Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Đất nước bí ẩn Triều Tiên trong mắt du khách

Vicky - một nhân viên tour người Anh thường tải những bức ảnh mình chụp về Triều Tiên lên Instagram sau các chuyến đưa khách tới đây.
Xem thêm: Khám phá Triều Tiên bằng tàu hỏa

Người dân nhảy múa mừng ngày kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng khỏi chế độ thuộc địa của Nhật. Vicky cho biết cô muốn thông qua những bức ảnh của mình, mọi người trên khắp thế giới có thể hiểu thêm về cuộc sống của người dân Triều Tiên.


Buổi tập duyệt diễu hành rước đuốc cho ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10/10 tại quảng trường Kim Nhật Thành.


Buổi chiếu phim Ngày chiến thắng (Victory Day) cho câu lạc bộ ngoại giao Bình Nhưỡng.


Một buổi học múa ba lê của các bé gái Triều Tiên.


Tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng.



Hiệu cắt tóc ở Bình Nhưỡng.

Bữa tiệc BBQ trong công viên.


Hai du khách nước ngoài chụp ảnh cùng gậy selfie tại Bình Nhưỡng.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Cung đường lý tưởng khám phá miền tây mùa nước nổi

Những con lũ tràn về, mang theo phù sa màu mỡ và thủy sản dồi dào trên những cánh đồng ngập nước, tạo nên một bức tranh sống động và đặc trưng của miền tây trù phú.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Miền tây không có vẻ đẹp xanh thẳm với biển, cát và gió như miền trung hay hùng vĩ, kiêu sa như miền bắc, miền tây có vẻ đẹp giản dị như một cô thôn nữ hiền hòa, mộc mạc mà bạn phải cảm nhận và “có duyên” mới thấy hết nét cuốn hút của cô thôn nữ này, để rồi dần dần bạn sẽ yêu cô ấy lúc nào không hay.

Để có được cái nhìn đẹp nhất về miền tây mùa nước nổi, lộ trình theo cung đường N2 – Thạnh Hóa – Tháp Mười – Tràm Chim – Hồng Ngự - Thường Phước – Vĩnh Xương – Búng Bình Thiên – Châu Đốc – Trà Sư – Tri Tôn – chợ Tịnh Biên được coi là lý tưởng nhất.

Đồng Tháp Mười

Tháp Mười nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km về hướng nam, ngoài con đường quốc lộ 1A quen thuộc, đi theo cung đường N2 từ hướng An Sương - Củ Chi giúp lữ khách có thể ngắm nhìn những cánh đồng ngập nước hai bên đường vào mùa lũ.
Cánh đồng sen rộng bát ngát hút hồn du khách. Ảnh: Phan Lộc

Chạy xe khoảng 3 tiếng thì đến trung tâm huyện Tháp Mười, tiếp tục đi theo con đường 845 thì sẽ gặp những cánh đồng sen bạt ngàn nơi đây. Xa xa là những cánh đồng sen hiện ra lung linh, lấp lánh dưới nắng với bạt ngàn những búp sen hồng phấn xen lẫn lá xanh tuyệt đẹp. Đến đây, lữ khách có thể đi ghe vào giữa đồng sen, hoặc người chèo hộ, để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp giữa đồng sen bao la nơi đây.

Vườn quốc gia Tràm Chim

Sau khi nghỉ trưa tại đồng sen, từ Tháp Mười, chạy theo đường tỉnh lộ 844 khoảng 40km thì sẽ đến vườn quốc gia Tràm Chim.

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp, với diện tích 7313 ha, nơi đây là nhà của hơn 130 loài chim quý. Tràm Chim đẹp nhất vào mùa nước nổi, khoảng tháng 11, 12, thời điểm từng đàn chim bay về kiếm ăn, săn mồi trên nhưng cánh đồng nước mênh mông được phủ một màu vàng của hoa điên điển, màu tím hoa sung, màu xanh rừng tràm… Lữ khách nên đến đây trước 4h, vì thời gian tham quan trên ghe cả đi và về mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Tràm Chim đẹp huyền bí khi trời chạng vạng. Ảnh: Phan Lộc

Đến với Tràm Chim vào lúc chạng vạng đem lại một trải nghiệm vô cùng thú vị, xen lẫn chút huyền bí khi đi ghe qua những khu rừng tràm nguyên sinh mênh mông, cùng những cánh đồng lúa ma và nghe sự tích hấp dẫn về loài lúa ma nơi đây.

Hai bên sông bạt ngàn lúa ma, hay còn gọi là lúa trời, giống lúa nuôi sống người dân đồng bằng Sông Cửu Long. Gọi là lúa trời vì đây là giống lúa tự mọc, nước dâng đến đâu lúa cao đến đó, lúa cho gạo đặc biệt thơm ngon hơn giống thông thường. Còn tên lúa ma là vì khi đơm bông, chỉ cần ánh sáng lóe lên là hạt rụng ngay, muốn thu hoạch chỉ có thể lặng lẽ về đêm, và cũng không thể gặt một lần như lúa nhân tạo thông thường mà phải dùng thuyền có mái đập dập lúa vào máng thuyền, hạt nào chín thì rụng, sống thì thu hoạch lần sau, lúa ma không chín 1 lần như bình thường. Để bảo tồn giống lúa quý này, Vườn quốc gia chỉ cho phép người dân nơi đây thu hoạch khi có đăng ký. Khách vãng lai có thể trải nghiệm thu hoạch lúa ma vào ban đêm, nghe đờn ca tài tử... sống như người dân sông nước thực thụ.

Búng Bình Thiên

Men theo quốc lộ 30 đi về hướng Hồng Ngự, rồi theo tỉnh lộ 841 chạy thẳng đến cửa khẩu Thường Phước, nơi này lữ khách có thể nhìn thấy đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia chìm ngập trong nước. Từ cửa khẩu Thường Phước, phải đi qua nhiều lần đò để đến Búng Bình Thiên, hay còn gọi là hồ Nước Trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Truyền thuyết kể rằng, ở cuối thế kỷ 18, vào một mùa khô hạn, một viên tướng của nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời đất để tìm nước cho binh sĩ. Khi ông rút gươm đâm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời. Cảm giác đi đò ở miền Tây cũng khá là thích thú xen lẫn chút mạo hiểm khi mỗi lần qua sông là dường như còn đò bị ngập lút trong nước, cứ như sắp chìm vậy. Dọc đường là hình ảnh của những cánh đồng ngập nước ngang thân cây vào mùa nước nổi.

Đồi Tà Pạ

Rời Búng Bình Thiên, cánh đồng Tà Pạ tại Tri Tôn, Tịnh Biên là điểm đến kế tiếp trong hành trình. Trên đường lữ khách sẽ bắt gặp những cánh đồng với hàng thốt nốt xanh mướt đặc trưng của xứ An Giang, màu vàng của nắng chiều còn le lói càng làm cho những cánh đồng trở nên lung linh, rực rỡ, một cảnh sắc mà không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp.

Đồi Tạ Pạ nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 1km, đường lên đồi phải đi ngang qua một ngôi chùa Núi hay chùa Chưn Num theo tiếng Khơ me. Đồi Tà Pạ có độ cao 120m, mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành, trên đồi là một hồ nước với cảnh quang lạ mắt, nước lúc nào cũng có màu xanh ngọc bích. Đi bộ ra chừng 50m, có thể thả tầm nhìn xuống dưới những cánh đồng Tà Pạ rộng miên man, với những hàng cây thốt nốt xanh rì.

Rừng tràm Trà Sư

Khám phá rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm nhấn của hành trình. Với diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Ngồi trên xuồng, lữ khách sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của khu rừng, xung quanh bốn bề được bao phủ bởi một màu xanh với vô số những hàng cây tràm thẳng tít, dưới nước được phủ kín bởi một lớp bèo cám li ti xanh nõn. Song song cùng với tiếng mái chèo rẻ nước là tiếng của những chú chim ríu rít đâu đó trên những ngọn cây tràm, cảm giác lúc này thật bình yên và êm ả.
Du khách sẽ thích thú khi đi xuồng vào sâu trong rừng Trà Sư. Ảnh: Phan Lộc

Núi Cấm

Đi An Giang mà không đến núi Cấm sẽ là một thiếu sót lớn. Núi nằm cách Trà Sư khoảng 30 phút đi xe máy.

Một điều lưu ý là ban quản lý núi Cấm không cho phép việc tự chạy xe lên núi, nếu muốn thì phải đi xe ôm với giá 40,000 lượt đi, hoặc thuê xe du lịch đi theo đoàn.

Núi Cấm, hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn, có độ cao 705 mét, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn. Có nhiều giả thuyết về tên gọi núi Cấm, trong đó có giả thuyết ngày xưa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải chạy vào núi này nương thân, vì muốn tông tích được giấu kín nên ra lệnh cho các cận thần phao tin trên núi có ác thú, yêu quái để cấm dân chúng vào núi. Hiện nay trên núi cũng có một đền thờ vua Gia Long, tức Nguyễn Ánh.

Chợ Tịnh Biên

Nằm ngay cửa khẩu biên giới với Campuchia, hàng hóa tại chợ rất phong phú và đa dạng. Các sạp bày bán đủ loại hàng hóa, quần áo, giày dép, mắt kính, đồ chơi…, hàng nội địa cũng như ngoại nhập, đa số từ Campuchia và Thái Lan, hoặc hàng xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều so với ở thành phố nhưng chất lượng rất đảm bảo. Du khách có thể tìm mua rất nhiều đặc sản địa phương như mắm cá linh, mắm thái, khô cá, khô rắn, khăn rằn…Ghé thăm vùng biên cương tây nam trù phú này của tổ quốc trên bước đường phiêu bạt cũng là một trải nghiệm khó quên với chúng tôi.

Có nhiều người từng nói rằng miền tây du lịch không có gì hấp dẫn, chán lắm, nhưng miền tây có một vẻ đẹp giản dị, hiền hòa và mộc mạc mà lữ khách phải cảm nhận và “có duyên” mới thấy được.

Phan Lộc

6 chợ nổi độc đáo ở miền Tây

Về Long Xuyên để khám phá chợ nổi còn nét nguyên sơ, đến Trà Ôn để thưởng bún bò viên rau chuối hay ghé Sóc Trăng nghe những câu vọng cổ đậm chất miền Tây.
Xem thêm: Một ngày khám phá vườn ca cao miền Tây 30 Tháng 12 2014

Dưới đây là 6 khu chợ nổi đặc sắc của miền Tây bạn nên khám phá nếu có dịp về vùng đất Cửu Long.

1. Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là một khu chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ vậy đây còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.
Chợ nổi Ngã Bảy, nét duyên của cô gái miệt vườn sông nước. Ảnh:Saigonstartravel.

Du khách sẽ được thấy cảnh bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau quả, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng thì nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo.

Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm những tà áo bà ba nườm nượp mua bán trên ghe vô cùng thú vị.

2. Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng

Là tên gọi của khu chợ nổi tiếng ở thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Khác với những khu chợ nổi khác, chợ Ngã Năm bắt đầu họp từ lúc 3h sáng, đến 5h thì chợ đông đúc hơn nhưng 8h phiên chợ bắt đầu tan. Từ xa xa du khách sẽ thấy những cây bẹo treo lủng lẳng hàng hóa như cải bắp, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, ớt…
Với 10.000 – 20.000 đồng du khách sẽ được ngồi trên ghe dạo toàn cảnh khu chợ. Ảnh: Saigonphoto.

Có thể nói chợ nổi Ngã Năm có hầu hết sản vật của đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau củ quả của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. Chợ đông vui với những lời mời gọi của các bạn ghe, những hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê…phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan thưởng thức.

Chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây trong những chiếc áo bà ba, những điệu hát ngọt ngào của ca cổ miền Tây, những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ.

3. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Là khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô thu hút đông đảo lượng du khách ghé đến mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Chỉ cách bến Ninh Kiều khoảng 4 km, du khách mất chừng 30 phút cho một hành trình bằng đường thủy từ bến Ninh Kiều.
Chợ nổi Cái Răng là điểm đến đặc biệt ở Cần Thơ. Ảnh: Hương Chi.

Chợ bắt đầu từ 5h sáng, đến 6h ghe thuyền các nơi đã đậu tấp nập và sầm uất. Nét đặc biệt ở chợ này chính là buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn…

Cũng như các chợ nổi khác người ta sẽ treo lên cây bẹo những loại hàng mà họ bán để du khách biết và mua. Đến đây du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, sông nước, buổi sáng sớm bồng bềnh trên những chiếc ghe, ngắm bình minh lên dần sau những mái ghe và cảm nhận khung cảnh nhộn nhịp độc đáo của chợ nổi trên sông.

4. Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.
Chợ nổi Cái Bè vựa trái cây của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mientay.

Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa…chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.

Khi mặt trời khuất sau rặng cây đàng xa cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến đây du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây.

5. Chợ nổi Long Xuyên – An Giang

Chợ nổi Long Xuyên không lớn như các khu chợ khác nhưng là một điểm du khách nên đến trong chuyến tham quan chợ nổi để tìm về nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây. Chợ cách thành phố Long Xuyên khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa.
Chợ nổi Long Xuyên, điểm đến cho những ai thích khám phá chợ nổi nguyên sơ, chân chất. Ảnh: Dulichhanhtrinhviet.

Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai…và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…

Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá, nói sao bán vậy bởi chợ nổi nơi đây còn ít du khách ghé thăm, người dân thân thiện, thật thà, không bị tác động bởi thương mại hóa du lịch. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây.

6. Chợ nổi Trà Ôn – Vĩnh Long

Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.
Chợ nổi Trà Ôn, ngôi chợ lâu đời và đậm nét văn hóa vùng sông nước. Ảnh:Blogspot.

Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông.

Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào củaTình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.

Văn Trãi

10 khu chợ có màu sắc cuốn hút nhất thế giới

Không chỉ ngập tràn các mặt hàng từ đồ thủ công, dược liệu, gia vị,... những khu chợ sặc sỡ như Columbia Road (Anh), Jemaa el-Fnaa (Morocco), Otavalo (Ecuador) còn là thiên đường không thể bỏ qua của người mê mua sắm.

Xem thêm: Các chợ nhân sâm, nấm linh chi lớn ở Hàn ...
Hãy cùng điểm tên 10 khu chợ vừa sặc sỡ vừa đặc biệt hấp dẫn dưới đây:
Chợ Castries ở thủ đô Castries, St Lucia (một quốc đảo nằm trong lòng Đại Tây Dương) ngập tràn những sản phẩm thủ công, hoa quả, thực phẩm... đặc trưng của vùng biển Caribe.

Chợ Columbia Road, London, Anh không chỉ thu hút du khách bởi sắc màu rực rỡ của muôn sắc hoa mà bởi cả hàng dãy các quán cà phê, người hát rong, biểu diễn nghệ thuật đường phố.

Nằm ngay Toronto, trung tâm thương nghiệp của Canada, chợ St. Lawrence đã có hơn 200 năm tuổi và mở cửa trước cả khi thành phố này nổi tiếng được như ngày nay.

Chợ Chandni Chowk ở Delhi là nơi có những con ngõ nhỏ, hẹp và sâu với rất nhiều hàng quán bán đồ ăn, thực phẩm của Ấn Độ đa dạng và nổi tiếng nhất vùng.

Đến với chợ hoa quả cuối tuần Chatuchak ở Bangkok, Thái Lan, bạn sẽ cảm nhận được đời sống người dân nơi đây qua một góc nhìn rất thú vị (chợ rộng khoảng 142.000 m2).

Chợ Jemaa el-Fnaa, Marrakech - thành phố Đỏ của Morocco, bày bán hàng loạt hương liệu, gia vị với đủ sắc độ. Nơi đây còn là bối cảnh của những câu chuyện cổ tích Ả Rập "nghìn lẻ một đêm" đầy kỳ bí và lý thú.

Du lịch Bangalore, Ấn Độ bạn không thể bỏ lỡ chợ ở trung tâm thành phố. Ngoài khu chợ sặc sỡ sắc màu, Bangalore còn được xem là một trong số những đô thị công nghệ đang lên.

Tham quan chợ Rialto ở thành phố kênh đào Venice, Italy bạn nên đi từ sáng sớm để tránh dòng du khách đông đúc giữa ngày và được nhìn cận cảnh những ngư dân cập bến cũng như buôn bán số cá vừa mới đánh bắt được.

Chợ Mercado Ver-o-peso ở Belém, Brazil bày bán cá và các loại thực phẩm tươi sống đều được thu hoạch từ khu vực Amazon.

Dành khoảng 2 giờ đồng hồ ở chợ Otavalo, Ecuador, du khách có thể lang thang khám phá và mua về những món đồ thủ công vừa đẹp tinh xảo lại đủ nhỏ gọn để làm quà.


Hương Chi (theo Matadornetwork)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Eo biển chia cắt Á - Âu và chuyện tình thần Zeus

Bosphorus không chỉ được biết đến bởi vị trí địa lý đặc biệt, mà còn bởi eo biển ẩn giấu dưới làn nước xanh thẫm một câu chuyện thần thoại kỳ bí.
Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Bosphorus là một eo biển dài 31 km tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cách giữa châu Á và Âu. Eo biển này cũng nối liền biển Đen và Marmara, khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cầu Bosphorus bắc ngang eo biển, được mệnh danh là "cây cầu nối liền 2 lục địa", cũng là một biểu tượng nổi tiếng của thành phố Istanbul.
Eo biển Bosphorus ngăn cách châu Âu và châu Á. Ảnh: wikimedia.

Ẩn giấu sau điểm đến nổi tiếng này còn có một câu chuyện thần thoại kỳ bí kể về mỗi tình giữa vị thần toàn năng Zeus và nàng Io xinh đẹp nhưng bạc mệnh.

Theo thần thoại Hy Lạp, Zeus là vị thần đứng đầu đỉnh Olympia - nơi ở của các vị thần. Zeus có vợ là nữ thần Hera, nhưng thần vẫn thường xuyên gặp gỡ và có tình cảm với nhiều phụ nữ khác. Đây cũng là lý do thần Zeus để lại nhiều hậu duệ trên thế gian, còn nữ thần Hera thường xuyên nổi cơn tức giận và giáng đòn trừng phạt xuống các tình nhân của chồng.

Một ngày, thần Zeus bất chợt phải lòng Io - người con gái xinh đẹp tuyệt trần đang làm nữ tu trong một đền thờ nữ thần Hera. Io vốn là công chúa của vua Inachus, nhưng nàng lại thà làm nữ tu chứ không chịu lấy chồng. Mặc cho thân phận của nàng, thần Zeus vẫn tán tỉnh và biến Io trở thành tình nhân.

Sợ Hera phát hiện, thần Zeus cho mây che phủ kín bầu trời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nữ thần nhận ra sự kỳ lạ và xuống hạ giới tìm thần Zeus. Trước khi Hera đến nơi, thần Zeus nhanh chóng biến nàng Io thành một con bò trắng.
Bức tranh tái hiện cảnh thần Jupiter (tên thần Zeus trong thần thoại La Mã) biến Io thành bò trắng để che mắt vợ. Ảnh: wikipedia.

Nhìn con bò trắng, thần Hera biết đó chính là Io. Không có chứng cứ, nữ thần không thể bảo rằng thần Zeus có nhân tình. Vì thế, Hera tỏ ra yêu thích vẻ đẹp của con bò trắng và xin thần Zeus tặng nó cho mình. Thần Zeus không có lý do từ chối, đành trao Io cho Hera.

Sau đấy, Hera giao thần trăm mắt Argus trông coi Io, nhưng thần Zeus đã yêu cầu thần Hermes đến đánh lạc hướng và giết Argus, giải cứu cho nàng. Nhận ra Io trốn thoát, nữ thần Hera tức giận sai một con ruồi trâu bám theo và đốt. Truyền thuyết kể rằng, nàng chạy thoát được đến Ai Cập, trở lại thành người và lấy vua ở đây. Một dị bản khác lại ghi Io sinh ra vị vua đầu tiên của Ai Cập - kết quả của mối tình giữa nàng và thần Zeus.
Cây cầu Bosphorus nối liền 2 lục địa lớn. Ảnh: Mega Wallpapers.

Tương truyền, trên quãng đường chạy trốn của mình, Io phải bơi qua một eo biển. Về sau, eo biển đó được đặt tên Bosphorus, trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là "nơi con bò đi ngang qua".

Eo biển và cầu Bosphorus nằm tại Istanbul, một thành phố nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách Việt Nam mỗi năm. Hiện nay, có nhiều tour du lịch đến với Thổ Nhĩ Kỳ của các công ty du lịch Việt Nam với giá khoảng 40.000.000 đồng.

Vân Giang

Những phép tắc trên bàn ăn của người châu Á

Các nước châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại có những quy tắc khác biệt.

Xem thêm: Điểm đến cho người sành ăn khắp thế giới

Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.

Ấn Độ

Người Ấn ăn bốc nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Indiaphile.

Dù nằm trong châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, dĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước châu Á là đũa. Họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.

Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn - đồ uống do đấng tối cao trao cho - phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm "vệ sinh" của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho "cái ác" gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho "cái thiện" với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.

Trung Quốc

Bàn tròn là kiểu bàn ăn phổ biến của gia đình đông người hoặc các nhà hàng lớn tại Trung Quốc. Ảnh:thechinesquest.

Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn. Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa theo kiểu bàn xoay.

Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.

Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc, bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện... Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào.

Nhật Bản

Người Nhật rất chú trọng tới hình thức của bữa ăn. Ảnh: goodfon.

So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.

Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời "Itadakimasu" trước khi ăn và "Gochiso sama deshita" sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng "không gian riêng" trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức "không gian chung".

Với món ăn "quốc hồn quốc túy" là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được tự ý nêm nếm gì thêm sau đó.

Hàn Quốc

Bàn thức ăn của người Hàn thường rất nhiều món ăn kèm và đầy màu sắc. Ảnh: hansangkorea.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn rất coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kinh trên nhường dưới".

Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.

Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước. Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam

Mâm cơm quen thuộc của người Việt. Ảnh: cookingclass.

Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài rất thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức... qua loa. Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, dĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.

Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quây quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.

Mimi tổng hợp

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Nếu từng một lần nếm thử món dưa hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện.
Xem thêm: Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Bồn bồn hay thủy hương là một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả, gặp rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Là cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Đoạn thân trắng của bồn bồn sẽ được dung để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: baoanhdatmui.

Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, tước bỏ phần lá bên ngoài rồi bẻ lấy lõi màu trắng bên trong (củ hũ) là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.

Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn quả thật khó có thể quên.

Món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được.

Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn nhiều người.
Dưa bồn bồn muối chấm cá kho rất đưa cơm. Ảnh: vietcaravan

Nếu như dưa bồn bồn biến tấu thành kim chi khi ăn có vị thơm cay, lạ thì khi đem kho cùng cá nạc thịt lại trở thành món ăn mới vô cùng hấp dẫn. Khi ấy, vị chua của bồn bồn mất hẳn mà vị tanh của thịt cá cũng chẳng còn, thay vào đó là vị béo ngậy, ngọt đậm đà. Đặc biệt khi kho cùng tép thì nồi bồn bồn lại càng trở nên hấp dẫn, ăn cùng bát cơm nóng quả thực chẳng có gì tuyệt bằng.

Ngoài ra, các bà các mẹ ở đây còn sáng tạo thêm món dưa bồn bồn trộn làm đồ nhậu lai rai khi khách tới nhà. Dưa bồn bồn rửa sạch, chẻ sợi nhỏ sau đó trộn chung với tỏi, ớt, đường. Hệt như cách làm một số món trộn khác nhưng lại rất bắt cơm. Thỉnh thoảng món bồn bồn trộn còn được cho thêm tôm hay tép đồng để tăng vị đậm đà. Bữa ăn đôi khi chỉ có đĩa bồn bồn trộn mà cả chủ nhà và khách cứ ngồi lai rai mãi không thôi.

Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ.
Món dưa bồn bồn muối chua được bày bán ở chợ. Ảnh: redcloudworld

Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.

Du khách có thể thưởng thức đặc sản bồn bồn khi đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang...

Ngoài bồn bồn, các đặc sản nên thử khi đến miền Tây: lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu mắm, đuông dừa, ốc nướng tiêu, bánh tằm bì...


Đỗ Huyền

3 món lẩu nức tiếng miền Tây

Lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm rau đắng và lẩu cá linh bông điên điển là những món hấp dẫn bạn nên thử khi đến miền Tây.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Vào những ngày thời tiết se mát, mọi người quây quần ăn nồi lẩu nóng sốt thì cảm giác không gì bằng. Một nồi lẩu thông thường bao gồm một nồi nước dùng, rau sống và hải sản, thịt, cá... để trong một cái đĩa. Khi nào ăn chỉ việc đợi nước sôi và gắp rau hoặc đồ ăn sống cho vào nồi.

1. Lẩu cháo cua đồng

Để có một lẩu cháo cua đồng thơm ngon, loại cua được chọn để chế biến là yếu tố quan trọng nhất. Cua đồng phải tươi, được rửa sạch, bỏ yếm, gỡ mai, sau đó giã nát thịt cua, nêm nếm vừa ăn và cho vào nồi nước sôi. Thịt cua sau khi cho vào nồi sẽ tạo thành từng mảng lớn, cắn một miếng vị thơm của cua làm ngây ngất vị giác.

Nồi lẩu còn được cho thêm nấm rơm, hành tím, hẹ để tăng thêm hương vị. Lưu ý món cháo nấu cua đồng không được nấu đặc mà phải loãng để người dùng nhúng rau. Rau ăn kèm với lẩu cháo cua đồng rất đa dạng như rau ngót, mồng tơi, rau má... Bạn cũng có thể xắt sợi củ gừng để ăn kèm nhằm làm dậy vị của nồi lẩu. Lẩu cháo cua đồng không cần dùng kèm với bún hoặc mì.
Nồi lẩu cháo cua đồng thơm ngon được dùng kèm với nhiều loại rau. Ảnh:monanmientay.

2. Lẩu mắm rau đắng

Chỉ cần một lần húp nước dùng của nồi lẩu mắm, đoan chắc bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đậm đà của nó. Lẩu mắm được xem là món ăn đặc sản của người dân Tây Nam Bộ. Một nồi lẩu mắm ngon tuyệt đối không được thiếu cà tím và mắm. Với vị ngọt dễ chịu, chút cay cay thơm mùi sả quyện cùng mùi thơm của mắm.

Mắm nấu cho món này phải có ít nhất ba loại: mắm sặt, mắm trèn và mắm linh. Trong nồi lẩu còn có nhiều loại nguyên liệu khác như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Lẩu mắm thường được ăn kèm với nhiều loại rau, trong đó ngon nhất phải nói đến rau đắng. Ngoài ra, còn có rau cù nèo (kèo nèo), bông súng, rau muống, rau nhút, đậu rồng... Người dân miền tây thường ăn lẩu mắm với bún, rau dùng kèm cũng chỉ nhúng vào nước dùng sôi và lấy ra liền.
Những loại hải sản được bày sẵn ra đĩa, chỉ khi nào ăn mới bắt đầu cho vào nồi nước dùng sôi. Ảnh: Depplus.

3. Lẩu cá linh bông điên điển

Miền tây bước vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Cũng vào mùa này, loại bông điên điển đua nhau nở rộ khắp mé sông. Có lẽ vì vậy mà người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu cá linh ngon nức nở.

Cá linh tươi được làm sạch ướp gia vị đậm đà, cho nước dừa vào nồi lẩu để nấu, dầm chút me lấy vị chua rồi biến hóa nêm nếm cho vừa ăn. Trên mặt lẩu, cũng cho thêm tỏi phi và rau ngò gai. Cá linh không cho vào nước lẩu ngay từ đầu vì cá vốn nhỏ và mau chín, nên chỉ khi nào mọi người đã sẵn sàng dùng bữa mới trút cá linh vô nồi và cho thêm bông điên điển vào. Món lẩu cá linh nên dùng kèm với bún hoặc cơm nóng.
Nhúng bông điên điển vào nồi lẩu rồi lấy ra ăn liền để giữa được độ giòn và ngọt của bông. Ảnh: Thiện Nguyễn

Các tỉnh miền tây còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Tên đầy đủ phải là miền tây Nam Bộ nhưng thường được gọi tắt là miền tây. Khu vực này gồm 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Miền tây cách TP HCM không xa nên có thể đi bằng xe máy, xe khách hoặc xe du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, để đi hết các tỉnh miền Tây sẽ cần ít nhất từ 8-10 ngày, thậm chí hơn. Bạn có thể chọn một số tour tổ chức đi vài tỉnh tiêu biểu ở miền tây với mức giá chỉ tầm từ 480.000 - 580.000 đồng trở lên.

Thảo Nghi

Mùa nước nổi, về miền Tây ăn lẩu cá linh bông điên điển

Khi cánh đồng miền Tây vàng rực bông điên điển, những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về là lúc người dân ở đây được thưởng thức món ăn đậm chất hương đồng gió nội.
Xem thêm: Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây
Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... nước đã ngập trắng đồng. Đó cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh, những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, để rồi kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc.
Những con cá linh béo tròn bằng ngón tay người lớn, tươi roi rói trông thật hấp dẫn. Ảnh: Tiêu Phong.

Cá linh đánh bắt được người dân bán cho các thương lái, hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây mỗi khi nước lũ về.
Ngoài bông điên điển, ăn kèm món lẩu này còn có rau muống, rau nhút... Ảnh: Tiêu Phong.

Tên gọi của món ăn cũng là hai thành phần chính tạo nên món lẩu thơm ngon này. Đầu tiên là cá linh, những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Đầu tiên, phi thơm tỏi, cho nước dùng vào nấu sôi. Tùy theo khẩu vị mà nước dùng có vị chua ngọt khác nhau.
Nồi lẩu bốc khói với hương thơm thoang thoảng khiến thực khách không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của món ăn. Ảnh: Tiêu Phong.

Sau khi chuẩn bị xong các bước, món lẩu được dọn lên bàn để mọi người cùng thưởng thức. Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút... tùy theo ý thích của từng người. Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm.

Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà. Nếu có dịp du ngoạn miền Tây vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng của người dân xứ bưng biền.

Tiêu Phong

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tràm Chim, thiên đường mùa nước nổi

Hàng năm, mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên
Xem thêm: Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Đến với Tràm Chim, du khách có thể bắt đầu từ khu A1 để khám phá. Sẽ rất khó khăn để đi hết hơn 7.000 ha diện tích chỉ trong một ngày. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu.


Vầng thái dương khổng lồ đỏ rực bắt đầu lặn dần sau những rừng tràm bạt ngàn. Những cánh chim về tổ chao mình trong bóng hoàng hôn làm bức tranh thiên nhiên thêm sống động mà bình yên.


Chiếc xuồng con chầm chậm lướt đi trong muôn sắc màu của ráng chiều rực rỡ khắp vùng đầm nước mênh mông.


Trên cánh đồng năng kim, vạn cánh cò trắng đang bay về chuẩn bị cho giấc ngủ yên sau một ngày dài sải cánh rong chơi trên khắp cánh đồng.


Cánh chim cuối cùng cũng về tổ sau một ngày dài “mưu sinh” mệt mỏi.


Buổi tối ở Tràm Chim, điều thú vị nhất là đi gỡ lưới và giăng cầu đêm. Giăng lưới mùa nước nổi thật đơn giản, cứ chèo xuồng con đi thẳng một đường rồi thả lưới. Chừng một tiếng sau quay lại, thế nào cùng có món ngon cho nồi cháo khuya. Đêm nhẹ nhàng trôi qua trong giấc ngủ say hứa hẹn một ngày mới đầy thú vị.


Để khám phá vương quốc loài chim này, bạn phải dậy thật sớm khi bình minh vẫn còn “e ấp” rồi chạy xuồng vào sâu trong rừng tràm. Nằm im lặng và chờ đợi.


Thời điểm ánh dương chiếu những tia sáng đầu tiên từ phía chân trời cũng là lúc điều mong chờ đã đến. Phóng xuồng thật nhanh giữa dòng kênh xanh, vạn cánh chim còn ngái ngủ chợt bừng tỉnh giấc và tung cánh đón chào ngày mới.


Khung cảnh thiên nhiên đến choáng ngợp hiện ra trước mắt, ngàn vạn cánh chim giăng kín bầu trời, tung cánh liệng trên mặt nước rồi vút xa mãi đến khuất dần.


Càng tiến gần, hình ảnh càng tuyệt diệu. Giữa mênh mông đồng cỏ xanh, vây quanh xa xa là rừng tràm, một bàu nước lớn với hàng ngàn chú cò trắng muốt đang săn cá. Vô số loài khác như diệc, trích cồ, cò xám, cò bợ cùng nhau nô đùa nhảy múa. Trên đọt cao từng đàn giang sen quý hiếm thực hiện những vũ khúc đón chào ngày mới.


Giang sen là loài chim quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn. Việc được ngắm chúng trong tự nhiên là một điều rất may mắn. Những chú chim cổ rắn sải cánh “tập thể dục” trước khi bắt đầu một ngày đi săn.


Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen nở rộ khắp nơi. Rảo bước dạo chơi trên những bờ đê hay khua mái chèo rẽ nước lướt giữa hương sen thoang thoảng để thấy lòng thật thuần khiết. Bao lo âu tất bật cuốn trôi theo giớ tự lúc nào.


Về Tràm Chim mùa nước nổi, bạn đừng quên thưởng thức các đặc sản đầy quyến rũ như cá chạch lấu phơi khô chấm mắm mặn, lẩu cá linh với bông điên điển, chuột đồng quay lu, cá óc nướng trui cuốn đọt sen non…

Quỷ Cốc Tử

Bài đăng phổ biến