Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ

Mùa leo núi Phú Sĩ ở Nhật (từ tháng 7 đến tháng 8) là thời điểm mong chờ nhất của những người thích chinh phục đỉnh Phú Sĩ huyền thoại. Để có một chuyến đi an toàn, bạn nên lưu ý những điều sau.

Xem thêm: 10 'thiên đường hạ giới' của Nhật Bản khiến bạn ngây ngất

Hàng năm, núi Phú Sĩ được mở cửa trong vòng hai tháng: từ ngày 1 tháng 7 tiến hành nghi thức làm lễ mở cửa và kết thúc mọi hoạt động vào ngày 31 tháng 8. Ðây cũng là thời gian du khách tìm đến Phú Sĩ nhiều nhất để chinh phục đỉnh núi huyền thoại và ngắm bình minh trên núi.



Mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8

Núi Phú Sĩ có đến 10 trạm, để lên được đến đỉnh ngắm mặt trời mọc, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm sau:

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết



Nên có những bài tập vận động trước, tham khảo các trang web về kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ (có rất nhiều thứ tiếng)

Trước khi đi, nên kiểm tra lại mọi vật dụng cần thiết: Ba lô du lịch gọn nhẹ, đèn pin, chai nước (loại nước giúp bổ sung ion, các chất điện giải), cơm nắm gói trong rong biển (phòng khi không ăn được thức ăn của nhà hàng), điện thoại pin có độ trữ lâu và chống thấm nước, kính bảo vệ mắt, bình thở oxy loại dành cho người leo núi không chuyên…

Chọn trang phục phù hợpQuần áo ấm loại dành cho người leo núi, loại áo mưa mặc vào người - gồm quần và áo có mũ (Trạm trên núi có bán, nhưng giá cao hơn và không có nhiều để lựa chọn).

Giày leo núi có độ bám tốt.

Gậy chống để leo núi (rất hữu ích khi bạn lên và xuống).

Mang theo thuốc cảm


Khi leo núi, bạn có thể gặp mưa, để phòng bệnh nên mang theo thuốc cảm

Thời tiết ở núi Phú Sĩ rất khó đoán vì đây là vùng núi, chung quanh lại có hồ, nên có thể gặp mưa và không mưa. Nếu đi vào lúc trời mưa thì có thuận lợi là vắng người hơn ngày không mưa, leo lên rồi đi xuống không nóng bụi nhiều. Nhưng nếu quần áo không tốt, nước mưa thấm vào quần áo, bạn sẽ lạnh run và cảm sốt ngay. Vì thế lúc nào cũng cần có thuốc giảm sốt.

Đừng nên đi một mình


Đừng nên tách nhóm vì rất dễ bị lạc đường

Đoạn đường leo núi rất dài nên bạn đừng bao giờ quá tự tin để đi một mình, sẽ dễ bị nhầm đường. Dù đi khoảng 30 phút sẽ thấy một trạm dừng, thường là quán có bán thức ăn nước giải khát, đồ lưu niệm và các vật dụng cần thiết.

Ngay cả trạm cuối thứ 10 - nằm gần bên cạnh miệng núi lửa, cũng có hai quán phía đường đi lên, và phía đường đi xuống. Nhưng nếu bạn bị sốt, lạnh, chuột rút thì khó có thể cầu cứu nếu như đó là đêm khuya. Các quán sẽ đóng cửa, tắt đèn để ngủ.

Nên dùng xe vận chuyển đến tầng 5


Đoạn đường từ chân núi lên tới đỉnh Phú Sĩ được chia thành 10 tầng (hay 10 trạm). Xe ở trạm dưới chân núi sẽ đưa du khách lên tầng 5 - trạm dừng đầu của núi để bạn chuẩn bị mọi thứ trước khi leo bộ đến tầng 10.


Bạn nên đi xe đến tầng 5 và bắt đầu leo núi từ tầng 6 để tiết kiệm sức lực


Bạn không nên phá kỷ lục là đi từ chân núi lên vì vừa mất sức vừa mất thời gian (có nhóm đã mất một ngày khi quyết định đi bộ từ tầng 3 và kết quả là đuối sức khi chưa đến tầng 5). Đi xe để tiết tiệm sức lực, vì thực tế chặng đường leo núi từ tầng 5 trở lên rất khó khăn với những thử thách sau:

- Phải đối mặt với giá lạnh (cái lạnh từ gió, hơi ẩm, và mưa) rất không dễ chịu.

- Nam giới to khỏe có thể đi trong 5 đến 7 giờ. Nhưng nếu trong đoàn có nữ, các bạn nữ có thể sẽ phải dừng lại nghỉ. Nên bạn cứ thong thả đi chậm, hít thở và ngắm khung cảnh chung quanh. Đi quá nhanh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu oxy, lúc đó còn mất thời gian hơn.

- Từ tầng 5 lên tầng 6 là đoạn dễ đi nhất. Sang tầng 7 là vách đá dựng đứng. Đến tầng 8, 9, 10 thì khoảng cách giữa các trạm dừng chân ngày càng xa, bắt buộc bạn phải đi không ngừng vì sườn dốc không có chỗ ngồi lại để nghỉ. Nếu ngồi bạn sẽ lạnh cóng vì lúc đó thường là 2-3g sáng. Ngoài ra không khí rất loãng, bạn phải cần dùng đến bình thở oxy.

Một điều quan trọng là bạn phải luôn giữ ấm cơ thể. Mang theo cơm nắm trong hộp giữ ấm và nước uống có khoáng chất để giữ sức đi hết đoạn đường dài.
(Theo PNO)

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Những điểm đến được nhiều khách Tây gợi ý ở Hà Nội

Khu phố cổ, nhà hát múa rối Thăng Long hay lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là những cái tên được nhiều du khách gợi ý nên ghé thăm khi tới Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Hà Nội là một trong nhiều thành phố của Việt Nam được khách quốc tế yêu thích. Các điểm tham quan ở đây đa dạng như phố cổ, hồ Tây, cầu Long Biên... Tuy nhiên trong đó, nhiều du khách dành tình cảm đặc biệt cho một vài nơi. Dưới đây là một số địa chỉ du lịch nhận được nhiều lượt đánh giá trên trang Tripadvisor.

Khu phố cổ


Hiện nay, để bảo tồn, nhiều phương án được đưa ra khiến phố cổ càng hấp dẫn du khách hơn. Bạn có thể tới đây vào ba ngày cuối tuần để thưởng thức nghệ thuật dân gian hay hòa mình trong không khí tươi mới của người trẻ tại các khu ăn uống. Ảnh: Hương Chi.

Tại phố cổ Hà Nội, tên mỗi con đường thường tương ứng với mặt hàng truyền thống bán ở đó như Hàng Mã, Hàng Đường, Hàng Thiếc... Một đặc điểm khác cũng khiến nơi này trở nên hấp dẫn là những ngôi nhà cổ. Kiến trúc các công trình này là mái ngói nghiêng, cửa hàng buôn bán ở mặt tiền và thò thụt không đều.

Điểm đến này nhận được hơn 7.500 nhận xét từ du khách. Nhiều người xem đây như mê cung đầy sức cuốn hút hay nơi nhất định phải tới khi ghé thăm Hà Nội. Một số ý kiến khác còn chia sẻ trải nghiệm của mình như lang thang ở những con ngõ nhỏ, chen chân tại chợ đêm thứ bảy. Số khác thì dành thời gian thưởng thức nghệ thuật truyền thống ở khu vực đi bộ hay đơn giản hơn là ngồi uống một cốc bia ven đường.

Nhà hát múa rối Thăng Long

Với gần 4.500 đánh giá, nhà hát múa rối Thăng Long là điểm đến tiếp theo bạn nên ghé thăm. Mới bước vào, nhiều người thường ấn tượng bởi tiếng nhạc dân tộc vang lên nhẹ nhàng. Tới khi buổi diễn bắt đầu, bạn sẽ không quan sát được người nghệ sĩ ngoài các con rối được tô vẽ theo các tuyến nhân vật riêng. Qua sự điều khiển khéo léo, chúng sẽ truyền tải tới du khách những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của người Việt như sinh hoạt đời thường, lễ hội truyền thống: rước kiệu, đấu vật, chọi trâu...

Robby BNL, một du khách đến từ Hà Lan chia sẻ: "Nhìn có vẻ dễ nhưng thật khó để điều khiển chúng". Trong khi đó, một du khách Anh với tên tài khoản CTR lại thích thú khi được chứng kiến nhiều mảnh ghép nhỏ của văn hóa Việt Nam.

Hồ Gươm


Hồ Gươm hấp dẫn du khách cả ban đêm, khi những ánh đèn chiếu xuống tạo không gian huyền ảo, đẹp mắt. Ảnh: Diệu Huyền.

Hồ Gươm nhận được hơn 3.600 nhận xét. Trong con mắt của các vị khách nước ngoài, nơi này có diện tích nhỏ nhưng xanh mát và yên bình. Nhiều người thích đi bộ dưới những tán cây và tận hưởng không gian thoáng đãng mỗi sáng. Tuy nhiên, số khác lại thích dừng chân ở cầu Thê Húc để quan sát cuộc sống xung quanh. Còn theo Robtane đến từ Thụy Điển, ông thích ngồi trên một chiếc ghế đá và nhâm nhi một que kem mát lạnh.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám nhận được hơn 3.500 lượt đánh giá từ du khách. Quần thể di tích này gồm hồ Văn, vườn hoa Giám và khu nội tự. Trong đó, điểm nhấn được yêu thích nhất là khu vực đặt 82 tấm bia vinh danh các vị tiến sĩ dưới triều Lê.

Trong số các nhận xét của du khách để lại, nhiều người cho rằng đây là một công trình cổ, hấp dẫn nhưng nên có hướng dẫn viên đi cùng. Graham, vị khách đến từ vương quốc Anh chia sẻ anh khá may mắn khi có người hướng dẫn. Nhờ đó, anh cùng bạn bè như khám phá được một nơi yên bình, thú vị để tìm hiểu giữa phố xá náo nhiệt.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay lăng Bác khánh thành năm 1975. Trong số hơn 3.500 đánh giá của du khách, nhiều người bày tỏ sự trân trọng với không khí trang nghiêm nơi này. Thậm chí, một số du khách không biết nhiều thông tin cũng chia sẻ đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ.

Hiện tại, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa miễn phí cho du khách tham quan vào buổi sáng, trừ thứ hai. Khi vào viếng, bạn cần ăn mặc chỉnh tề, không mang theo máy ảnh, điện thoại, đồ ăn. Khách quốc tế vào tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh và nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích phải mua vé 25.000 đồng mỗi điểm.

Diệu Huyền (VnExpress)

Những trải nghiệm đáng nhớ ở đất nước sông Hằng

Tham gia giao thông cùng với những chú bò hay phải quen với việc lắc đầu thể hiện sự đồng ý là một số trải nghiệm thú vị ở Ấn Độ.
Xem thêm: Đồ dùng phụ nữ nên mang theo khi du lịch Ấn Độ

Ấn Độ là một vùng đất huyền bí với rất nhiều điều thú vị. Bên cạnh những trải nghiệm lạ, du khách cũng có thể gặp phải nhiều phiền toái trên đường đi.

Thưởng thức ẩm thực đường phố

Với khoảng 15.000 - 20.000 đồng, bạn đã có thể thưởng thức một món ăn ngon ở Ấn Độ, như masala dosa - bánh tráng cuốn từ hỗn hợp bột gạo và đậu lăng đen, pav bhaji - bánh mì cà ri cuộn với rau, hay những món ăn vặt đơn giản gồm samosas và chana chaat - đậu Hà Lan cay. Đến với đất nước sông Hằng mà du khách không thử món ăn đường phố, sẽ chẳng khác nào bỏ lỡ một nửa hành trình thú vị tại mảnh đất này.

Nhâm nhi trà Chai – Đặc sản mang thương hiệu Ấn Độ

Trà Chai là một loại trà đặc trưng của Ấn Độ, có vị hơi cay nồng quyện lẫn với hương thơm, ngọt, đậm đà của sữa. Giá một cốc trà vào chỉ khoảng hơn 2.000 đồng. Đây là một loại đồ uống bình dân được bán khắp nơi ở Ấn Độ, từ tàu hỏa, bến xe đến các góc phố.

Chiêm ngưỡng kiến trúc đền thờ đẹp


Du khách chắc chắn phải trầm trồ khi tới Ấn Độ chiêm ngưỡng các công trình đền chùa.

Ấn Độ là nơi ra đời một số tôn giáo quan trọng, đồng thời sở hữu nhiều công trình kiến trúc đền, chùa tuyệt đẹp vào bậc nhất thế giới. Với mọi tôn giáo, từ đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Phật đến đạo Sikh, Thiên chúa hay Kỳ Na, các khu đền thờ luôn là không gian thanh tịnh và yên bình.

Vị trí xây dựng thông thường là những nơi cao có tầm nhìn bao quát xung quanh. Các ngôi miếu, đền được dựng bằng những loại vật liệu khác nhau, từ đất đá thông thường cho tới đá cẩm thạch lộng lẫy đẹp như tòa tháp cổ tích.

Thương lượng giá cả

Du khách có thể mặc cả hầu hết mặt hàng, nhưng không nên cò kè vài đồng với người bán. Bất kể thương lượng giá phòng, tour leo núi, một chuyến đi xe kéo hay mua một chiếc quần alibaba, hãy luôn giữ thái độ thân thiện. Giả bộ bỏ đi là một “chiến thuật” hữu hiệu để có thể có mua với giá tốt hơn. Tuy vậy, bạn vẫn nên tìm hiểu về mức giá trước khi mặc cả.

Tham gia lễ hội quanh năm

Ấn Độ rất nổi tiếng với các lễ hội Hindu. Một trong những sự kiện lớn đó là Holi hay lễ hội màu sắc. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều lễ hội khác, tuy nhỏ hơn, nhưng được tổ chức rộng khắp đất nước. Nếu nghe thấy tiếng trống đánh lớn, hãy đi theo âm thanh đó, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng đoàn diễu hành của những người diện trang phục sặc sỡ đi cùng các chú voi mang trên mình đồ vật trang trí bắt mắt.

Tới Ấn Độ du khách sẽ có dịp tham gia vào nhiều lễ hội, đặc biệt nhất là lễ Holi sắc màu.

Thấy bò tự do đi trên đường

Khách du lịch sẽ quen với việc trông thấy những con bò thản nhiên đi lang thang trên phố. Bò có mặt ở khắp nơi trên đường: chắn lối đi, nằm trên bãi biển hay húc đầu vào cửa xe... Chúng không hề kén chọn đồ ăn nên cho vào bụng mọi thứ có thể tìm được, từ đồ ăn thừa cho đến giấy gói.

Gặp những câu hỏi tế nhị khi giao tiếp

Khi người Ấn Độ nói chuyện với nhau, họ thường hỏi về những vấn đề riêng tư như: mức lương, người yêu, vợ chồng, con cái, tôn giáo. Điều này không phải do tò mò về đời tư người khác mà chỉ để thể hiện sự quan tâm, thân thiết. Vì thế, không cần thiết phải quá căng thẳng về vấn đề này.

Thiếu không gian riêng

Khi xếp hàng ở Ấn Độ, du khách có khả năng bị những người xung quanh xô lấn và đùn đẩy. Tàu hòa thì chật cứng đến nỗi không thể dịch ra khỏi chỗ đứng hiện tại. Do đó, bạn khó có được không gian riêng tư khi ở đây

Các ga tàu ở Ấn Độ luôn chật cứng người qua lại.

Lắc đầu thể hiện sự đồng ý

Người Ấn Độ lắc đầu sang hai bên để thể hiện sự đồng ý. Đó cũng có thể là dấu hiệu bày tỏ niềm cảm kích và khích lệ. Hành động này sẽ giúp bạn có những phản hồi tích cực khi giao tiếp với người bản địa.

Trang Nguyễn (theo Roughguides)

Điều cần biết khi săn lúa chín Bắc Sơn

Thức dậy sớm để ngắm những tia nắng đầu tiên rọi xuống từng ruộng lúa chín là hoạt động bạn có thể làm trong thời gian này tại Bắc Sơn.

Xem thêm: Chốn bình yên trên thảo nguyên Đồng Cao

Thung lũng Bắc Sơn, Lạng Sơn nằm trên quốc lộ 1B, cách Hà Nội khoảng 160 km. Địa hình nơi này bằng phẳng, thuận lợi để trồng lúa. Đặc điểm của lúa Bắc Sơn là các ruộng trồng không cùng thời điểm, do vậy bạn có thể chiêm ngưỡng được sắc xanh mát hay vàng óng xen kẽ.

Thời gian

Vẻ đẹp của Bắc Sơn khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Hachi8.

Thời gian phù hợp cho chuyến ngắm lúa là tháng 7-11. Lúc này, cả thung lũng khoác lên mình tấm áo vàng mới, rực rỡ, bắt mắt. Ngoài ra, nếu muốn chiêm ngưỡng góc khác, bạn có thể tới vào thời điểm còn lại. Đây là mùa cấy, nên toàn bộ không gian hiện ra trong màu xanh mướt của mạ non.

Di chuyển

Từ Hà Nội, bạn có thể tới Bắc Sơn theo hướng cầu Thăng Long, Nội Bài, Sóc Sơn, Thái Nguyên hoặc cầu Thanh Trì, Hữu Lũng, với thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng.

Sau khi có mặt tại thị trấn Bắc Sơn, bạn hỏi đường tới núi Nà Lay. Đây chính là vị trí quan sát được toàn cảnh. Các đoàn đi xe có thể gửi ở nhà dân dưới chân núi. Giá một đêm trung bình khoảng 30.000 đồng. Tuy nhiên, bạn nên hỏi và thương lượng trước để tránh rắc rối khi lấy xe.

Nghỉ ngơi

Nhà nghỉ ở thị trấn Bắc Sơn có giá trung bình 200.000 đồng. Bạn có thể ở lại, lấy sức trước khi bắt đầu hành trình ngắm cảnh vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, nếu muốn chiêm ngưỡng Bắc Sơn trong ánh mình minh ngày mới, bạn nên thuê lều ngủ lại đỉnh Nà Lay. Nơi này có đặt một trạm phát sóng điện thoại nên bạn cần xin phép trước. Từ đó, bạn có thể nhờ trợ giúp trong một số trường hợp cần thiết.

Hành trình săn lúa

Bạn nên dậy sớm để ngắm khoảnh khắc mặt trời mọc. Lúc này, nắng mới tạo thành tia, bên dưới là những ruộng lúa xanh, vàng xen kẽ. Tất cả tạo bức tranh rực rỡ.

Trên đường trở về, bạn có thể tới thăm khu du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nằm gần đó. Đây là bản làng của dân tộc Tày với nhiều nhà sàn xây tập trung trên không gian đồng nhất. Các nóc nhà hướng về phía nam, hài hòa với núi rừng. Tới đây, bạn sẽ băng qua những ruộng lúa chín, tận hưởng mùi thơm dịu ngọt và nhẹ nhàng.

Vật dụng cần mang theo

Trường hợp ngủ lều, bạn cần mang theo đồ ăn đủ cho hai bữa tối và sáng, lều, chăn mỏng, bật lửa, áo khoác mỏng, đèn pin, nước uống, giầy leo núi...

Diệu Huyền (VNExpress)

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Vũ điệu đường phố rực rỡ ở Nha Trang

Những tiết mục nghệ thuật cùng tiếng nhạc rền vang mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Trầm Hương thu hút hàng nghìn du khách và người dân Khánh Hòa.
Xem thêm: 15 điều thú vị ở Nha Trang chỉ dân địa phương biết

Tối 12/7, lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival biển 2015 được tổ chức tại quảng trường 2 Tháng 4, TP Nha Trang. Các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn trên tông nền xanh ngọc của biển, rực đỏ cờ Tổ quốc thiêng liêng hướng về nguồn cội.


Một màn trình diễn thể hiện vẻ đẹp lung linh của biển Nha Trang được tạo nên bởi hàng trăm đảo lớn nhỏ, muôn hình dạng, sắc màu như những viên ngọc bích giữa biển khơi.


Những người con xứ biển mở rộng vòng tay chào đón bạn bè khắp nơi đến với Nha Trang, tạo nên một miền đất hòa bình, thân ái.


Tiếp nối hoài bão, người lính hải quân Việt Nam trên con thuyền canh giữ bình yên biển, đảo quê hương.


Sự mạnh mẽ của người thanh niên vùng đất Khánh Hòa khi kéo những tấm lụa đỏ - xanh tượng trưng cho hành động vượt sóng ra khơi.


Hàng trăm diễn viên múa được huy động để tham gia các màn trình diễn nghệ thuật trên đường phố Nha Trang, tạo nên không khí sôi động và rực rỡ.


Festival kết nối giữa truyền thống và đương đại, tạo thành trung tâm du lịch biển của cả nước và quốc tế.


Những người bạn Nhật Bản hào hứng mang tới lễ hội nét đặc trưng của đất nước mình.


Hàng nghìn người dân tỏ ra thích thú khi chiêm ngưỡng lễ hội đường phố đa màu sắc.

Xuân Ngọc (VnExpress)

Bài đăng phổ biến