Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, khám phá làng hoa Tân Quy Đông hay du ngoạn khu sinh thái Gáo Giồng và thưởng thức món ăn đậm chất miệt vườn Nam bộ là những trải nghiệm thú vị trong dịp nghỉ lễ sắp đến.
Ngôi làng 'có bốn mùa xuân' ở Đồng Tháp / Bí quyết giúp du khách nắm rõ Đồng Tháp như lòng bàn tay

Với những dòng sông hiền hòa, cánh đồng sen bát ngát và nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn, Đồng Tháp là điểm đến lý tưởng cho bạn và gia đình thực hiện chuyến nghỉ mát cuối tuần hay dịp lễ dài ngày.

Tùy vào điều kiện và thời gian bạn có thể sắp xếp chuyến đi trong 2 hay 4 ngày để thưởng thức cảnh đẹp và nhiều món ăn địa phương.
Làng hoa Tân Quy Đông, nơi hội tụ sắc hoa bốn mùa. Ảnh: Duy Kòy.

Xuất phát

Bạn sẽ mất khoảng 3 giờ chạy xe từ TP HCM tới Đồng Tháp với quãng đường 150 km. Điểm có thể mua vé là bến xe miền Tây (Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) với giá 100.000 đồng một người của các hãng uy tín như Mai Linh, Phương Trang… Du khách cũng có thể di chuyển bằng xe máy để tiện lịch trình riêng hoặc đi theo tour của các trung tâm lữ hành ở Sài Gòn.

Nếu đi bằng xe máy bạn xuất phát lúc 5h sáng để tránh tắc đường và nắng nóng của miền Nam. Từ Sài Gòn bạn đi thẳng đến cầu Mỹ Thuận theo quốc lộ 1A, sau đó đi tiếp quốc lộ 80 để đến Sa Đéc. Từ đây bạn bắt đầu di chuyển theo lịch trình dự định. Dưới đây là gợi ý cho du khách hành trình khám phá Sa Đéc – Cao Lãnh trong hai ngày.

Ngày 1: Sài Gòn – Sa Đéc

Buổi sáng:

Bạn dành thời gian cho việc di chuyển, xen kẽ với việc thưởng thức đặc sản địa phương dọc chuyến đi. Hãy dừng chân ở Mỹ Tho, Tiền Giang để thưởng thức tô hủ tiếu thơm ngon. Đây là một trong 3 món hủ tiếu hấp dẫn của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang.

Đặc điểm của hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai, giòn và thơm ngon đặc trưng không lẫn với các nơi khác. Nguyên liệu ăn kèm là thịt nạc, lòng heo, xương và hải sản. Sau khi căng bụng với hủ tiếu bạn tiếp tục di chuyển theo lịch trình. Đến Sa Đéc bạn nghỉ ngơi, ăn trưa và chuẩn bị đi đến các điểm tham quan.

Buổi chiều:

Chùa cổ Kiến An Cung: Đây là một ngôi chùa cổ do người Hoa Phúc Kiến trong quá trình di cư đến sinh sống đã xây dựng nên. Chùa nằm ở trung tâm thành phố Sa Đéc. Hàng năm chùa có hai ngày lễ tế là ngày 22/2 và 22/8 âm lịch. Đến đây bạn như được tĩnh tâm xua tan mọi muộn phiền.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê: Được xây dựng từ năm 1895 do thương gia người Hoa - Huỳnh Cẩm Thủy (cha của Huỳnh Thủy Lê) làm chủ. Ngôi nhà không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc Đông – Tây hòa hợp mà còn nổi tiếng vì liên quan đến một cuộc tình không biên giới của một cô gái Pháp với Huỳnh Thủy Lê.

Cô gái sau này trở thành nữ văn hào Marguerite Duras đã kể lại mối tình đầu đầy ngang trái của mình qua tác phẩm Người Tình. Sau khi tác phẩm được chuyển thể thành phim và quay tại Việt Nam năm 1990, ngôi nhà trở nên nổi tiếng. Đến đây du khách sẽ được nghe thuyết minh về chuyện tình lãng mạn và đẫm lệ này.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở số 255A Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc. Ảnh: Phan Lộc.

Làng hoa Tân Quy Đông: Là một trong những làng hoa nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, nơi đây cung cấp nhiều giống hoa cảnh cho các vùng lân cận và cả xuất khẩu. Đến đây, bạn như lạc vào thế giới của muôn sắc hoa, những đàn ong, bướm chao lượn cùng hương thơm ngây ngất. Bất cứ thời điểm nào trong năm bạn cũng được chiêm ngưỡng các loại hoa rực nở.Làng thuộc xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc.

Buổi tối:

Bạn thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc thơm ngon nổi tiếng, sau đó di chuyển đến Cao Lãnh thuê phòng và nghỉ ngơ. Bạn có thể dạo chợ đêm Cao Lãnh, ăn món bánh cống đặc trưng và đĩa trái cây hấp dẫn vì có thêm si rô, lạc (đậu phộng) và đá bào.

Ngày 2: Cao Lãnh – Tràm Chim – Gáo Giồng

Buổi sáng:

Sau khi dùng bữa sáng bạn di chuyển đến vườn quốc gia Tràm Chim, nằm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Với diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, đây là nơi có hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Tại đây có nhiều loài động vật có trong Sách đỏ như: sếu đầu đỏ, ngang cánh trắng, bồ nông chân sám, giang sen…

Du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, thỏa sức ngắm nhìn những sinh cảnh đặc biệt trên chiếc thuyền ba lá đầy thú vị. Từ tháng 12 đến tháng 4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các loài sếu đầu đỏ bay rợp trời, những tổ chim lơ lửng trên cành tràm, hay cảnh chim mẹ mớm mồi và tập bay cho chim con. Hơn nữa, bạn cũng được thưởng thức hương hoa hoa tràm, súng, sen, mùi cỏ hay lúa mạ.

Buổi trưa du khách dùng bữa với các món ăn dân đã đặc trưng theo mùa như: lẩu cháo lươn, cá trê nướng chấm mắm gừng, canh chua cá lóc đồng, bông điên điển xào tép…

Cá lóc nướng lá len, món ngon nổi tiếng của miền sông nước Cửu Long. Ảnh:Dacsanmientay.

Buổi chiều:

Du khách tiếp tục tới khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Đến đây bạn được chèo xuồng tam bản cùng các cô gái miền Tây trong trang phục áo bà ba xinh đẹp. Bạn vừa xuôi mái chèo tận hưởng khung cảnh chim trời cá nước, vừa lắng nghe khúc vọng cổ ngân nga. Leo lên đài quan sát cao 18 m du khách có thể chiêm ngưỡng màu xanh bạt ngàn của rừng tràm và hàng trăm đàn cò trắng phía xa xa.

Thỏa sức với chuyến khám phá, du khách có thể nghỉ ngơi ở võng mắc trên sàn nhà đu đưa bởi những cơn gió đồng nội mát rượi. Hoặc vừa nghỉ ngơi vừa câu cá để có bữa tối dân dã với các món: cá lóc nướng trui cặp lá sen non, cá rô kho tộ, cá linh nấu chua với cơm mẻ bông súng…

Sau khi dùng bữa du khách nghỉ ngơi và lên xe ra quốc lộ 1A về lại Sài Gòn. Kết thúc chuyến khám miền quê sông nước đầy thú vị.

Văn Trãi

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, tắc kè xào lăn, canh lươn trứng kiến là những món đặc sản từng làm say mê nhiều thực khách khi đặt chân tới mảnh đất sen hồng.

Xem thêm: Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Dưới đây là một số món ăn du khách nên thử nếu có dịp ghé thăm Đồng Tháp.

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đấtĐây là món ăn được đánh giá ngon, mát, bổ và cách làm cũng khá đơn giản. Sau khi dùng nước sôi cạo vẩy cho sạch, bỏ lòng, bạn chặt rắn thành từng khúc dài chừng tấc tay, đem hầm cho nhừ để lấy nước ngọt rồi vớt ra để riêng.

Tiếp theo, đổ gạo và đậu xanh vào xoong nước hầm rắn, khi cháo chín nêm nếm cho vừa miệng. Xé thịt rắn hổ đất thành từng miếng nhỏ trộn với chanh và rau răm. Lấy một ít thịt rắn cho vào mỗi tô cháo, rắc thêm tiêu hành và trộn đều trước khi dùng.

Ngoài nấu cháo đậu, bạn có thể thưởng thức thêm món dồi rắn. Ảnh: phuotvietnam

Tắc kè xào lănKhông chỉ dùng để ngâm rượu chữa bệnh, tắc kè ở Đồng Tháp còn được biến tấu thành các món ăn ngon và trở thành đặc sản. Trước khi chế biến, đầu bếp chặt bỏ đầu tắc kè, nhúng sơ vào nước sôi để dễ cạo sạch lớp vảy. Sau đó chặt thành từng miếng nhỏ, ướp với đại hồi và tiểu hồi rồi xào cho săn lại. Cuối cùng cho một ít nước cốt dừa vào, để lửa liu riu để gia vị, nước cốt ngấm đều vào thịt.

Khi thấy nước dừa sắc lại, bạn múc thịt ra đĩa và rắc đậu phộng rang xay lên. Món này sẽ ngon hơn khi nhâm nhi cùng với rượu.



Vị cay nồng của rượu, béo ngậy của đuôi, mỡ và sụn tắc kè, ngọt của nước dừa và vị thơm đậu phộng sẽ đánh thức vị giác của bạn. Ảnh: thongtintieudung

Canh lươn nấu trứng kiếnCác món ăn từ lươn khá quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng canh lươn nấu với trứng kiến bạn chỉ có thể thấy ở xứ Đồng Tháp. Món ăn này có cách chế biến độc đáo và tạo vị giác cho người thưởng thức.

Lươn được làm sạch, sau đó cho nguyên con vào nồi nước sôi, đảo qua đảo lại vài vòng. Tiếp đến, bạn trút rau muống vào, nếu có thêm lá me non sẽ ngon hơn, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Bạn lựa chọn trứng kiến còn non, bóp nát cho ra sữa, rồi bỏ vào nồi. Gặp nước nóng, trứng kiến chín căng phồng lên, nước canh dần chuyển sang màu trắng đục và bắt đầu dậy mùi. Sau đó, bạn dùng muỗng múc canh nóng hổi vừa thổi vừa dùng.


Vị béo, chua hăng của trứng kiến hòa quyện với vị chua chua của lá me non, ngọt của lươn là những điểm độc đáo hấp dẫn thực khách ở món ăn này. Ảnh:tiepthigiadinh

Xuân Lộc (VnExpress)

10 tuyệt chiêu tiết kiệm tối đa khi đi du lịch

Rất nhiều người thích đi du lịch nhưng phải hạn chế vì ngại tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch với chi phí thấp chưa bao giờ đơn giản đến thế. 
 

1. Chia sẻ kinh tế

Trước đây, bạn phải đến tận sân bay để mua vé, tra cứu sổ danh bạ để tìm khách sạn, và phải lên kế hoạch chi tiết mọi thứ lớn nhỏ trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Thật may những năm 1990 đã qua. “Chia sẻ kinh tế” là một xu hướng mới cho bạn nhiều lựa chọn. Đây là mô hình mà mọi người có thể chia sẻ với nhau đồ dùng, bữa ăn, phương tiện đi lại, tour hướng dẫn, hay phòng khách sạn,… Nhiều người tham gia sẽ giảm đáng kể chi phí.

Có rất nhiều website cộng đồng “chia sẻ kinh tế”, và số lượng vẫn đang không ngừng tăng lên.

2. Ở miễn phí


Tổ chức thế giới về cơ hội làm việc tại nông trang WWOOF sẽ cung cấp chỗ ở cho bạn với điều kiện bạn sẵn sàng làm việc tại nông trại. Đừng lo bạn sẽ phải vắt sữa bò cả ngày. Công việc khá đơn giản, hầu hết chỉ là dọn dẹn vệ sinh mà thôi. Hệ thống của WWOOF rất phát triển ở Úc, New Zealand, châu ÂuNam Mỹ.

Còn nếu bạn không thích công việc nông trại, có rất nhiều mạng lưới kết nối khác với người bạn địa và tất nhiên họ cũng sẽ cho bạn chỗ ở miễn phí. Đây thực sự là một cơ hội tốt. Ngoài việc chỗ ở, bạn còn được giao tiếp với người địa phương và cảm nhận cuộc sống, văn hóa của họ. Những mạng lưới cộng đồng này không chỉ dành cho người trẻ tuổi mà còn dành cho các gia đình đi du lịch.

3. Đi hãng hàng không giá rẻ

Đây là một lựa chọn thông minh giúp bạn tiết kiệm một số tiền không nhỏ. Hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam có VietJet Air, JetStar; các hãng nước ngoài có Norwegian Air, WOW, Air Asia để bạn tham khảo.

4. Dùng thẻ tích điểm, chương trình tặng thưởng


Có rất nhiều thẻ tín dụng du lịch tặng cho người đăng ký mới tới 50.000 điểm, tương đương với một chuyến hai chiều tới châu Âu. Thẻ mua sắm cũng thường có chức năng tích điểm, hay các chương trình tặng thưởng dành cho khách hàng trung thành gồm nhiều ưu đãi. Thậm chí còn có những cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm đổi số dặm bay và điểm tích thưởng để được bay hoàn toàn miễn phí.

5. Thăm những nước “rẻ”


Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Nghỉ cuối tuần tại một khách sạn 4 sao ở Paris tốn tương đương một chuyến đi đến Lisbon. Hãy đến thăm những đất nước có tỷ giá hối đoái có lợi, nền kinh tế còn kém phát triển, ví dụ như Hy Lạp, Ấn Độ. Du lịch đến những nước này, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi tiêu lớn.

6. Dùng thẻ du lịch


Hãy tìm hiểu nơi bạn đến có bán thẻ du lịch không. Nếu có hãy mua và bạn có thể thoải mái thăm quan vô số địa danh mà không lo tiền vé vào cửa quá cao. Giá một chiếc thẻ chỉ bằng giá vé vào cửa của 2 hay 3 viện bảo tàng. Nhưng bù lại, bạn sau đó có thể đến thăm cả tá địa điểm khác. Với một chiếc thẻ như thế, bạn có thể tiết kiệm tới 100 đô khi đến London, hay 80 đô khi đến Paris, và 30 đô với Oslo (Na Uy). Hơn thế, mua thẻ du lịch còn đi kèm với một khuyến mãi nữa – sử dụng phương tiện công cộng miễn phí.

7. Đừng mất tiền vào phí giao dịch ngân hàng


Không có lý do gì để mất 3 đô mỗi lần rút tiền, hay 3% khi mua sắm ở nước ngoài trừ khi bạn thích ném tiền qua cửa sổ. Có rất nhiều ngân hàng cung cấp thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ không tính phí giao dịch. Hãy tìm hiểu và làm một thẻ ATM loại này trước khi bạn đi du lịch.

8. Sử dụng ứng dụng “Mua hàng phút cuối”


Các app (ứng dụng) về du lịch ngày nay đã tạo ra một cuộc cách mạng cho cách thức và số tiền mọi người phải chi cho đặt vé và khách sạn. Việc đặt mua sẽ được ứng dụng hỗ trợ thực hiện vào thời điểm gần cuối với giá rẻ hơn rất nhiều. Hãy thử đặt vé máy bay với On the Fly, đặt khách sạn với HotelTonight hay đặt phòng nghỉ sân bay với Loungebuddy.

9. Đặt tour giá rẻ



Có vẻ hơi mạo hiểm nhưng rất tiết kiệm nếu bạn đặt tour vào phút cuối, khi mà hãng du lịch đang cố gắng lấp đầy chỗ trống. Đợi đến vài ngày trước ngày khởi hành, bạn có thể được giảm giá tới 50%. Ngược lại, khi đặt tour trước 1 năm, bạn cũng nhận được ưu đãi từ hãng.

10. Phượt bằng xe


Bạn không cần phải ra nước ngoài tìm kiếm những điều thú vị. Bạn có thể tự lái xe đi phượt từ Bắc vào Nam, với vô vàn địa điểm hấp dẫn đang chờ bạn khám phá. Còn nếu bạn vẫn muốn du lịch ngoài nước, khi tới nơi bạn có thể thuê một chiếc xe và đi bất cứ đâu mình muốn.
(Theo Đỗ Nam / Báo Giao Thông)

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Địa chỉ cho bữa ăn khuya ở Hong Kong

Lily & Bloom, Loyal Dining hay The Woods đều là những nhà hàng mở từ đêm đến sáng sớm hôm sau phục vụ các thực khách chơi khuya và thích ăn thêm bữa muộn.

Xem thêm:  Vẻ đẹp Đông Tây hội ngộ ở Hong Kong

Dưới đây là 5 nhà hàng Hong Kong chuyên phục vụ bữa ăn muộn cho du khách.

Lily & Bloom

Muốn có một bữa ăn nửa đêm tinh tế, du khách hãy đặt bàn tại khu mái của Lily & Bloom. Thực đơn gồm những món ăn xa xỉ như thịt bò kiểu Pháp, phi lê bò Mỹ với gan ngỗng, thịt heo Iberico... nhà hàng này là điểm hẹn lý tưởng cho người sành ăn. Giờ mở cửa của Lily & Bloom thứ 2 - 7 mở từ 18h - 23h; riêng thứ 6, 7 có thêm bữa ăn đêm từ 23h - 2h.

Lily & Bloom có thiết kế sang trọng, thực đơn phong phú và nhất là nhiều món Âu tinh tế cho các thực khách sành ăn lựa chọn.

Loyal Dining

Nếu bạn đang tìm nơi phục vụ đồ ăn ngon của Hong Kong, Loyal Dining là một lựa chọn tuyệt nhất. Nhà hàng được thiết kế theo phong cách cổ điển kết hợp Đông - Tây. Loyal Dining phục vụ thực khách từ 11h tới 2h sáng hôm sau trong các ngày thứ 2 - 5, thứ 6 từ 11h - 4h, thứ 7 từ 9h - 4h và chủ nhật 9h - 2h. Những món ăn du khách thường lựa chọn là chim bồ câu giòn, cánh gà với nước sốt đậu nành, thịt lợn nướng và cơm. Bạn cũng đừng quên thử món đồ uống kỳ lạ của Hong Kong là coca kèm kem socola.

The Woods

Còn gì tuyệt vời hơn một ly cocktail kèm đồ ăn sau nhiều giờ vui chơi. The Woods là một địa điểm có nhiều loại đồ uống được pha chế rất tinh tế, hấp dẫn bằng những nguyên liệu cập nhật theo mùa, đảm bảo bạn sẽ tìm được món ưa thích. Nếu đói bụng, bạn hãy gọi một bữa ăn 4 món cùng những ly cocktail tao nhã để thưởng thức. Không gian ấm cúng với các đồ ăn thức uống ngon miệng, chắc chắn du khách không muốn rời bước. Nhà hàng mở cửa từ 18h đến 2h sáng hôm sau các ngày trong tuần.
Phong cách pha chế đồ uống tinh tế của The Woods.

The Flying Pan

Nếu muốn ăn pancake vào 2h sáng, du khách hãy tìm đến The Flying Pan. Nhà hàng này phục vụ các món ăn cổ điển và phổ biến như trứng Benedict với món rán kiểu Pháp cùng nhiều lựa chọn có sự kết hợp thú vị khác. Bạn cũng có thể chọn món trứng nấu bằng 7 cách khác nhau. Bữa ăn muộn nửa đêm cũng có thể trở thành bữa sáng của ngày hôm sau. The Flying Pan hoạt động 24h nên bạn không cần băn khoăn mấy giờ nhà hàng đóng cửa.

ToTT's & Roof Terrace

Với tầm nhìn rộng ra phía cảng Victoria cùng đường chân trời xa xa, ToTT & RoofTerrace là một trong những điểm hẹn đêm hấp dẫn nhất Hong Kong. Nhà hàng nằm trên tầng 34 của khách sạn Excelsior, ngoài vị trí đẹp thì thức ăn ở đây cũng làm bạn phải bất ngờ. Du khách có thể lựa chọn những món như súp tôm hùm, thịt bò wagyu nướng, tráng miệng cùng kẹo mềm socola Valrhona. Đây sẽ là trải nghiệm ẩm thực mà bạn khó quên nhất. Giờ mở cửa của nhà hàng vào thứ 2 - 5 là 18h - 1h, thứ 6 là 18 - 2h, thứ 7 là 17h - 2h và chủ nhật là 18h30 - 23h.
Vị trí của nhà hàng ToTT & Roof Terrace rất lý tưởng cho một đêm muộn ở Hong Kong.

Hương Chi (theo skyscanner)

Những món ăn sáng hấp dẫn ở Phan Rang

Tô bánh canh nóng hổi, chiếc bánh xèo bốc khói nghi ngút hay miếng sứa giòn sực... là những món quà sáng thơm ngon dễ dàng chinh phục được du khách.
Xem thêm: 8 điểm đến hấp dẫn ở Phan Rang
Nói đến xứ sở Phan Rang, nhiều người hình dung đến khung cảnh màu xanh thơ mộng của bãi biển, những dải cát dài hoang sơ quyến rũ. Thế nhưng, vùng đất đầy nắng gió này còn sở hữu ẩm thực đa dạng cuốn hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bánh canh chả cá

Là món ăn được bày bán nhiều ở Phan Rang nên du khách có thể tìm thấy dễ dàng. Một tô bánh canh nóng hổi sẽ gồm sợi bánh, chả cá, cá dầm, ngò thơm, hành lá và phía trên rắc thêm chút tiêu đen. Thực khách khi thưởng thức sẽ pha thêm chút mắm ớt cay cay và vắt thêm miếng chanh cho vừa miệng. Sợi bánh canh to vừa phải, cọng bánh bản mỏng đặc trưng, khi ăn cảm nhận rõ độ mềm, mịn và dẻo, khác lạ rõ rệt so với những vùng khác.
Với giá 10.000 đến 15.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức tô bánh canh chất lượng đầy hấp dẫn. Ảnh: Văn Trãi

Trong tô bánh canh phải nhắc đến những miếng chả cá tươi ngon. Chả được làm từ loại cá của vùng biển địa phương như nhồng, rựa, thác lác... Cá này phải được mua từ sáng sớm tinh mơ ở các cảng biển. Người làm sẽ lóc phần thịt cá ra để làm chả, phần xương đem đi cho vào nồi nước lèo để thêm vị ngọt. Để thưởng thức món ăn tròn vị, bạn có thể đến quán Nhường trên đường Ngô Gia Tự.

Bánh xèo

Du khách đến Phan Rang đừng nên bỏ qua món bánh xèo. Vị của bánh xèo Phan Rang khác hẳn với loại bánh ở vùng đất Nam bộ. Bánh được làm từ bột gạo, đổ bằng khuôn của gốm Chăm Bàu Trúc, nhân bánh là thịt, trứng và các loại hải sản như tôm, mực... Chiếc bánh được đổ một lớp mỏng, nhỏ xinh, phủ lên trên là giá đỗ và nhân. Chờ tới khi bánh chín vàng rụm, mùi thơm phức bốc lên, người bán sẽ dùng vá dẹp để cạy bánh.
Bánh xèo Phan Rang chỉ có giá từ 2.000 đến 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Khánh Hòa.

Vào những ngày trời se mát, mọi người ngồi quây quần bên lò than hồng rực, thưởng thức chiếc bánh xèo nóng hổi, vàng giòn... giúp thực khách cảm nhận được nét tinh túy của ẩm thực Phan Rang. Bạn có thể thưởng thức món bánh xèo dọc vỉa hè đường Quang Trung.

Bánh căn

Có hình dáng bé nhỏ như chiếc bánh khọt Nam bộ, bánh căn là món ăn dân dã ở đây. Phần nhân bánh được chế biến với nhiều hương vị đặc trưng hấp dẫn. Nguyên liệu chính là bột gạo. Từ cách ngâm bột, pha trộn thêm cơm nguội khi xay nhuyễn cho đến đo lường lượng nước và gạo đều được thực hiện kỹ lưỡng để bánh không bị nhão hoặc cháy khi nướng.
Bạn có thể bắt đầu bữa sáng với món đặc sản Phan Rang với giá chỉ 20.000 đồng. Ảnh: Tiêu Phong.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, người làm đã tất bật quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng. Khi khuôn bánh tỏa ra hơi nóng, họ sẽ đổ bột vào. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân bánh cho thêm mực, trứng, thịt, tôm... tùy theo ý thích người ăn. Bánh vừa chín tới, người bán sẽ cạy ra rồi thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh được điểm thêm màu sắc nên nhìn càng ngon hơn. Bánh căn phải được ăn kèm với nước cá kho, cho thêm xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...

Bún sứa

Sứa bắt đầu xuất hiện vào mùa đông và gia tăng số lượng nhiều vào mùa xuân, những mùa còn lại khá hiếm hoi. Chính vì vậy, không phải lúc nào thực khách cũng được thưởng thức món ăn này. Một tô bún sứa đầy đủ sẽ có bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, điểm xuyết thêm những cọng ngò xanh và bên trên rắc thêm vài hạt đậu phộng.
Bạn có thể thưởng thức món này trên đường Lê Lợi ở Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Bún sứa được ăn kèm với bắp chuối, rau muống bào, giá sống và quan trọng nhất là mắm ruốc. Đây chính là gia vị làm cho tô bún thêm phần thi vị hài hòa. Trộn tô bún sứa đều tay và chậm rãi thưởng thức từng miếng sứa, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị giòn sực của sứa, vị béo của đậu phộng, đậu hũ hay vị mằn mặn của mắm ruốc. Tất cả pha trộn tạo nên món ăn đậm đà bản sắc.

Văn Trãi (VnExpress)

Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Ngoài bánh canh hẹ, bột lọc, Phú Yên còn nổi tiếng với món bánh bèo chén hấp dẫn mà chỉ có gạo xứ Nẫu mới cho ra món ăn chơi thơm và dẻo đến vậy. 
Xem thêm: Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Cách làm bánh bèo khá đơn giản, đầu tiên gạo thơm được đem xay nhuyễn đến khi thành bột. Thêm một chút muối vào bột, đổ từ từ nước lạnh và khuấy thật đều tay. Tiếp tục đổ vào nước sôi, khuấy đến khi bột tan đều mới thôi. Sau đó, ngâm bột qua đêm hoặc khoảng 4 đến 6 tiếng. Việc này giúp bánh khi ăn không có mùi bột chua và dai hơn.
Một khay bánh bèo khoảng 10 chén có giá 10.000 đến 15.000 đồng. Ảnh: Khánh Bình

Khi gần đổ bánh, người làm sẽ gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi nhằm giúp bột trong hơn. Đổ đi bao nhiêu nước trắng thì thay vào đó bấy nhiêu nước ấm và khuấy nhẹ tay.

Sau đó, họ múc từng muỗng bột vào chén nhỏ và làm chín bằng cách hấp cách thủy. Khoảng 7 đến 8 phút, khi thấy chén bánh đổi sang màu trắng đục cũng là lúc bánh chín. Quyện vào từng chén nhỏ là hương bột gạo thơm nồng nàn lan tỏa.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Riêng bánh mì sau khi chiên giòn được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn.

Sau khi hoàn thành, người làm sẽ rắc ít chà bông, bánh mì và cả mỡ hành lên từng chiếc bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là nước mắm chua ngọt.

Trong tiết trời buổi tối se mát ở Phú Yên, cầm chén bánh bèo nóng hổi trên tay rưới lên từng muỗng nước mắm có vị cay khá đậm sẽ làm bạn cảm thấy món ăn chơi này ngon đến lạ lùng. Để thưởng thức được bánh bèo đúng vị, thực khách có thể tìm đến các hàng quán dưới chân núi Nhạn.

Lan Thoa (VnExpress)

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

48h chinh phục nóc nhà Mộc Châu

Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) vào mùa xuân không chỉ là thiên đường của các nhiếp ảnh gia săn hoa mận, đào mà còn là điểm đến thách thức cho nhiều tay phượt trẻ.
Xem thêm: 6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Với độ cao hơn 2000 m, Pha Luông hay Bờ Lung (tiếng Thái nghĩa là núi lớn) được coi là nóc nhà của Mộc Châu, cách trung tâm thị trấn chừng 40 km và nằm trong khu vực biên giới Việt - Lào. Quãng đường chinh phục Pha Luông không hề dễ dàng nhưng càng ngày càng có nhiều người muốn tới đây thử thách bản thân.

Thời gian

Khám phá Pha Luông chỉ cần 2 ngày nên du khách có thể chọn dịp nghỉ cuối tuần. Thời điểm đầu xuân (khoảng tháng 2 -3) trùng với các mùa hoa như mơ, mận, đào... nên bạn có thể dành thời gian để kết hợp vui chơi và "săn" ảnh hoa ở Mộc Châu.
Pha Luông cũng chính là địa danh nổi tiếng trên đường đi của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ảnh: Mèo Già.

Phương tiện di chuyển

Bạn đón xe khách chạy tuyến Hà Nội - Mộc Châu tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, giá vé một chiều dao động từ 130.000 đến 160.000 đồng. Sau đó thuê xe máy (giá khoảng 200.000 đồng một ngày, tự đổ xăng) để di chuyển từ Mộc Châu tới đồn biên phòng Pha Luông và gửi xe, bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách.

Nếu thể lực và khả năng lái tốt bạn cũng có thể đi xe máy từ Hà Nội lên thẳng Mộc Châu (chừng 4h cho đoạn đường gần 200 km) trước khi chạy tiếp chặng Mộc Châu - Pha Luông gần 40 km.

Hành trang

Trước khi đi bạn phải rèn luyện thể lực bằng các bài tập tăng sức bền cho cơ thể, đặc biệt là đôi chân. Bạn cần đảm bảo sức khỏe ổn định trong suốt hành trình vì nếu đuối sức bạn sẽ phải dừng leo núi giữa đường, ảnh hưởng tới lịch đi của đoàn.

Các đồ dùng cần thiết gồm: quần áo, thuốc men, dao nhỏ, bật lửa, đồ ăn... và cả giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân) để làm thủ tục với đồn biên phòng Pha Luông. Ngoài ra để dễ dàng cho việc di chuyển, leo núi, đi bộ xuyên rừng, bạn nên mang giày leo núi, áo mưa, hay túi nilon bọc giày.

Ăn uống

Do trên đường đi từ trung tâm thị trấn Mộc Châu tới Pha Luông không có hàng quán, bạn nên mang đồ ăn theo để nghỉ chân lấy sức và ăn tại đồn biên phòng. Lưu ý mang thêm nước và thức ăn nhẹ để phòng tránh mất sức trên đường leo núi.

Lịch trình

Du khách nên bắt xe khách đi từ 21, 22 h tối hôm trước để sáng sớm tới Mộc Châu.

Ngày 1:

5h - 5h 30: Sắp xếp, kiểm tra đồ đạc, rời xe khách và ăn sáng.

7h 30: Nhận và kiểm tra xe máy, chuẩn bị cơm trưa đem đi Pha Luông.

Pha Luông cách Mộc Châu khoảng 40 km, nên khởi hành sớm theo quốc lộ 43 hướng đi cửa khẩu Loóng Sập khoảng 20 km, sau đó rẽ vào lối đi Mường Ve thêm chừng 7 km đường nhựa đẹp. Bắt đầu từ đây là 10 km off-road gian nan, đường đất xen lẫn đá tảng nằm ngổn ngang, liên tiếp dốc cao, một bên núi một bên vực thẳm.
Đoạn đường đến được đồn biên phòng Pha Luông rất dễ trơn trượt nếu đi vào ngày mưa. Ảnh: Nguyễn Đắc Hòa.

10h 30: Chạm đích đồn biên phòng, nghỉ ngơi lại sức, ăn trưa, chuẩn bị đồ lên leo núi và làm thủ tục ở đồn biên phòng.

Bạn có thể gửi lại các vật dụng nặng hoặc không cần thiết tại đồn, chú ý bảo quản đồ có giá trị và quan trọng như tiền bạc, máy ảnh... Ăn trưa xong phải dọn dẹp rác để không gây ô nhiễm và tạo hình ảnh xấu với người dân địa phương. Đoàn nên thuê người dân địa phương dẫn đường, đảm bảo thực hiện đúng thời gian cho phép.

11h 30: Bắt đầu leo lên núi.

Cung đường leo Pha Luông rất nhiều cảnh đẹp nhưng cũng không kém phần nguy hiểm vì liên tục là các dốc lên xuống, đường mòn nhỏ khiến bạn phải luồn lách. Đầu xuân leo núi bạn sẽ bắt gặp những cây đào, mận bung nở giữa rừng, nếu may mắn đoàn còn được thấy lá phong đỏ sót lại.

Chặng đường cuối cùng hoàn toàn là dốc đứng, trơn trượt, hiểm trở tới mức bạn gần như không có gì để bám mà phải bò nên cần cẩn trọng từng bước. Nếu chặng đầu bạn có thể dùng gậy để leo thì đoạn cuối này phải bỏ lại, nhưng chú ý không vứt bừa bãi làm chắn đường người đi sau.

14h 30: Tới đỉnh núi nghỉ ngơi, ngắm cảnh chụp ảnh kỷ niệm khoảng 30 - 45 phút.

Đây là thời điểm vui và hào hứng nhất vì bạn đã đạt được mục tiêu chuyến đi. Trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng, rộng rãi rất phù hợp để cắm trại hoặc vui chơi tập thể. Tuy nhiên do chưa đảm bảo về an ninh an toàn (vì đây là khu vực biên giới Việt - Lào) nên hiện nay việc cắm trại ngủ qua đêm chưa được cho phép.

Ngoài ra, trên đỉnh Pha Luông có các mỏm đá chìa ra phía vực sâu là nơi chụp ảnh kỷ niệm độc đáo nhưng mọi người cũng cần chú ý an toàn. Nếu mệt bạn có thể ăn nhẹ ngay trên đỉnh và tất nhiên phải dọn rác sạch sẽ sau khi ăn.

15h 15: Bắt đầu xuống núi, về đồn biên phòng Pha Luông.

Vì mất nhiều sức cho chặng leo lên và hành trình về cũng nhiều dốc nên bạn hãy cẩn trọng để không gặp các chấn thương như chuột rút, căng cơ, trẹo chân...
Đầu năm còn là thời điểm hoa mận phủ trắng núi đồi Mộc Châu. Ảnh: Hương Chi.

17h 15: Về đến đồn biên phòng nghỉ ngơi chừng 30 phút.

Nếu điều kiện trời quang và chưa có sương mù dày thì đoàn nên đi xe máy trở về Mộc Châu. Trong trường hợp thời tiết xấu hoặc không cán đích đúng giờ, mọi người sẽ phải xin ngủ tại đồn biên phòng.

21h: Tới trung tâm thị trấn Mộc Châu, ăn tối nghỉ ngơi tại phòng khách sạn.

Đoàn phải liên hệ và đặt phòng trước khi đi. Một phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ dao động từ 300.000 - 350.000 đồng, tuy nhiên giá này có thể thay đổi vào mùa du lịch cao điểm.

Ngày 2:

7h 30: Kết hợp ngắm hoa mận, đào và xuất hành trở về Hà Nội.

Trên đường về đoàn dừng chân ăn trưa và kết hợp mua quà là các đặc sản của Mộc Châu (cải mèo, sữa, chè, thịt lợn, các loại thuốc từ lá, thân cây...).

Hương Chi (VnExpress)

Bún cá ở phố núi Mộc Châu

Sợi bún mềm cộng với miếng cá giòn dai, hòa thêm vị ngọt thanh của nước dùng sẽ làm bạn khó quên món ăn ngon của phố núi Mộc Châu.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cá lóc (cá quả) được làm sạch, sau đó phần xương và đầu được tận dụng để nấu nước dùng. Nhờ đó, món này có vị ngọt tự nhiên, khác với bún cá lóc trứ danh ở miền Tây đậm đà vị của mắm ruốc.

Người chế biến còn cho thêm cà chua và một số nguyên liệu khác như dọc mùng,, tỏi, hành,... khiến tô bún thanh đạm mà không tanh mùi cá. Riêng phần thịt cá sau khi lóc được ướp thêm chút gia vị cho đậm đà rồi chiên giòn.

Điều khác biệt ở món này là được dùng chung không chỉ với rau sống mà còn trái sung muối xổi. Sung được bỏ cuống, ngâm nước cho hết mủ, sau đó cắt thành khoanh tròn, mỏng vừa ăn rồi ngâm vào chậu nước pha muối và chanh khoảng 30 - 40 phút cho trắng. Cuối cùng, trộn sung ráo nước với hỗn hợp nước mắm, muối, đường, nước cốt chanh và nước lọc. Tùy vào sở thích mà bạn cho thêm tỏi và ớt cho vừa miệng.

Nhờ những miếng sung giòn cay, món ăn không ngán nếu bạn ăn lần thứ 2. Ảnh: Phong Vinh


Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc được chiên giòn, bắp chuối cắt mỏng và màu xanh của dọc mùng. Bên cạnh tô bún là rổ rau xanh tươi kèm thêm chén sung muối, ớt và chanh làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.

Thực khách có thể thưởng thức món ăn này vào sáng sớm, khi sương còn giăng trên những con đường. Húp nhanh tô bún cá nóng hổi, khói nghi ngút, với vị béo, ngòn ngọt của cá cùng với vị cay, chua của trái sung, tất cả quyện vào nhau sẽ làm ngày mới của bạn ở phố núi tràn đầy năng lượng.

Nếu có dịp lên Mộc Châu, du khách đừng bỏ qua món ăn dân dã này. Bún cá tùy quán, có nơi bán cả ngày nhưng có nơi chỉ bán buổi sáng với giá trung bình 30.000 đồng một tô.

Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Thiên đường nghỉ dưỡng trên đất Việt

Mỗi công trình là một tuyệt phẩm về kiến trúc, đẳng cấp và sáng tạo, những khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đặt chân đến nơi được mệnh danh là thiên đường trên đất Việt này.
Cùng chiêm ngưỡng những công trình đẳng cấp mang dấu ấn Sun Group trên khắp Việt Nam.

InterContinental Sun Peninsula Resort là “tuyệt tác kiến trúc” đầu tiên của Sun Group tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đích thân kiến trúc sư tài hoa Bill Bensley - một trong 5 bậc thầy thiết kế resort nổi tiếng nhất thế giới thực hiện. Nơi đây đã được tôn vinh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” năm 2014; và mới được đề cử giải “Virtuoso Best of The Best” ở hạng mục Best Achievement in Design (Thành tựu thiết kế) năm 2015. Đáng lưu ý, Virtuoso và Tạp chí Virtouso Life là đơn vị trao giải là thương hiệu với các dịch vụ chỉ dành cho tỷ phú thế giới. Chỉ có 50 khách sạn đến từ hơn 100 quốc gia lọt vào danh sách đề cử.

Premier Village Đà Nẵng Resort mang đến những “ngôi nhà mơ ước” với 118 biệt thự có tầm nhìn hướng biển với không gian nghỉ dưỡng hoàn hảo.

Không gian bảng lảng mây khói Bà Nà chính là cảm hứng để Sun Group kiến tạo tuyệt tác thứ ba - Làng Pháp, đem lại trải nghiệm mới mẻ cho miền biển nhiệt đới. Ngoài không gian châu Âu, nơi đây còn có các khách sạn 4-5 sao và nhiều hạng mục tham quan, giải trí độc đáo mang tầm thế giới.

Hiện đại, năng động chính là dấu ấn Sun Group bên bờ sông Hàn nổi tiếng Đà Thành với khách sạn Novotel Premier Han River 37 tầng

Đang ráo riết chuẩn bị cho ngày ra mắt là Khu nghỉ dưỡng Mariott tại Phú Quốc với thiết kế hứa hẹn vượt qua cả InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Thêm kiệt tác nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế cũng sẽ được đầu tư tại Sapa như M.Gallery giữa núi rừng Tây Bắc ....

Ritz Carlton – thương hiệu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới được mệnh danh là “bộ sưu tập những giá trị đương đại” sẽ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với tiêu chuẩn hơn cả 6 sao đang được Sun Group xúc tiến đầu tư tại Phú Quốc. Với những công trình để lại những dấu ấn vượt thời gian, Sun Groupgóp phần đưa Việt Nam vào danh sách các điểm nghỉ dưỡng sang trọng trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh nghỉ dưỡng, Sun Group còn là chủ đầu tư của hàng loạt dự án cáp treo kỷ lục thế giới. Mở đầu cho thương hiệu “cáp treo Sun Group” là hệ thống cáp treo Bà Nà Hills với 4 giải Guiness thế giới vào năm 2013.

Kỷ lục này dự kiến sẽ bị chính Sun Group phá vỡ vào năm 2016 khi cáp treo từ Thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan khánh thành với chiều dài gần 7km, chinh phục đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m, rút ngắn thời gian tới Fansipan từ 48h xuống còn 15 phút. Tại Quảng Ninh, một hệ thống cáp treo từ Bãi Cháy tới đỉnh đồi Ba Đèo cũng đang được xúc tiến, hứa hẹn đem về nhưng kỷ lục mới.

Dấu ấn đậm nét của Sun Group còn ở những đại Công viên giải trí mang tầm cỡ quốc tế. Công viên Fantasy - một trong 5 khu vui chơi trong nhà lớn nhất châu Á tại Bà Nà Hills có diện tích 21.000m2, với nhiều trò chơi hấp dẫn đủ để du khách “đi lạc” cả ngày không chán

Công viên Asia Park vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng tại trung tâm Đà Nẵng có quy mô hàng đầu khu vực, mang vẻ đẹp của 9 quốc gia tiêu biểu của châu Á. Đây cũng là thế giới của các trò chơi hiện đại nhất, trong đó có vòng quay mặt trời thuộc top 10 Vòng quay lớn nhất thế giới.

Tại Quảng Ninh, Công viên Đại dương Hạ Long được thiết kế theo mô hình công viên Disneyland nổi tiếng thế giới có tổng vốn 6.000 tỷ đồng. Đây sẽ là điểm nhấn hiện đại cho du lịch Hạ Long. Khởi đầu từ Đà Nẵng, đến nay Sun Group đã tạo được dấu ấn tại nhiều địa danh, góp phần tạo động lực mới cho ngành công nghiệp không khói địa phương, đồng thời và ghi danh Việt Nam vào top các điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng thế giới

Anh Phạm (VnExpress)

Bún sứa Nha Trang - Món ăn mang đậm hương vị biển

Món bún làm từ những miếng sứa giòn kết hợp chả cá chan nước dùng ngọt thanh. Khi ăn, thực khách có thể gắp riêng sứa chấm với nước mắm ớt để cảm nhận rõ hơn độ tươi ngon.
Xem thêm: 15 điều thú vị ở Nha Trang chỉ dân địa phương biết

Là động vật không xương sống, sứa xuất hiện nhiều ở các vùng biển và trở thành món đặc sản, trong đó phải nhắc đến bún sứa Nha Trang.

Chế biến món này cũng không quá kỳ công. Những con sứa còn tươi do ngư dân vớt từ biển ở đảo xa sẽ được làm sạch nhớt, sơ chế theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Loại sứa dùng để làm món bún đặc sản này thường nhỏ, màu trắng đục, mình dày.
Sứa biển dùng trong món bùn thường nhỏ, có màu trắng đục, được ngư dân vớt từ dưới biển ở đảo xa... Ảnh: nhatrangtoday

Nước ăn kèm với bún sứa không phải nấu từ xương ống, thịt mà từ cá biển... trong đó có cá liệt - loại cá nhỏ, không xương, khiến nước lèo trở nên thơm và ngọt.

Tô bún sứa còn bao gồm chả cá được làm từ các loại hải sản ngon nổi tiếng như cá thu, cá nhồng... Chúng được lọc xương để lấy phần thịt cá rồi quết nhuyễn và nặn thành từng viên nhỏ, đem vào chõ hấp cho giữ nguyên mùi vị.

Nói bún sứa đậm đà hương vị biển bởi hầu hết nguyên liệu dùng để chế biến và độ mặn, ngọt của món ăn đều do các loài hải sản, hạn chế dùng nhiều gia vị. Nước dùng của bún sứa trong veo, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.

Khi thưởng thức, chỉ cần lấy bún đã trụng (chần) nước sôi cho vào bát, thêm những miếng sứa trong, giòn lên trên, cùng vài viên chả cá, chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm vài cọng giá đỗ, rau sống tươi xanh.
Bún sứa có vị thanh mát, tác dụng giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Quế Lan

Thực khách sẽ cảm nhận những miếng sứa ngọt, giòn, và mát quyện lẫn vị đậm đà của chả cá thu, cá nhồng lẫn trong thứ nước dùng ngọt thanh. Ăn hết tô bún thấy mồ hôi toát ra, cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát như xua tan đi cái nóng mùa hè.

Chính vì vậy, không chỉ người Nha Trang mà nhiều khách đến đây cũng tìm để thử món bún sứa rất đặc trưng này. Bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin - Bà Triệu... trong thành phố Nha Trang.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch Đà Lạt

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.

Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.

Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, ngoài đến Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, thăm dòng Sêrêpôk, bạn đừng quên thưởng thức món bún đỏ nổi tiếng. Ảnh: iviet.

Ngoài ra, thịt ba chỉ được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị.

Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút... Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.

Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút... cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa hàng trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát.

Anh Phương (VnExpress)

Xôi trắng khâu nhục, món ăn của người xứ Lạng

Những hạt nếp trắng dẻo thơm, bóng mượt ăn cùng với khâu nhục vàng ruộm, đậm đà, thơm mùi mật ong là món ăn bạn không thể quên được nếu lên xứ Lạng.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

Để làm xôi khâu nhục ngon, người ta phải chọn loại gạo nếp nương mới, vo sạch rồi ngâm qua đêm, sau đó đem đồ cho chín, hạt gạo mềm, bóng, thơm. Món này thường có trong những dịp lễ tết, đám hỏi quan trọng của người dân xứ Lạng. Về tên gọi, người dân nơi đây giải thích, khâu có nghĩa là hấp chín đến mềm gục, nhục là thịt.

Thịt để làm khâu nhục phải là thịt ba chỉ, vừa có nạc nhưng cũng có lớp mỡ. Sau khi được rửa sạch, thịt luộc sơ qua rồi dùng tăm đâm nhiều lỗ trên miếng bì cho ngấm gia vị đem quay vàng cùng mật ong. Khi bỏ ra miếng thịt vàng ươm, bì giòn và đậm đà hương vị.
Khâu nhục là món ăn nổi tiếng của người xứ Lạng. Ngoài ăn kèm với xôi trắng, khâu nhục còn được ăn cùng với bánh mì, cơm trắng. Ảnh: mienbiengioi

Gia vị để nấu khâu nhục gồm hành tỏi, gừng băm nhuyễn, húng lìu, tiêu, đường, dầu hào, ngũ vị hương, rượu trắng và không thể thiếu là tàu soi, một loại rau của người dân Tày, Nùng. Nhiều nơi cho thêm khoai môn cắt khúc, ăn cũng rất thú vị.

Thịt ba chỉ quay được thái, ướp cùng với các nguyên liệu trên rồi cho vào đĩa, phía dưới cùng là lá tàu soi,khoai môn ở giữa. Các miếng thịt được đặt sao cho thịt ôm trọn khoai và các gia vị trong lòng. Cho bát thịt vào nồi hấp cách thủy trong vòng 4 tiếng đến khi thịt mềm tơi.

Món khâu nhục ngon có lẽ do khâu tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Khi thưởng thức, miếng thịt thơm, mềm như tan trong miệng, ngấm các gia vị và phần bì mềm ngậy, thơm mùi mật ong, ăn mà không thấy ngán. Khâu nhục ăn kèm với xôi trắng là món ăn mà du khách lên xứ Lạng thường thưởng thức.

Món xôi khâu nhục rất dễ tìm trong các quán ăn nổi tiếng ở xứ Lạng, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một suất.
Anh Phương (VnExpress) 

Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Trái chuối nướng ngòn ngọt được bọc bên ngoài lớp bột nếp, chan nước cốt dừa thơm lừng và rắc thêm một ít đậu phộng tạo thành món ăn dân dã ở miền Tây.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Người dân miền Tây vốn hảo ngọt, nên những món ăn như bánh, chè, xôi, rau câu được bày bán rất phong phú. Trong đó, du khách không thể bỏ qua món chuối nếp nướng.

Nguyên liệu làm chuối nếp nướng rất đơn giản. Bạn chọn loại chuối xiêm, vừa chín tới, chặt đem về ủ. Vài hôm sau chuối vàng ươm mới dùng để chế biến. Chuối được lột vỏ, ướp chút đường và muối để có vị đậm đà. Đặc biệt, chuối phải được nướng trên bếp than hồng và để nguyên trái mới đúng điệu.
Người nướng phải trở luôn tay cho đều các mặt. Khi lá chuối cháy sém vàng, lớp vỏ ngả màu và mùi thơm bốc lên là bánh chín. Ảnh: Liêu Lãm

Món chuối nếp nướng này sẽ không thể đạt được hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo thành món ăn đơn giản mà níu chân du khách.

Có rất nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối được bọc bên ngoài lớp bột nếp trộn trước với nước cốt dừa rồi đem bọc trong lá chuối. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giưc được hương vị.

Với 5.000 - 7.000 đồng, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của món ăn này mà ít nơi đâu có được. Địa chỉ nổi tiếng với chuối nếp nướng là quán trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy món này ở một số nơi khác như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ...
“Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài hoà quyện với nước cốt dừa béo ngậy, và miếng chuối ngọt bùi, tôi cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác” – chia sẻ của bạn Liêu Lãm trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Liêu Lãm
Phong Vinh (VnExpress)

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Du khách không chỉ được ngồi thuyền xuôi theo các con kênh, rạch chằng chịt, đến với những miệt vườn hoa trái xum xuê, mà còn được thưởng thức nền ẩm thực phong phú.
Xem thêm: Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Mỗi ngày du khách sẽ được khám phá một phần của miền Tây sông nước với những trải nghiệm khác biệt.

Ngày 1: Khám phá Cần Thơ, ngắm hoàng hôn trên bến Ninh Kiều

Buổi sáng

Từ Hà Nội, du khách mất khoảng 2 tiếng đến sân bay Cần Thơ. Từ TP HCM, ôtô là phương tiện chủ yếu được hầu hết du khách sử dụng, mất khoảng 3 tiếng và có nhiều chuyến của các hãng xe Phương Trang, Victoria Mekong Coach...

Buổi chiều

Là trung tâm của các tỉnh miền Tây, Cần Thơ mang đầy đủ nét đặc trưng của một vùng sông nước. Bạn có thể lang thang ở khu trung tâm thành phố, ghé chợ Tân An thưởng thức các loại cây trái. Cuối giờ chiều, bạn hãy dừng chân ở bến Ninh Kiều ngắm hoàng hôn và xuồng ghe đi lại tấp nập, cảm nhận cuộc sống sinh động nhưng vẫn rất đơn sơ, thuần khiết.

Buổi tối

Nền ẩm thực địa phương phong phú, tràn đầy sắc màu và hương vị. Bạn có thể thưởng thức các món ăn từ ốc, cá, vịt, bò và nhiều loại rau, hoa trái tươi ngon.

Ngày 2: Thăm chợ nổi Cái Răng, làng sản xuất hủ tiếu

Buổi sáng

Cuộc sống thường nhật trên chợ nổi Cái Răng.

Mất khoảng 30 phút từ bến Ninh Kiều, du khách ngồi trên tàu máy xuôi theo dòng sông Hậu đến chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Chợ hoạt động từ 5 đến 10h sáng và thường tấp nập lúc 7h. Nơi đây chủ yếu bán hàng nông sản, các loại trái cây, thực phẩm... Xuồng ghe lớn nhỏ từ khắp các tỉnh lân cận, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ xa, du khách có thể nhìn thấy những cây "bẹo" treo mặt hàng bán. Thú vị nhất là có thể thưởng thức bữa ăn ngay trên tàu và ngắm cảnh mua bán tấp nập.

Sau khi tham quan, mua bán trên chợ, du khách quay về làng sản xuất hủ tiếu nằm bên bờ sông, cách bến Ninh Kiều khoảng 10 phút đi tàu. Bạn có thể học cách làm bánh, quan sát cuộc sống ven sông của dân địa phương hoặc trò chuyện với những người dân hồn hậu, dễ mến.

Ghé thăm các vườn trái cây là một hoạt động không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền Tây sông nước. Dọc bên bờ sông là những vườn cây trĩu quả, với sầu riêng, xoài, chôm chôm, dâu, thanh long xanh mướt mát. Bạn có thể thưởng thức hoa trái theo mùa, tận hưởng không gian thoáng mát, yên bình; hoặc leo qua các cây cầu khỉ bắc qua những dòng kênh nhỏ, tận hưởng vẻ đẹp đơn sơ của miền Tây.

Buổi chiều

Sau một buổi trưa nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng, du khách di chuyển từ Cần Thơ xuống Châu Đốc (tỉnh An Giang). Trên đường đi, bạn có thể ghé thăm nhà cổ Bình Thủy, được xây dựng với lối kiến trúc Á - Âu, từng là bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng.

Buổi tối

Khám phá ẩm thực nổi tiếng ở Châu Đốc, đi chợ đêm và thú vị nhất là thưởng thức ly cà phê ngay bên khách sạn nằm ở ngã giữa ngã ba sông Tiền, sông Hậu. Bạn có thể lặng nghe tiếng tàu chạy, tiếng chèo khua nước khi người dân trở về sau một ngày lao động.

Ngày 3: Làng chăm Vĩnh Tế, chùa trên núi Sam

Buổi sáng

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có khá nhiều cộng đồng sinh sống như Chăm, Khmer. Đi tàu dọc theo dòng kênh Vĩnh Tế, bạn sẽ đến thăm ngôi làng của người Chăm với vẻ hoang sơ thuần khiết. Bạn có thể mua những món quà lưu niệm là chiếc khăn rằn Nam Bộ được dệt thủ công...

Ngoài ra, du khách đừng bỏ lỡ các đền chùa, đặc biệt là miếu bà Chúa Xứ, một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc. Đây là một trong những địa danh linh thiêng, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt khách đến cúng bái, tham quan và cầu tài lộc.

Buổi chiều

Thăm rừng Tràm Trà Sư là một trải nghiệm thú vị.

Bạn nhớ ghé qua khu bảo tồn chim Trà Sư nằm trong rừng ngập nước thanh bình, kỳ ảo. Ngồi trên chiếc thuyền ba ván truyền thống, lướt qua chiếc thảm nước xanh rờn đẹp như tranh và quan sát cuộc sống hoang dã nguyên thủy của các loài chim là một trải nghiệm thú vị.

Buổi tối

Thú vị nhất là ngắm hoàng hôn từ trên sườn núi Sam. Từ trên khách sạn Victoria núi Sam, bạn có thể thả tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn với những cánh đồng lúa chín vàng óng hay lúa xanh ngắt đương thì con gái tùy theo mùa. Bạn như được chìm đắm vào cuộc sống thanh bình và chậm rãi nơi đây.

Anh Phương (Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến