Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Đường đến danh hiệu Di sản thế giới của Tràng An

Không chỉ phải thuyết phục Ủy ban Di sản thế giới, Tràng An còn phải bảo vệ hồ sơ trình UNESCO với hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên trước nhiều ý kiến trái chiều.

Xem thêm: Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ ngày 23/6/2014. Để được công nhận, đoàn đại diện tỉnh Ninh Bình đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Hữu Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, khó khăn đầu tiên và lớn nhất là lựa chọn tiêu chí. Vì lựa chọn tiêu chí về thiên nhiên (như giá trị thẩm mỹ, hoặc địa chất địa mạo) hay tiêu chí về văn hoá, Tràng An đều có vẻ “non”. Ví dụ, về tuổi địa chất, Tràng An kém Vịnh Hạ Long cả trăm triệu năm.

“Chúng tôi đã phải loại hàng loạt nhà tư vấn trong nước để tìm đến những chuyên gia hàng đầu thế giới, giúp tỉnh xây dựng hồ sơ. Cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn tiêu chí hỗn hợp, cả thiên nhiên và văn hoá”, ông Bình chia sẻ.

Ý kiến trên được lãnh đạo này ví là chấp nhận thi ba môn (ba tiêu chí), trong khi có người cho rằng chỉ cần thi một môn (một trong mười tiêu chí của UNESCO), cũng có thể được công nhận là di sản thế giới. Thực tế, trong 1.007 di sản UNESCO trên thế giới, chỉ có 31 di sản hỗn hợp.

Khi đoàn tới thủ đô Qatar để bảo vệ hồ sơ, vẫn còn những góp ý của các chuyên gia hàng đầu, cả trong đoàn và trong nước điện sang, yêu cầu bỏ tiêu chí văn hoá, chỉ bảo vệ một tiêu chí thiên nhiên cho an toàn. Năm 2014, không quốc gia nào đệ trình hồ sơ di sản hỗn hợp như Tràng An. “Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì quan điểm Tràng An xứng đáng là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới”, ông Bình kể.
Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 của thế giới. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng.

Hồ sơ của Tràng An đệ trình lên UNESCO được nghiên cứu và xây dựng trong vòng chưa đầy một năm, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho biết. Đó là chưa kể 1,5 năm thẩm định và xét duyệt hồ sơ của các cơ quan tư vấn UNESCO.

Với các hồ sơ đề cử khác trên thế giới và ở Việt Nam, thời gian từ khi nghiên cứu, lập hồ sơ đến khi được vinh danh thường kéo dài 3- 5 năm, thậm chí có hồ sơ tới 7 năm như trường hợp Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trong 2,5 năm này, những người làm hồ sơ Tràng An còn phải giải quyếtvấn đề tranh chấp vùng nguyên liệu với các nhà máy xi măng nằm liền kề với vùng đệm của khu di sản đề cử. Quần thể danh thắng Tràng An có khu vực bảo vệ rộng 12.000 ha, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh xi măng, khai thác vật liệu xây dựng, làm du lịch và nông nghiệp, có hàng ngàn hộ dân đang sống… Họ tồn tại trước khi Ninh Bình có ý định trình UNESCO công nhận Tràng An là di sản thế giới.

Ông Mạnh còn tiết lộ, hồ sơ Tràng An từng bị đánh giá ở mức D, tức hoãn xem xét trong 2 năm để bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các khuyến nghị đánh giá của cơ quan tư vấn UNESCO, "chúng tôi thấy rằng có nhiều điểm đánh giá chưa đầy đủ, thiếu khách quan và khoa học nên đã giải trình và phản biện".

Bên cạnh đó, đoàn công tác còn tận dụng mọi thời gian, cơ hội tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đoàn chuyên gia các nước thành viên Ủy ban Di sản trong và bên lề kỳ họp (15-25/6/2014) để giới thiệu và giải thích về hồ sơ cũng như những vấn đề khuyến nghị.

"Đến ngày thứ 6, hầu hết các thành viên trong đoàn đều bị ốm do thời tiết nóng và cường độ làm việc cao, căng thẳng, đều đặn hàng ngày từ 9h sáng đến 12h đêm. Chuyên gia tư vấn của đoàn do nói nhiều quá nên bị mất tiếng, phải đưa đi viện chữa để kịp trở lại họp với các đoàn đã đặt lịch", ông Mạnh kể.

Cuối cùng, Việt Nam đã thuyết phục được hầu hết các nước trong Ủy ban Di sản ủng hộ hồ sơ Tràng An trên cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Ngày 23/6/2014, Ủy ban Di sản Thế giới công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đây là di sản thứ 1.004 của thế giới, thứ 11 ở châu Á Thái Bình Dương và di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Trần Hằng - Vy An (VnExpress)

Vùng đất của loại thịt bò đắt hơn cả ở Kobe

Gifu là một tỉnh ở khu vực trung tâm Nhật Bản nổi tiếng với dâu tây, hồng Phú Hữu và đặc sản bò Hida, đắt đỏ hơn cả thịt bò Kobe trứ danh.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Những sản vật, danh lam thắng cảnh của tỉnh Gifu vừa được Tỉnh trưởng Hajime Furuta giới thiệu tại Việt Nam. Trong ảnh, đầu bếp của Đại sứ Nhật đang nướng thịt bò Hida, được mang từ tỉnh Gifu tới, chỉ ướp qua muối và hạt tiêu.

 
Đặc điểm của thịt bò Hida là những vân mỡ trắng phân bố xen kẽ giữa các thớ thịt hồng với tỷ lệ tương đồng. Một con bò Hida đã mổ xong có giá vào khoảng 10 triệu yên (1,7 tỷ đồng). Mỗi con bò tách được khoảng 300 kg thịt. Những miếng thịt được mang tới Việt Nam giới thiệu lần này có giá bán buôn là 18.000 yen một kg (hơn 3 triệu đồng). Trong khi thịt bò Hida đem đi thi đấu với các loại thịt bò khác ở Nhật có giá lên tới 50.000 yen một kg (gần 9 triệu đồng).

Trong ảnh là những lát thịt Hida nóng hổi sau khi nướng được rưới sốt rượu vang, ăn kèm với các loại rau. Dù đã qua công đoạn nướng, từng miếng thịt như tan chảy trong miệng người thưởng thức. 

Những con bò tại tỉnh Gifu được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên phong phú, nguồn nước tinh khiết. Chỉ loại thịt từ những con bò lông đen Nhật, được nuôi dưỡng tại tỉnh Gifu, đã vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, thời gian và giai đoạn vỗ béo mới được gắn thương hiệu "thịt bò Hida". Ông Furuta, thịt bò Hida sẽ nhận được cấp giấy phép vào Việt Nam trong năm sau.


Một cách chế biến thịt bò Hida khác gọi là tataki, tức nướng tái.

Đầu bếp hướng dẫn về các loại nước sốt ăn kèm cho Đại sứ Australia Hugh Borrowman.

Ngoài thịt bò Hida, nhiều món đặn sản của Nhật cũng được giới thiệu tới các Đại sứ ở Việt Nam, trong đó không thể thiếu sushi.

Cá nướng tái theo kiểu tataki ăn kèm rau.

Phong cách bài trí kết hợp giữa Nhật Bản và Việt Nam với những cánh sen hồng mùa hạ.

Các món tôm, cá, rau chiên kiểu Tempura vàng ruộm.

Các món ngọt được bày trí tỉ mì với bố cục màu sắc hài hòa.

Bên cạnh đó, ông Furuta cũng giới thiệu hồng Phú Hữu, dâu tây mềm, ngọt lịm và ngôi làng Shirakawa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới cách đây 20 năm. "Vào mùa đông, tuyết phủ trắng xóa ngôi làng, du khách đến đây như lạc vào thế giới thần thoại", ông nói. Tỉnh Gifu cũng có rất nhiều điểm chuyên để ngắm hoa anh đào mùa xuân, nổi tiếng trên toàn nước Nhật.

Ông Furuta cũng cho hay lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm tỉnh Gifu mỗi năm tăng gấp đôi năm trước.

Trọng Giáp (VnExpress)

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Bộ tộc 'người cá' ở Malaysia

Nhiếp ảnh gia Réhahn đã dành thời gian tìm hiểu về Bajau - bộ tộc của những con người sống như cá trên đảo Borneo, thuộc thị trấn Semporna, bang Sabah, Malaysia.

Xem thêm: Những lưu ý khi du lịch Malaysia

Người Bajau sống trên những con thuyền nhỏ, lênh đênh suốt ngày đêm, kế sinh nhai của họ là đánh bắt cá. Trẻ em bộ tộc này được học cách bơi, lặn và đánh cá từ khi lên 8 tuổi nên họ được mệnh danh là "người cá".


Họ không sống tập trung mà phân tán đi nhiều nơi khác nhau, trên những ngôi làng nổi xây giữa các khu vực có san hô. Ngày nay, người Bajau đã di chuyển tới gần bờ biển và sống trên các đảo nhỏ. Tuy nhiên lối sinh hoạt gắn liền với biển vẫn được giữ nguyên.


Nhiếp ảnh gia người Pháp 35 tuổi, Réhahn, đã dành 8 ngày chung sống và tìm hiểu về "người cá" Bajau. Anh vô cùng thích thú khi biết đến bộ tộc với cách sống như một loài cá, họ sinh tồn vì nước và cũng nhờ nước.


Những đứa trẻ rất thích anh chụp ảnh và gặp gỡ người nước ngoài.


Người Bajau đặt niềm tin vào thuyết duy vật và đạo Hồi, mối quan hệ của họ với biển cả, và sự tồn tại của những người dân du cư.


Nhờ học bơi lặn từ bé, họ có thể lặn sâu tới 20 m trong vài phút khi đi bắt cá. Ngoài ra, người Bajau cũng lặn tìm ngọc trai và hải sâm. Vì thường xuyên lặn và bơi lội trên biển nên họ có phải làm thủng màng nhĩ ngay từ bé.


Réhahn chia sẻ rằng rất khó biết được tuổi thật của người Bajau nhưng đó cũng không phải vấn đề lớn vì họ là những người sống trong hiện tại, sống vì nước và biển cả.

Hương Chi (theo Boredpanda)

5 kiểu du khách thích đến vịnh Vĩnh Hy

Từ TP Phan Rang du khách di chuyển khoảng 40 km là có thể tới vịnh Vĩnh Hy, nơi có nhiều núi và hang động đẹp, khí hậu trong lành, nước biển xanh trong, thích hợp cho nhiều kiểu du khách.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba - Nha Trang

Dưới đây là những trải nghiệm bạn không thể bỏ qua khi đến với vịnh Vĩnh Hy của Ninh Thuận.

Đam mê nhiếp ảnh

Vào sáng sớm, bạn hãy thuê một chiếc xe máy rồi rong ruổi trên con đường Nước Ngọt uốn quanh bờ biển. Giá cho thuê khoảng 130.000 đồng một ngày, nếu qua đêm trả thêm 50.000 đồng. Du khách sẽ được nhìn ngắm ánh bình minh đỏ rực như rải trên đường. Khoảnh khắc đón tia nắng đầu tiên trong ngày trên vịnh Vĩnh Hy là lúc các nhiếp ảnh gia chờ đợi để có được những tấm ảnh đẹp.

Bạn cũng có thể thỏa sức sáng tạo khi đi dọc những bãi cát trải dài bên bờ biển, ngắm các ngọn núi bao bọc toàn vịnh xen kẽ với nhiều tảng đá vôi hình thù kỳ dị hay bìa rừng đổi màu lá theo mùa. Chiều về, khi bóng mặt trời bắt đầu khuất dần sau những dãy núi của Vườn Quốc gia Núi Chúa, lúc này là các tay máy chụp và lưu giữ những bức ảnh hoàng hôn.

Thích khám phá dưới nước

Không chỉ đẹp với bức tranh thủy mặc trên bờ, Vĩnh Hy còn cuốn hút bởi những khung cảnh kỳ thú được tạo bởi rạn san hô dưới nước. San hô tại đây mọc thành "rừng", đủ màu sắc, du khách biết bơi có thể thoải mái khám phá chỉ với một bộ kính lặn và ống thở.

Bức tranh thiên nhiên phong phú của vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Xuân Lộc.

Nếu bạn không biết bơi, vẫn có thể ngắm nhìn dải san hô này qua những ô kính trong suốt dưới đáy thuyền du lịch. Giá thuê khoảng 60.000 đồng một người khi ghép đoàn. Nếu đi đông người bạn có thể thuê trọn một thuyền với giá 600.000 đồng.

Du khách có thể dừng chân ở bất kỳ bãi tắm nào. Vĩnh Hy có nhiều bãi tắm nối tiếp nhau với làn nước trong xanh mát mẻ: bãi Chà Là, bãi suối Nước Ngọt, bãi Rạng, bãi Nước Đỏ, bãi Kinh, bãi Chuồi, bãi Hời, bãi Đá Lớn…

Thích tìm nơi yên tĩnh

Mất khoảng 15 phút qua cây cầu treo, du khách tới vườn quốc gia thiên nhiên Núi Chúa. Tại đây bạn có thể tha hồ tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng, ngâm mình trong nước suối Lồ Ồ mát lạnh chảy từ những mạch ngầm trên đỉnh núi. Nếu có dịp tới Núi Chúa những ngày trời quang mây tạnh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ánh mặt trời bị khúc xạ qua các bọt nước li ti tạo nên cầu vồng đủ sắc.

Muốn trải nghiệm ẩm thực

Những bè hải sản thường neo đậu ngay gần bờ và cả ngoài ngơi. Bạn có thể lựa chọn những món hải sản yêu thích với tiêu chí ngon, bổ, rẻ mà không nơi nào có được. Ốc móng tay, ốc hương, ốc vú nàng, ốc giá hay cầu gai... có giá khoảng 150.000 đến 400.000 đồn một kg tùy loại.
Bè hải sản của ngư dân sống trên vịnh neo đậu gần bờ nên du khách có thể dễ dàng đến và trải nghiệm cũng như mua sắm. Ảnh: Phương Thu Thủy.

Muốn tìm hiểu cuộc sống ngư dân

Một điều hấp dẫn khác khi đến Vĩnh Hy là bạn được thử làm ngư dân trong vòng một ngày hoặc làm du khách khám phá làng chài ven biển để hiểu hơn về cuộc sống nơi đây. Du khách có thể tự tay thả mồi cho những con tôm hùm nuôi trên bè, hay ngồi thuyền thúng mua các loại hải sản tươi ngon làm quà cho người thân mà không cần mặc cả.

Đêm về, từ bãi biển nhìn ra xa, bạn sẽ thấy những ngọn đèn sáng nhấp nhô từ tàu đánh cá của ngư dân, trông như một thành phố lấp lánh trên biển.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

New Zealand, thiên đường ẩm thực xanh của thế giới

Theo Nadia Lim, Vua đầu bếp New Zealand, dù không có món đặc trưng nhưng ẩm thực nước này vẫn ghi điểm với du khách nhờ tất cả nguyên liệu chế biến đều được nuôi trồng trong môi trường không chất bảo quản.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch New Zealand

New Zealand nằm phía tây nam biển Thái Bình Dương, bao gồm 2 khu vực chính gọi là đảo Bắc và đảo Nam, chia cắt bởi eo biển Cook. Nơi đây có phong cảnh tự nhiên quyến rũ như hồ nước trong xanh, núi tuyết trắng xóa, thành phố yên bình và là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới.
Những đàn cừu ở New Zealand được thả tự do và ăn cỏ tự nhiên, do vậy chúng có sức đề kháng tốt, cho ra đời nguyên liệu thịt có vị ngọt khác biệt, ít mỡ. Ảnh:Travelblog.

Ngoài ra, điều tạo nên khác biệt ở đất nước này còn phải kể đến nền ẩm thực phong phú. Với đặc điểm đa văn hóa, hòa quyện từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau, New Zealand không có món ăn truyền thống cụ thể giống các loại phở, bún hay nem rán như ở Việt Nam.

Yếu tố giúp phân biệt, nhận diện thực phẩm ở đất nước này được Nadia Lim – Vua đầu bếp New Zealand năm 2011 mô tả là thông qua hương vị từng nguyên liệu kết hợp yếu tố vùng miền. Chẳng hạn, do đặc điểm địa lý, ban ngày, thời tiết ở đây rất nóng, đặc biệt vào mùa hè nhưng đêm xuống, khí hậu lại trở nên khá lạnh.

Sự chênh lệch này có thể là điểm trừ trong mắt nhiều du khách nhưng với dân bản địa, đó lại là cơ hội tốt để trồng các loại hoa quả, như nho, táo. “Thời tiết thay đổi đột ngột nên tinh chất hình thành trong trái cây đem lại nhiều năng lượng, tạo nên vị ngọt và hương vị đặc biệt”, Nadia lý giải.

Nadia Lim, Vua đầu bếp New Zealand năm 2011 chế biến món súp vẹm xanh với sự trợ giúp của Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning trong khuôn khổ chương trình "Kết nối ẩm thực New Zealand tại Hà Nội" diễn ra hồi đầu tháng 5.

Không chỉ hoa quả, các loại thực phẩm từ gia súc và hải sản nơi đây cũng được cô gái sinh năm 1985 tiết lộ những ưu việt. Theo đó, New Zealand có rất nhiều cánh đồng chăn nuôi. Gia súc được thả tự do thay vì nhốt trong chuồng trại.

Do thường xuyên ăn cỏ tự nhiên và vận động nhiều, những con cừu và bò ở đất nước này thường có cơ thể tráng kiện, ít tích mỡ, cung cấp nguồn thịt tươi, ngon, hương vị khác biệt. Lợi thế nữa là nhờ chăn thả tự do, không gian thoải mái, chúng hầu như không nhiễm bệnh hay phải sử dụng các loại thuốc, kháng sinh điều trị.

“Điều này cũng giống như khi bạn thưởng thức các món tự chế biến tại nhà thay vì dùng đồ ăn nhanh”, Nadia nhận xét.

Cũng vì là quốc gia đa văn hóa và không có món ăn cổ truyền cụ thể, du khách tới New Zealand có thể tìm thấy đủ vị của các nước khác trong cùng một món. Chẳng hạn khi thưởng thức súp vẹm xanh, bạn sẽ thấy hương vị như một biến thể của Tom Yum – Thái Lan với vị cay đặc trưng, xen lẫn mùi sả thơm và một chút béo từ nước cốt dừa. Điểm khác biệt ở chỗ loài vẹm dùng chế biến được sản sinh trong môi trường nước biển sạch, không lẫn bất cứ hạt bụi, đất, cát nào nên thịt ngọt, bùi, ngậy.

Với du khách lần đầu tới đây, một số món ăn được khuyên nên thưởng thức cũng rất phong phú và liên quan chủ yếu tới nguyên liệu chế biến từ cá hồi, vẹm xanh, thịt cừu, bơ, sữa, các loại hoa quả (táo, cherry, kiwi…).

Lưu ý về văn hóa ẩm thực New Zealand
Người New Zealand thường có bữa sáng ngọt ngào với Muesli (trái cây khô trộn hạt) ăn kèm sữa và yoghurt. Còn bữa tối chủ yếu gồm thịt bò hoặc thịt cừu, ăn kèm khoai tây, rau quả.

Nếu được mời tới dùng bữa cùng gia đình người New Zealand, bạn hãy yên lòng vì họ rất thoải mái trong thói quen ăn uống. Tuy vậy, phép lịch sự là nên mang theo một chai rượu làm quà. Người New Zealand cũng thích ăn barbecues và bạn có thể đóng góp các món nướng trong bữa tiệc này.


Trần Hằng (VnExpress)

Bài đăng phổ biến