Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

5 điểm hẹn ăn uống cuối tuần thú vị ở Hà Nội

Phố Hàng Bồ, Ao Sen hay Trần Huy Liệu là những nơi bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon như bánh tôm, há cảo chiên, dimsum hay xôi gà quay.
Cuối tuần là thời điểm nhiều người thường tụ tập ở các quán quen. Nếu đang băn khoăn chưa biết đi đâu ăn gì, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội / Hà Nội 120 năm trước

1. Phố Hàng Bồ - bánh tôm, há cảo chiên

Giá một đĩa há cảo chiên và bánh tôm là 26.000 đồng. Quán mở cửa từ 14h hàng ngày. Ảnh: Vân Anh.

Những chiếc há cảo nhỏ xinh được chiên giòn là món ăn "ngôi sao" tại số nhà 55. Món này có vỏ mỏng, giòn và vàng ruộm. Đặc biệt, chiếc nào chiếc nấy được nhồi nhân đầy đặn. Một phần ăn chừng 20 chiếc được dọn cùng đĩa rau sống và bát nước chấm chua ngọt. Ngoài ra, bạn có thể gọi thêm bánh tôm, món ăn cũng được ưa chuộng không kém. Bánh này lớn hơn há cảo một chút và có vị bùi của tôm chín tới cùng béo ngậy từ bột chiên giòn.

Xem thêm: Lời khuyên khám phá Hà Nội

2. Đường Trần Huy Liệu - dimsum


Mức giá dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng mỗi phần.. Ảnh: Ngoisao.
Thực khách đến phố Trần Huy Liệu thường mất khá nhiều thời gian để tìm ra địa chỉ bán dimsum này. Tuy nhiên, bạn chỉ cần nhớ kỹ phòng 45, tầng 1, B2 tập thể Giảng Võ là có thể nhờ người dân xung quanh chỉ đến. Khi có khách, chủ quán mới lấy những chiếc bánh gói sẵn đem hấp.

Món này ở đây nhỏ xinh, hệt như một nụ hoa chúm chím. Phần nhân bên trong gồm tôm bóc vỏ, thịt và rau. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại khác nhau, tùy theo sở thích của mình.

3. Đường Xuân Thủy - katsudon

Bạn nên cho thêm nước xốt được phục vụ kèm để món này thêm đậm vị. Ảnh: lozi.
Số nhà 241 là địa chỉ bán món katsudon, một loại cơm thịt heo chiên xù kiểu Nhật. Một suất đầy đủ có màu vàng ruộm từ thịt chiên, trắng của hành tây, và lấm tấm của vừng. Khi ăn, bạn có thể cảm nhận được vị béo mềm và ngọt tự nhiên của các thành phần quyện đều. Giá một phần trung bình là 100.000 đồng.

Xem thêm: 4 món cơm ngoại hấp dẫn ở Hà Nội

4. Đường Trường Chinh - xôi gà quay

Phần rau chống ngấy ở đây hơi ít. Ảnh: lozi.
Phố Trường Chinh nhỏ và luôn đông đúc xe nhưng được tín đồ ẩm thực nhớ tới với những món gà ngon, một trong số đó là xôi gà quay. Địa chỉ bán là số nhà 604. Món này có màu vàng của xôi nếp dẻo, thịt gà quay chín đều và hành phi thơm lừng. Bạn có thể ăn thêm cà rốt và dưa chuột dọn kèm để chống ngấy. Giá một phần hiện nay là 80.000 đồng.

Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

5. Phố Ao Sen - bánh mỳ bò xào

Một suất ăn có giá 40.000 đồng.  Ảnh: lozi.
Ngõ 4K5, phố Ao Sen (Hà Đông) từ lâu nổi tiếng với món bánh mỳ bò xào. Món này được chế biến khéo léo khiến nhiều thực khách yêu thích. Cụ thể, thịt bò tẩm ướp gia vị kỹ càng, xào chín trên lửa lớn rồi dọn cùng một chiếc bánh mỳ giòn. Bạn nên cho thêm quất, tương ớt để hương vị được hài hòa. So với nhiều loại quen thuộc, bánh mỳ bò xào chính là cái tên khá mới mẻ, đổi gió cho ngày cuối tuần lang thang của bạn.

Mời các bạn xem các chương trình du lịch Hà Nội trên website travel.com.vn
Diệu Linh - VNExpress

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Ngất ngây trước những mùa hoa xuân miền Bắc

Đến các tỉnh vùng núi phía Bắc đầu xuân, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa mận Mộc Châu, hoa ban Điện Biên hay hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan.

Hoa mơ, hoa mận trắng


Từ nhiều năm nay, Mộc Châu trở thành điểm hẹn cho những người thích du lịch và mê chụp ảnh mỗi mùa hoa nở. Ảnh: hachi8.

Những ngày nắng ấm cuối đông đầu xuân, cả cao nguyên Mộc Châu được bao phủ bởi màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa mận. Du khách sẽ được nhìn ngắm những ngọn đồi trồng toàn mận nở hoa trắng muốt pha sắc lá xanh non. Hoa mận đẹp một cách mong manh và tinh khiết. Các bản Lóng Luông, Thông Cuông, Pa Phách, Tân Lập, bản Áng… là nơi tập trung nhiều đồi hoa nhất, và bạn phải vào sâu trong bản để có những khung hình đẹp. Đầu tháng 2 là thời điểm hoa nở đẹp nhất trong năm.

Hoa đào vùng cao


Đào rừng Sapa như viên hồng ngọc khảm lên bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Viết Mạnh.

Khi mùa xuân ấm áp bắt đầu chạm ngõ cũng là lúc những cánh hoa đào Tây Bắc bắt đầu bung nở trên khắp các lưng núi, sườn đồi. Dù khoe sắc khắp vùng cao Tây Bắc nhưng hoa đào Sa Pa vẫn được du khách háo hức nhiều hơn cả. Đào Sa Pa bông to, cánh dày, nở bừng ngay cả trong trời rét buốt và nở rộ nhất từ tháng 12 đến tháng 2. Đào rừng cũng được trồng trong sân nhà, cành hoa vươn mình chìa xuống ngang mái hiên, thả những cánh hoa mỏng xuống sân, tạo thành một khung cảnh đẹp như tranh mà chẳng có máy ảnh nào ghi lại được một cách trọn vẹn.

Hoa ban


Hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên. Ảnh: abay.

Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa có 4 - 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong, bướm. Có hai loại ban là ban trắng và ban đỏ, nhưng ban trắng chiếm đa số ở vùng này. Đầu tháng hai Âm lịch là thời điểm hoa ban lác đác nở, rộ nhất và đẹp nhất là đầu tháng ba, đến đầu tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Lúc nở rộ, trông cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Với sắc trắng tinh khôi, những cánh hoa ban đã tạo nên vẻ đẹp trong trẻo cho núi rừng Tây Bắc. Nhờ vậy mà hành trình gian nan theo quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên bỗng nên thơ và xao xuyến tâm hồn.

Hoa đỗ quyên


Hoa đỗ quyên nở rộ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: iviet.

Hoa đỗ quyên nở quanh năm nhưng đẹp nhất là khoảng tháng 4. Là loài cây mọc tự nhiên nhưng hoa có vẻ đẹp rực rỡ bởi bông lớn, màu sắc nổi bật và đa dạng như đỏ, hồng, vàng, trắng... Để chiêm ngưỡng loài hoa này, không đâu có thể lý tưởng hơn vườn quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai - nơi được mệnh danh là "vương quốc hoa đỗ quyên". Hoa nở rộ cũng là lúc tiết trời khô ráo, thuận lợi cho chuyến leo núi Fansipan. Bởi thế, kết hợp chinh phục nóc nhà Đông Dương và ngắm đỗ quyên là lựa chọn tuyệt vời cho những người đam mê thử thách.

Trần Quỳnh tổng hợp

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

6 nét đặc sắc trong cách đón Tết của các nước châu Á

Người Mông Cổ thường dậy sớm trước cả bình minh và mặc quần áo mới, nhóm lửa vào sáng mùng 1 trong khi dân Hàn Quốc lại treo một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.

Xem thêm: Địa điểm du lịch Tết / Rực rỡ tết Phương Nam

Giây phút tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin và hy vọng được xem là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong lòng nhiều người. Mỗi quốc gia, dân tộc lại có những truyền thống đón Tết mang nét đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên sự độc đáo riêng biệt từng vùng.

1. Mông Cổ 

Theo tập quán, vào ngày Tết Tsagaan, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Thời khắc giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun, có nghĩa “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Họ sẽ ăn thật no vì tin rằng nếu không làm vậy thì suốt cả năm mới sẽ bị đói.

Vào ngày đầu năm, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ tới đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh.

Dịp lễ đặc biệt này, họ thường tụ tập ở nhà người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong đó, các thành viên gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Kết thúc nghi thức, tất cả mọi người cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao nhau những món quà cầu chúc năm mới thịnh vượng, ấm no.


Tết Tsagaan của người Mông Cổ. Ảnh: Hunnutour.com

2. Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollal, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dọn sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa nhằm xua đuổi tà ma vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc

Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu làm vậy thì khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri”, một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.


Gia đình quây quần trong ngày Tết Seollah của Hàn Quốc. Ảnh: koreaherald.com

3. Trung Quốc 

Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian". Theo truyền thuyết, “Nian” là tên một con quỷ luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành. Người Trung Quốc phát hiện ra con quỷ rất sợ màu đỏ và tiếng động mạnh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Từ đó, cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, họ thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối, đèn lồng, dán giấy đỏ và đốt pháo để xua đuổi quỷ sứ, đồng thời cầu mong muốn một cái Tết vui vẻ, năm mới an lành. Người Trung Quốc cũng bắt chước tiếng chim cuốc kêu. Loài vật này vốn được coi là chim báo hiệu mùa xuân, nhắc nhở mọi người gieo trồng. Bên cạnh đó, họ còn tung hạt giống lên trời với ước mong được mùa trong năm mới.


Sắc đỏ tràn ngập trong những ngày Tết tại Trung Quốc. Ảnh: lifevancouver.jp

4. Singapore

Singapore đón tết nguyên đán khá giống với Trung Quốc. Người dân nơi đây cũng có những truyền thống như trang trí nhà cửa, đường phố với màu đỏ, lì xì trẻ em trong ngày đầu năm hay đến chúc Tết họ hàng, bạn bè.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Singapore

Họ rất quan trọng việc đoàn tụ gia đình vào dịp năm mới. Con cháu dù ở xa tới đâu cũng đều tụ họp đông đủ để cùng nhau đón năm mới. Vào dịp này, người ta hay tặng nhau dứa và cam vì trong tiếng Trung Quốc, chúng được phát âm giống với từ giàu có, hạnh phúc và con cái.


Yu Sheng, món ăn may mắn không thể thiếu trong ngày Tết của người Singapore.

5. Triều Tiên

Trước kia, Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và 11, gần đây mới chuyển sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch như một số nước Đông Á khác. Tết của người Triều Tiên cũng kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman (phù thủy) đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc…

Vào sáng ngày 1 Tết, đàn ông phải tới hàng xóm chúc mừng nhau trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này. Người Triều Tiên cho rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo cả năm nếu người xông đất nhà họ là phụ nữ. Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát, nhảy múa.


Cơm thuốc, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Triều Tiên. Ảnh: airasia.com

6. Việt Nam

Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt. Phần "lễ" cũng như "hội", đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo sẽ chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi thế, mọi gia đình Việt Nam đều làm mâm cơm tiễn đưa "ông Táo” vào đúng ngày này. Đây được xem như hoạt động đầu tiên của Tết Nguyên đán.

Hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có mai, tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài ra còn có quất với quả chín vàng mọng, biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và lòng biết ơn với tổ tiên, không thể thiếu mâm ngũ quả. Đây được xem là lộc trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.


Gói bánh chưng là một nét văn hóa đẹp trong phong tục ngày Tết của người Việt.

Selina Nguyễn - VNExpress

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Phượng tím khoe sắc nồng nàn ở Hà Nội

Cả Hà Nội chỉ có vài cây phượng tím, vốn có xuất xứ từ Đà Lạt. Phượng tím khoe sắc khi trời còn chưa thực sự sang hè, như để 'dọn đường' cho những bông phượng hồng rực rỡ hơn.


Phượng tím có nguồn gốc từ châu Mỹ, tên khoa học là Jacranda mimosaefolia D.Don thuộc họ Cúc nác. Phượng tím lần đầu tiên được nhân giống và trồng thành công ở Đà Lạt. Vài năm trở lại đây người ta thấy phượng tím được trồng ở nhiều nơi trên cả nước.



Ở Hà Nội, cây phượng tím được nhiều người biết đến hơn cả nằm trong ngõ 62 phố Nguyễn Chí Thanh, được trồng trong khuôn viên một ngôi biệt thự đang bỏ hoang. Ngoài ra còn một cây phượng tím rất đẹp soi bóng xuống hồ Bảy gian, gần làng Ngọc Hà. Từ giữa tháng 4, phượng tím đã bắt đầu đơm bông khoe sắc tím và đến cuối tháng thì đang tàn.


Khi Hà Nội bắt đầu chuyển mùa xuân - hạ là thời điểm phượng tím đúng kỳ nở rộ.




Khi phượng đỏ chưa kịp đơm bông thì phượng tím đã nở bung khoe sắc.



Hoa phượng tím cánh mỏng, đầu loe rộng nở thàm chùm đơn sắc.



Màu phượng tím tạo ra không gian đầy thơ mộng và lãng mạn.


Những ai yêu phượng tím luôn có cảm giác bang khuâng khi ngắm nhìn những chùm hoa tím biếc, tỏa hương bên cửa.


Khi phượng tím đến độ tàn mới là lúc phượng đỏ bắt đầu khoe sắc thắm trong cái nắng mùa hè.

Các bạn có thể tham khảo tour Ha Noi qua các chương trình du lịch hè tại website travel.com.vn
Lam Lam

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

6 món ăn kinh điển hễ nhắc tên là muốn đến Tết ngay

Hình ảnh con gà luộc, bát canh măng, đĩa nem rán hay miếng bánh chưng, mứt bí, mứt gừng khiến teen cảm thấy ngày Tết đang rất gần.

Bánh tét, bánh chưng

Bánh tét khác bánh chưng ở chỗ dùng lá dong gói thay vì lá chuối. Ảnh:cukieuviet.com

Trong khi người miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại chuộng bánh tét. Cả hai loại bánh này tương đồng về nguyên liệu và cách nấu, chỉ khác hình dáng và lá gói (bánh tét dùng lá chuối thay vì lá dong).

Theo tục lệ xưa của người Việt Nam, Tết là những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn nên hai loại bánh này có thể để được lâu và ăn dần. Bánh tét thường có nhân mặn với thịt mỡ, đậu xanh (giống bánh chưng) nhưng cũng có loại nhân chuối hoặc đậu đen.

Hành muối

Hành muối được xem là thứ gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết. Ảnh: Eva.vn

Chỉ những ngày giáp Tết, hành muối mới xuất hiện và bày bán khắp các khu chợ, siêu thị. 

Trong mâm cơm truyền thống ngày Tết, hành muối là món không thể thiếu và ngoài bánh chưng, nó còn được ăn cùng giò thủ để chống ngấy.

Giò thủ

Giò thủ có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon. Ảnh: Báo Phụ Nữ

Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) có nguồn gốc từ miền Bắc với thành phần chính là thịt tai, mũi heo xào chín, nén chặt bằng khuôn. Món này có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon, cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh.

Gà luộc, canh măng

Gà luộc ngày Tết còn có ý nghĩa "cát tường", tức là như ý, cầu được ước thấy. Ảnh: Khỏe&Đẹp

Đêm giao thừa, nhà teen nào cũng chuẩn bị một con gà luộc để thắp hương, riêng phần nước đem nấu cùng măng và ăn dần. Dù không phải món ăn cao cấp hay hiếm có khó tìm, tới mỗi dịp Tết, gà luộc và canh măng vẫn mang dấu ấn đặc biệt với mỗi người.

Nem rán

Trong miền Nam, nem rán còn có tên chả giò. Ảnh: Menungon

Món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng phải kể đến nem rán. Loại truyền thống và phổ biến nhất là nhân thịt nạc băm, miến, nấm hương, giá đỗ, trứng. Tất cả trộn đều, sau đó gói trong lá nem thành từng chiếc tròn trịa, cuối cùng là chiên ngập dầu. Món này còn có thể điều chỉnh một số nguyên liệu để tăng thêm hương vị như thay giá đỗ bằng khoai tây hay bổ sung thêm cà rốt, tôm và cua bể.

Ở miền Trung, nem rán còn có tên chả cuốn, riêng Thanh Hóa gọi là chả. Còn tại miền Nam, món này được gọi là chả giò hoặc nem Sài Gòn (theo cách nói của người miền Bắc).

Các loại hạt, mứt

Không chỉ là nét văn hóa ngày Tết, mứt gừng còn có công dụng chống cảm lạnh giữa lúc giao mùa. Ảnh: Coviet.vn

Những ngày giáp Tết, các con phố cổ Hà Nội, trong đó có Hàng Đường, lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua các loại mứt. Nhiều người lớn tuổi nơi đây còn kể lại rằng trước kia, khi tới con phố này, mùi thơm của hoa quả được sên trong đường đã tỏa ra ngào ngạt. Các hộ gia đình nơi đây chủ yếu làm mứt bằng cách thủ công, truyền thống.

VnExpress

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Mai anh đào Đà Lạt rực rỡ đón xuân

Còn hơn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhưng thời điểm này hoa mai anh đào đã rực hồng, mang sắc xuân về với Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sắc mai anh đào đầy quyến rũ

Mai anh đào là loài hoa đặc trưng làm nên thương hiệu riêng của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Theo các vị cao niên ở thành phố này thì hoa thường nở vào mùa xuân và nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán.


Nhiều thập kỷ qua, loài hoa có cánh mỏng manh phơn phớt hồng này cứ lặng lẽ bung hoa đón Tết và níu chân nhiều du khách gần xa. Năm nay cũng vậy, dù là năm nhuận nhưng dường như mai anh đào cũng biết “nhịn” lại một thời gian để khoe hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền góp xuân cho phố núi.

Hồ Xuân Hương – không gian lý tưởng để ngắm mai anh đào 

Mai anh đào khoe sắc trên một triền đồi Đà Lạt 

Ruộng vườn Đà Lạt cũng ngập sắc hoa


Hai bên đường Trần Hưng Đạo rực sắc mai anh đào

Phố phường Đà Lạt thắm sắc hoa 

Mai anh đào trên đường phố Đà Lạt


Đường phố ngợp hoa 

Vào những ngày này, trên khắp các đường phố Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Phù Đổng Thiên Vương, Tương Phố, Nguyễn Du, Trần Quốc Toản, Trương Công Định,…đều đã rực rỡ sắc mai anh đào.


Trên đường Trần Hưng Đạo, dọc 2 bên đường của khu biệt thự cổ Cadasa, mai anh đào đã nở bung. Đây là một trong những địa điểm lý tưởng cho những du khách hay những đôi tình nhân để ghi lại dấu ấn của một chuyến đi hay lưu lại một kỷ niệm ngọt ngào trong mùa cưới. Chính vì vậy mà cung đường này trong những ngày qua luôn tấp nập du khách đến thưởng lãm hoa và chụp hình lưu niệm. 


Nụ xuân

Đường quê rực rỡ với mai anh đào 

Vẻ đẹp khó quên

Điểm nhấn ấn tượng nhất cho du khách ngắm hoa có lẽ là không gian quanh thắng cảnh hồ Xuân Hương thơ mộng. Quanh bờ hồ này, du khách có thể thả bộ, hít thở không khí trong lành để ngắm hoa, hoặc chọn cho mình những chỗ ngồi lý tưởng trong các quán cà phê ven hồ rồi chiêm ngưỡng sắc đẹp khó quên của loài hoa đầy quyến rũ này.

Còn trên các cung đường vào Đà Lạt như đường ĐT 723, đèo Ngoạn Mục, đèo D’ran, đèo Prenn hay quanh khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Thung lũng vàng… mai anh đào đều rực hồng sắc hoa chờ đón bước chân lữ khách.

Gia Bình – Võ Trang

Sắp có tour ngắm Đà Nẵng từ trực thăng

Dòng trực thăng cao cấp EC130 T2 của Pháp sẽ được sử dụng để chở khách du lịch bay tham quan Đà Nẵng.

Ngày 10/2, Tổng công ty trực thăng Việt Nam đã ra mắt tour du lịch bay tham quan Đà Nẵng bằng trực thăng. Đơn vị khai thác dịch vụ này là Công ty trực thăng miền Trung, đóng tại Đà Nẵng. Hai chuyến đầu tiên đã cất cánh trong sáng cùng ngày để lãnh đạo Đà Nẵng và các hãng tour trải nghiệm. 


Ông Phạm Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty trực thăng miền Trung, cho biết chuyến bay chở khách du lịch đầu tiên dự kiến vào ngày 24/4 tới. Chi phí sẽ từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng cho mỗi hành khách thăm thú bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân trong khoảng thời gian từ 15 đến 25 phút. 

Một góc bán đảo Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông. 

"Dịch vụ này nằm trong tầm tay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Trước đây Tổng công ty triển khai một số tour ở vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc, Nha Trang... nhưng dùng máy bay dầu khí và một số máy bay chuyên dụng khác nên chưa phù hợp. Tới đây chúng tôi sẽ sử dụng máy bay chuyên về du lịch, đó là trực thăng EC130 T2 cao cấp của Pháp", ông Điệp nói. 


Trực thăng EC130 T2 có một chỗ của phi công và 6 chỗ cho khách ngồi với góc nhìn rộng, phù hợp cho tham quan du lịch. Hiện tại Công ty trực thăng miền Trung dùng một máy bay cho tour khám phá Đà Nẵng, xuất phát từ sân bay Nước Mặn. "Rất nhiều công ty lữ hành và đơn vị du lịch đăng ký bao tour, tuy nhiên đến giờ công ty chưa quyết định đơn vị nào là đại lý", ông Điệp thông tin. 

Sau khi đi vào hoạt động, ngoài gói tham quan Đà Nẵng, Công ty trực thăng miền Trung cũng tung ra gói bay lữ hành đến các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay bay trên hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình), núi Bà Nà (Đà Nẵng)... 


Tại buổi làm việc sáng 10/2, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng muốn Công ty bay trực thăng miền Trung duy trì gói sản phẩm bay tham quan thành phố từ trên cao, đồng thời đề nghị xem xét hạ giá thành. Tuy nhiên, theo ông Điệp, nếu giảm giá quá thấp thì doanh nghiệp khó làm được. 

"Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tiễn để đưa ra mức giá phù hợp giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ. Giá như dự kiến hiện nay là rất sát với thực tế. Một số nước trên thế giới đã làm dịch vụ này và đưa ra đơn giá cao hoặc thấp hơn phía công ty chút ít", ông Điệp nói thêm. 

Nguyễn Đông

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Bí kíp tránh bị chặt chém khi ăn nhà hàng

Tham khảo ý kiến trên mạng, giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn có thể giúp bạn thoát khỏi các tình huống mất tiền oan.

Khách du lịch luôn là "miếng mồi béo bở" cho các chủ cửa hàng, quán ăn tranh thủ "chém đẹp" khi những người này không thực sự biết rõ về giá tiền cũng như chủng loại các sản phẩm. Cách đây ít lâu, một nhà hàng ở Vũng Tàu vừa bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn vì thanh toán bằng thẻ tín dụng cho khách Nhật gấp 10 lần giá trị hóa đơn.


Dưới đây là các tuyệt chiêu giúp bạn giảm được tối thiểu các nguy cơ này, đặc biệt là khi đi du lịch dịp Tết, vốn dĩ rất đắt đỏ:

Trước khi đi:

Các phượt thủ sành sỏi luôn sử dụng các tham khảo các thông tin trên mạng, diễn đàn trước khi quyết định chọn bất cứ một nhà hàng nào. Không chỉ quan tâm đến số điểm được đánh giá mà bạn nên bỏ chút thời gian đọc các nhận xét phía dưới. Tuy nhiên, việc này cũng mang tính chất tương đối bởi nhiều khi khen chưa chắc đã đúng hoặc phù hợp với mình, và chê thì chưa chắc đã dở. Trang web càng uy tín thì độ tin cậy càng cao. Tốt nhất vẫn là hỏi ý kiến người thật việc thật từ những bạn bè người thân từng trải nghiệm.

Ngoài ra, một cách khác, bạn có thể hỏi trực tiếp hướng dẫn viên hoặc khách sạn nơi bạn lưu trú chỉ giùm địa chỉ ngon tại địa phương đó. Ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị của bạn, tuy nhiên, những địa chỉ do nhân viên khách sạn tư vấn thường khá an toàn về hầu bao với dân du lịch.


Khi ăn nhà hàng, ý kiến của những người đi trước rất có giá trị. Ảnh: Nguyên Chi

Khi đi ăn:

Khi gọi món, nhớ xem kỹ giá tiền, nếu giá đắt hơn giá đã được mách nước thì nên hỏi rõ lý do: "Vì giá lại cao như vậy? Tôi được biết, giá chỉ khoảng ngần này..." để hy vọng có thể được giảm giá. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ về các phụ phí "trên trời" có bị tính kèm không như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng (nếu ngồi ngoài sân), tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ...

Một thói quen được nhiều người sử dụng gần đây là luôn giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn thanh toán, phòng trường hợp có sự cố xảy ra. Những bức hình minh họa món ăn ít hay nhiều, chất lượng ra sao có vẻ như vô nghĩa nhưng khi được sử dụng để đăng lên các diễn đàn trong tình huống bạn bị chặt chém, nó lại có hiệu quả bất ngờ.

Khi thanh toán:

Tốt nhất là nên chọn những quán ăn hay nhà hàng cho phép thanh toán trước để bạn có thể yên tâm thưởng thức món ăn và không phải nín thở khi nhận hóa đơn.

Lúc thanh toán bằng tiền mặt, cần kiểm tra kỹ tiền thừa được trả lại. Khi đi nước ngoài, nhiều chủ nhà hàng có thể lợi dụng việc khách du lịch không thân thuộc với ngoại tệ mà đưa cho những tờ tiền giả, sờn hay rách.

Khi thanh toán bằng thẻ, hạn chế tối đa việc đưa thẻ của mình cho người khác quẹt và khuất tầm quan sát. Cố gắng quan sát kỹ nhưng thật lịch sự khi nhân viên nhà hàng quẹt thẻ của bạn. Đối chiếu giá tiền trên hóa đơn và số tiền bạn bị trừ có khớp nhau hay không. Việc này luôn luôn không thừa.

Trong tình huống xấu:

Khi bị hét giá quá cao lúc thanh toán tiền, bạn nên bình tĩnh xử lý tình huống, yêu cầu gặp chủ nhà hàng để đề nghị giải trình về điều bất thường. Mất bình tĩnh luôn khiến sự việc tồi tệ hơn, cố gắng ghi âm hay chụp hình cuộc nói chuyện này.

Trong tình huống không thể thương thuyết, bạn cần nhanh chóng đưa các bằng chứng cho cơ quan quản lý địa phương hoặc công an (khi số tiền bị lừa lớn) ngay khi có thể.

Nguyên Chi

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ

Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Kênh rạch cũng là “đường phố”, nó mang vẻ đẹp cho một đô thị lớn từng được mệnh danh là Tây Đô. Cần Thơ lại có vẻ đẹp bình dị nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú núp dưới bóng dừa.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu

Cầu Cần Thơ
Xem thêm: Một ngày khám phá vườn ca cao miền Tây

Đi khi nào?

Khí hậu Cần Thơ điều hoà dễ chịu, ít bão. Quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung binh là 27ºC.

Phương Tiện đi lại

Xem thêm: Một hành trình - hai sắc xuân

Hầu hết việc di chuyển ở khu vực miền Tây đều di chuyển bằng Ôtô. Các bạn có thể ra bến xe miền Tây (địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, Quận Bình Tân Tp.HCM) để mua vé hoặc liên hệ các xe chuyên chạy tuyến Sài Gòn – Cần Thơ như:

Xe Phương Trang: 

Sài Gòn:  272 Đề Thám, quận 1. ĐT: (08) 38375570. Khởi hành tại bến xe miền Tây từ 7h sáng đến 10 giờ tối.

Cần Thơ: Khởi hành tại bến xe Nguyễn Trãi (ngã tư đường Hùng Vương) cứ nửa tiếng là có một chuyến. Giá vé khoảng 80.000đ, chạy 4 tiếng.

Xe Hoàng Long

Sài Gòn: Phòng vé Bến Xe Miền Đông, ĐT – (08)35113113. Văn phòng 47Phạm Ngũ Lão Q1 (08)39151818.

Cần Thơ: Bến xe lộ 91B

Xe Mai Linh

Tổng đài đặt vé tại Sài Gòn: (08) 39 29 29 29. Đường dây nóng: 0985 29 29 29.

Tuyến  Sài Gòn – Cần Thơ: Xe 15 chỗ và 45 chỗ chạy đan xe nhau 15 phút xuất bến một chuyến hàng ngày, 24/24. Giá vé 75.000đ.

Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt.

Phương tiện di chuyển của người dân Cần Thơ chủ yếu là ghe thuyền

Khách Sạn, nơi lưu trú

Một số khách sạn ở Cần Thơ bạn có thể tham khảo

– Khách sạn Ninh Kiều – 2A Hai Bà Trưng, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 676

– Khách Sạn Victoria Cần Thơ – Khu Du lịch Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. ĐT: 0710 3810 111

– Khách Sạn Tân – 5 Thủ Khoa Huân, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3812 750

– Khách Sạn Kim Thơ – 1 Ngô Gia Tự, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 517

– Khách Sạn 31 – 31 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 287

– Khách Sạn Hòa Bình, Nhà Hàng 38 -5 Hoà Bình, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ.

ĐT: 0710 3825 417

– Khách Sạn Huy Hoàng – 33 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 833

Ăn gì?

Cần Thơ có rất nhiều quán ăn ngon và rẻ, buổi tối bạn có thể ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông hậu rất thú vị.

– Cá sông ở Cần Thơ to, thịt chắc, lại rẻ.

- Bánh cống Cần Thơ: Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên dòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.

- Bánh xèo: Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt… Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.

- Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức.

- Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ không thể không thưởng thức món ốc nướng tiêu. Ốc được luộc sơ rồi cho lên nướng, vừa nướng vừa cho nước mắm, tiêu, tỏi vào trong cho đến khi nước bên trong hơi cạn xuống thì dọn ra là ăn.

– Bún tôm khô – Cái Răng: Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích.

Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.

– Chuột nướng chao: nghe thì ghê nhưng lại là món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở miền sông nước này. Chuột nướng chao là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp… để thưởng thức món ăn dân dã ngon, lạ và giá cả cũng rất bình dân.

– Để thưởng thức những món trên, có thể ghé bất kỳ nhà hàng nào ở Cần Thơ. Ngoài ra còn có một số con đường gắn với những món ăn đặc trưng như:

+ Lẩu mắm – quán Dạ Lý trên đường 3/2. Đây là quán mở khá lấu và có thâm niên trong việc nấu lẩu mắm. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa đến Cần Thơ”.

+ Đường Lý Tự Trọng: ở hẻm 1 có quán Lẩu Vịt Nấu Chao rất ngon. Nếu muốn ăn Phở thì bạn đến quán OANH cũng trên đường Lý Tự Trọng

+ Đường Lê Lai ( ngay công viên Lưu hữu Phước, bên tay phải, vào 20 mét là thấy), nổi tiếng về Bánh Bèo, bánh cuốn, bánh tăm bì….. nơi đây rất có uy đó, phải lại sớm nếu không thì không có chổ ngồi hoặc hết hàng.

+ Đường Lê Lợi, nổi tiếng về ” rau má Đâu” tức là rau má xay với đậu xanh, rất ngon; hoặc hủ tiếu “bèo” sau lưng hai quán trên (chỉ bán buổi tối).

+Nếu các bạn nữ thì buổi tối còn có thể vào trong bảo tàng quân khu 9, nằm ngay trên đại lộ Hòa Bình (đối diện K/S Ninh Kiều 2) để thưởng thức món gỏi khô bò và uống sữa đậu nành.

+ Món ” tàu hủ đá” và bánh bột chiên buổi tối bán trong chùa Khmer.

+  Đường 30 tháng 4: mỗi khi đêm xuống có bán rất nhiều thức ăn hủ tiếu, bún bò Huế, chè, hột vịt lộn… Nhưng món ăn đại diện cho con đường này là cháo trắng hột vịt muối hay ăn với cá kho hoặc ăn cả với 2 thứ tùy theo khẩu vị của bạn.

Điểm Tham Quan

Chợ nổi: 

Đến Cần Thơ muốn đi chợ nổi thì ra bến Ninh Kiều đón tàu, bến Ninh Kiều có rất nhiều tàu du lịch để chọn. Không nhất thiết đi tàu Victoria giá khá cao. Tốt nhất là bạn nên đặt từ chiều hôm trước để sáng hôm sau bạn có thể khởi hành đi ngay.

Từ Ninh Kiều bạn đi Phong Điền và Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều 30′ bằng canô là nơi chuyên mua bán nông sản, các loại trái cây của vùng.

Vườn cò Bằng Lăng

Thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ. Nơi đây là một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông.

Du lịch vườn Cần Thơ: 

Vườn Cần Thơ có trên khắp các tuyến đường bộ, đường thuỷ ở Tp. Cần Thơ. Các vườn du lịch xanh tươi đã và đang thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến thăm.

Nhà cổ Bình Thuỷ: 

Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa phường Bình Thuỷ, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Ngôi nhà cổ năm gian hai mái, kiến trúc kiểu Pháp được gia đình họ Dương xây vào năm 1870.

Chùa Nam Nhã: 

Nằm ở 612 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Chùa do ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng năm 1895, theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi là chùa Minh Sư.

Chùa Ông: 

Nằm ở đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, Quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ. Chùa Ông là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa tại Cần Thơ. Chùa được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993.

Chợ đêm Tây Đô – chợ văn hóa du lịch: 

Cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ.

Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Theo ivivu

Vietravel thường xuyên mở tuyến du lịch Cần Thơ, các bạn có thể tham khảo tại website www.travel.com.vn

Bài đăng phổ biến