Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Đi ăn sáng ở 10 nước trên thế giới

Nếu như người Việt có thói quen ăn bánh mỳ, xôi, ngô hoặc “sang” hơn một tí là các loại bún, phở… vào bữa sáng thì bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được bữa ăn tương đối cầu kì của các nước trên thế giới.

1. Thổ Nhĩ Kỳ


Người Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt yêu thích các bữa sáng với nhiều dinh dưỡng, bữa sáng của họ bao gồm mứt, trứng, bánh mỳ, mật ong, bơ và quả ô liu.



2. Campuchia

Khẩu phần ăn sáng của người Campuchia khá giống với các nước châu Á khác, bao gồm cháo, còn được gọi là “bobor” và bún. Gạo là một trong những món ăn yêu thích của họ.

Mời bạn tham khảo: Kinh nghiệm du lịch Campuchia

3. Ai Cập

“Ful Medames” là bữa sáng phổ biến ở quốc gia này, được chế biến từ đậu. Ngoài ra còn có rau và các gia vị khác ăn kèm.



4. Bolivia

“Saltena” là món chính cho bữa sáng ở Bolivia, các loại thịt lợn, gà, bò được nhồi lại rồi nướng bằng lò nướng.



5. Nga

Được chế biến từ nhiều loại ngũ cốc khác nhau, “Kasha” là bữa sáng điển hình của người Nga.


6. Pháp

Người Pháp đặc biệt thích ăn các loại bánh ngọt được làm từ bột như bánh sừng bò…. Trái cây và cà phê cũng thường xuyên có mặt trong bữa sáng của người dân nước Pháp.



7. Morocco

Dân Morocco cũng rất thích ăn đồ ngọt vào bữa sáng, họ thường ăn mật ong, bánh mỳ, chà là, ô liu cùng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ.



8. Nhật Bản

Bữa sáng của người Nhật được chia thành hai loại: Truyền thống và hiện đại. Bữa sáng truyền thống bao gồm cơm, cá, đậu nành, rong biển và súp. Còn một bữa sáng hiện đạị sẽ có trứng, bánh mì nướng, salad khoai tây và cà phê.

Xem thêm: Cuộc phiêu lưu của món sushi

9. Ba Lan

Bữa sáng bắt mắt của người Ba Lan có tên là “Jajecznica”, bao gồm xúc xích được nấu theo kiểu Ba Lan, bánh khoai tây và trứng.



10. Anh

Người Anh rất thích ăn các món chiên vào bữa sáng. Một bữa sáng lí tưởng đối với người dân xứ sở sương mù sẽ gồm thịt xông khói, bánh pudding đen, cà chua, khoai tây và trứng.





















10 điều khiến bạn thấy đi du lịch không đâu sướng bằng Việt Nam

Chẳng chỗ nào giá thì rẻ, đồ ăn lại ngon, cảnh đẹp ở khắp mọi nơi và luôn nhộn nhịp nhiều niềm vui như Việt Nam.

Trong nhiều bà review du lịch trên mạng về những miền đất lân cận, không hề khó để bạn tìm ra hai câu: “Hơn hẳn Việt Nam”, hay “Chả bù với Việt Nam”. Hai câu này trở nên quen thuộc đến mức, đôi khi, bạn chẳng cần tìm cũng có thể thấy chúng đập vào mắt, khó chịu như một cái cấu véo bất chợt vào lòng tự ái của mình.

Nhưng Thái Lan hay Singapore hay thậm chí là Nhật, Hàn đều là những địa điểm "được cái này mất cái kia". Nơi thì có giá cả bình dân nhưng lại không nhiều trải nghiệm thú vị, nơi thì có bề dày văn hoá và nhiều điểm tham quan tuyệt vời, nhưng giá lại quá đắt. Bỏ qua những choáng ngợp ban đầu về sự xa hoa và nổi tiếng của những điểm đến ấy, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng, thật ra, du lịch Việt Nam sướng bá đạo.

1. Ở đâu cũng dễ dàng dò được wifi miễn phí

Đây là một trong những điều khách du lịch Việt Nam cảm thấy "không đâu sướng bằng ở nhà" nếu đi du lịch nước ngoài. Ở Việt Nam, nhất là những thành phố lớn, ngồi một chỗ có thể dò được wifi khắp mọi nơi. Phần lớn nhà hàng, quán xá đều cung cấp wifi miễn phí, xài tẹt ga.
Tuy nhiên, bạn sẽ phải suy nghĩ và thói quen này khi đi Sing hoặc Bangkok. Ở hai thành phố này, hầu hết các nhà hàng đều yêu cầu bạn phải bỏ thêm tiền mua wifi chứ không hề có chuyện cung cấp wifi miễn phí như ở Việt Nam. Lấy ví dụ như Starbucks ở Thái sẽ bắt bạn phải mua 150 bath cho 24 tiếng wifi tại quán này.
Còn sang Nhật mà muốn dùng wifi thì phải thuê cục phát, thuê ngay tại sân bay thì cỡ... 300k/ngày, thuê từ Việt Nam thỉ rẻ hơn chút. Chà, cảm giác quay đi quay lại đã thấy ví tiền mỏng hẳn rồi í.

2. Trà đá, cafe vỉa hè thật nhã

Chẳng nơi nào ngoài Việt Nam có cái văn hoá ngồi cafe, trà đá vỉa hè cả buổi, buôn chuyện, chém gió tẹt ga trong khung cảnh thơ mộng của đường phố với hàng cây mát rượi trên đầu. Ghế thì ghế con cóc. Cốc tách thế nào cũng xong. Nhưng lại nghiện vô cùng. Thế mà đứng lên chỉ mất 30 nghìn là nhiều lắm lắm rồi.


3. Taxi sẵn và rẻ

Taxi ở Bangkok có thể rất rẻ, nhưng đôi khi, đó sẽ là những trải nghiệm rất tồi tệ. Vào năm 2013, Bộ Giao thông đường bộ Thái Lan đã thông báo, có tới 23,092 cuộc gọi tới hotline để phàn nàn về dịch vụ taxi ở đất nước này. Trong đó bao gồm: Tài xế từ chối khách (11,216 lời phàn nàn), tiếp đó là từ chối bật meter (3,802 lời phàn nàn), dịch vụ bất lịch sự (3,002 lời phàn nàn), trả khách sai địa điểm (2,361 lời phàn nàn) và phóng xe ẩu (1,436 lời phàn nàn).
Còn taxi ở Singapore? Nhật Bản? Trung Quốc? Tốt nhất là nếu bạn không có một túi tiền cực kỳ rủng rỉnh, bạn không nên nghĩ đến chuyện đi taxi ở đây. Hàn Quốc thì cước taxi tự động nhân thêm 20% nếu sau 12h đêm. Thậm chí, khi vừa bước chân đến Nhật, bạn đã luôn luôn được khuyên là "taxi ở đây rất đắt, đừng bao giờ đi". Chưa kể nhiều nước còn có chuyện tính thêm tiền nếu tắc đường, ngay cả khi đã dừng lại rồi nhưng khi biết hành trình của bạn không "hợp ý" lắm, người ta vẫn có thể phi xe đi thẳng và bỏ mặc bạn ngơ ngác. Taxi 7 chỗ thì nhiều nước, nhiều thành phố không có.
Nếu so sánh với Việt Nam, hẳn bạn sẽ thấy taxi ở Việt Nam cực kỳ... tuyệt vời. Chỉ cần gọi taxi theo hãng, vậy là sẽ chẳng còn cảnh mặc cả hay hết hồn vì giá trên trời. Taxi thì luôn cực sẵn, ở mọi nơi.

4. Resort hạng sang, khách sạn xinh xắn vừa đẹp vừa nhiều

Ở Việt Nam, sướng nhất là có rất nhiều resort hạng sang có giá rẻ rất nhiều so với các nước trong khu vực. Có những resort hạng sang, giá chỉ từ 1-2 triệu đổ lên, tức là rẻ bằng một nửa resort sang chảnh tương tự ở Thái hay Sing. Thế nên, các phượt thủ nước ngoài đến Việt Nam dù tằn tiện đến đâu, vẫn có cả đống ảnh check in nằm ườn bên bể bơi trong một khu resort long lanh nào đó, hoặc vô cùng vui thích trước không gian của một khách sạn rất xinh xắn.


5. Bãi biển đẹp


Phuket hay Sentosa ư? Nghe thì oách, đến rồi mới biết, chẳng bằng một góc Mũi Né, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng quê mình.



 Xem thêm: Việt Nam đẹp dung dị trong ảnh nghệ thuật

6. Ẩm thực đường phố quá sức đa dạng

Chúng ta đã nói về điều này quá nhiều đến mức chúng ta nói nữa sẽ trở nên thật sáo rỗng! Cái gì khiến các tờ báo du lịch nổi tiếng thế giới phải suýt xoa, các blogger lừng danh phải thổn thức mỗi khi về nhà? Đồ ăn chứ còn gì nữa! Bánh mì, phở, xôi, cơm tấm, bún chả, cơm gà,... kể mãi không thấy hết.


7. Thực đơn ăn sáng vô cùng phong phú

Chuyện mỗi hôm một món, thích món nào ra quán ăn món đó, chán bún miến phở thì chuyển sang xôi, bánh bao; hay ra hàng bánh cuốn, bánh canh... cũng là trải nghiệm rất đặc biệt, khiến ai đi du lịch nước ngoài cũng thấy nhớ Việt Nam ghê. Vì nhiều nước không có thói quen ra ngoài hàng ăn sáng mà chỉ ăn sáng tại nhà.


8. Tắc đường cũng "nhẹ nhàng" thôi

Nếu ai từng đến Bangkok, hẳn sẽ nhớ mãi cơn ác mộng có tên tắc đường. Tắc đường ở Bangkok kinh khủng đến nỗi, rất có thể bạn sẽ phải ngồi trong taxi suốt nửa tiếng (hoặc thậm chí là hơn 1 tiếng) chỉ để di chuyển một cách chậm chạp trên một quãng đường dài 2-3km.
Ở Nhật thì cũng thường xuyên xảy ra tắc đường trên các tuyến cao tốc, với thời gian kéo dài hàng giờ liền.
Vậy mới biết, tắc đường ở Việt Nam còn thoải mái hơn và bạn không phải rùng mình ớn lạnh khi nghĩ đến việc lao ra đường vào giờ cao điểm.


9. Những hòn đảo hoang sơ đầy mê hoặc

Đảo Bình Ba, đảo Lý Sơn, đảo Nam Du, rồi những cung đường đẹp mê ly trên đường xuyên Việt, những mùa hoa về trên cao nguyên... bạn đơn giản là chỉ cần phóng xe trên một con đường nào đó trên khắp Việt Nam là đã có thể tìm thấy một khung cảnh đẹp như mơ rồi.

10. Sơn Đoòng

Năm vừa rồi, Sơn Đoòng chính là siêu sao của du lịch Việt Nam! Hệ thống hang động to lớn nhất thế giới với cả một thế giới chưa khám phá hết bên trong, từng đó cũng đã đủ để khiến Sơn Đoòng là niềm ước ao của hàng triệu phượt thủ trên khắp thế giới rồi.









Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

8 điều nên biết nếu đến Hollywood

Hãy tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước dưới đây để chuyến du ngoạn kinh đô điện ảnh thế giới thuận lợi hơn nhé.

1. Người nổi tiếng không thường xuyên đi chơi


Nếu bạn muốn được trông thấy các diễn viên, ca sĩ bằng xương bằng thịt thì hãy đến Beverly Hills, Santa Monica, Studio city, Malibu - những nơi mà họ làm việc, tập thể hình, mua sắm hoặc uống cà phê chứ không phải những chốn vui chơi công cộng.

2. Hollywood là trung tâm của Los Angeles rộng lớn


Trong một khoảng thời gian ngắn bạn sẽ không thể nào thăm quan hết Hollywood nên hãy tập trung đến các địa điểm nổi tiếng ở Tây Hollywood, lên Tower Bar ở khách sạn Sunset để ngắm toàn cảnh thành phố và thư giãn tại bãi biển.

3. Hollywood có phong cách của riêng mình


Thời trang của Hollywood nghiêng về những thứ vừa vặn, mát mẻ, thoáng nhìn qua thì giản dị nhưng lại đậm phong cách riêng. Mọi người thường thoải mái mặc quần jeans áo phông ra đường ban ngày và lộng lẫy đi dự tiệc vào buổi tối.

4. Giao thông ùn tắc


Quãng đường di chuyển ở Hollywood luôn được tính bằng thời gian chứ không phải km và người ta có thể cộng thêm hàng nửa giờ chỉ để đi vài cây số vì giao thông thường xuyên hỗn loạn và ùn tắc. Nếu tự lái xe bạn hãy tải ứng dụng Waze còn nếu đi taxi hãy sử dụng Uber hoặc Lyft.

5. Thời tiết luôn đẹp


Trời thường nắng ấm vào ban ngày và se lạnh khi mặt trời lặn. Vì thế đủ kiểu quần áo có thể mặc được tại đây, từ chiếc áo hai dây cho tới áo khoác nhẹ. Bạn có thể ngồi cà phê ngoài trời lúc râm mát và vào trong nhà hàng máy lạnh hoặc rạp chiếu phim khi trời nắng. Tuy nhiên tháng 6 là tháng trời u ám ở Los Angeles, vì vậy du khách được khuyên không nên đến đây trong thời điểm này, nhất là khu vực bãi biển.

6. Hãy lịch sự khi nhìn thấy người nổi tiếng


Không chỉ các paparazzi mới "săn" được sự xuất hiện của người nổi tiếng mà người dân bình thường hay các du khách thỉnh thoảng cũng sẽ may mắn nhìn thấy họ. Tuy nhiên có một luật bất thành văn là hãy lịch sự, đừng chỉ trỏ hay giơ máy ảnh chụp lia lịa. Họ luôn nhạy cảm và dễ thấy ngượng ngùng hơn bạn tưởng. Nếu bạn nhìn thấy một người nổi tiếng và họ biết bạn nhìn thấy, hãy lịch sự. Đừng chỉ, hoặc tín hiệu nào để chụp ảnh. 

7. Đồ ăn ngon tuyệt


Thực đơn ở Hollywood nói riêng và Los Angeles nói chung khá lành mạnh với các nguyên liệu hữu cơ, đồ ăn chay và sữa.

8. Hollywood toàn những công ty giải trí


Tại Hollywood ngành công nghiệp giải trí giữ ngôi vị hàng đầu. Hầu như tất cả đều làm việc cho ngành công nghiệp này, thậm chí cả các nhân viên bán hàng, bồi bàn đều có tham vọng trở thành biên kịch, nhạc sĩ, người mẫu, đạo diễn và luôn chờ cơ hội.

Hà Đan (theo 10Best)

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

15 mẹo giúp bạn qua đêm thoải mái ở sân bay

Chuyện phải qua đêm mỗi khi thực hiện các chuyến bay có lẽ không còn là điều mới mẻ với những ai bay xa.

Những mẹo sau đây có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái với việc phải tá túc ở sân bay - điều vốn dĩ đã chẳng mấy thoải mái này.

1. Tìm hiểu về giờ giấc của sân bay

Thường các sân bay sẽ mở cửa 24/7. Nhưng một vài sân bay nhỏ chỉ mở cửa ban ngày. Bởi vậy bạn hãy nên kiểm tra trước giờ giấc hoạt động của sân bay hoặc liên lạc trực tiếp với nhân viên nơi này. Đó là phương án chuẩn bị đầu tiên để đảm bảo cho bạn an toàn vì nếu phải qua đêm ở những sân bay chỉ hoạt động về ban ngày, bạn có thể gặp "ác mộng". Nhiều sân bay có thể linh động cho hành khách ngủ cạnh hành lý ở khu check-in, nhưng như thế cũng chẳng an toàn chút nào.


Nhiều sân bay cung cấp các dịch vụ buồng ngủ ngay trong nhà ga. Ảnh: Dailymail

2. Hãy tìm buồng ngủ

Một lựa chọn lý tưởng cho những ai ở lại sân bay qua đêm là tá túc ở các khu vực ngủ được thiết kế sẵn, nếu sân bay có khu này. Các sân bay lớn thậm chí còn bố trí cho bạn một không gian tối, yên tĩnh và có cả nhạc ru ngủ giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất. Còn những sân bay đơn giản hơn có thể cung cấp cho bạn ghế nằm. Dĩ nhiên khi sử dụng những dịch vụ này, bạn sẽ mất một khoản phí nho nhỏ.

3. Ngủ gần những hành khách đang ngủ

Nếu cảm thấy không bất tiện, hãy chọn ngủ gần những hành khách đang ngủ. Đặc biệt với những ai đi du lịch một mình thì cách này sẽ rất hiệu quả. Bởi như thế, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn, những người bên ngoài vì nghĩ bạn đang đi cùng nhóm nên sẽ ngại làm phiền hơn.

4. Ngủ trong khu vực an ninh cao


Khi chìm sâu vào giấc ngủ, khả năng tự vệ của bạn hầu như bằng không. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm nếu qua đêm nơi công cộng. Vì lý do đó, hãy chọn nghỉ ngơi ở những khu vực mà an ninh được bố trí dày đặc với nhân viên công vụ hay camera quan sát. Hoặc nếu không, bạn có thể chọn nơi có nhiều nhân viên mặt đất.

5. Kiểm tra mọi thông tin về chuyến bay sắp tới

Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay sắp tới của mình bằng cách nắm rõ lịch trình bay, cổng check-in, khu kiểm tra an ninh lẫn cổng ra tàu bay. Vì như thế bạn có thể chủ động hơn thay vì say trong giấc ngủ để rồi lỡ chuyến bay.

6. Chọn chỗ ngủ thoải mái nhất

Hầu hết tại các sân bay, nếu như không có khu vực ngủ thì hành khách có 2 lựa chọn để nghỉ giấc. Đó là ghế nằm hoặc ngủ trên sàn. Với bất cứ lựa chọn nào, hãy đảm bảo đó là lựa chọn thoải mái nhất có thể. Và khi tìm ra chỗ, bạn hãy cứ thoải mái lấy hành lý làm gối, lấy khăn trùm đầu, duỗi thẳng người ra để thoải mái làm một giấc qua đêm.

7. Đừng ngại nếu phải mượn lều hoặc chăn


Gần như tất cả các sân bay đều có lều và chăn dành cho những hành khách lỡ chuyến bay phải ở lại lâu. Vì thế, hãy cứ thoải mái hỏi mượn lều và chăn từ nhân viên mặt đất.

8. Giảm thiểu hành lý mang theo

Nếu xác định sẽ phải qua đêm ở sân bay, hãy tối thiểu hóa hành lý mang theo. Vì như thế bạn có thể chủ động trong mọi tình huống gấp gáp nhất. Mang ít hành lý cũng có nghĩa bạn giảm được công việc trông đồ, giảm thiếu được rủi ro bị lấy trộm. Nhiều sân bay có tủ chứa hành lý nhưng tiện ích này có thể trở nên vô nghĩa nếu bạn mang theo quá nhiều đồ. Một số sân bay còn có cả nhân viên trông hành lý. Hãy liên hệ với họ và đừng quên thông báo thời gian bạn thực hiện chuyến bay tiếp theo.

9. Sẵn sàng đồ đạc trước khi ngủ

Cách để đồ đạc thế nào để vừa thoải mái, vừa đảm bảo an toàn cũng là một điều cần lưu ý. Với hành lý, hãy để gần nhất bạn có thể. Và điều hiển nhiên là lấy túi mềm làm gối. Những vật dụng cá nhân nhỏ như máy nghe nhạc, điện thoại, ví tiền… bạn hãy lưu ý để nơi nào khó bị nhìn thấy hoặc lấy ra nhất. Còn với hành lý to, hãy để chúng dưới chân và dùng chân quặp lại nếu có thể.

10. Chỉ nên ăn nhẹ


Đồ ăn ở sân bay thường được phục vụ dưới dạng ăn nhanh như bánh kẹp, pizza… Những đồ này rất ngấy và dễ sinh ra chứng khó tiêu. Thế nên thay vì dùng đồ ăn nhanh, bạn hãy lựa chọn những thức ăn giàu Carbohydrate, một chút protein như một miếng bánh kẹp nhỏ, một quả chuối, một chút cơm. Và cũng nên nhớ hãy tránh xa đồ uống có chất kích thích. Thay vào đó, nước khoáng là lựa chọn tốt nhất.

Hãy mang theo thứ gì có thể che mắt khi ngủ vì sân bay thường để đèn sáng. 

11. Đừng quên mang theo đồ che mắt khi ngủ

Sân bay thường hoạt động 24 giờ liên tục trong ngày, thường rất huyên náo và nhiều ánh sáng. Đó là lý do bạn nên mang theo đồ che mắt, khăn hoặc kính râm để dễ ngủ.

12. Hãy để tiếng ồn rời xa

Tiếng ồn cũng là một thứ khiến bạn khó vào giấc. Vì vậy hãy mang theo bịt tai, tai nghe hoặc bất cứ thứ gì giúp bạn đẩy xa tiếng ồn ra khỏi giấc ngủ. Lý tưởng có lẽ là nghe những bản nhạc du dương để dần chìm vào giấc ngủ.

13. Mặc đồ linh hoạt


Ngủ ở sân bay dĩ nhiên bạn khó có thể thay đồ. Bởi vậy hãy chọn những trang phục nhẹ, linh hoạt. Tốt nhất bạn nên mặc đồ thể thao. Ở sân bay có hệ thống điều hòa không khí khá tốt, thậm chí nhiều nơi lạnh quá. Vì thế đừng mặc ấm quá nhưng cũng đừng phong phanh quá. 

14. Đừng quên hẹn giờ

Khi phải làm vô số thứ để chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo, bạn rất dễ quên điều tưởng như đơn giản nhất. Đó là đặt giờ để dậy. Đôi khi vì quá mệt mỏi mà thiếp đi, rất có thể bạn sẽ phải trả giá. Vậy nên trong những điều nên làm, hãy cố gắng hẹn giờ trước tiên trước khi ngủ.

15. Nếu có thể, đừng ngủ dậy rồi vọt lên tàu bay

Đồ tư trang cá nhân là điều không thể thiếu. Nhưng những vật dụng dùng sau khi ngủ dậy như kem đánh răng, xà phòng… thì không phải ai cũng nhớ mang theo. Đơn giản bởi ở khách sạn nơi đến, gần như chắc chắn bạn sẽ được cung cấp những vật dụng này. Còn ở sân bay, không phải lúc nào chúng cũng hiện hữu. Thế nên nếu có thể, hãy mang theo một ít đồ để khi thức dậy, bạn có thể vệ sinh cá nhân trước chuyến bay tiếp theo.

Hồng Hải

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Ba cách tận hưởng một ngày ở Vienna

Nằm trên hai bờ sông Danube thơ mộng, thành phố Vienna được mệnh danh là viên ngọc đẹp dịu dàng giữa châu Âu hoa lệ.

Bạn có thể tham khảo lịch trình dưới đây để có chuyến đi tới Vienna như ý.

Tiết kiệm từng xu

Bạn sẽ bắt đầu một ngày ở Vienna với bữa sáng gồm bánh cuộn lúa mạch đen và nhâm nhi một tách cà phê ở tiệm Gragger & Cie với giá 10 USD. Hành trình khám phá kinh tế nhất là leo lên một chuyến tàu điện vòng quanh Ringstrasse, đại lộ 150 tuổi lộng lẫy với những tòa nhà cổ có kiến trúc đặc sắc với giá 3 USD, dừng chân thăm quan các công trình hoàng gia và công viên.


Buổi trưa, bạn tới nhà hàng Figlmuller để thưởng thức món đặc sản schnitzels (món cốt-lết bê tẩm bột chiên bơ thường ăn kèm khoai tây) với giá 20 USD.

Miếng cốt-lết schitzel to bản ở nhà hàng Figmuller. Ảnh:figmuller.at

Sau đó đi đến Schonbrunn, cung điện mùa hè của dòng họ Habsburg. Vé vào cửa là 16 USD. Buổi chiều đi dạo miễn phí quanh các thị trấn cổ hoặc chiêm ngưỡng những tòa nhà lộng lẫy sáng đèn. Để không bỏ qua tinh túy của Vienna, bạn nên thử món xúc xích ở nhà hàng Wurstelstand ber dei Albertina với giá 10 USD. Đêm xuống, chọn cho mình một khách sạn ở trung tâm Drei Kronen. Gợi ý là khách sạn Adler giá 120 USD một đêm với những phòng nghỉ xinh xắn, hợp lý.

Tổng chi phí: 179 USD.

Thoải mái chi tiêu

Bạn thuê một chiếc xe trọn một ngày ở trạm xe đạp công cộng 100-odd xung quanh thị trấn, giá 34 USD. Đạp xe qua những thắng cảnh nổi tiếng của thành phố và đến quận 4, nơi có nhiều phòng trưng bày nghệ thuật, quán cà phê, ngay sát đó là quầy thực phẩm tươi sống rực rỡ sắc màu Naschmarkt.


Bạn dùng bữa trưa tại quán Cafe Drechsler, giá từ 15 USD, bữa ăn kiểu mẫu với bánh bao và món schnitzel. Tiếp tục chuyến đi bằng việc khám phá Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng, nơi trưng bày những bộ sưu tập đồ sứ, vải và nội thất tuyệt đẹp. Giá vào cửa là 11 USD.

Bên trong Bảo tàng nghệ thuật ứng dụng ở Vienna. Ảnh: Austriawander.

Bạn có thể dùng bữa tối 35 USD tại nhà hàng Osterreicher im MAK gần đó, thưởng thức những món ăn đậm chất Vienna đương đại. Sau đó nhâm nhi một ly rượu ngắm bầu trời đêm Vienna trên quán Bar Bloom với giá 10 USD, trước khi nghỉ ngơi tại khách sạn Topazz, nơi có phòng nghỉ với thiết kế độc và lạ, giá 189 USD một đêm.

Tổng chi phí: 294 USD.

Tiêu tiền thả ga

Bạn nên tới ngay Bảo tàng Kunsthistorisches, nơi trưng bày trang sức quý hiếm, những bộ sưu tập tuyệt đẹp của Hapsburg. Giá vào cửa là 20 USD. Sau đó mua sắm tại quận 7 với những cửa hàng thời trang bán túi xách da, trang sức và quần áo phong cách trẻ trung của các nhà thiết kế thời trang người Áo.


Toàn cảnh bảo tàng Kunsthistorisches. Ảnh: Tonawa.

Lựa chọn cho một bữa trưa nhẹ nhàng hoàn hảo là nhà hàng 1884 Café Sperl với giá 20 USD. Vào buổi chiều, bạn đừng ngại ngần thuê một chuyến xe ngựa đi tham quan khu phố cổ đúng điệu với giá 115 USD cho 40 phút. Sau đó dùng bữa sớm ở nhà hàng sang trọng Plachuttas Gasthaus zur Oper, giá khoảng 57 USD, trước khi ăn tối ở State Opera với giá 115 USD. Bạn có thể nghỉ ngơi tại khách sạn Sofitel Vienna Stepansdom, giá phòng là 317 USD một đêm.

Tổng chi phí: 644 USD.

Như Bình (theo Traveller)

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Những góc ngồi quan sát nhịp sống người Sài Gòn

Sài Gòn là một thành phố sầm uất và nhộn nhịp, mọi người bắt đầu ngày mới từ rất sớm và kết thúc lúc tối muộn. Nhưng chỉ cần tìm được những góc ngồi quen, bên ly cà phê đá và tờ báo, bạn sẽ thấy Sài Gòn thật đẹp.

Xem thêm: Hoa Osaka vàng rực đường phố Sài Gòn

Một góc Sài Gòn rực rỡ dưới ống kính của nhiếp ảnh gia. Ảnh: Lư Quyền

Alexandre de Rhodes - Phạm Ngọc Thạch

Nằm ngay trung tâm thành phố, gần Dinh Độc Lập, đây là nơi bạn có thể cảm nhận rất rõ những chuyển động, sinh hoạt thường nhật của dân Sài Gòn. Trên lề đường Alexandre de Rhodes, quán cà phê cóc với lác đác ghế đẩu được bày ra để người dân (đa phần là trung niên) ngồi. Họ nhấm nháp ly cà phê đen, ngước nhìn dòng xe cộ qua lại và thỉnh thoảng trò chuyện hàn huyên với chính người bán. Giá một ly cà phê ở đây từ 10.000 đến 12.000 đồng.

Gần đó là đường Phạm Ngọc Thạch cắt ngang, nơi đây lại tập trung chủ yếu người trẻ và khách Tây. Họ ngồi dưới quán cà phê ngoài khu thương mại Diamond. Ở quán này, bạn vừa ngắm nhìn được những tán cây xanh mát, nghe tiếng ve kêu, vừa cảm nhận một phần khung cảnh thi vị của Sài Gòn. Giá cà phê và cà phê sữa đá là 30.000 và 40.000 đồng.

Xem thêm: Các công trình kiến trúc nổi tiếng Sài Gòn

Hàn Thuyên - Công xã Paris

Nhiều người biết đến khu vực này với tên gọi quen thuộc là "cà phê bệt nhà thờ Đức Bà". Nơi đây quy tụ hàng trăm bạn trẻ đến ngồi vào thời điểm chiều tối vì thoáng mát, nhiều cây xanh, lại hướng tầm mắt ra nhà thờ. Các loại đồ uống ở đây gồm cà phê, nước ngọt, chanh muối... được pha sẵn trong ly nhựa với giá 10.000 đến 12.000 đồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn ngồi ở quán cà phê theo phong cách Pháp trên đường Hàn Thuyên, giá món ăn và thức uống đắt hơn, từ 40.000 đồng trở lên.

Ngay vị trí này cũng bày bán nhiều đồ ăn vặt vỉa hè như kem, trái cây, xiên chiên... Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc tụ tập ở khu vực này làm mất mỹ quan thành phố, nhưng cũng không thể phủ nhận góc Hàn Thuyên - Công xã Paris đã trở thành một chỗ ngồi quen thuộc với người dân và du khách.

Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh

Con đường Trần Hưng Đạo khá rộng và nhiều bóng cây mát rượi. Vào mỗi chiều tối, bạn có thể chọn ngồi bên ngoài quán cà phê nằm đối diện với khách sạn Pullman, hoặc bên trong quán, nhìn đường phố lên đèn qua lớp kính. Khu vực này cũng quy tụ nhiều quán bán phở, đồ nướng, trái cây đĩa... Bạn có thể cùng vài người bạn đi dọc con đường để thưởng thức thêm ẩm thực. Giá thức uống ở quán dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng.

Công trường Quốc tế - Trần Cao Vân

Còn được gọi là hồ Con Rùa, Công trường Quốc tế là nơi tập trung của nhiều bạn trẻ Sài Gòn. Nếu muốn có một chỗ ngồi yên tĩnh, quan sát một góc thành phố, bạn nên vào những quán cà phê nằm xung quanh hồ Con Rùa. Còn muốn có được cảm giác của thời sinh viên, bạn có thể ngồi vỉa hè và nhâm nhi nhiều món ăn đường phố như bắp xào, hồ lô nướng, bánh tráng trộn...

Một vị trí ngồi khác rất được lòng dân văn phòng chính là khúc đường Trần Cao Vân, đối diện tòa nhà Master Building. Ở đây có một quán cóc vỉa hè bán nước nằm dưới những tán cây xanh mát. Bạn chỉ việc ngồi vào, gọi nước và trò chuyện với những người dân ở đó. Giá nước uống tại đây chỉ khoảng 10.000 đến 15.000 đồng.

Xem thêm: Lượn lờ qua những con phố ngập tràn hoa ở Sài Gòn

Ngoài những địa điểm trên, bạn có thể ghé bất kỳ quán cóc nào dọc đường như Võ Văn Tần, Pasteur, Trương Định, Tú Xương, Lê Quý Đôn... Chỉ khi ngồi ngoài vỉa hè, bạn mới có được cái nhìn khác biệt hơn về nhịp sống của người Sài Gòn.

Du Lai - VNExpress

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Ghé thăm khu chợ 'uyên ương' ở Tô Châu

Hơn 1.000 cửa hàng may váy, đồ phụ kiện cho đám cưới tập trung rải rác trong khu chợ, thực sự là điểm đến lý tưởng cho cô dâu chú rể.

Đồi Hổ Khâu là địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích tại Tô Châu (Trung Quốc), nơi bạn có thể tham quan các di tích cổ kính như các ngôi chùa, khu vườn rêu phong. Không chỉ vậy, nơi đây còn là điểm đến trong mơ của các cô dâu ở Trung Quốc với một khu chợ rất đặc biệt.


Được mở vào cuối những năm 1980 nhờ vào ngành công nghiệp dệt lụa rất phát triển ở địa phương, chợ váy cưới ở Tô Châu nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Với số lượng cửa hàng váy và phụ kiện cưới lên tới hơn 1.000, khu chợ này đáp ứng gần như tất thảy những nhu cầu của cô dâu trước đám cưới, với mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. 


Không tập trung trong trung tâm thương mại, các cửa hàng ở đây nằm rải rác xung quanh 4 đại lộ của ngã tư gần đường Huqiu. Số lượng khách ghé thăm và lượng váy bán ra mỗi ngày rất nhiều nên tất cả các tiệm đều có từ 10 đến 20 thợ thay nhau làm việc.


Tại đây, cô dâu có thể tìm thấy tất cả những kiểu dáng váy cưới từ hiện đại tới truyền thống, với các chất liệu khác nhau, bao gồm cả loại lụa nổi tiếng được sản xuất tại Tô Châu. Đa phần váy có khá khoảng vài trăm nhân dân tệ, phù hợp với nhu cầu bình dân. Với các yêu cầu đặc biệt, đòi hỏi gia công bằng tay để đảm bảo tính độc đáo và ý nghĩa, bộ váy có thể rơi vào khoảng 2.000 nhân dân tệ trở lên (khoảng 7 triệu đồng), dù vậy, bạn có mặc cả, thương lượng đôi chút với chủ hàng. 

Có tới 1.000 cửa hàng lớn nhỏ trong khu vực.

Để làm một chiếc váy thủ công mất từ 4 ngày đến một tuần. Còn nếu không có yêu cầu quá khắt khe, cô dâu có thể sử dụng ngay những mẫu sẵn có ở cửa hàng và thay đổi một số chi tiết nhỏ theo sở thích.

Chủ cửa hàng có thể sẵn sàng cùng bạn ngồi đính tỉ mỉ những hạt đá lên vương miện, xoa rê đội đầu hay thay đổi các chi tiết trên bộ váy một các chu đáo nhất. Theo một số du khách nước ngoài, mặc dù tiếng Anh của họ rất hạn chế nhưng luôn cố gắng phục vụ một cách niềm nở nhất.


Nếu không có thời gian quay lại để lấy váy cưới sau khi yêu cầu sửa, du khách có thể hỏi chủ cửa hàng bởi phần lớn những tiệm này đều có dịch vụ chuyển hàng đến Thượng Hải và những vùng khác khắp Trung Quốc với giá vận chuyển từ 5 đến 20 tệ.

Không chỉ bán, cho thuê, thiết kế váy và phụ kiện đi kèm, những dịch vụ cưới khác cũng được cung cấp tại đây với giá cả phải chăng. Chú rể đi cùng người bạn đời của mình cũng có thể tìm được những bộ vest ưng ý nhất cho ngày trọng đại.

Một mẫu váy cưới được hoàn thành ở khu chợ.

Ngoài các trang phục cưới theo kiểu phương Tây, các cô dâu thực hiện nghi lễ truyền thống hoặc khách nước ngoài cũng có thể đặt may váy cưới với thiết kế cổ điển mang màu đỏ và những chi tiết ánh váng đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Dù vậy, những thiết kế này có giá cao và thời hoàn thành lâu hơn.

Cách di chuyển tới chợ váy cưới Tô Châu:

Tô Châu cách Thượng Hải 100 km, từ Việt Nam, bạn bay tới Thượng Hải (sân bay Hongqiao hoặc Pudong), sau đó đi ôtô hoặc tàu hỏa cao tốc tới Tô Châu. Du khách không phải lo lắng vì hết vé bởi số chuyến tới Tô Châu trong ngày rất nhiều.


Khu chợ rất nổi tiếng nên bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng taxi từ nhà ga, với giá chưa tới 30 tệ. Để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể đi xe bus số Y1 hoặc Y2 từ ga tàu điện Tô Châu đến ga Hu Qiu Shou Mo Zhan. Nếu đi từ đồi Hổ Khâu ra, bạn đi xuống phía Nam theo đường HuQiu sẽ nhìn thấy những cửa hàng đầu tiên của khu chợ này.

Thông thường, cô dâu chú rể sẽ ở lại đây vài ngày để lựa chọn, cũng như chờ đợi váy được hoàn thành. Trong thời gian này, họ thường tranh thủ tham quan những danh thắng non nước hữu tình nổi tiếng của thành phố xinh đẹp này.

Ngôi sao

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

30 phút thư giãn cùng nhạc và tiếng suối chảy

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Những người gùi hàng cho tour thám hiểm Sơn Đoòng

Phạm Luân vừa trở về từ chuyến gùi hàng cho đoàn làm phim về hang Sơn Đoòng của hãng ABC News. Người đàn ông da rám nắng, dáng người đậm và chắc cho biết mỗi lần vào hang anh cõng 40 kg hàng, vất vả nhưng bù lại có thu nhập tốt.

Anh Luân tròn 40 tuổi, nhà ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vốn là dân sơn tràng có hàng chục năm đi rừng.

Một nhóm porter chụp hình lưu niệm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis

Chuyến gùi hàng cho hãng tin ABC vừa rồi là chuyến đặc biệt, khi hàng trăm porter được huy động để chuyển cả tấn thiết bị, máy móc từ trung tâm xã vào hang Én.

Sống ở vùng ruộng ít, chỉ toàn rừng và núi đá vôi nên từ nhỏ, anh Luân đã thấy rất nhiều đàn ông trong thôn xóm vào rừng kiếm miếng cơm manh áo. Lớn lên, anh Luân cũng theo con đường này. Những lúc nông nhàn, anh lại vào rừng, đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng cuộc sống không cải thiện là bao.


Từ năm 2014, anh Luân được tuyển vào làm porter tại công ty Chua Me Đất, phục vụ du khách trong những chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng.

“Mỗi chuyến đi, tôi phải vác khoảng 35-40 kg hàng. Đi rừng lâu năm nên tôi quen mang vác nặng, chừng đó không là gì”, anh Luân cười nói. 40 kg trên gồm đồ ăn, túi ngủ, dụng cụ leo núi… được những porter như anh Luân gùi vượt suối băng rừng để hỗ trợ du khách thám hiểm.

Mỗi tháng, các porter thường đi 2-3 tour, mỗi tour kéo dài 5 ngày, mang về cho họ thu nhập từ 6 triệu đồng. Ông Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, nay là tổ trưởng tổ porter, cho hay mỗi tour thám hiểm Sơn Đoòng thường có 24 người phục vụ, gồm tổ trưởng, người gùi đồ, đầu bếp, dẫn đường, trợ lý hướng dẫn viên…

Ngoài dụng cụ phục vụ thám hiểm, đồ ăn được đông đá sử dụng trong 3 ngày. Khi đoàn khách trở ra sẽ có nhóm khác gùi đồ tươi vào hang Én ở giữa chặng để phục vụ du khách."

 Các porter diễn tập cứu nạn trước khi tham gia phục vụ tour Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Hồ Khanh tâm sự, trước ông nghề làm nông và đi rừng có thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định, đó là chưa kể rủi ro, nguy hiểm.

“Từ khi tour thám hiểm Sơn Đoòng đi vào hoạt động, cuộc sống của tôi tốt lên rất nhiều”, ông nói. Ngoài làm tổ trưởng porter, những năm gần đây, ông Hồ Khanh còn làm thêm 6 gian nhà homestay phục vụ khách du lịch.

Chung niềm vui được nhận làm porter, anh Nguyễn Hữu Linh, 21 tuổi, bộc bạch nghề porter vất vả nhưng giúp anh trang trải cuộc sống gia đình.


“Để làm porter trước hết cần có sức khỏe. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản và đầy đủ về ứng xử, tiếng Anh, sử dụng thiết bị leo núi, sơ cấp cứu… Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra. Từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc mỗi người đều có túi riêng để đựng”, anh Linh nói về sự chuyển biến ý thức khi chuyển sang làm nghề porter.

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc công ty Chua Me Đất, cho hay để phục vụ tour thám hiểm Sơn Đoòng, công ty tuyển dụng khoảng 100 người địa phương, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng trở lên. Mỗi porter được đào tạo sơ cứu, thái độ phục vụ, bảo tồn môi trường. Họ bắt buộc ký cam kết không vào rừng chặt cây, săn bắt thú… nếu vi phạm có thể bị đuổi việc.

"Chúng tôi cũng khuyến khích những người này mở thêm các dịch vụ tại nhà như homestay, quán nước hay lò bánh mì bán cho du khách và công ty”.

Những người phục vụ chụp chung với du khách trước cửa động Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Ngoài làm porter cho công ty Chua Me Đất, một số người này còn giúp đỡ trong các chuyến thám hiểm, tìm hang động mới của đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, do ông Howard Limbert dẫn đầu. Ông Limbert cho biết mỗi chuyến khám phá hang động phải mang theo rất nhiều trang thiết bị, gồm dây thừng, máy móc đo bằng laser…


“Những thành công trong khám phá hang động sẽ không có được nếu như không có sự giúp sức của những người bản địa. Họ là những người đầy thân thiện và làm việc chăm chỉ mà tôi từng gặp trong đời. Kỹ năng đi rừng của họ là tài nguyên quý giá đối với nhóm thám hiểm”, ông Limbert nhận xét và nói lời cảm ơn đến những người đi rừng khỏe mạnh.

Với sự trợ giúp của những porter, hai năm qua có hàng trăm du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng thành công và an toàn tuyệt đối. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ nhóm chuyên gia của Anh thám hiểm các hang động mới, ngày càng xa và khó khăn hơn.


Hoàng Táo

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Ngôi làng không điện, nước nổi tiếng ở Uruguay

Dù là ngôi làng duy nhất của Uruguay sống trong điều kiện không có điện lưới và nước máy, Cabo Pilonio vẫn thu hút nhiều du khách tới tham quan. 


Cabo Pilonio là một làng chài nhỏ bên mé biển, ở phần đất nhô ra phía Đại Tây Dương, thuộc bờ đông Uruguay. Do bị ngăn cách bởi cồn cát rộng lớn nên Cabo Polonio nằm biệt lập với các vùng khác. Ngôi làng cách đường cao tốc chính chỉ 7 km nhưng không có đường dẫn vào. Cách duy nhất để đến làng là đi bộ hoặc xe hai cầu (xe truyền động 4 bánh) qua các cồn cát. 


Không một nhà dân nào ở Cabo Pilonio có điện lưới và nước máy, kể cả hệ thống thoát nước. Chỉ một số ít doanh nghiệp sử dụng điện từ máy phát, pin năng lượng mặt trời, năng lượng gió để thắp sáng. Ở điểm xa nhất của ngôi làng là một ngọn hải đăng đang hoạt động, nơi duy nhất của Cabo Pilonio được kết nối với điện lưới. Người dân cũng có thói quen lấy nước sạch để sinh sống từ những chiếc giếng tự đào hoặc trữ nước mưa. 

Ngọn hải đăng là nơi duy nhất trong làng được nối điện lưới để hoạt động. Từ đây du khách có thể quan sát được hai hòn đảo ở phía đông và bắc và quan sát được hải cẩu sinh sống trên đảo.

Điều hấp dẫn nhất của Cabo Polonio chính là bãi biển với làn nước xanh trong, cát mịn màng và khu bảo tồn sư tử biển. 


Ngôi làng này là một trong những nơi có nhiều sư tử biển sinh sống nhất khu vực Nam Mỹ. Chúng chủ yếu cư ngụ trên hai hòn đảo nằm ở phía đông và bắc của làng với phần mũi bán đảo, nên khi mọi người đứng trên ngọn hải đăng sẽ rất dễ thấy. Ngoài ra, vào tháng 9, 10 hàng năm, du khách cũng có thể quan sát được những chú cá voi đi tìm nơi ẩn náu dưới làn nước biển tĩnh lặng. 

Làng có tới vài trăm ngôi nhà nhưng hiện tại chưa có điện lưới, những hộ kinh doanh dùng pin năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió để có điện thắp sáng.

Ngôi làng tương đối yên tĩnh vào khoảng tháng 5 - 9. Chỉ một số ít những người yêu động vật, nhà khoa học nghiên cứu cá voi, hải cẩu và ngư dân mới tìm đến đây. Nhưng tới mùa hè, ngôi làng yên tĩnh ven biển lại trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Uruguay. 


Cabo Polonio cũng là nơi có bầu trời tối nhất và đêm trăng sáng nhất trong số các vùng ở bờ biển của Uruguay. Nguyên nhân là ngôi làng hiếm cây xanh và không có đèn đường vào ban đêm.

Tuy gần như không có điện và nước, làng vẫn phát triển một loạt các nhà hàng và nhà nghỉ để phục vụ du khách, nhưng phần lớn họ lựa chọn thuê lại nhà dân để ở. Ngày nay ở Cabo Polonio đã có thêm dịch vụ gọi điện thoại và Internet.

Với vẻ đẹp tự nhiên và nên thơ cùng điều kiện sống không điện nước, ngôi làng Cabo Polonio là một trong những điểm đến ưa thích của dân hippie Argentina và Brazil vào mùa hè.

Nơi duy nhất để du khách sạc điện thoại là cửa hàng tạp hóa và chỉ khi máy phát điện chạy. Vào ban đêm ở làng mọi người sẽ được trải nghiệm cuộc sống dưới những ánh nến.


Hương Chi (theo Amusingplanet)

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Du lịch một ngày ở Bali

Một tuần ở Bali có khi cũng không đủ để khám phá hết, nhưng nếu chỉ có một ngày và một lịch trình phù hợp, bạn vẫn có thể cảm thấy hài lòng. 

Nếu bạn chỉ có một ngày ở đảo Bali (Indonesia), có một số nơi và một số việc bạn nhất định không thể bỏ qua. Hãy sẵn sàng cho 24 tiếng và chắc chắn bạn vẫn đủ thời gian để tận hưởng được cả nắng vàng, biển xanh, cát trắng, những khu rừng nhiệt đới, hàng loạt ngôi đền đạo Hindu, thác nước và nhiều điều tuyệt vời khác nữa.


Vị trí các điểm tham quan và ăn uống trên bản đồ đảo Bali cho một ngày của bạn. 

Để chuẩn bị cho chuyến đi, nên sắp xếp trước với một tài xế hoặc hướng dẫn viên địa phương. Đảo Bali rộng và đường đi lại khó khăn. Nếu chỉ có một ngày, bạn sẽ không đủ thời gian để tự lọ mọ.

Nhớ mang theo tiền địa phương, đồng Rupee Indonesia (viết là IDR, tỷ giá 1 IDR = khoảng 1,8 VND) vì chỗ rút tiền và các quầy đổi tiền không nhiều. 


Tiền tip là không bắt buộc, nhưng nếu có thể bạn hãy "boa" một chút ở quán ăn hoặc các dịch vụ khác (phí dao động từ 10 đến 50 nghìn IDR), đặc biệt là những nơi không thu phí dịch vụ (Service charges) của bạn. 

Khi vào đền, nên nhớ là đầu gối và vai không được để trần. Nên mang theo sarong (hoặc váy áo che tay), nếu không, có thể mượn (thuê) ở các cửa đền. Khi thấy có nhóm người đang cầu nguyện, nhớ đi phía đằng sau họ.

Người Bali không quan tâm đến việc bạn chụp ảnh họ, dù vậy sẽ thoải mái hơn nếu xin phép họ trước khi chụp.

Giờ thì bạn đã có thể sẵn sàng cho một ngày ở Bali, theo hướng dẫn của Tripadvisor:

Điểm đến đầu tiên: đền Pura Luhur Batukaru (thời gian lưu lại: 1 tiếng)

Nằm dưới chân ngọn núi Batukaru, ngôi đền này rất thiêng liêng đối với người theo đạo Hindu ở Bali. Được xây dựng từ thế kỷ 11, nơi đây là sự giới thiệu lý tưởng nhất cho khách du lịch về văn hóa bản địa. Một số khu vực trong đền sẽ đóng cửa vào các ngày kỷ niệm đặc biệt trong năm của người Hindu. 

Điểm thứ hai: Ruộng bậc thang Jatiluwih (gần 1 tiếng)


Ruộng bậc thang nổi tiếng ở Bali. Ảnh: Mayong

Ruộng bậc thang này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi tuyệt vời để bạn tận hưởng thiên nhiên với tầm nhìn mở rộng, hoàn toàn thư giãn. Chắc chắn bạn sẽ chụp ảnh lia lịa khi đến đây. Hãy nhớ bảo hướng dẫn viên nói với bạn về "Subak" - một phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của người dân địa phương. 

Dùng bữa trưa tại nhà hàng Á J Terrace (khoảng 1-2 tiếng)

Hãy ăn trưa theo kiểu người Bali tại đây, vừa ăn và vừa ngắm cảnh. Nên gọi món "nasi goreng" (cơm rang) hoặc "nasi campur" (cơm trộn).

Điểm đến thứ ba: Chợ Pasar Merta Sari (khoảng 1 tiếng)

Khu chợ địa phương đầy màu sắc này bán rất nhiều loại hoa quả, gia vị, rau, hoa lan... được chính người dân địa phương trồng. Đây là nơi tuyệt vời để có được những món quà lưu niệm có một không hai. Hãy mua một một nải chuối và cho bọn khỉ, mà chắc chắn bạn sẽ gặp trên đường về, ăn nhé! 

Điểm đến thứ tư: Thác Gitfit (khoảng 1 đến 2 tiếng)

Còn được gọi là Thác sinh đôi, Gitgit nằm rất gần đường chính và chỉ mất 15 phút đi bộ. Đây là một nơi tuyệt vời để bạn tạm thời "hạ nhiệt" trong những ngày nắng nóng. Một hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn từng loài hoa và thực vật trên đường đi. Nhớ mang theo quần áo để thay nếu bạn có ý định bơi tại đây. 

Điểm đến thứ năm: Đền Ulun Danu (khoảng 1 tiếng)



Bạn sẽ không hối hận khi đến Ulun Danu. 

Đền Ulun Danu Bratan nằm bên bờ hồ Bratan, trên núi cao, có khí hậu rất dễ chịu. Đây là một trong những ngôi đền được nhiều khách du lịch viếng thăm, nên nếu có quá nhiều người chụp ảnh thì bạn cũng đừng cảm thấy khó chịu. Và đừng quên dành nhiều thời gian tham quanh các khu vực xung quanh, bởi ngoài hồ nước và đền chính, còn rất nhiều thứ thú vị mà bạn có thể khám phá. 

Điểm đến thứ sáu: Đền Tanah Lot (khoảng 1-2 tiếng)

Tanah Lot là hình ảnh mà bạn sẽ thấy ở mọi tờ rơi giới thiệu về du lịch Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được coi là những vị thần bảo vệ Bali khỏi những điều xấu. Bạn sẽ có cơ hội cùng người dân địa phương xếp hàng để được nhận ban phước lành. Hãy tính toán thời gian để đến đây khi thủy triều thấp để bạn có thể đi bộ ra đền. Đừng quên mang theo máy ảnh vì đây là một trong những nơi chụp ảnh hoàng hôn tuyệt vời nhất. 

Ăn tối ở nhà hàng hải sản Melasti (khoảng 1 tiếng)

Cho dù đây không phải là nhà hàng có tiếng ở Bali, nhưng bù lại, bạn sẽ có chỗ ngắm hoàng hôn lý tưởng. Đó sẽ là đoạn kết cho một ngày hoàn hảo của bạn ở hòn đảo đáng yêu này. Nhà hàng nằm ngay gần đền Tanah Lot. 

Minh Hương

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Du lịch Chubu

Vườn Quốc gia Chubu Sangaku (Chubu Sangaku Kokuritsu Koen, Chubu Sangaku National Park) bao gồm núi Hida (còn được gọi là dãy Alps phía Bắc Nhật Bản - Northern Japan Alps), một dãy núi lửa trải dài qua các tỉnh Toyama, Nagano và Gifu, và bao gồm một số đỉnh núi cao 3000 mét và các đường leo núi ngoạn mục. Cùng với dãy Alps Trung Tâm (Kiso) và dãy Alps phía Nam, dãy Alps phía Bắc Nhật Bản tạo nên cái tên gợi nhớ đến dãy Alps của châu Âu.


Vườn Quốc gia Chubu Sangaku mang đến phong cảnh núi non ngoạn mục theo từng mùa khác nhau. Các điểm đến nổi tiếng đối với khách du lịch Nhật Bản trong Vườn Quốc gia bao gồm:

- Kamikochi, một cao nguyên nổi tiếng với những phong cảnh núi non tuyệt đẹp;

- Cung đường tuyết Nhật Bản Tateyama Kurobe Alpine Route độc ​​đáo;

- Hakuba, một trong những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết hàng đầu của Nhật Bản.


Vườn quốc gia này cũng được yêu thích với con suối nước nóng nổi bật và màu sắc mùa thu của nó.


Kamikochi là một khu nghỉ mát nổi tiếng ở dãy Alps phía Bắc Nhật Bản thuộc tỉnh Nagano, mang đến những phong cảnh núi non hùng vĩ bậc nhất Nhật Bản. Kamikochi mở cửa cho khách du lịch Nhật Bản tham quan từ giữa hoặc cuối tháng Tư cho đến 15 tháng 11 và nghỉ trong suốt mùa đông. Năm 2015, Kamikochi ​​sẽ mở cửa từ ngày 17 tháng Tư - 15 tháng Mười Một.


Kamikochi là một cao nguyên dài 15 km nằm trong thung lũng Azusa River, cao khoảng 1500 mét so với mực nước biển. Nó được bao quanh bởi các dãy núi cao, gồm Nishihotakadake (2.909 m), Okuhotakadake (3.190 m), Maehotakadake (3.090 m) và ngọn núi lửa đang hoạt động Yakedake (2.455 m).

Là một phần của Vườn Quốc gia Chubu Sangaku, Kamikochi chỉ phát triển vừa phải với 5 khách sạn, một vài cửa hàng lưu niệm, những lều núi và những con đường mòn đi bộ. Xe tư nhân bị cấm vào Kamikochi, và chỉ có thể vào đây bằng xe buýt hoặc taxi.


Từ bến xe buýt đi bộ một đoạn ngắn đến trung tâm Kamikochi có chiếc cầu Kappabashi (Kappa Bridge). Từ Kappabashi, những con đường mòn đi bộ dẫn dẫn xuống thung lũng và lên các đỉnh núi xung quanh.


Cách đơn giản nhất để tận hưởng một ngày ở Kamikochi là tản bộ theo những con đường mòn dọc theo dòng sông Azusa từ Hồ Taisho đến Cầu Myojin. Địa hình của cung đường này chủ yếu là bằng phẳng, không đòi hỏi kinh nghiệm đi bộ đường dài và chỉ tốn một vài giờ. Tuy nhiên, muốn leo lên các đỉnh núi xung quanh thì gặp nhiều thử thách hơn và chỉ nên đi từ giữa tháng sáu đến giữa tháng Chín.


Kamikochi đặc biệt đẹp vào mùa thu, thường đẹp nhất vào giữa tháng Mười. Một loạt các hệ thực vật núi cao, khách du lịch Nhật Bản có thể quan sát từ tháng Năm đến tháng Mười, thời gian tốt nhất là giữa tháng Năm đến cuối tháng Bảy. Trong số các động vật hoang dã có loài khỉ và các loài chim khác nhau. Gấu thì hiếm khi gặp phải.


Kamikochi, nhất là quanh cầu Kappabashi, rất nhộn nhịp trong những ngày hè (giữa tháng Bảy đến hết tháng Tám) và vào những ngày cuối tuần của mùa thu (tháng Mười).

Hakuba cũng nằm trong dãy Alps phía Bắc Nhật Bản thuộc tỉnh Nagano, là một trong những khu vực trượt tuyết nổi tiếng nhất của Nhật Bản, nơi có tuyết tốt nhất và một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn để khách du lịch Nhật Bản lựa chọn.


Trong thời gian Thế vận hội mùa đông Nagano năm 1998, Hakuba được khắp thế giới công nhận khi tổ chức một số cuộc thi olympic, trong đó có các sự kiện như alphine (trượt dốc, super g, và kết hợp) và nordic (trượt tuyết nhảy và xuyên quốc gia). Ngày nay một số thiết bị olympic vẫn được sử dụng, chẳng hạn như Sân vận động Ski Jumping Hakuba. Ngoài ra còn có Hội trường tưởng niệm Làng Olympic Hakuba, một bảo tàng nhỏ nhưng thú vị, nằm trong khu vực đi bộ của khu ski jump.



Khách du lịch Nhật Bản có thể đến Hakuba được tương đối dễ dàng không chỉ từ Tokyo, mà còn từ các vùng Nagoya và Kansai. Mặc dù có thể thực hiện chuyến đi trong ngày từ Tokyo đến Hakuba nhưng thích thú nhất khách du lịch Nhật Bản nên nghỉ qua đêm tại đây. Ngoài trượt tuyết và trượt ván, còn có suối nước nóng (onsen) quanh thị trấn.


Hoàng Thương

Bài đăng phổ biến