Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Làm gì khi đi du lịch bị mắc kẹt vì mưa bão

Chỉ cần bạn tuân thủ hướng dẫn của cán bộ địa phương, đừng quá lo lắng hay tự ý đi ra ngoài... thì sẽ vẫn có thể yên tâm khi chẳng may mắc kẹt giữa mưa bão.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo

Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa cao điểm du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là mùa mưa bão với những diễn biến thời tiết phức tạp, khó dự đoán. Do đó, để có một chuyến du lịch trọn vẹn và an toàn, bạn nên lưu ý những điều sau.

Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết

Trước khi lên kế hoạch cho chuyến du lịch, bạn nên theo dõi sát thông tin dự báo thời tiết. Nếu điểm đến có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa bão, cho dù đã đặt vé, đặt phòng… bạn cũng nên cân nhắc hoãn hoặc hủy. Bởi di chuyển trong thời tiết bất lợi rất nguy hiểm, chưa kể khi đến nơi, bạn có thể không thăm thú được gì ngoài việc nằm ngủ trong khách sạn. Điều này gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Tùy điều kiện thời tiết, bạn lên kế hoạch du lịch cho phù hợp.

Tuân thủ chỉ dẫn của hướng dẫn viên hoặc cán bộ địa phương

Trong trường hợp cơn bão bất ngờ đổ bộ khi bạn đang trong hành trình du lịch, hãy bình tĩnh. Nếu đi theo đoàn du lịch, bạn hoàn toàn có thể yên tâm nghe theo sự chỉ dẫn của các hướng dẫn viên du lịch. Họ là những người dẫn tour nhiều và dày dạn kinh nghiệm trong những trường hợp như thế này. Còn nếu bạn đi du lịch tự túc, cũng đừng sợ hãi. Hãy thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của cán bộ địa phương, giúp bạn đảm bảo an toàn khi bão đến.

Hãy coi đây là một trải nghiệm

"Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi", vì thế, đừng quá lo lắng. Hãy coi cơn bão là một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến du lịch và là "bài test" giúp bạn kiểm tra sự dũng cảm, khả năng ứng phó trong các tình huống bất ngờ của bản thân.

Thay vì ngủ và than thở trong khách sạn, bạn có thể nhâm nhi cà phê ở quán bar khách sạn, trò chuyện, giao lưu với những vị khách du lịch đang mắc kẹt giống mình. Biết đâu, bạn lại gặp được những người bạn và nghe những câu chuyện thú vị mà có thể không bao giờ biết tới nếu không gặp bão.

Không tự ý đi lại trong cơn bão

Nếu đi biển vào ngày mưa bão, không nên tắm biển, ngủ đêm trên vịnh, ngoài đảo bởi gió giật mạnh có thể gây ra sóng to, gió lớn, nguy hiểm. Mưa bão cũng dễ gây ra hiện tượng lở đất, lở đá… vì vậy, không nên leo núi, cắm trại ngoài trời trong khoảng thời gian này.

Trong thành phố, bạn cũng lưu ý không di chuyển nhiều bởi thời tiết mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: sét đánh, cây đổ, ngập lụt… Tốt nhất, bạn nên trở về khách sạn hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn và chỉ tiếp tục hành trình khi chắc chắn bão đã tan và thời tiết an toàn.

Chi phí phát sinh

Du khách tự túc đi chợ, nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Quý Đoàn

Bất chợt gặp mưa bão trong chuyến du lịch là điều không ai muốn. Tuy nhiên, không phải lúc nào dự báo thời tiết cũng chính xác 100%. Vì vậy, hãy luôn có kế hoạch dự phòng cho chuyến du lịch của mình. Bạn nên tìm hiểu, ghi lại một số địa chỉ khách sạn, nhà nghỉ khác để tham khảo, đề phòng trường hợp thay đổi kế hoạch khi mưa bão, lưu số điện thoại đường dây nóng của chính quyền sở tại để gọi điện trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.

Để tránh trường hợp "cháy túi" do phải kéo dài thời gian ở khách sạn, đổi vé, hủy vé…, bạn nên mang nhiều hơn số kinh phí dự tính cho chuyến du lịch. Trong trường hợp không đủ, bạn có thể nhờ người thân chuyển tiền qua thẻ ngân hàng hoặc vay mượn những người cùng đi trong chuyến du lịch.

Ngoài ra, bạn có thể yên tâm bởi các công ty du lịch cũng có chính sách hoàn tiền vé và hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp thiên tai. Ngoài ra, chính quyền địa phương luôn đưa ra các phương án hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp như yêu cầu khách sạn nhà nghỉ giảm giá phòng, ăn uống miễn phí hoặc hỗ trợ thêm về kinh phí…

Theo PYS Travel

Bữa sáng đúng chất phố biển Nha Trang

Thưởng thức tô bún chả cá sứa kết hợp, xôi cá cơm hay những chiếc bánh xèo mực…bạn sẽ cảm nhận rõ rệt hương vị mặn mòi trong những món ăn sáng ở thành phố biển Nha Trang.
Nhắc đến thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) không thể quên đưa món bún chả cá vào danh sách những món ăn ngon và phổ biến nhất. Tô bún chả cá đúng điệu thường có phần nước dùng rất trong với vị thanh ngọt được nấu lọc từ cá liệt, cá bò và vị chua nhẹ của cà chua, thơm.

Bạn có thể gọi kết hợp chả cá, cá bò và sứa trong cùng một tô bún để cảm nhận đủ vị ngọt từ cá và vị dai, giòn sần sật từ sứa. Khi ăn thêm chút mắm ruốc, vắt miếng chanh và gắp kèm rau sống để tô bún tăng thêm phần đậm đà.

Với nhiều thế hệ người Nha Trang, hàng xôi cá cơm của cô Loan trên đường Huỳnh Thúc Kháng từ lâu trở thành một món ăn sáng quen thuộc.

Món này tuy đơn giản mà cầu kỳ. Phần cá cơm và xôi được kho nấu nhiều nguyên liệu. Trong đó nước dừa được cô Loan tiết lộ là “bí quyết” để tạo nên hương vị đậm đà và riêng biệt cho món ăn.

Một đĩa xôi ngon đến từ sự kết hợp giữa vị mằn mặn của cá cơm kho, mùi thơm của xôi nếp dẻo và một chút vị béo của mỡ hành rưới trên mặt. Chỉ với 10.000 đồng, bạn có thể khởi đầu ngày mới với một đĩa xôi cá cơm ngon lành và chắc bụng.

Ở một góc phố khác, những chảo đổ bánh xèo vui tai được biến tấu với mực tươi đem lại sự mới mẻ đầy hấp dẫn trong hương vị của món ăn sáng miền biển.

Những chiếc bánh xèo mực khi chín thường có lớp bột vàng ươm, giòn rụm, bên trong mực chín tới, ăn còn giữ nguyên vị thơm ngọt.

Một miếng bánh xèo mực ngon không thể thiếu rổ rau sống, chấm kèm cùng mắm nêm hoặc mắm ớt tỏi mặn mà.

Kết thúc bữa sáng, bạn có thể tìm đến những quán cà phê hướng biển, hoặc mua ly cà phê vừa nhâm nhi vừa đi dạo dọc theo con đường Trần Phú. Trong không gian của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, ly cà phê sánh đặc theo khẩu vị của người dân Nha Trang sẽ lưu lại trọn vẹn một bữa sáng khó quên.
Đức Thành (VnExpress)

Những nguyên tắc ăn uống cần lưu ý trên thế giới

Không chĩa đũa vào người khác khi ăn ở Trung Quốc hay chai rượu rỗng phải được đặt dưới sàn ở Nga... là những điều có thể bạn chưa biết.
Xem thêm: 9 điều cấm kỵ khi du lịch Hàn Quốc

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những nguyên tắc ăn uống riêng biệt. Bạn nên nhập gia tùy tục để tránh gây những hiểu lầm đáng tiếc xoay quanh bàn ăn.

Trung Quốc: Nguyên tắc thứ nhất cần nhớ là đừng bao giờ chĩa đũa vào người đối diện, đó là biểu hiện của sự khiếm nhã. Nguyên tắc thứ hai đó là không bao giờ cắt sợi mì khi ăn. Họ quan niệm rằng sợi mì càng dài tượng trưng cho việc sống thọ, cắt mì đồng nghĩa với chết sớm.
Người Trung Quốc tin rằng sợi mì càng dài nghĩa là sống càng thọ. Cắt mì là điều không nên làm. Ảnh: Weirdhood.

Hàn Quốc: Người nhỏ trong nhà không được tự ý dùng bữa nếu người lớn chưa bắt đầu ăn.

Chile: Bạn đừng bao giờ dùng tay để ăn bất kỳ món nào ngay cả khi đó là pizza.

Italy: Khi bạn từ chối lần đầu lời mời dùng bữa của một người Italy, điều đó có thể vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong lời mời thứ hai, bạn nhất định phải nhận lời nếu không muốn tình cảm rạn nứt.

Pháp: Người Pháp ăn uống rất từ tốn, thậm chí là chậm chạp. Khi dùng bữa, bạn cũng đừng vội vàng ăn quá nhanh. Họ cho rằng những người ăn nhanh sở hữu tính cách không tốt. Bạn không nên bỏ lại thức ăn thừa, họ sẽ nghĩ rằng mình nấu ăn dở tệ.
Dùng bữa với người bạn Pháp, hãy ăn sạch sẽ chứ đừng để lại đồ thừa. Ảnh:Weirdhood.

Tanzania: Nếu được một gia đình Tanzania mời dùng tiệc tối, bạn nên đến trễ 20 phút thay vì đến sớm vì có thể khiến chủ nhà khó chịu.

Nga: Chỗ dành cho những chai rượu vodka rỗng là dưới sàn nhà, nếu đặt trên bàn là dấu hiệu của chuyện không hay sắp xảy ra. Họ cũng không dùng dao khi thưởng thức món ăn.

Ai Cập: Nếu món ăn bạn đang dùng có phần nhạt hơn so với khẩu vị quen thuộc, đừng rắc thêm muối vì đây là hành động có ý chê trách đầu bếp không nấu ăn ngon.
Rắc thêm muối vào món ăn sẽ khiến người Ai Cập nghĩ bạn chê họ nấu dở. Ảnh:Weirdhood.

Kazakhstan: Trong một bữa ăn có phục vụ trà, tách của bạn thường sẽ chỉ được châm một nửa. Người Kazakhstan cho rằng nếu tách trà được châm đầy nghĩa là chủ nhà đang muốn tiễn khách.

Tường Ý (theo Weirdhood)

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Nguyên tắc bỏ túi khi du lịch các nước

Tại Croatia, hoa cúc chỉ dành cho tang lễ, còn tại Pháp, hoa cẩm chướng đỏ gắn liền với sự thiếu may mắn.
Xem thêm: Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch



















Việt hóa bởi UpLevo.com - Nguồn: Scoopwhoop

Việt Nam qua những tấm hình siêu rộng

Qua kỹ thuật panorama - chụp ảnh toàn cảnh, khiến các điểm đến quen thuộc của Việt Nam như Hà Nội, Mai Châu, Đà Lạt hiện ra đầy mới mẻ.
Xem thêm: Việt Nam lọt top những điểm đến hàng đầu năm 2015
Mai Châu là huyện miền núi tỉnh Hòa Bình. Tới thị trấn này bạn sẽ đi qua khu vực cột cờ, nơi có thể ngắm toàn cảnh. Kỹ thuật panorama giúp du khách cảm nhận đủ đầy về một góc Mai Châu yên bình với núi, nếp nhà nhỏ hay những thửa ruộng lúa xanh.

Những con tàu, nhà thuyền nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà trở nên nhỏ bé hơn trong góc nhìn này. Đây đồng thời là khu du lịch nổi tiếng của Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Các điểm đến nổi tiếng ở đây là đảo Khỉ, bãi tắm Cát Cò, động Hùng Sơn, vườn quốc gia Cát Bà...

Hồ Gươm, Hà Nội. Với hệ thống cây xanh mát bao quanh, nơi đây được nhiều người lựa chọn như điểm vui chơi, rèn luyện sức khỏe cả sáng lẫn chiều.

Tam Cốc được xem như "vịnh Hạ Long trên cạn" thuộc tỉnh Ninh Bình. Du khách tới đây quanh năm nhưng tập trung nhiều khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Lúc này, lúa chín vàng hai bên bờ sông Ngô Đồng tạo bức tranh thiên nhiên đẹp mắt. Bạn có thể leo lên Hang Múa để chiêm ngưỡng toàn cảnh và chụp một bức hình kỷ niệm.

Vào thế kỷ 15, Hội An (Quảng Nam) là thương cảng phồn thịnh, nơi giao lưu buôn bán của các thương nhân người Hoa, Nhật. Ngày nay, Hội An có sức hút lớn với du khách trong nước và quốc tế nhờ vẻ đẹp cổ kính. Với kỹ thuật này, bạn có thể quan sát nhiều nét đặc trưng chỉ trong một tấm hình như dòng sông Hoài hiền hòa, nghề chài lưới và những ngôi nhà cổ kính.

Bãi Nhà Cũ được xem như thiên đường bình yên của đảo Bình Ba, Khánh Hòa. Dưới góc nhìn toàn cảnh, bạn có thể quan sát những con sóng biển xanh biếc, khi tiến gần bờ thành màu nhạt hơn. Ngoài ra, điểm nhấn khác còn ở những rạn san hô đa dạng về hình dáng, bãi cát trắng mịn, nằm khép mình dưới mỏm núi đá.

Biển Hồ hay Tơ Nueng là miệng một ngọn núi lửa khổng lồ ở phía bắc thành phố Pleiku, Gia Lai. Nằm tại khu vực nắng nóng Tây Nguyên nhưng mực nước trong năm ở đây không thay đổi do hệ thống núi bao quanh. Góc nhìn rộng giúp du khách quan sát "đôi mắt Pleiku" tràn đầy sức sống giữa trời mây dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể đi thuyền độc mộc để thưởng ngoạn vẻ đẹp ấy.

Trong ảnh là đồi chè Cầu Đất, một điểm đến đổi gió của nhiều phượt thủ. Nơi này có lịch sử khoảng 100 năm. Thời điểm tham quan phù hợp là cuối năm. Lúc này, thời tiết mát mẻ, hoa dã quỳ nở vàng rực dọc lối đi tạo khung cảnh quyến rũ.

Hồ Tà Pạ, An Giang là dấu vết còn lại tại khu vực cấm khai thác đá của một công ty. Màu sắc nước trong hồ thay đổi theo thời tiết và độ sâu. Khi trời trong, hồ có màu xanh ngọc bích. Chỗ nông hơn thì xanh nhạt, màu kem, cam sẫm hoặc vàng. Nơi này vẫn chưa được đưa vào khai thác du lịch nên còn giữ nhiều nét đẹp hoang sơ, quyến rũ.

Rùa Hay Xỉn (VnExpress)

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Ảnh về Việt Nam vào top ấn tượng trên báo Anh

Roughguides vừa công bố những bức hình du lịch đẹp nhất tháng 7 sau khi lựa chọn trên trang chia sẻ ảnh Picfair, trong đó có 2 tác phẩm về Việt Nam.
Chủ đề được Roughguides lựa chọn trong tháng này là hoa văn tạo nên nhờ các yếu tố lặp đi lặp lại. Bức ảnh chụp một phụ nữ lớn tuổi đang say sưa làm nón được ghi lại bởi JetHuynh, ở TP HCM.


Tác giả của bức ảnh chụp hai cô gái trong trang phục truyền thống ở SaPa là một nhiếp ảnh gia người Hà Lan có sở thích đi du lịch.

ullring là trung tâm mua sắm độc đáo ở Birmingham, Anh. Điểm thu hút của công trình này nằm ở lớp vỏ bọc gồm 15.000 chiếc dĩa nhôm, khiến Bullring mang dáng dấp của “một sinh vật ngoài hành tinh”.

Những chiếc ghế màu xanh tại sân vận động Olympics, Munich, Đức có khả năng gây ảo giác cho người xem, nhất là khi hắt ánh nắng mặt trời. Sân vận động này có sức chứa gần 80.000 người.


Hoa văn trang trí trên cửa Hoa Sen ở điện Chandra Maha, Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, Ấn Độ. Đây là một trong 4 cửa (tượng trưng cho 4 mùa) dẫn vào sân bên trong Pritam Niwas Chowk và mang biểu tượng mùa hè.


Những viên đá cuội được sắp đặt tạo thành hoa văn hình sóng trên con đường ở Lisbon, Bồ Đào Nha.


Xe đạp đỗ bên ngoài một ga tàu ở Amsterdam, Hà Lan. Tại đây, phần lớn người dân sử dụng xe đạp và một nửa trong số đó đạp xe đi làm. Đường phố chật hẹp khiến thành phố phải đối mặt với tình trạng quá tải điểm đỗ xe.

Những con dấu này được sử dụng để in vải ở Ấn Độ.


Những căn hộ giống hệt nhau là hình ảnh một khu chung cư ở Bangkok, Thái Lan.

Hình xăm trên khuôn mặt của một phụ nữ dân tộc Chin ở Myanmar. Trong quan niệm của dân tộc này, mặt phụ nữ càng nhiều hình xăm càng đẹp.
Vy An (theo Roughguides)

Vẻ đẹp Bắc Trung Bộ trong những ngày hè

Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và các di tích lịch sử mà còn thấu hiểu cuộc sống vất vả của người dân Bắc Trung Bộ trong tiết trời oi ả.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định
Những ngày hè, nhiệt độ ở Bắc Trung Bộ luôn duy trì trên 35 độ C. Tuy nhiên, do vị trí tiếp giáp mặt biển, lại có nhiều điểm đến tâm linh, khu vực này luôn được du khách quan tâm và ghé thăm, nghỉ hè. Trỏng ảnh là một nhóm khách lặng người trước nơi yên nghỉ của 10 cô gái thanh niên xung phong tạo ngã ba Đồng Lộc. Di tích lịch sử này thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn.

Đây cũng được xem là cơ hội tốt để tìm hiểu thêm về cuộc sống người dân bản địa. Trong hình là nông dân đang cào muối thu hoạch trên cánh đồng tại Thiên Cầm, Hà Tĩnh.

Nhóm bạn nghiêm trang chào cờ tại vĩ tuyến 17, nơi từng là nơi phân chia hai bờ đất nước, thuộc bờ bắc sông Bến Hải, Quảng Trị. Ngoài ra, các di tích gần đây còn có cầu Hiền Lương với cổng chào ở đầu phía bắc, tháp canh của chính quyền Sài Gòn cũ ở bờ nam sông Bến Hải và các tượng đài.

Ngoài du lịch biển, các điểm đến tâm linh cũng trở thành một phần trong hành trình. Dưới tán bồ đề nhìn ra, bạn có thể thấy hàng nghìn nấm mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Tọa lạc tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị, đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Nắng chiều rực rỡ chiếu qua tán cây trong khu nhà tù Lao Bảo, một địa danh khốc liệt nơi chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Đây từng là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương, giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh...

Chiều xuống, khi ánh nắng không còn quá gắt là lúc những cánh đồng lúa bên cạnh hệ thống đầm phá Tam Giang, Huế toát lên vẻ đẹp thanh bình, dịu nhẹ.

Ráng chiều tím thẫm rất đặc trưng ở phá Tam Giang, Huế.

Hachi8 (VnExpress)

Bài đăng phổ biến