Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Bún cá ở phố núi Mộc Châu

Sợi bún mềm cộng với miếng cá giòn dai, hòa thêm vị ngọt thanh của nước dùng sẽ làm bạn khó quên món ăn ngon của phố núi Mộc Châu.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cá lóc (cá quả) được làm sạch, sau đó phần xương và đầu được tận dụng để nấu nước dùng. Nhờ đó, món này có vị ngọt tự nhiên, khác với bún cá lóc trứ danh ở miền Tây đậm đà vị của mắm ruốc.

Người chế biến còn cho thêm cà chua và một số nguyên liệu khác như dọc mùng,, tỏi, hành,... khiến tô bún thanh đạm mà không tanh mùi cá. Riêng phần thịt cá sau khi lóc được ướp thêm chút gia vị cho đậm đà rồi chiên giòn.

Điều khác biệt ở món này là được dùng chung không chỉ với rau sống mà còn trái sung muối xổi. Sung được bỏ cuống, ngâm nước cho hết mủ, sau đó cắt thành khoanh tròn, mỏng vừa ăn rồi ngâm vào chậu nước pha muối và chanh khoảng 30 - 40 phút cho trắng. Cuối cùng, trộn sung ráo nước với hỗn hợp nước mắm, muối, đường, nước cốt chanh và nước lọc. Tùy vào sở thích mà bạn cho thêm tỏi và ớt cho vừa miệng.

Nhờ những miếng sung giòn cay, món ăn không ngán nếu bạn ăn lần thứ 2. Ảnh: Phong Vinh


Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc được chiên giòn, bắp chuối cắt mỏng và màu xanh của dọc mùng. Bên cạnh tô bún là rổ rau xanh tươi kèm thêm chén sung muối, ớt và chanh làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.

Thực khách có thể thưởng thức món ăn này vào sáng sớm, khi sương còn giăng trên những con đường. Húp nhanh tô bún cá nóng hổi, khói nghi ngút, với vị béo, ngòn ngọt của cá cùng với vị cay, chua của trái sung, tất cả quyện vào nhau sẽ làm ngày mới của bạn ở phố núi tràn đầy năng lượng.

Nếu có dịp lên Mộc Châu, du khách đừng bỏ qua món ăn dân dã này. Bún cá tùy quán, có nơi bán cả ngày nhưng có nơi chỉ bán buổi sáng với giá trung bình 30.000 đồng một tô.

Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Thiên đường nghỉ dưỡng trên đất Việt

Mỗi công trình là một tuyệt phẩm về kiến trúc, đẳng cấp và sáng tạo, những khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đặt chân đến nơi được mệnh danh là thiên đường trên đất Việt này.
Cùng chiêm ngưỡng những công trình đẳng cấp mang dấu ấn Sun Group trên khắp Việt Nam.

InterContinental Sun Peninsula Resort là “tuyệt tác kiến trúc” đầu tiên của Sun Group tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đích thân kiến trúc sư tài hoa Bill Bensley - một trong 5 bậc thầy thiết kế resort nổi tiếng nhất thế giới thực hiện. Nơi đây đã được tôn vinh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” năm 2014; và mới được đề cử giải “Virtuoso Best of The Best” ở hạng mục Best Achievement in Design (Thành tựu thiết kế) năm 2015. Đáng lưu ý, Virtuoso và Tạp chí Virtouso Life là đơn vị trao giải là thương hiệu với các dịch vụ chỉ dành cho tỷ phú thế giới. Chỉ có 50 khách sạn đến từ hơn 100 quốc gia lọt vào danh sách đề cử.

Premier Village Đà Nẵng Resort mang đến những “ngôi nhà mơ ước” với 118 biệt thự có tầm nhìn hướng biển với không gian nghỉ dưỡng hoàn hảo.

Không gian bảng lảng mây khói Bà Nà chính là cảm hứng để Sun Group kiến tạo tuyệt tác thứ ba - Làng Pháp, đem lại trải nghiệm mới mẻ cho miền biển nhiệt đới. Ngoài không gian châu Âu, nơi đây còn có các khách sạn 4-5 sao và nhiều hạng mục tham quan, giải trí độc đáo mang tầm thế giới.

Hiện đại, năng động chính là dấu ấn Sun Group bên bờ sông Hàn nổi tiếng Đà Thành với khách sạn Novotel Premier Han River 37 tầng

Đang ráo riết chuẩn bị cho ngày ra mắt là Khu nghỉ dưỡng Mariott tại Phú Quốc với thiết kế hứa hẹn vượt qua cả InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Thêm kiệt tác nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế cũng sẽ được đầu tư tại Sapa như M.Gallery giữa núi rừng Tây Bắc ....

Ritz Carlton – thương hiệu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới được mệnh danh là “bộ sưu tập những giá trị đương đại” sẽ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với tiêu chuẩn hơn cả 6 sao đang được Sun Group xúc tiến đầu tư tại Phú Quốc. Với những công trình để lại những dấu ấn vượt thời gian, Sun Groupgóp phần đưa Việt Nam vào danh sách các điểm nghỉ dưỡng sang trọng trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh nghỉ dưỡng, Sun Group còn là chủ đầu tư của hàng loạt dự án cáp treo kỷ lục thế giới. Mở đầu cho thương hiệu “cáp treo Sun Group” là hệ thống cáp treo Bà Nà Hills với 4 giải Guiness thế giới vào năm 2013.

Kỷ lục này dự kiến sẽ bị chính Sun Group phá vỡ vào năm 2016 khi cáp treo từ Thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan khánh thành với chiều dài gần 7km, chinh phục đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m, rút ngắn thời gian tới Fansipan từ 48h xuống còn 15 phút. Tại Quảng Ninh, một hệ thống cáp treo từ Bãi Cháy tới đỉnh đồi Ba Đèo cũng đang được xúc tiến, hứa hẹn đem về nhưng kỷ lục mới.

Dấu ấn đậm nét của Sun Group còn ở những đại Công viên giải trí mang tầm cỡ quốc tế. Công viên Fantasy - một trong 5 khu vui chơi trong nhà lớn nhất châu Á tại Bà Nà Hills có diện tích 21.000m2, với nhiều trò chơi hấp dẫn đủ để du khách “đi lạc” cả ngày không chán

Công viên Asia Park vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng tại trung tâm Đà Nẵng có quy mô hàng đầu khu vực, mang vẻ đẹp của 9 quốc gia tiêu biểu của châu Á. Đây cũng là thế giới của các trò chơi hiện đại nhất, trong đó có vòng quay mặt trời thuộc top 10 Vòng quay lớn nhất thế giới.

Tại Quảng Ninh, Công viên Đại dương Hạ Long được thiết kế theo mô hình công viên Disneyland nổi tiếng thế giới có tổng vốn 6.000 tỷ đồng. Đây sẽ là điểm nhấn hiện đại cho du lịch Hạ Long. Khởi đầu từ Đà Nẵng, đến nay Sun Group đã tạo được dấu ấn tại nhiều địa danh, góp phần tạo động lực mới cho ngành công nghiệp không khói địa phương, đồng thời và ghi danh Việt Nam vào top các điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng thế giới

Anh Phạm (VnExpress)

Bún sứa Nha Trang - Món ăn mang đậm hương vị biển

Món bún làm từ những miếng sứa giòn kết hợp chả cá chan nước dùng ngọt thanh. Khi ăn, thực khách có thể gắp riêng sứa chấm với nước mắm ớt để cảm nhận rõ hơn độ tươi ngon.
Xem thêm: 15 điều thú vị ở Nha Trang chỉ dân địa phương biết

Là động vật không xương sống, sứa xuất hiện nhiều ở các vùng biển và trở thành món đặc sản, trong đó phải nhắc đến bún sứa Nha Trang.

Chế biến món này cũng không quá kỳ công. Những con sứa còn tươi do ngư dân vớt từ biển ở đảo xa sẽ được làm sạch nhớt, sơ chế theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Loại sứa dùng để làm món bún đặc sản này thường nhỏ, màu trắng đục, mình dày.
Sứa biển dùng trong món bùn thường nhỏ, có màu trắng đục, được ngư dân vớt từ dưới biển ở đảo xa... Ảnh: nhatrangtoday

Nước ăn kèm với bún sứa không phải nấu từ xương ống, thịt mà từ cá biển... trong đó có cá liệt - loại cá nhỏ, không xương, khiến nước lèo trở nên thơm và ngọt.

Tô bún sứa còn bao gồm chả cá được làm từ các loại hải sản ngon nổi tiếng như cá thu, cá nhồng... Chúng được lọc xương để lấy phần thịt cá rồi quết nhuyễn và nặn thành từng viên nhỏ, đem vào chõ hấp cho giữ nguyên mùi vị.

Nói bún sứa đậm đà hương vị biển bởi hầu hết nguyên liệu dùng để chế biến và độ mặn, ngọt của món ăn đều do các loài hải sản, hạn chế dùng nhiều gia vị. Nước dùng của bún sứa trong veo, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.

Khi thưởng thức, chỉ cần lấy bún đã trụng (chần) nước sôi cho vào bát, thêm những miếng sứa trong, giòn lên trên, cùng vài viên chả cá, chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm vài cọng giá đỗ, rau sống tươi xanh.
Bún sứa có vị thanh mát, tác dụng giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Quế Lan

Thực khách sẽ cảm nhận những miếng sứa ngọt, giòn, và mát quyện lẫn vị đậm đà của chả cá thu, cá nhồng lẫn trong thứ nước dùng ngọt thanh. Ăn hết tô bún thấy mồ hôi toát ra, cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát như xua tan đi cái nóng mùa hè.

Chính vì vậy, không chỉ người Nha Trang mà nhiều khách đến đây cũng tìm để thử món bún sứa rất đặc trưng này. Bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin - Bà Triệu... trong thành phố Nha Trang.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch Đà Lạt

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.

Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.

Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, ngoài đến Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, thăm dòng Sêrêpôk, bạn đừng quên thưởng thức món bún đỏ nổi tiếng. Ảnh: iviet.

Ngoài ra, thịt ba chỉ được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị.

Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút... Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.

Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút... cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa hàng trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát.

Anh Phương (VnExpress)

Xôi trắng khâu nhục, món ăn của người xứ Lạng

Những hạt nếp trắng dẻo thơm, bóng mượt ăn cùng với khâu nhục vàng ruộm, đậm đà, thơm mùi mật ong là món ăn bạn không thể quên được nếu lên xứ Lạng.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

Để làm xôi khâu nhục ngon, người ta phải chọn loại gạo nếp nương mới, vo sạch rồi ngâm qua đêm, sau đó đem đồ cho chín, hạt gạo mềm, bóng, thơm. Món này thường có trong những dịp lễ tết, đám hỏi quan trọng của người dân xứ Lạng. Về tên gọi, người dân nơi đây giải thích, khâu có nghĩa là hấp chín đến mềm gục, nhục là thịt.

Thịt để làm khâu nhục phải là thịt ba chỉ, vừa có nạc nhưng cũng có lớp mỡ. Sau khi được rửa sạch, thịt luộc sơ qua rồi dùng tăm đâm nhiều lỗ trên miếng bì cho ngấm gia vị đem quay vàng cùng mật ong. Khi bỏ ra miếng thịt vàng ươm, bì giòn và đậm đà hương vị.
Khâu nhục là món ăn nổi tiếng của người xứ Lạng. Ngoài ăn kèm với xôi trắng, khâu nhục còn được ăn cùng với bánh mì, cơm trắng. Ảnh: mienbiengioi

Gia vị để nấu khâu nhục gồm hành tỏi, gừng băm nhuyễn, húng lìu, tiêu, đường, dầu hào, ngũ vị hương, rượu trắng và không thể thiếu là tàu soi, một loại rau của người dân Tày, Nùng. Nhiều nơi cho thêm khoai môn cắt khúc, ăn cũng rất thú vị.

Thịt ba chỉ quay được thái, ướp cùng với các nguyên liệu trên rồi cho vào đĩa, phía dưới cùng là lá tàu soi,khoai môn ở giữa. Các miếng thịt được đặt sao cho thịt ôm trọn khoai và các gia vị trong lòng. Cho bát thịt vào nồi hấp cách thủy trong vòng 4 tiếng đến khi thịt mềm tơi.

Món khâu nhục ngon có lẽ do khâu tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Khi thưởng thức, miếng thịt thơm, mềm như tan trong miệng, ngấm các gia vị và phần bì mềm ngậy, thơm mùi mật ong, ăn mà không thấy ngán. Khâu nhục ăn kèm với xôi trắng là món ăn mà du khách lên xứ Lạng thường thưởng thức.

Món xôi khâu nhục rất dễ tìm trong các quán ăn nổi tiếng ở xứ Lạng, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một suất.
Anh Phương (VnExpress) 

Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Trái chuối nướng ngòn ngọt được bọc bên ngoài lớp bột nếp, chan nước cốt dừa thơm lừng và rắc thêm một ít đậu phộng tạo thành món ăn dân dã ở miền Tây.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Người dân miền Tây vốn hảo ngọt, nên những món ăn như bánh, chè, xôi, rau câu được bày bán rất phong phú. Trong đó, du khách không thể bỏ qua món chuối nếp nướng.

Nguyên liệu làm chuối nếp nướng rất đơn giản. Bạn chọn loại chuối xiêm, vừa chín tới, chặt đem về ủ. Vài hôm sau chuối vàng ươm mới dùng để chế biến. Chuối được lột vỏ, ướp chút đường và muối để có vị đậm đà. Đặc biệt, chuối phải được nướng trên bếp than hồng và để nguyên trái mới đúng điệu.
Người nướng phải trở luôn tay cho đều các mặt. Khi lá chuối cháy sém vàng, lớp vỏ ngả màu và mùi thơm bốc lên là bánh chín. Ảnh: Liêu Lãm

Món chuối nếp nướng này sẽ không thể đạt được hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo thành món ăn đơn giản mà níu chân du khách.

Có rất nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối được bọc bên ngoài lớp bột nếp trộn trước với nước cốt dừa rồi đem bọc trong lá chuối. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giưc được hương vị.

Với 5.000 - 7.000 đồng, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của món ăn này mà ít nơi đâu có được. Địa chỉ nổi tiếng với chuối nếp nướng là quán trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy món này ở một số nơi khác như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ...
“Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài hoà quyện với nước cốt dừa béo ngậy, và miếng chuối ngọt bùi, tôi cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác” – chia sẻ của bạn Liêu Lãm trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Liêu Lãm
Phong Vinh (VnExpress)

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Du khách không chỉ được ngồi thuyền xuôi theo các con kênh, rạch chằng chịt, đến với những miệt vườn hoa trái xum xuê, mà còn được thưởng thức nền ẩm thực phong phú.
Xem thêm: Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Mỗi ngày du khách sẽ được khám phá một phần của miền Tây sông nước với những trải nghiệm khác biệt.

Ngày 1: Khám phá Cần Thơ, ngắm hoàng hôn trên bến Ninh Kiều

Buổi sáng

Từ Hà Nội, du khách mất khoảng 2 tiếng đến sân bay Cần Thơ. Từ TP HCM, ôtô là phương tiện chủ yếu được hầu hết du khách sử dụng, mất khoảng 3 tiếng và có nhiều chuyến của các hãng xe Phương Trang, Victoria Mekong Coach...

Buổi chiều

Là trung tâm của các tỉnh miền Tây, Cần Thơ mang đầy đủ nét đặc trưng của một vùng sông nước. Bạn có thể lang thang ở khu trung tâm thành phố, ghé chợ Tân An thưởng thức các loại cây trái. Cuối giờ chiều, bạn hãy dừng chân ở bến Ninh Kiều ngắm hoàng hôn và xuồng ghe đi lại tấp nập, cảm nhận cuộc sống sinh động nhưng vẫn rất đơn sơ, thuần khiết.

Buổi tối

Nền ẩm thực địa phương phong phú, tràn đầy sắc màu và hương vị. Bạn có thể thưởng thức các món ăn từ ốc, cá, vịt, bò và nhiều loại rau, hoa trái tươi ngon.

Ngày 2: Thăm chợ nổi Cái Răng, làng sản xuất hủ tiếu

Buổi sáng

Cuộc sống thường nhật trên chợ nổi Cái Răng.

Mất khoảng 30 phút từ bến Ninh Kiều, du khách ngồi trên tàu máy xuôi theo dòng sông Hậu đến chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Chợ hoạt động từ 5 đến 10h sáng và thường tấp nập lúc 7h. Nơi đây chủ yếu bán hàng nông sản, các loại trái cây, thực phẩm... Xuồng ghe lớn nhỏ từ khắp các tỉnh lân cận, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ xa, du khách có thể nhìn thấy những cây "bẹo" treo mặt hàng bán. Thú vị nhất là có thể thưởng thức bữa ăn ngay trên tàu và ngắm cảnh mua bán tấp nập.

Sau khi tham quan, mua bán trên chợ, du khách quay về làng sản xuất hủ tiếu nằm bên bờ sông, cách bến Ninh Kiều khoảng 10 phút đi tàu. Bạn có thể học cách làm bánh, quan sát cuộc sống ven sông của dân địa phương hoặc trò chuyện với những người dân hồn hậu, dễ mến.

Ghé thăm các vườn trái cây là một hoạt động không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền Tây sông nước. Dọc bên bờ sông là những vườn cây trĩu quả, với sầu riêng, xoài, chôm chôm, dâu, thanh long xanh mướt mát. Bạn có thể thưởng thức hoa trái theo mùa, tận hưởng không gian thoáng mát, yên bình; hoặc leo qua các cây cầu khỉ bắc qua những dòng kênh nhỏ, tận hưởng vẻ đẹp đơn sơ của miền Tây.

Buổi chiều

Sau một buổi trưa nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng, du khách di chuyển từ Cần Thơ xuống Châu Đốc (tỉnh An Giang). Trên đường đi, bạn có thể ghé thăm nhà cổ Bình Thủy, được xây dựng với lối kiến trúc Á - Âu, từng là bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng.

Buổi tối

Khám phá ẩm thực nổi tiếng ở Châu Đốc, đi chợ đêm và thú vị nhất là thưởng thức ly cà phê ngay bên khách sạn nằm ở ngã giữa ngã ba sông Tiền, sông Hậu. Bạn có thể lặng nghe tiếng tàu chạy, tiếng chèo khua nước khi người dân trở về sau một ngày lao động.

Ngày 3: Làng chăm Vĩnh Tế, chùa trên núi Sam

Buổi sáng

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có khá nhiều cộng đồng sinh sống như Chăm, Khmer. Đi tàu dọc theo dòng kênh Vĩnh Tế, bạn sẽ đến thăm ngôi làng của người Chăm với vẻ hoang sơ thuần khiết. Bạn có thể mua những món quà lưu niệm là chiếc khăn rằn Nam Bộ được dệt thủ công...

Ngoài ra, du khách đừng bỏ lỡ các đền chùa, đặc biệt là miếu bà Chúa Xứ, một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc. Đây là một trong những địa danh linh thiêng, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt khách đến cúng bái, tham quan và cầu tài lộc.

Buổi chiều

Thăm rừng Tràm Trà Sư là một trải nghiệm thú vị.

Bạn nhớ ghé qua khu bảo tồn chim Trà Sư nằm trong rừng ngập nước thanh bình, kỳ ảo. Ngồi trên chiếc thuyền ba ván truyền thống, lướt qua chiếc thảm nước xanh rờn đẹp như tranh và quan sát cuộc sống hoang dã nguyên thủy của các loài chim là một trải nghiệm thú vị.

Buổi tối

Thú vị nhất là ngắm hoàng hôn từ trên sườn núi Sam. Từ trên khách sạn Victoria núi Sam, bạn có thể thả tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn với những cánh đồng lúa chín vàng óng hay lúa xanh ngắt đương thì con gái tùy theo mùa. Bạn như được chìm đắm vào cuộc sống thanh bình và chậm rãi nơi đây.

Anh Phương (Theo VnExpress)

Ihwa - ngôi làng 'sống nhờ' tranh tường

Từ một khu ổ chuột sắp bị phá hủy, Ihwa được trang hoàng bằng những bức tranh tường sống động và trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Xem thêm: Những khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc

Ihwa là một ngôi làng nằm cách khu phố Daehakno sôi động của quận Jongno, Seoul khoảng 10 phút đi bộ. Một thập kỷ trước nơi đây còn là khu nhà xập xệ sắp sửa bị phá hủy, nhưng ngày nay Ihwa có một bộ mặt hoàn toàn khác lạ.

Luồng gió mới thổi vào ngôi làng bắt đầu từ năm 2006. Đó là khi dự án Art in City - Naksan tập hợp hàng chục nghệ sĩ và kết hợp với chính quyền địa phương tạo nên 64 tác phẩm sắp đặt. Kế hoạch này dự tính tạo không gian văn hóa nhằm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dự án đạt thành công ngoài mong đợi vì thu hút được hàng nghìn người.

Khoảng một năm sau, nhiều tác phẩm phải gỡ bỏ theo yêu cầu của người dân bởi tình trạng tiếng ồn, rác thải và hành vi thiếu ý thức của du khách. Tuy nhiên, năm 2013, ngôi làng được tái sinh một lần nữa khi các nghệ sĩ về đây và tạo thêm 60 tác phẩm khác. Không chỉ có các nghệ sĩ chuyên nghiệp, học sinh, sinh viên của những trường đại học xung quanh cũng tới đóng góp công sức để làm đẹp ngôi làng Ihwa.
Bức họa đôi cánh thiên thần là một trong những nơi thu hút các bạn trẻ tới chụp ảnh nhiều nhất ở Ihwa.

Những tác phẩm điêu khắc bằng kim loại đứng "gác" ngay các đường nhỏ và tranh tường tươi sáng nằm ở mọi ngóc ngách của làng. Các bậc thang dốc trở nên sống động hơn nhờ những bức vẽ sặc sỡ. Các ngõ hẹp trang trí bằng nhiều tranh tường lớn nhỏ.

Những bức tranh ghép từ gạch màu đẹp nhất nằm ở đường Guldari, lối đi về Daehakno, sau công viên Maronnier ở trạm ga Hyehwa. Các bức tranh này trải dài và uốn theo sườn đồi tới rìa công viên Naksan, dẫn vào làng và kết thúc ở đường Yukgokro 19.

Bất chấp nguồn gốc từ một khu ổ chuột, ngôi làng Ihwa đã nắm bắt thời cơ để thay đổi cuộc sống dựa trên màu sắc và nghệ thuật trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân. Trước sức sáng tạo của các bức tranh ở Ihwa. Jeong Yuju, một du khách chia sẻ: "Tôi làm việc ở một khu vực khá gần làng nhưng trước đây chưa bao giờ tới tham quan. Nơi này quả thật rất tuyệt vời".
Các lối đi bậc thang trong làng Ihwa cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Một tấm bản đồ sẽ dẫn du khách tới chỗ có những tranh tường lớn, đẹp và nổi tiếng nhất, bên cạnh đó nhiều bức họa mới cũng xuất hiện liên tục. Các bảo tàng nhỏ, trung tâm nghệ thuật hay quán cà phê được xây dựng và mở cửa thêm. Nếu có nhiều thời gian khám phá du khách có thể ghé chân ở các bảo tàng làng Ihwa, Blacksmith, Gaeppul, Lock. Một số điểm tham quan khác là công viên Naksan, làng Hanok - quê hương cựu tổng thống Rhee Syngman...

Hương Chi (theo seoulselection)

10 điều nên làm trước mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài


Du lịch luôn là một món quà ngọt ngào cho bản thân sau những ngày làm việc chăm chỉ và hãy đừng để thành quả ấy có “vị đắng” vì những thiếu sót cơ bản sau. Và, sau đây là 10 điều nên làm trước mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài.


Xem thêm: Những cử chỉ cần tránh khi đi du lịch nước ngoài

1. Kiểm tra hộ chiếu


Nếu bạn không chắc lần cuối cùng mình nhìn vào hộ chiếu của mình khi nào thì hãy mở ra ngay và chú ý vào ngày hết hạn. Rất nhiều quốc gia yêu cầu du khách xuất và nhập cảnh phải có hộ chiếu với trên 6 tháng trước ngày hết hạn.


Visa luôn là vấn đề nhiều người quan tâm, hãy đảm bảo bạn sẽ xin visa ở những nước cần thiết và đặc biệt chú ý đến những thông tin về việc nếu sở hữu visa của nước A bạn sẽ có thể vào nước B mà không cần xin visa hoặc những thông tin về việc xin visa khi hạ cánh (arrival visa). Tùy từng quốc gia và lãnh thổ mà người mang hộ chiếu Việt Nam sẽ có những chính sách khác nhau. Nếu cảm thấy không an tâm, hãy đừng ngại ngần gọi điện thoại trực tiếp lên các đại/lãnh sự quán của các nước mà bạn dự định đến để biết thêm thông tin chi tiết. Hãy nhớ rằng, làm visa luôn tốn chi phí và thời gian nên bạn phải kiểm tra thông tin này thật sớm trước ngày khởi hành.

2. Mang thuốc hoặc tiêm ngừa phòng bệnh


Tùy thuộc vào từng quốc gia hay điểm đến, bạn sẽ cần phải tiêm ngừa một số loại vắc-xin (vaccine) hay uống một số loại thuốc trước khi lên đường để nhằm phòng tránh bệnh.

Đọc thông báo về những thông tin liên quan đến vấn đề y tế của nơi bạn dự định đặt chân tới đặc biệt là những điểm đến xa xôi như rừng rậm, sa mạc, cao nguyên. Ngoài ra, luôn dự trữ đủ hoặc hơn số thuốc trong suốt thời gian bạn đi du lịch để không bị bị động trong các trường hợp khẩn cấp. Các loại thuốc nhức đầu, đau bụng, giảm đau, dị ứng luôn rất cần thiết đặc biệt là những hành trình đi xa và lâu đến các vùng xa thành thị. Nếu đang mang các chứng bệnh phải dùng thuốc hàng ngày hàng tuần thì nhất định không thể quên thuốc đặc trị theo cùng.

3. Kiểm tra các cảnh báo hoặc lời khuyên rồi hãy đặt chỗ


Trước khi lên đường, hãy theo dõi những thông tin về tình trạng an ninh và du lịch tại điểm đến trước khi ấn nút đặt chỗ máy bay, khách sạn hay các tour tham quan. Bạn cũng cần viết địa chỉ và số điện thoại của đại/lãnh sự quán Việt Nam nếu đang đi du lịch nước ngoài.

Tự thiết lập lịch trình cho bản thân từ ngày giờ, chuyến bay, khách sạn và địa chỉ điện thoại, tuyến tàu điện, bus, phà…nếu là hành trình tự túc hoặc đề nghị công ty du lịch chuẩn bị nếu bạn đi tour.

4. Chuẩn bị về tài chính


Trước khi du lịch nước ngoài, hãy chắc là bạn sẽ gọi cho ngân hàng mà mình đang sở hữu thẻ tín dụng để đảm bảo rằng nơi bạn sẽ đến có thể sử dụng thẻ ngân hàng và hỏi họ trong trường hợp trục trặc bạn nên làm gì. Nên mang theo hơn 1 thẻ tín dụng nếu có thể và cất ở hai nơi an toàn khác nhau.

Trước khi khởi hành, hãy chắc rằng bạn nắm rõ tỉ giá khi đổi tiền và giá cả ước lượng nơi mình sẽ đến. Đổi một ít tiền mặt và kiểm tra thông tin về mạng lưới cũng như sự phổ biến của máy ATM tại điểm đến trước khi lên đường cũng sẽ giúp bạn chủ động về tiền bạc hơn.

5. Photo tất cả các giấy tờ liên quan đến chuyến đi.


Quan trọng nhất là bản photo màu hộ chiếu trang có dán ảnh và số hộ chiếu, chứng minh nhân dân, vé, booking khách sạn, tàu, thuyền… Cất riêng các loại giấy tờ photo này vào một nơi khác trong hành lý.

Ngoài ra, với thời đại công nghệ số, bạn có thể lưu toàn bộ các thông tin trên dưới dạng file ảnh hay file văn bản vào máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh mà không cần dùng đến internet.

Nếu bạn lưu thông tin cá nhân trong điện thoại hay các thiết bị cầm tay khác, hãy chắc rằng bạn đặt mã số bí mật để hạn chế sự xâm nhập từ người ngoài.

6. Lấy giấy phép lái xe quốc tế


Bằng lái ô tô tại Việt Nam có thể không được chấp nhận tại hầu hết các quốc gia và vì thế nếu bạn muốn vi vu ôm vô lăng thì nên xin giấy phép lái xe quốc tế. Quy trình và thủ tục cũng tốn thời gian và tất nhiên cả tiền bạc nên bạn cũng cần phải hoàn thành sớm trước khi lên đường.

7. Chuẩn bị ổ cắm đa năng


Các thiết bị điện tử thường khác nhau tùy theo từng vùng miền và quốc gia. Đo đó bạn cũng nên tự sắm cho mình một ổ cắm đa năng để sẵn sàng phục vụ bản thân bất cứ lúc nào. Bạn cũng cần kiểm tra điện năng tại điểm đến nhằm để tránh trường hợp thiết bị của mình không tương thích. Máy tính xách tay và điện thoại thường có ổ sạc tương thích với nhiều nguồn điện từ 100V – 220V. Nếu bạn có các đồ điện tử quá hoặc thấp hơn chuẩn cho phép ghi chú trên đó, hãy tìm mua dụng cụ chuyển đổi điện năng để sử dụng. Hiện tại những cục sạc di động cho máy ảnh, máy điện thoại đang được bán khá nhiều và bạn đừng ngại ngần đầu tư để mua một chiếc cho mình nhằm sẵn sàng bổ sung năng lượng bất cứ lúc nào.

8. Học vài câu, từ bản địa đơn giản


Tập nhớ những từ ngữ đơn giản như “Xin chào”, “Cám ơn” và “Toilet nằm ở đâu”, ngoài ra, nhờ được càng nhiều sẽ càng tốt để bạn thích nghi với môi trường mới hơn.

Nếu bạn biết mình hay bị dị ứng bởi các món ăn nào, dễ bị xảy ra tình trạng gì với cơ thể, thường dùng loại thuốc gì,… hãy đảm bảo bạn biết cách giai thích với người đối diện bằng tiếng Anh đơn giản hoặc ngôn ngữ hình thể. Nếu cảm thấy lo lắng, hãy đừng ngại ngần hỏi mọi người xung quanh đánh máy/viết những câu mô tả về tình trạng bệnh cơ bản của bạn trước khi khởi hành.

9. Kiểm tra phí nhập và xuất cảnh


Có khá nhiều quốc gia yêu cầu bạn phải xin visa trước khi hạ cánh nhưng cũng có những quốc gia dù đã có visa bạn vẫn phải trả phí hoặc thuế phi trường hay phí xuất nhập cảnh… Kiểm tra kỹ thông tin nếu bạn đặt vé trên mạng hay qua các đại lý về việc nhập và xuất cảnh tại sân bay cùng những loại phí phải đóng để có thể chủ động trước.

10. Mua bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch


Mua bảo hiểm gần như là việc bắt buộc gồm cả bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch. Hãy đừng tiếc vài chục usd bởi bạn không chắc là hành trình của mình sẽ xuôn sẻ một cách hoàn hảo. Bảo hiểm là cách tự bảo vệ bản thân và cả chuyến đi của bạn. Tuy vậy có rất nhiều loại bảo hiểm cũng nhưng quy định về bồi thường mà bạn cần nắm rõ trước khi quyết định mua đặc biệt là các vấn đề về khám chữa bệnh tại nước ngoài hay bị hủy chuyến bay…

Chúc các bạn có những ngày nghỉ tràn đầy niềm vui. (Theo An Nam/Một thế giới)

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Những ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam

Chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) tọa lạc trên ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông thơ mộng, người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà, tức ấn trời triện trên sông.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình - Tour Vũng Chùa

Chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự

Đây là ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại nằm trên địa phận ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nói đến chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, những kỷ lục về Phật giáo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập cũng xuất hiện. Một số danh hiệu gồm chùa có ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam (năm 2006), nhiều tượng Phật nhất (năm 2007), tượng Bồ tát Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam (năm 2007)...

Chùa Hang

Chùa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tuổi đời khoảng 300 năm, nổi tiếng với những cảnh đẹp như tranh vẽ làm mê hoặc lòng người. Nơi đây có tên chữ là "Thiên Khổng Thạch Tự" (chùa do trời sinh ra). Ngôi chùa chính là một hang đá sâu 24m, rộng 20m và cao hơn 3m với nhiều ngóc ngách bên trong.

Phía trước chùa là pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát to lớn hướng ra biển cả như luôn che chở và phù hộ những chuyến đi biển bình an.

Chùa Phật Lớn

Chùa có tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, tọa lạc trên núi Thiên Cấm, cao hơn 710 m so với mực nước biển, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nằm trong quần thể chùa Phật Lớn có tượng Phật Di Lặc cao gần 34 m, đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả. Năm 2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã công nhận đây là tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á.

Chùa núi Châu Thới

Nằm trên ngọn núi Châu Thới cao 82m so với mặt nước biển, bốn phía chùa là đồng bằng với nhiều hồ nhân tạo rất nên thơ. Ngôi chùa cách thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) khoảng 4 km và TP HCM khoảng 24 km, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương,

Hơn 300 năm trước, thiền sư Khánh Long trên bước đường hoằng dương chánh pháp lên núi Châu Thới thấy cảnh non nước hữu tình đã cất một thảo am nhỏ đặt tên là chùa Hội Sơn, sau đổi thành chùa núi Châu Thới. Nơi đây ghi nhận là ngôi chùa xưa nhất ở Bình Dương.

Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên thế đất thiêng, thuộc núi Thiên Ấn cao hơn 100 m so với mực nước biển tại Quảng Ngãi. Nhìn từ xa theo bốn phía, ngọn núi có hình thang cân trông như chiếc ấn soi bóng xuống dòng sông Trà thơ mộng nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời triện trên sông).

Trong khuôn viên chùa có chiếc giếng Phật linh thiêng sâu 2m cho những dòng nước mát trong được đào từ khi khai sơn phá thạch. Giai thoại về giếng còn lưu truyền trong dân gian và được gìn giữ lại trong các thư tịch cổ.

TADO

Nơi ra đời câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh'

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
 
Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh".

Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo.

Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót.

Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh.

Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.


Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.

Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.


Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa.


Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa.

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa.
 
Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Vĩnh Hy - Vịnh Hạ Long của miền Trung

Nhờ những cung đường uốn lượn, màu nước trong xanh mà Vĩnh Hy còn được mệnh danh là vịnh Hạ Long của miền trung Việt Nam.
Xem thêm: 5 kiểu du khách thích đến vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy, thuộc Xã Vĩnh Hải, Huyện Ninh Hải, nằm về phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận. Chỉ với khoảng hơn một giờ di chuyển từ TP Phan Rang, du khách đã có thể hòa mình vào không gian biển trời xanh ngắt của vịnh.

Thời gian

Mùa hè là thời điểm thích hợp tổ chức các chuyến đi tới vịnh Vĩnh Hy. Chú ý tránh mùa bão, nhất là vào tháng 10, 11, 12 vì thuyền sẽ không ra vịnh được. Ngoài ra, du khách nên chọn đi các ngày cuối tuần vì do lượng khách đông nên tiền thuê tàu đáy kính ngắm san hô giá sẽ không cao.
Vĩnh Hy có màu nước xanh trong và cảnh vật tự nhiên tươi đẹp. Ảnh: Phương Thu Thủy.

Phương tiện di chuyển

Du khách có thể đến Ninh Thuận bằng ô tô riêng, xe khách, máy bay, tàu hỏa xuất phát từ Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng.

Tàu hỏa: Du khách có thể mua vé ở bất cứ ga nào trên các chuyến tàu Thống Nhất, điểm dừng chân là ga Tháp Chàm. Từ đây du khách bắt taxi vào trung tâm thành phố Phan Rang.

Ô tô: Nên chọn phương tiện này nếu xuất phát từ Sài Gòn. Du khách có thể mua vé tại bến xe miền Đông với giá 150.000 đồng, điểm dừng là bến xe Phan Rang.

Máy bay: Du khách đặt vé máy bay từ Hà Nội hoặc TP HCM và hạ cánh tại sân bay Cam Ranh cách Phan Rang khoảng 60 km.

Di chuyển tới Vĩnh Hy

Từ Phan Rang bạn có thể chọn trong 3 cách sau để đến vịnh Vĩnh Hy (khoảng 42 km):

Xe máy: Du khách thuê xe đã bao gồm 2 mũ bảo hiểm, giá tham khảo gồm: xe số có giá 130.000 đồng/ ngày (qua đêm phụ thu thêm 50.000 đồng) và xe tay ga giá 150.000 đồng/ ngày (qua đêm phụ thu thêm 60.000 đồng).

Từ Phan Rang bạn đi qua cầu Tri Thủy, theo đường tỉnh lộ 702 về phía đông bắc Ninh Thuận. Du khách di chuyển dọc theo những cung đường uốn lượn với một bên biển, một bên là cuộc sống yên bình của những chú cừa đang gặm cỏ. Vịnh Vĩnh Hy hiện ra trước mắt đẹp như bức tranh thủy mặc với màu nước xanh ngắt, điểm xuyết thêm bằng những chiếc tàu của ngư dân.
Từ Phan Rang đến Vĩnh Hy, du khách sẽ bắt gặp những chú cừu được chăn thả ven đường. Ảnh: Phạm Quang Tuân

Còn một lối đi khác dẫn đến vịnh Vĩnh Hy đó là xuất phát từ cầu Mỹ Thanh, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa theo đường Nước Ngọt. Đi theo đường này bạn sẽ không thấy những cánh đồng cỏ thay vào đó là những đồi núi nhiều hình thù cùng hàng dương nơi những bãi cát trải dài.

Xe buýt (30 phút sẽ có 1 chuyến): Ngoài việc tiết kiệm so với đi xe máy thì buýt giúp những người không quen lái xe đường dài an tâm. Xuất phát tại bến xe Phan Rang hoặc bạn có thể đón xe buýt tại các trạm đón trả khách trên đường đến Vĩnh Hy. Mất khoảng 1h15 phút các bạn sẽ đến vịnh Vĩnh Hy.

Taxi: Tại Phan Rang có một số hãng taxi uy tín để du khách tham khảo như Ngọc Hoa, Ninh Thuận, Mai Linh.

Lưu trú

Vĩnh Hy có nhiều dịch vụ nhà nghỉ giá rẻ từ khoảng 200.000 đồng một phòng hai giường.

Các bạn đi phượt có thể đem theo lều trại rồi thuê tàu ra các bãi biển cát mịn gần cảng để cắm lều ngủ qua đêm.

Hoạt động vui chơi

Du khách tới Vĩnh Hy có thể thuê thuyền ngắm san hô và lặn biển. Tại bến thuyến có nhiều đội cho các bạn chọn, có hai cách sau: Nếu đi từ 2-8 người thì bạn phải ghép chung với đoàn khác để đủ thuyền, giá được tính đầu người khoảng 60.000 đồng. Còn đi nhiều người hơn bạn có thể chọn hình thức thuê thuyền riêng với giá thuê nguyên tàu từ 600.000 đồng trở lên.

Loại tàu đáy kính sẽ đưa các bạn đến khu vực bảo tồn có rất nhiều san hô, tại đây du khách có thể ngồi trên thuyền tha hồ ngắm cảnh đẹp. Sau đó tàu sẽ đưa bạn đến bãi tắm Bà Điên hoặc đến Bãi Cóc đều cách bờ khoảng 30 phút để tắm hoặc lặn biển. Bạn cũng có thể thử sức leo lên những hòn đá cao với nhiều hình thù kỳ dị.

Đặc sản Phan Rang

Nho: do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên vùng đất Phan Rang có đặc sản đặc trưng rất giá trị là nho. Rượu vang nho, mật nho, mứt nho, nho khô... là những đặc sản rất riêng của mảnh đất này.
Hải sản tươi ngon là một điểm thu hút du khách đến Vĩnh Hy, bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên. Ảnh: Phạm Quang Tuân

Tỏi và táo Phan Rang cũng rất ngon, tỏi chắc, thơm, còn táo giòn và ngọt. Ngoài ra, du khách còn có thể tìm thấy các loại hải sản khô và nước mắm.

Nói riêng về hải sản tươi sống, Phan Rang có ghẹ xanh, cua Huỳnh Đế rất ngọt thịt và ngon, tôm hùm, mực tươi, ốc... Ngoài ra tôm, mực ở Ninh Thuận vừa tươi lại khá ngon.

Quà lưu niệm

Các sản phẩm từ thổ cẩm với hoa văn độc đáo và tinh tế, thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận như vải, quần áo, túi xách... là những món quà rất giá trị.

Vòng tay bằng đá, ốc biển, hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu của xứ biển Ninh Chữ, Phan Rang, Ninh Thuận cũng rất tinh tế và khéo léo. Những đồ này có thể tìm ở chợ Phan Rang.

Các loại trái cây du khách tìm mua ngay tại vườn cách trung tâm Phan Rang khoảng 5 km đi về hướng vịnh Vĩnh Hy và đồi cát Nam Cương. Các loại sản phẩm từ thổ cẩm có thể mua tại Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cách Phan Rang khoảng 10 km.

Lưu ý: Phan Rang là vùng đất của nắng và gió nên bạn nên đem theo đồ mặc nhẹ, chất liệu cotton, mỏng và mát, ngoài đồ bơi bạn nữ nhớ mang theo kem chống nắng và mũ rộng vành.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Các món ăn vặt cho buổi chiều lang thang ở đảo Bình Ba

Đến với đảo Bình Ba (Khánh Hòa), ngoài việc được tận hưởng khung cảnh hoang sơ, bạn còn có thể thưởng thức những món ăn bình dân, đặc trưng ở xứ đảo.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba - Nha Trang

Ngoài các món hải sản nổi tiếng của miền biển như: tôm, cua, cá, mực bạn nên thưởng thức các món ăn vặt như bánh căn hải sản, bánh bèo hay bánh tráng nướng mắm ruốc rất thú vị ở Bình Ba.

Bánh căn hải sản xoài băm

Bạn có thể lựa chọn các loại nhân như tôm, mực, cá, hay trứng và kèm theo đó là xoài thái sợi nhỏ, rau sống. Khi ăn sẽ dùng cùng nước chấm có vị chua chua, ngọt ngọt xen lẫn chút cay kích thích vị giác.

Sau khi khám phá cảnh đẹp của đảo, bạn có thể vào các quán ăn bình dân, tận mắt chứng kiến thao tác cô bán hàng đổ bột lên khuôn trên bếp than hồng rực, nghe tiếng xèo xèo và mùi thơm phức tỏa ra từ bánh.
Tận mắt chứng kiến người bán hàng làm bánh căn, bạn sẽ cảm thấy rất hấp dẫn. Ảnh: Quậy

Thưởng thức miếng bánh căn với đủ các loại nhân và rưới lên là một lớp mỡ hành thơm và béo, ăn kèm xoài chua băm nhỏ. Giá một đĩa thập cẩm đủ bốn loại nhân là 30.000 đồng.

Bánh tráng nướng mắm ruốc

Khắp đảo Bình Ba, từ bến cảng trải dài đến bãi Nồm hay các khu chợ, bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy loại bánh này. Trên một chiếc bếp than nhỏ bằng chậu nhôm, người bán hàng sẽ đặt chiếc bánh tráng mỏng, thêm lớp hành lá cắt nhỏ, chút mắm ruốc và tán đều ra hết mặt bánh.
Cũng tùy vào lựa chọn của khách mà chủ quán sẽ có những biến tấu khác nhau, nhưng không thể thiếu được mắm ruốc. Ảnh: hivietnam

Nhiệt độ từ than tỏa ra sẽ làm bánh tráng nóng giòn và rực thơm mùi mắm ruốc rất hấp dẫn. Giá một chiếc bánh là 10.000 đồng.

Bánh bèo

Trong chợ trên đảo có một quán bánh bèo rất ngon gồm đậu xanh, mỡ hành, bột tôm và nước mắm. Những chiếc bánh bèo được làm từ bột trắng nõn, rắc bên trên là ít hành xắt nhỏ, bột tôm thơm lừng.
Những chiếc bánh trắng nõn nà, thơm mùi hành tỏi và bột tôm. Ảnh: Quậy

Ăn kèm với nó là nước chấm chua cay mặn ngọt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị thơm, béo, thanh mát mà rất đậm đà. Giá khoảng 10.000 đồng một đĩa.

Anh Phương (VnExpress)

Bài đăng phổ biến