa hè, người dân bản địa thích mặc quần short và đi dép xỏ ngón. Nếu trời lạnh hơn, họ sẽ mặc denim jeans, cùng áo khoác dài sáng màu.

London, Anh

Người Anh ăn mặc lịch sự nhưng cũng không quá gò bó. Vào mùa đông, trang phục phù hợp mà du khách nên mặc để nhìn giống dân bản địa là quần jeans, đi bốt và áo khoác dài. Nếu trời mưa, bạn nên đi ủng, bốt cao su và mang theo ô.

Brussels, Bỉ

Phong cách thời trang mà người dân ở đây ưa chuộng là áo tank-top, hàng dệt kim sáng màu cho mùa hè và áo sơ mi dài tay, áo len trong mùa đông.

Phần lớn đường phố đều lát đá sỏi, nên giày đế bằng thường được ưa thích hơn cao gót. Nếu bạn tới các hồ bơi công cộng, đàn ông phải mặc quần bơi chứ không phải quần ngắn.

Florence, Italy

Bạn nên tránh đi dép xỏ ngón, áo sơ mi với các hình logo, váy ngắn, quần short. Hầu hết điểm đến là di tích, tôn giáo và nhà thờ sẽ không cho phép bạn mặc áo để lộ vai trần. Do đó, mang theo một chiếc khăn để choàng lên người khi cần thiết là điều du khách nên làm.

Cairo, Ai Cập

Phần lớn người dân ở đây ăn mặc theo kiểu cổ điển. Đàn ông thường mặc quần dài, áo phông và hiếm khi mặc quần short, áo ba lô hay đeo đồ trang sức.

Buenos Aires, Argentina

Bạn nên tránh mặc quần áo rộng thùng thình, và đàn ông ở đây cũng ít khi mặc quần short. Ngoài ra, quần jeans giản dị, váy là những phong cách thời trang được ưa chuộng tại Buenos Aires.

Los Angeles, Mỹ

Do thời tiết ấm áp quanh năm nên áo ba lỗ, sơ mi rộng, quần short và váy là những phục trang bạn có thể thoải mái lựa chọn. Nếu bạn định ghé thăm một bãi biển, có thể mang theo một chiếc áo khoác mỏng phòng khi cảm thấy lạnh. Vào buổi tối, phụ nữ sẽ đi giày cao gót, quần jean tối màu và áo thanh lịch, gợi cảm để đi ăn tối.

Nếu đi bạn định đi bar, váy ngắn, áo sặc sỡ là những trang phục phổ biến.

Sydney, Australia

Nơi đây khí hậu ấm áp quanh năm nên bạn có thể thoải mái mặc quần ngắn, đi dép xỏ ngón hoặc sandals... Người dân ở đây cũng không quá câu nệ việc bạn mặc đồ như thế nào.

Anh Minh (VnExpress)

Bài đăng phổ biến