Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Chốn thiêng ẩn mình trong động Batu ở Malaysia

Chỉ cách trung tâm Kuala Lumpur 13 km về phía bắc, động Batu không chỉ nổi tiếng là thánh địa của các tín đồ đạo Hindu mà còn thu hút nhiều vận động viên leo núi tới thử sức mình.

Xem thêm: Những lưu ý khi du lịch Malaysia

Ẩn mình sau sự xô bồ của thủ đô Kuala Lumpur, động Batu nằm bên trong ngọn núi đá vôi gồm một hệ thống hang có rất nhiều đền thờ. Batu được biết tới là một trong những khu điện thờ Hindu nổi tiếng nhất ở Malaysia. Nơi này còn là địa điểm thờ phụng thần Murugan linh thiêng. Du khách muốn vào trong động phải bước qua 272 bậc thang ở bên ngoài.


Một góc bên trong động Batu nhìn từ dưới lên, ánh sáng chiếu xuống cho du khách cảm giác như ở chốn thần tiên.

Chặng đường tuy vất vả nhưng đáng để bỏ sức vì sau đó bạn sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh đẹp từ trên cao. Hai bên lối cầu thang có rất nhiều khỉ chạy nhảy nên du khách sẽ bớt đi phần nào mệt nhọc lúc leo bộ.

Bên trong Batu có hai khu đền hang nằm phía đáy của ngọn núi với tên gọi Triển lãm nghệ thuật (Art Gallery Cave) và Bảo tàng (Museum Cave). Hai hang nhỏ này chứa đầy các bức tượng, tranh ảnh và đồ tưởng niệm. Ngoài ra, ở Batu còn một động khác tên Ramayana. Câu chuyện về thần Rama - một vị vua trong kinh Hindu, được khắc họa và ghi chép kín trên những bức vách của động này.

Mỗi năm, Batu thu hút khách hàng nghìn tín đồ, người dân và du khách vào các dịp lễ của người theo đạo Hindu, đặc biệt là ngày hội Thaipusam. Diễn ra khoảng cuối tháng 1, đám rước hội Thaipusam thường bắt đầu vào buổi tối, kéo dài tới vài giờ và dừng lại ở động Batu để kết thúc. 

Hàng nghìn người bao gồm tín đồ, dân địa phương và du khách tới động Batu vào dịp lễ Thapusam.

Trong suốt lễ Thaipusam, các tín đồ sẽ chuẩn bị những đồ rước được trang trí công phu gọi là kavadis. Chúng có thể làm từ đất sét, gỗ hay dùng chính những chiếc bát lớn, đựng đầy sữa để người theo đạo Hindu dâng lên thần Murugan.

Không chỉ nổi tiếng là thánh địa của tín đồ đạo Hindu, động Batu còn là điểm đến yêu thích của các vận động viên leo núi. Tại đây, họ có thể thử sức và trải nghiệm hơn 160 cung đường khác nhau. Những hành trình khám phá này hiện được một số công ty du lịch địa phương khai thác.

Bên dưới động còn có Hang Tối (Dark Caves) với khoảng 2 km phủ đầy thạch nhũ và măng đá hàng nghìn năm tuổi. Tuy nhiên, vào Hang Tối không hề dễ dàng, du khách chỉ có cơ hội khi đi các chuyến đào tạo do Hiệp hội tự nhiên Malaysia tổ chức. Điều luật khắt khe về việc đi lại ở đây nhằm bảo vệ hệ sinh thái cũng như môi trường sống tự nhiên bên trong hang.


Bên trong hệ thống động Batu là rất nhiều tượng, tranh ảnh, đồ tưởng niệm và các đền thờ.

Đường đi từ trung tâm thủ đô Kuala Lumpur tới động Batu rất dễ dàng. Du khách đều có thể đi tàu, xe buýt hoặc taxi để tới nơi. Hệ thống động Batu mở cửa miễn phí cho mọi người tham quan từ 6h đến 21h hàng ngày.

Hương Chi (Theo Whenonearth)

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

48 giờ khám phá đảo Penang Malaysia


Chỉ trong 2 ngày, du khách có thể lên lịch trình tham quan nhà cổ, các ngôi đền, khu phố nghệ thuật và ngắm hoàng hôn trên bờ biển.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Malaysia

Penang là hòn đảo du lịch nổi tiếng bậc nhất châu Á, nằm về phía tây Malaysia. Không chỉ có cảnh quan tươi đẹp, hòn đảo này còn ẩn trong mình những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống địa phương. Nếu không có nhiều thời gian lưu trú, bạn vẫn có thể khám phá hòn đảo này chỉ trong 2 ngày, theo các gợi ý dưới đây:

Ngày 1: Thăm nhà cổ

Tham quan nhà cổ

Từng là nơi ở của các gia đình quý tộc người Hoa sinh sống trên đảo Penang cách đây hàng thế kỷ, hiện nay khá nhiều căn nhà cổ được phục dựng và mở cửa đón khách tham quan như một địa điểm du lịch thực thụ.

Du khách sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến nếp sống truyền thống toát lên từ những vật dụng trong phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ... và nghe nhiều câu chuyện thú vị xung quanh thân thế của chủ nhân các căn biệt thự này.


Nội thất trong nhà được bảo tồn gần như nguyên dạng. Ảnh: Nguyên Chi

Những căn nhà cổ nổi tiếng ở Penang là Blue Mansion và Peranakan Mansion, với giá vé vào cửa xấp xỉ 15 RM (khoảng 86.000 đồng), đi kèm là hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Trung.

Đền Keh Lok Si

Là ngôi đền lớn nhất ở Penang, đền Keh Lok Si đồng thời cũng là công trình Phật giáo lớn bậc nhất Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Malaysia.

Đền tọa lạc trên đỉnh núi, hướng mặt ra biển, bao gồm nhiều hạng mục hoành tráng như 10.000 pho tượng được chạm khắc tinh xảo, tượng Quan Âm cao hơn 30 m cùng tòa tháp 7 tầng cao sừng sững. Phong cảnh ngôi đền rất hữu tình, xen lẫn giữa các khu là vườn hoa sặc sỡ quanh năm.

Du khách có thể bắt taxi hoặc xe bus Rapid Penang để đến chân ngôi đền, sau đó mua vé tàu điện gỗ lên gian thờ chính phía trên.

Đồi Penang

Cách đền Keh Lok Si khoảng 3 km là đồi Penang - địa điểm du lịch thu hút khách nhất ở hòn đảo nổi tiếng này. Với độ cao hơn 800 m so với mực nước biển, từ đài quan sát trên đỉnh đồi, bạn có thể ngắm toàn cảnh Penang, đặc biệt là lúc bình minh hay hoàng hôn, thành phố lên đèn.

Để lên tới đây, bạn sẽ phải xếp hàng mua vé tàu điện. Việc này luôn mất khá nhiều thời gian để xếp hàng bởi lượng khách đổ về rất đông vào mùa hè, đặc biệt là cuối tuần.

Khí hậu ở đồi Penang quanh năm mát mẻ, trong lành, nhiệt độ khoảng 21 độ C. Giá thuê phòng rất phải chăng, khoảng 600.000 đồng một đêm. Các hạng mục đáng chú ý ở đây gồm đài quan sát, vườn sinh vật, ga tàu cổ, The Guard House, cầu khóa tình yêu...


Cầu khóa tình yêu trên đồi Penang. Ảnh: Nguyên Chi


Thưởng thức ẩm thực đường phố


Penang được đánh giá là thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á. Các quán hàng luôn sáng đèn tới tận khuya với mùi hương không thể hấp dẫn hơn. Tùy vào vị trí khách sạn, bạn có thể lựa chọn các khu chợ ăn uống như Lorong Baru Georgetown, khu chợ gần Gurney Drive, đường Presgrave, Long Beach Food Court.

Ngày 2: Khám phá George Town



Nằm phía đông bắc đảo Penang, thành phố cổ kính với nhiều tầng văn hóa, tín ngưỡng đan xen này được xem như trái tim của hòn đảo, với rất nhiều công trình nghệ thuật, tôn giáo và lịch sử. George Town còn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2008. Bạn nên dành nửa ngày để di chuyển và tìm hiểu đô thị cổ này, theo một vài gợi ý sau:

Pháo đài Cornwallis và tháp đồng hồ


Pháo đài Cornwallis lớn nhất và thuộc hàng lâu đời nhất ở Malaysia, mang đậm dấu ấn thuộc địa. Vì chưa từng bị tấn công nặng nề nên công trình còn nguyên dáng dấp, hình hài ban đầu từ phòng làm việc của công chức Anh thời xưa, phòng giam tù nhân, khán đài, quảng trường, súng thần công...

Du khách dễ dàng đến đây bằng xe bus. Ngay bên ngoài pháo đài là tháp đồng hồ và quảng trường thành phố, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động cộng đồng trên đảo.

Đền thờ Phật Dhammikarama Burmese


Được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 bởi cộng đồng người Myanmar, đây là ngôi đền thờ Phật lâu đời nhất ở Penang. Mái đền cùng pho tượng Phật khổng lồ được dát vàng lộng lẫy, thu hút khách thập phương vào những ngày lễ.

Nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling


Công trình này được khởi công cùng thời gian với đền thờ Dhammikarama Burmese. Khuôn viên rộng lớn, kiến trúc cầu kỳ, hoàng tráng khiến nhà thờ được coi như công trình Hồi giáo nổi bật nhất ở Penang. Khách tham quan được yêu cầu ăn mặc lịch sự, phụ nữ phải che tóc và áo choàng được phát miễn phí bên ngoài.

Street Art


Đối với khách du lịch trẻ tuổi, đặc biệt là những ai yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, đây có lẽ là điểm đến được chờ đợi nhất. Khoảng đầu những năm 2000, chính quyền thành phố đã mời những nghệ sĩ vẽ tranh tường tới để sáng tác nghệ thuật.

Sẽ không khó bắt gặp những du khách tay cầm bản đồ hoặc điện thoại lần theo những bức tranh tường được đánh dấu sẵn. Ở những bức nổi tiếng, du khách sẽ phải xếp hàng thật lâu để tới lượt mình chụp hình lưu niệm. Thời gian thích hợp nhất để chụp ảnh là khoảng 16-17h.



Những bức tranh tường ở Street Art luôn được các bạn trẻ yêu mến. Ảnh: Nguyên Chi


Tắm biển Batu Ferringhi


Biển ở Penang không đẹp như những hòn đảo du lịch khác, tuy nhiên vẫn có những bãi tắm nước trong như Batu Ferringhi, phía bắc đảo. Tắm biển, ăn hải sản và ngắm hoàng hôn thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến du lịch. Mùa hè, sau 20h mới tối hẳn nên nếu không thể tới sớm, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng hoàng hôn.

Mua sắm ở Gurney plaza - Gurney Paragon


Là khu sầm uất nhất trên đảo, Gurney Drive tập trung một vài trung tâm thương mại. Tuy không thể hoành tráng như ở Kuala Lumpur nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy một số nhãn hiệu được người Việt Nam ưa chuộng như H&M, Zara, Mango, Uniqlo, Chanel... với mức giá rẻ hơn hẳn các nước khác do thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) của nước này chỉ là 6%.

Ngay trong Gurney Paragon, bạn có thể dùng bữa tối tại các nhà hàng sang trọng, lịch sự với đồ ăn đến từ châu Âu, Trung Mỹ hay Ấn Độ. Trung tâm thương mại 22h mới đóng cửa còn các hàng ăn, quán cà phê thường muộn hơn.

Nguyên Chi (VnExpress)

Nơi quê hương ‘vợ chồng A Phủ’

Suốt dọc con đường dài từ Tà Xùa về Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La nay đã làm đường ven xã, những thửa ruộng bậc thang cùng vô vàn ruộng ngô bạt ngàn xanh gợi về hình ảnh trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Đường lên Hồng Ngài giờ có thể đi theo 3 hướng. Từ Trạm Tấu, Yên Bái trèo đèo qua với con đường đã liên thông giữa hai tỉnh Sơn La - Yên Bái. Từ thành phố Sơn La về huyện Bắc Yên chừng 80 km, vượt qua con đèo Chẹn dài 20 km, dọc sông Đà để về trung tâm huyện Bắc Yên. Và một con đường đi từ phía Mường Cơi, Phù Yên đi vào. Dù chạy từ phía nào để đến với Hồng Ngài cũng đều vượt qua những dãy núi trùng trùng điệp điệp với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.


Đường Bắc Yên (Sơn La) nối cùng Trạm Tấu (Yên Bái).

Bây giờ Tà Xùa, Hang Chú, Xím Vàng hay Hồng Ngài, những cái tên lạ mà quen đều đã có đường xe lên đến xã. Vùng cao Bắc Yên hôm nay xanh mướt trong một màu xanh của ngô, táo mèo và cây chè.

Đường vào Hồng Ngài đi bên núi bên đồi. Cảm giác được bước vào quê hương của A Phủ, một trong những nhân vật nổi bật trong sách giáo khoa khiến nhiều người háo hức. Dân số huyện Bắc Yên (Sơn La) đa phần là đồng bào người H'Mông. Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" do nhà văn Tô Hoài viết năm 1952 được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay.


Cổng hang A Phủ.

Xã Hồng Ngài giản dị giữa thung lũng xanh. Vào xã hiện còn vài km đường đất. Đến mùa mưa cũng làm nản lòng nhiều tay lái lạ. Hồng Ngài hôm nay đã khác rất nhiều so với trước kia. Phiên chợ họp ríu rít đông đảo bà con dân tộc. Mùa táo mèo, đâu đâu cũng thơm phức hương táo quyến rũ. Vào Hồng Ngài, bạn nên nhờ dân bản chỉ đường lên thăm hang A Phủ, được xem là nơi vợ chồng A Phủ từng trốn khỏi ách của cha con thống lý Pá Tra.

Đường từ Hồng Ngài sang Tà Xùa giờ đã được mở. Một bên Sơn La đã đổ đường bê tông, bên Yên Bái vẫn nhấp nhổm trên đường đất nhưng cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Tà Xùa cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, cách huyện Bắc Yên 20 km, mờ mịt trong sương mù. Quãng đường ấy cũng là quãng đường chạy trốn của vợ chồng A Phủ khi xưa, tìm đường về với cách mạng.


Nghỉ chân trên đường về bản.
Tà Xùa đẹp đến nao lòng bởi những thửa ruộng bậc thang thấp thoáng trong sương, những cô gái Mông vừa đứng thêu vừa hát bài ca núi rừng, hoa dại nở và những cây chè trăm tuổi lừng lững. Chè Tà Xùa vẫn nức lòng người bấy lâu như câu chuyện "Vợ chồng A Phủ" mà ai cũng nhớ cho đến hôm nay.

Yutaka (VnExpress)

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Hồng Ngài - bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Con nắng vàng trải dài trên các đỉnh đồi, ngọn núi hùng vĩ cùng những đồng ruộng bậc thang nối nhau trùng điệp sẽ đưa bạn đến bản Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, Sơn La.
 
Bản Hồng Ngài nằm giữa huyện Bắc Yên, cách trung tâm thành phố Sơn La 100 km về hướng đông. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của những bản làng người Mông vẫn còn giữ được những nét hoang sơ vốn có.


Những con đường đất dài chừng vài km sẽ dẫn du khách vào bản. Hai bên đường bạn sẽ được tận hưởng quang cảnh thiên nhiên hữu tình và không khí tươi mát. Nơi đây còn là quê hương của "vợ chồng A Phủ". Nhiều người ghé thăm động A Phủ đã không khỏi bồi hồi nhớ lại câu chuyện xưa nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.


Hồng Ngài hiện nay khác trước nhiều. Đường đi dễ hơn, khách du lịch biết đến và ghé thăm vùng này cũng nhiều. Vì thế những phiên chợ họp không chỉ có đông đảo bà con dân tộc mà còn cả những vị khách vãng lai.


Con đường dốc với cảnh vật thiên nhiên mênh mông nối dài hai bên đường sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Bạn sẽ bắt gặp những người dân địa phương khi đi vào bản, nhớ hỏi thăm đường để tránh bị lạc.


Ghé thăm bản nhỏ, bạn không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà còn ấn tượng với ẩm thực trứ danh như: chè Tà Xùi, cơm Lam, Pa pỉnh tộp (cá nướng), bánh ngô,...


Bạn có thể tự túc mang theo những vật dụng cắm trại và tận hưởng một đêm giữa chốn đất trời rộng mở.


Vào tháng 8, tháng 9, khi mùa táo mèo bắt đầu, đâu đâu cũng thoang thoảng hương táo quyến rũ. Bạn nên một lần ngủ lại trong rừng hoặc trên những cao nguyên và thức dậy sớm để ngắm Hồng Ngài hiện ra trong bình minh. Những thung lũng ngập hơi sương cùng cô gái Mông thấp thoáng với những đóa hoa dại lưng lửng bên sườn dốc sẽ làm bạn khó quên nơi đây.


Vùng núi Tây Bắc với cảnh sắc hoang sơ, cùng sự hòa quyện của thiên nhiên phong phú như thể đưa người ta đến một thế giới khác. Với đặc điểm địa hình đồi núi và khí hậu đa dạng nên bạn đến tham quan vào dịp nào cũng thích hợp. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, nhưng mùa xuân và mùa thu Tây Bắc mới thực sự rực rỡ nhất.
Phong Vinh - Ảnh: Sơn Trương Ngọc (VnExpress)

Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Thấy khách ghé vào, chủ nhà niềm nở đón chào rồi tiến ra vườn chọn những trái chín thơm ngon nhất, hái xuống cho mọi người thưởng thức ngay tại chỗ.  

Cù Lao Dài là tên gọi xa xưa của vùng đất do phù sa bồi đắp, nay thuộc hai xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sở dĩ có cái tên này vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Tuy nhiên người miền Tây thường đọc trại từ, nên "giày" biến thành "dài".

Để đến được Cù Lao Dài, bạn có thể đi bằng hai cách là dùng đò ở bến đò Vũng Liêm với giá 20.000 đồng hoặc chạy xe máy qua phà. Người dân địa phương chủ yếu lựa chọn cách thứ hai vì rút ngắn thời gian di chuyển. Chỉ cần qua phà là đến địa phận Cù Lao Dài. Nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc của thôn quê, với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng. 


Người dân Cù Lao Dài có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê và sẵn sàng hái xuống để mời khách. Ảnh: Thảo Nghi

Đặt chân đến xã Thanh Bình, bạn có thể chạy xe dọc con đường nhỏ và xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương. Có rất nhiều loại khác nhau như sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, bưởi...

Chủ vườn người miền Tây đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Bạn có thể vừa ngồi trên chiếc võng đu đưa, vừa ăn miếng mít thơm lừng và trò chuyện rôm rả. Nhiều người có thể mua trái cây ngay tại vườn và được người dân chỉ cách chọn loại ngon trên thị trường.

Sau khi thưởng thức các loại trái cây ngon ngọt, du khách có thể đến quán của dân địa phương là Vườn Dừa để thưởng thức những món ăn hấp dẫn đặc trưng, hay tự tay đổ chiếc bánh xèo vàng giòn trên chảo gang.


Bánh xèo miệt vườn ở Cù Lao Dài vừa dai vừa mềm. Nhiều lúc thực khách cứ dùng tay xé ra rồi ăn mãi không ngừng được. Ảnh: Thảo Nghi

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên mà không cần dầu. Nếu chảo quá khô, họ có thể lấy miếng mỡ di một vòng trên chảo rồi lấy ra, sau đó đổ bột, cho thêm giá, hành, tôm, hến... Chiếc bánh xèo được đặt trên lá chuối, ăn cùng các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.

Ngoài ra, ở đây còn nhiều món gắn bó với miền Tây như gỏi gà nấu rịu, ốc nướng tiêu xanh, lẩu trái bần và cơm thịt kho tàu...

Nếu chỉ ăn uống, du khách chưa thể trải nghiệm hết cuộc sống của người dân miền Tây. Đến đây, nhiều người còn bị mê mẩn bởi những giai điệu đơn ca tài tử như "Lan và Điệp", "Dạ cổ hoài lang"... Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử là các nghệ nhân không đứng hát hay mặc áo dài, mà cứ tự nhiên ngồi trên ghế cất cao giọng ngân trong trang phục giản dị. 


Những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" đang cất cao giọng hát với những khúc nhạc như Tâm sự Huyền Trân, Vọng Kim Lang... Ảnh: Bảo Thu

Hành trình về miền Tây luôn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cách sống phóng khoáng, chân tình của người dân. Bạn có thể tự mình khám phá vùng đất bằng xe máy, hoặc đăng ký đi tour các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Cù Lao Dài (hai ngày một đêm) với chi phí 1.590.000 đồng.

Thảo Nghi (VnExpress)

Bài đăng phổ biến