Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Cây cầu Trường nằm tại phía đông nam Tây Hồ, Hàng Châu là minh chứng cho câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Đến Tây Hồ tại Hàng Châu, Trung Quốc, du khách sẽ không thể bỏ qua 3 cây cầu gắn với các chuyện tình nổi tiếng. Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, cầu Tây Lãnh ẩn chứa nỗi lòng bi thương của kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cầu Trường tại Tây Hồ thuộc Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: itinerary.

Chuyện kể rằng, vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ thứ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ mang tên Chúc Anh Đài thông minh, hiếu học. Vì muốn được học tập thơ văn, nàng cải trang thành nam nhi, đến xin học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu.

Trên quãng đường đến Nghi Sơn, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết thành huynh đệ, trở thành đồng môn thân thiết. Anh Đài dần thầm yêu Sơn Bá, nhưng nàng không thể nói ra vì vẫn đang mang phận gái giả trai. Còn Sơn Bá, dù học chung trường, ngủ chung phòng nhưng cũng không hề phát hiện tình cảm cũng như phận nữ nhi của Anh Đài.

Ba năm nhanh chóng qua đi, cha Chúc Anh Đài đổ bệnh nên nàng phải quay về nhà. Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài nói với Sơn Bá rằng sẽ thu xếp cho chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Sau đấy không lâu, Lương Sơn Bá tìm đến Chúc gia. Tại đây, chàng mới nhận ra thân phận nữ nhi của người bạn đồng môn, và rằng người em gái 16 tuổi không có thật. Từ đấy, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm say đắm.
Bức tranh minh họa câu chuyện tình ngang trái của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ảnh: globallovemuseum.

Bi kịch đến với đôi uyên ương trẻ khi Chúc gia hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài – cũng là bạn đồng môn của nàng và là một thiếu gia giàu có. Sớm nhận ra Chúc Anh Đài là phận nữ, Văn Tài đem lòng yêu thương và muốn lấy nàng làm vợ. Tuy biết Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi tốt bụng, Chúc gia vẫn khước từ lời cầu hôn của chàng và định ngày thành thân giữa Anh Đài và Văn Tài.

Quá sầu muộn vì không thể ở bên Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện, Ninh Ba. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày kiệu hoa của Anh Đài đi về Mã gia, khi ngang qua mộ Sơn Bá, trời bỗng nổi trận cuồng phong lớn, khiến đoàn phải dừng lại.

Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đến bên than khóc và làm lễ cúng tế. Bỗng nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài gieo mình vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, người ta còn kịp nhìn thấy một đôi bướm quấn quýt vụt bay lên mặt đất.

Người xưa vẫn thường nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường”, tức cầu không dài nhưng tình nghĩa dài. Tương truyền, cây cầu Trường - có nghĩa "cây cầu dài" là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km.

Vân Giang

Tục nhảy múa trong lễ Vu Lan của người Nhật

Đến với Nhật Bản vào tháng 7, 8, du khách sẽ được chiêm ngưỡng điệu múa Bon Odori nhân dịp lễ hội Obon (hay còn gọi là Bon) – lễ Vu Lan của đất nước mặt trời mọc.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Trong văn hóa Nhật Bản, Obon là một lễ hội xuất phát từ Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành. Lễ hội Obon xuất hiện tại đất nước này từ hơn 500 năm trước. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để các gia đình tụ họp, quét dọn bàn thờ tổ tiên và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
Bức tranh miêu tả lại ngày lễ Obon thời kỳ Edo tại Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Sự khác biệt về tập quán các vùng miền của Nhật Bản khiến lễ hội diễn ra 3 lần, trong đó “Obon tháng 7” được tổ chức vào 15/7 dương lịch, “Obon tháng 8” vào khoảng 15/8 hàng năm, còn “Kyo Obon” (tức Obon cũ) là ngày 15/7 âm lịch. Đây không được coi là ngày lễ chính thức của người Nhật, nhưng thông thường người dân vẫn được nghỉ học và nghỉ làm trong thời gian diễn ra lễ hội.

Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về Mokuren (Mục Kiền Liên), một đệ tử của Đức Phật. Truyền thuyết kể rằng, Mokuren sau nhiều năm tu luyện đã đắc đạo và có pháp thuật tinh thông. Vì muốn báo hiếu với người mẹ mất sớm, ông sử dụng pháp lực để tìm mẹ khắp nơi. Mokuren phát hiện mẹ mình sau khi chết đi bị biến thành quỷ đói, đày xuống âm ti và chịu nhiều cực hình.

Không cam lòng, ông tìm đến Đức Phật để hỏi cách nào giúp mẹ thoát khỏi kiếp quỷ đói. Đức Phật nói rằng Mokuren phải cúng đồ cho các nhà tu vào ngày 15 của tháng thứ 7. Ông nghe theo lời Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đã dặn.

Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Quá đỗi vui mừng, Mokuren liền nhảy một điệu múa. Về sau, lễ hội tổ chức để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên gọi là Obon, còn điệu múa nổi tiếng của lễ hội được đặt tên là Bon Odori.
Bon Odori là điệu múa có nhiều cách thể hiện trên khắp nước Nhật, nhằm xoa dịu linh hồn người đã khuất. Ảnh: easycorner

Điệu nhảy Bon Odori bắt nguồn từ một điệu nhảy dân gian của người Nenbutsu để xoa dịu linh hồn của những người đã khuất. Sau này mỗi địa phương đều có điệu nhảy Bon Odori của riêng mình với nhạc và động tác khác nhau. Obon diễn ra vào giữa mùa hè, nên các vũ công thường mặc bộ quần áo truyền thống yukata hoặc một bộ kimono mỏng.

Lễ hội Obon kết thúc bằng tục Toro Nagashi, mang nghĩa "đèn lồng nổi". Với tục lệ này, người Nhật sẽ thả những chiếc lồng đèn giấy trôi xuôi dòng sông để tiễn đưa linh hồn người chết về với âm gian. Trong đêm này, người Nhật thường có màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu.

Vân Giang

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ngôi chùa trồng loài sen lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Những chiếc lá sen có thể chịu đựng sức nặng trên 50 kg mọc trong ngôi chùa Phước Kiểng (Đồng Tháp) từ cách đây hơn 20 năm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Nằm khá sâu trong xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) nhưng ngôi chùa Phước Kiểng vẫn được nhiều du khách biết tới bởi loài sen vua. Tới huyện Châu Thành, chỉ cần hỏi đường tới chùa Lá Sen, bất kỳ người dân nào cũng rành rẽ chỉ đường cho bạn.
Với cân nặng khoảng 50-60 kg, bạn có thể đứng thoải mái trên lá sen mà không gây xao động mặt nước. Ảnh: Trần Ngô Hải An.

Từ tuyến quốc lộ 80, bạn rẽ theo con đường khá lắt léo ven sông chỉ đi được xe hai bánh, qua cây cầu gỗ sẽ tới nhìn thấy cổng chùa. Trong chùa khá đông Phật tử, du khách tới nhưng bao trùm vẫn là không gian tĩnh lặng trong tiếng đọc kinh đều đều. Những người tới cổng có ý thức tắt máy, dắt xe đi qua hàng dừa dịu mát.

Sau khi đi vào lễ, hầu hết du khách đều dành thời gian đi vãn cảnh xung quanh khuôn viên chùa. Trong chùa trồng rất nhiều loại cây hoa, quả khác nhau nhưng điểm thu hút nhất vẫn là ao sen phía bên cạnh chùa.

Mùa nước nổi tháng 9-10 cũng là lúc thích hợp để bạn đi ngắm sen vua. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Ao sen hình vuông với các lá sen hình tròn tượng trưng cho trời tròn, đất vuông theo quan niệm của người xưa.
Cây cầu bắc ngang qua ao sẽ giúp bạn đứng xuống lá dễ dàng hơn. Ảnh: Holy.

Sen vua là loài cây mọc nhiều ở vùng Amazon (Nam Mỹ), dần được đem sang trồng ở các vườn bách thảo một số nước. Cây nổi tiếng bởi khả năng chịu đựng sức nặng lớn (từ 50 kg đến 100 kg). Đây là cây lớn nhất trong họ súng, lá dày, tròn, có mép lá dựng lên, đường kính lên tới 2-3m.

Thời chiến tranh, chùa Phước Kiểng bị bom dội nên để lại nhiều hố bom. Ao sen vua cũng chính là một hố bom được cải tạo thành nơi trồng cây đặc sắc. Tuy nhiên, không ai biết người nào đem giống sen lạ về gieo trồng ở đây. Người dân địa phương chỉ nhớ, đầu những năm 1990, đã thấy loài cây này phát triển trong ao chùa.

Dù nguồn gốc ở xứ lạ nhưng sen vua có sức sống lạ kỳ. Năm 1998, ao khô cạn nước nên các loại cây đều bị chết. Nhưng tới mùa nước nổi, sen lại mọc và nở hoa. Hoa lúc đầu có màu nhạt rồi chuyển dần sang sắc hồng, đỏ. Bông hoa nhỏ tương tự các giống sen bình thường. Hạt sen nhỏ, có thể ăn được. Mặt trên của lá xanh mướt, mặt dưới có gai nhọn.
Bông hoa sen có kích cỡ ngang các giống bình thường. Ảnh: Holy.

Ở chùa Phước Kiểng, có dịch vụ cho khách ra chụp hình với lá sen vua khá quy củ, trật tự. Bạn sẽ bước từ cây cầu bắc ngang ao xuống lá sen qua một tấm ván. Sẽ có người giữ ván và đảm bảo bạn lên được lá an toàn. Nếu muốn tự chụp lại hình, bạn cũng có thể đề nghị và trả phí phù hợp.

Ngoài lá sen lớn, ngôi chùa nhỏ còn nổi tiếng với ông Quy (Rùa) nặng cả trăm kg. Theo chuyện kể lại, ông Quy từng bị bắt đi nhưng đã trốn thoát, vượt vài chục km về chùa. Sau này rùa mất, sư trụ trì thương tiếc giữ lại đem thờ cúng. Trong chùa hiện cũng nuôi một vài chú rùa nhỏ, gần gũi, thân thiện với du khách.

Ban Mai

Món ăn đường phố ở Đà Nẵng níu chân du khách

Đà Nẵng lưu giữ nét ẩm thực rất riêng với nhiều món ăn đường phố làm nao lòng du khách như bún chả cá, bánh canh, ốc hút...
Xem thêm: 45 điều khiến bạn "yêu điên cuồng" Đà Nẵng

Bún chả cá

Chả được chế biến từ cá, bí đỏ và dứa (thơm), còn nước dùng được làm theo cách truyền thống đậm đà hương vị miền Trung. Khi ăn tô bún, bạn có thể cảm nhận được hương vị ngọt ngào của cá biển, vị cay nồng của ớt, tỏi giã nhuyễn và ngọt thanh của mắm tôm khiến du khách phải tấm tắc. Địa chỉ tham khảo là quán trên đường Nguyễn Chí Thanh và Hải Phòng, giá khoảng 25.000 đồng một bát. Ảnh:tuoitrevietdanang

Gỏi chuối

Thành phần chính của món gỏi này là hoa chuối, thịt heo, tôm và đâu phộng rang. Gỏi chuối luôn thu hút khá nhiều thực khách bản địa bởi hương vị dân quê gần gũi. Nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị bằng những món ăn quen thuộc, thơm ngon thì đây là sự lựa chọn phù hợp. Địa chỉ gợi ý là quán trên đường Hải Phòng, giá 30.000 đồng một đĩa. Ảnh: Amthuc365

Bánh canh

Cọng bánh được làm từ sắn, lúa mì hay gạo tùy theo mùa với kích cỡ khá dày, cùng hương vị đậm đà của nồi nước dùng nấu từ thịt heo, cua, cá. Một tô bánh canh nghi ngút mùi thơm ăn cùng bánh mì (xúi quẩy) chiên dai dai khiến không ít thực khách mê mẫn. Các quán bánh canh nổi danh luôn nhộn nhịp thực khách ra vào trên đường Nguyễn Du, Hà Thị Ngân, Đống Đa. Giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Ảnh:caibatvang

Chè

Với giá thành khoảng 5.000 đồng một ly, chè là món ăn vặt đường phố phổ biến ở Đà thành. Đây cũng là món giải khát thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ dưới tiết trời cuối hạ nóng nực. Chè được chế biến khá đa dạng cho khách lựa chọn như chè bắp, trôi nước, khoai môn, đậu ngự, đậu xanh, đậu đỏ, chè bột lọc… Địa chỉ tham khảo là đường Lê Duẩn. Ảnh: caibatvang

Bún mắm

Cá cơm muối chín tới, lọc kỹ lưỡng để tạo thành một loại mắm nêm ngon trứ danh. Các thành phần của tô bún mắm gồm có thịt heo rang khô, rau thơm, đu đủ xanh bào, đậu phộng, hành phi ăn kèm với thịt luộc thái lát, chả… Bạn có thể thưởng thức bún mắm ở bất kỳ nơi nào khi ghé Đà Nẵng. Đông đúc nhất ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng. Giá khoảng 20.000 đồng. Ảnh: Skcs

Ốc hút

Vào buổi tối trên các cung đường Lê Duẩn, Bùi Thị Xuân, Đồng Kè… luôn tấp nập khách đến đây thưởng thức hương vị biển cả với món ốc. Các loại ốc hút, ốc đinh, ốc bươu… được chế biến theo cách riêng biệt không lẫn vào đâu được. Ốc hút giá khoảng 15.000 đồng một đĩa. Ảnh: Khachsandanang

Hoàng Thương

Trung thu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam

Trung thu xứ Bắc thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế; miền Trung rộn ràng với lễ hội, còn mùa trăng đất phương Nam lại rất ấm áp nghĩa tình.
Là một trong những lễ hội với người Việt, mùa trăng tháng tám ở 3 miền Bắc - Trung - Nam mang những nét văn hóa rất đặc trưng.

Tinh tế Trung thu ở miền Bắc

Miền Bắc đón thu sang với một sự chuyển mình rõ rệt của đất trời. Vẻ thơ mộng đầy lãng mạn khiến tâm hồn mỗi người như mềm mại đi cùng thời tiết ôn hòa dễ chịu. Trung thu xứ Bắc bởi thế luôn thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế, gắn liền với niềm vui của vụ mùa bội thu, của cốm xanh thơm ngát, của những quả chín như hồng, như bưởi.

Chuẩn bị cho mùa trăng tháng tám, khắp các phố phường Hà Nội sẽ ngập tràn quà bánh, lồng đèn. Giữ nét truyền thống ngàn năm Thăng Long cổ kính, trọng lễ trọng tình nên từ rất sớm, những hộp bánh Trung thu sẽ được cẩn trọng chọn lựa đầy chăm chút.

Bánh được mang biếu các bậc trưởng thượng trong họ tộc, gia đình trước tiên. Sau đó, sẽ đến những hộp bánh biếu láng giềng, bạn bè thân hữu, những đối tác khách hàng đã nhiều năm gắn bó. Mỗi hộp bánh đều ẩn chứa trong ấy từng tình cảm thiêng liêng, với ước mong bền chặt mối thâm giao. Hộp bánh cuối cùng sẽ được chọn vào khoảng 10 ngày trước Trung thu, đặt lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Đây cũng sẽ là hộp bánh “phá cỗ đêm Rằm”, để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức từng hương vị tinh túy dưới bóng trăng, cùng tách trà thơm ấm áp.

Lễ hội náo nhiệt cùng mùa trăng miền Trung

Tại miền Trung, dải đất hẹp giao thoa giữa văn hóa Bắc bộ và Nam bộ lại ngập tràn màu sắc lung linh, Trung thu nghiêng nhiều về phần hội hơn so với phần lễ. Đây luôn là dịp để mọi người tạo nên không khí rộn ràng, vui nhộn cho cả trẻ em lẫn người lớn. Phố cổ Hội An rực rỡ ánh đèn lồng. Người người đổ xô ra đường, hòa vào các trò chơi dân gian. Huế cổ kính và trầm mặc cũng trở nên tưng bừng với những mâm cỗ đón trăng tinh tế được chăm chút, mang đến bao nhiêu háo hức cho con trẻ.

Việc thưởng thức các hương vị Trung thu được chú trọng đặc biệt tại dải đất miền Trung - nơi nổi tiếng với sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong ẩm thực. Muôn hình vạn trạng kiểu bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon được các gia đình chọn mua bởi lẽ, với miền Trung, không gì vui hơn đêm Trung thu quây quần cả gia đình cùng nhau thưởng thức bánh, trẻ con chơi đùa rộn rã.

Ấm áp nghĩa tình cùng mùa trăng đất phương Nam

Là miền đất mới, nơi hội tụ đủ mọi nét văn hóa đổ về, nơi của sự hào sảng, chân thành, sẵn lòng giúp đỡ nhau của người đi mở cõi luôn được coi trọng, Trung thu phương Nam mang màu sắc rất riêng. Với phương Nam, văn hóa biếu tặng dịp Trung thu là điều đầu tiên cần nhắc đến. Ở xứ “khởi nghiệp” này, bà con xa không bằng xóm giềng gần, hầu như ai cũng đã được nhận biết bao sự giúp đỡ vô tư từ người khác. Thế nên, Trung thu trở thành dịp để bày tỏ lòng tình thương quý với những người cùng gắn bó, đã trở nên thân thương hơn cả một gia đình.

Với người Việt, Trung thu là dịp Tết thứ hai trong năm. Đây là dịp để mỗi người về với gia đình, cùng chia sẻ những giây phút thân tình ấm áp. Trông trăng phá cỗ, người thân bày tỏ tình cảm với nhau, doanh nghiệp tri ân đối tác... 

Từ trước Trung thu hơn một tháng, các công ty, xí nghiệp đã đặt bánh biếu tặng nhân viên, đối tác, khách. Những hộp bánh đầu tiên các gia đình ở miền Nam chọn mua thường cũng chính là để thay tấm lòng trân trọng gửi đến bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, khách hàng.

Miền Nam cũng hội tụ không ít người con xa quê vào lập nghiệp, thế nên, việc rộn ràng chuẩn bị những hộp bánh thật đẹp, thật ngon để mang về quê cũng được chú trọng. Và dường như chính những chiếc vé xe đặt vội, những hộp bánh Trung thu được nâng niu xách trên tay trong chuyến “Trung thu là lúc về bên gia đình” ấy đã trở thành một nét tưng bừng, rộn rã rất riêng của Trung thu đất phương Nam…

Thư Kỳ

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Đảo yến có bãi tắm đôi tự nhiên

Leo núi Du Hạ, tắm ở bãi biển đôi nước xanh trong và ghé hang yến xem loài chim làm tổ là những hoạt động du khách sẽ trải nghiệm trong một ngày chu du Hòn Nội, Nha Trang.



Hòn Nội là một đảo yến thuộc thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Để tới đây, du khách phải mất hơn một giờ đi tàu từ cảng Cầu Đá. Quãng đường dài khoảng 25 km (chừng 13 hải lý).


Đảo thuộc quản lý của một công ty du lịch nên không thể đi tự túc, mà bắt buộc bạn phải đặt tour trong ngày, không ở qua đêm với giá 350.000 đồng một người. Tour bao gồm ăn sáng với bánh ngọt và nước suối trên tàu, ăn trưa tại nhà hàng trên đảo, ăn nhẹ trái cây buổi chiều, xe đưa đón khách sạn và tàu ra đảo, tàu đáy kính xem san hô, đi tham quan hang yến.


Du khách chỉ có thể khởi hành đi Hòn Nội trong khoảng tháng 3 đến tháng 9, những tháng còn lại do mưa bão sóng mạnh nên tàu không chạy. Mỗi chuyến có ít nhất 25 khách.


Từ TP HCM, bạn có thể đi bằng máy bay, ô tô hoặc tàu hỏa để tới Nha Trang. Khi chọn tour đi Hòn Nội, bạn sẽ có xe đưa đón tại khách sạn ra bến cảng.


Đến Hòn Nội, du khách có thể tham quan bãi tắm đôi, điểm đặc biệt của hòn đảo này với cát mịn, nước trong xanh, mát lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi Hòn Ngoại, Hòn Sam cách Hòn Nội chỉ vài phút đi tàu.


Núi Du Hạ trên đảo cao 90 m, nằm gần sát biển. Leo lên đến đỉnh núi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy bãi tắm đôi được tạo nên từ một doi cát cong cong. Biển nơi đây yên ả, nước trong màu ngọc bích, bạn vừa thỏa thích tắm biển, vừa ngắm nhìn san hô sống và các loài cá màu sắc.


Đến Hòn Nội, bạn nên ghé thăm hang yến và tìm hiểu về nghề nuôi yến. Những tổ yến được thu hoạch làm hai lần vào tháng 3 và 8.


Khi tới thăm các hang yến và tìm hiểu đời sống loài chim này bạn sẽ bắt gặp khá nhiều chòi canh của những người dân địa phương.

Bùi Ngọc Hà - Ảnh: SaRu

Những câu hỏi thường gặp khi du lịch Côn Đảo

Đến với Côn Đảo du khách có thể mua mứt hạt bàng làm quà, du ngoạn các đảo nhỏ hoặc tham quan những điểm đến lịch sử và tâm linh nổi tiếng.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo



Côn Đảo cách Vũng Tàu 179 km, TP HCM 230 km, và Cần Thơ 165 km. Nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng mịn, dãy núi bao quanh tạo nên một khung cảnh yên bình. Du khách tới đây sẽ có cảm giác được thoát khỏi những mệt mỏi của công việc cũng như trên chặng đường di chuyển.



Đạp xe khám phá trên Côn Đảo. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Nên đi thời gian nào


Bạn nên hạn chế tới Côn Đảo trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 2 năm sau. Đây là lúc biển động, chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo thường rất đắt đỏ do tàu bè chuyên chở hàng hóa không thể ra đảo.


Các tháng 3 - 9 là thời gian biển êm, các trận mưa ở Côn Đảo thường ngắn nên không ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách.


Di chuyển đến Côn Đảo có phức tạp không


Đường bộ và đường thủy


Du khách đặt vé ô tô hoặc tàu đến Vũng Tàu trước khoảng 1 – 3 tuần qua điện thoại rồi lấy vé tàu tại cảng Cát Lở. Có 2 tàu khách được đưa vào hoạt động là Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10. Giá vé từ 150.000 đến 200.000 đồng một người, tùy loại ghế ngồi hay giường nằm. Tàu xuất phát là 17h và đến cảng Bến Đầm, Côn Đảo khoảng 6h sáng hôm sau.

Đường hàng không


Các chuyến của hãng Vietnam Airlines chặng TP HCM - Côn Đảo có giá khoảng 1,5 triệu đồng một vé, Cần Thơ - Côn Đảo khoảng 950.000 đồng một vé.


Từ Bến Đầm hoặc sân bay, bạn có thể đi vào trung tâm đảo bằng xe ôm, xe lam giá 30.000 đồng một người hoặc taxi với giá 250.000 đồng một chuyến. Cả 2 địa điểm này đều cách trung tâm thành phố khoảng 12 km nhưng theo hai hướng ngược nhau.

Di chuyển tại Côn Đảo


Tại đảo lớn Côn Sơn bạn có thể tham quan bằng các phương tiện sau:


Xe máy giá có cho thuê khoảng 100.000 - 150.000 đồng một ngày, tùy xe số hay tay ga.


Trên đảo chỉ có hai cây xăng gần chợ nên bạn nhớ đổ xăng trước khi đi. Đến điểm tham quan bạn cứ để xe đúng nơi quy định là không phải lo lắng nhiều về an toàn.



Khung cảnh trước cảng Bến Đầm. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Du khách tay lái yếu có thể thuê xe ôm với giá 300.000 đồng một ngày để đi mọi nơi trên đảo. Người lái sẽ là hướng dẫn viên du lịch tự nguyện cho bạn với sự nhiệt tình và vui vẻ. Lựa chọn khác là thuê xe đạp với giá khoảng 30.000 đồng một ngày.


Nghỉ đêm ở đâu


Côn Đảo có một khách sạn 5 sao là Six Senses Côn Đảo, nhiều khách sạn, resort 3 hoặc 4 sao như Côn Đảo, Côn Đảo Sea Travel, ATC ... Giá trung bình các phòng ở đây từ một triệu đồng.


Cũng ngay trên đường Tôn Đức Thắng có rất nhiều khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, giá chỉ khoảng 300.000 -500.000 đồng.


Bạn cũng có thể ở lại qua đêm trên các đảo nhỏ ở nơi cho phép dã ngoại hoặc có lều, võng. Tuy nhiên, các đảo nhỏ không có hàng quán nên nếu muốn ở qua ngày, bạn phải chuẩn bị đồ ăn.


Điểm tham quan nào nổi tiếng


Những điểm đến tìm hiểu lịch sử và tâm linh: nghĩa trang Hàng Dương, di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, bảo tàng Côn Đảo, đền thờ bà Phi Yến, miếu và mộ của Hoàng tử Cải, chùa Núi Một.

Các điểm thăm thú thiên nhiên: Bãi Đầm Trầu, rừng Ông Đụng, mũi Cá Mập, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre lớn, hòn Cau, vịnh Đầm Tre…


Đặc sản là gì





Cua mặt trăng đánh bắt trên Côn Đảo. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Đặc sản của Côn Đảo là cá mú đỏ, giá khoảng 800.000 đồng một kg. Thịt cá trắng, dai và rất thơm.Tôm hùm và tôm mũ ni, giá khoảng 1,5 triệu đồng một kg.


Mực một nắng, sá sùng, cua mặt trăng, ốc vú nàng… cũng là những món không nên bỏ qua. Điều đặc biệt là giá cả của các nhà hàng ở đây tương đối giống nhau, nên không cần phải chọn lựa nhiều.


Nên mua quà nào


Ngoài hải sản khô và tươi, hạt bàng là một đặc sản mà du khách nên thử khi đến Côn Đảo. Hạt bàng rang muối hay tẩm đường và gừng là một món quà đặc biệt bạn dành cho người thân ở nhà. Một hũ mứt hạt bàng có giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng.


Phương Thu Thủy

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

5 điểm đến giá rẻ, “khó bỏ lỡ” với du khách khi tới Nha Trang

Thành phố Nha Trang với hàng loạt điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên có 5 điểm đến mà du khách khó lòng bỏ qua, gồm: Tháp bà Ponagar, chùa Long Sơn, danh thắng Hòn Chồng, Bảo tàng Hải dương học và Khu du lịch Đảo khỉ. 

Đây là những điểm đến giá rẻ, đa phần nằm ngay trong thành phố nên rất thuận tiện trong việc di chuyển, đi lại. Từ lâu, 5 địa danh này đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước.

1. Quần thể tháp Bà Ponagar

Tháp bà Ponagar là quần thể đền tháp Chămpa được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII, thờ nữ thần Ponagar, tức Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Di tích còn bảo lưu được 28 đơn vị Minh văn có niên đại từ năm 784 đến cuối thế kỷ XIII và 14 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng.
Du khách tham quan tháp bà Ponagar Nha Trang

Toàn bộ quần thể tháp là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bằng chất liệu gạch nung, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa kiến trúc và điêu khắc, thể hiện những giá tri đặc trưng của văn hóa Chăm Pa.

Đây là cụm đền tháp có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt như: kiến trúc, điêu khắc, bia ký, tượng thờ… nên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH TT&DL) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

2. Chùa Long Sơn

Chùa Long Sơn còn được gọi là chùa Phật Trắng, tọa lạc đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, TP Nha Trang. Đây là điểm đến hành hương, vãn cảnh yêu thích của người địa phương cũng như khách thập phương. Những ai đã từng đến Nha Trang thì không thể không biết đến danh thắng này.
Tượng Phật Trắng ở Chùa Long Sơn, Nha Trang

Chùa Long Sơn được biết đến là ngôi chùa nổi tiếng và lớn nhất thành phố Nha Trang bởi lịch sử lâu đời với bức tượng Kim Thân Phật tổ nằm trên đỉnh núi. Được xây dựng từ năm 1963, ngôi chùa được đưa vào danh sách kỷ lục Việt Nam: “Ngôi chùa có tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam”.

3. Bảo tàng Hải dương học

Viện Hải dương học Nha Trang nằm bên cảng Cầu Đá, thành phố biển Nha Trang. Đây là một Viện nghiên cứu biển hàng đầu ở Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang có tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, ra đời theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương vào năm 1922. Bảo tàng Hải dương học là một bộ phận không thể tách rời của Viện.
Bảo tàng Hải dương học Nha Trang là một trong 10 bảo tàng hấp dẫn và trở thành điểm đến thu hút du khách hàng đầu Việt Nam

Tại đây, hiện đang lưu giữ hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật, bao gồm cả Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Biển Hồ Campuchia. Bảo tàng Hải dương học Nha Trang là nơi lưu giữ một tập hợp mẫu vật lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ ở khu vực, phản ánh quá trình dày công nghiên cứu, tìm kiếm của các nhà khoa học.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, năm 2014, đã công bố 10 bảo tàng hấp dẫn và trở thành điểm đến thu hút du khách hàng đầu Việt Nam, trong đó có Bảo tàng Hải dương học Nha Trang.

4. Danh thắng Hòn Chồng

Hòn Chồng là thắng cảnh tự nhiên nằm trên địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố biển Nha Trang. Nơi đây có những tảng đá rất lớn chồng chất lên nhau, trải qua bao biến thiên của thời gian, mưa bão, sóng biển… nhưng không thể nào xô ngã được.
Danh thắng Hòn Chồng, Nha Trang

Khi đến đây, người xem không khó để nhận ra có 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân một quả đồi, mà dân gian gọi đó là Hòn Chồng và Hòn Vợ. Với cảnh quan thơ mộng, hữu tình, nhiều năm qua, danh thắng Hòn Chồng đã thu hút hàng chục triệu lượt khách ghé thăm.

5. Đảo Khỉ Nha Trang

Đảo Khỉ nằm trong vịnh Nha Phu, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 15 km về phía Bắc. Sau khi mua vé tàu tại bến cảng, du khách mất khoảng 15 phút thì tới hòn đảo hấp dẫn này.
Đảo Khỉ, Nha Trang

Gọi là Đảo Khỉ vì nơi đây đang có hơn 1.200 con khỉ sinh sống, trở thành sức “hút” đối với du khách. Ngoài các hoạt động vui nhộn từ khỉ, Đảo Khỉ còn có nhiều trò chơi, xiếc động vật thú vị khác. Nhiều du khách đánh giá rằng, Đảo Khỉ là điểm đến hàng đầu ở Nha Trang.
(Theo Dân Trí)

Những điểm phượt một ngày gần Đà Nẵng

Ghềnh Bàng, Giếng Trời hay hồ Phú Ninh là ba điểm du lịch thích hợp cho mọi người trong các đợt nghỉ ngắn ngày, cuối tuần hoặc dịp 2/9 tới đây ở Đà Nẵng.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Dưới đây là các điểm đến thiên nhiên ở Đà Nẵng thu hút du khách vãng lai hoặc phượt thủ.

Ghềnh Bàng

Ghềnh Bàng nằm trên bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 20 km. Đây là nơi có phong cảnh yên bình với đường bờ biển dài chừng 2 km, bao quanh bởi vô số đá lớn nhỏ và cây cối xanh mát. Ghềnh Bàng không hẳn là địa điểm hoang sơ vì qua hết đường nhựa, sau đó đi bộ chừng 1 km, bạn sẽ gặp một số lán của dân địa phương bán thức uống, cho thuê đồ lặn.

Rất ít du khách tìm tới đây mà chủ yếu là dân phượt Đà Nẵng do không phải đi quá xa mà vẫn được tận hưởng không gian thiên nhiên. Bạn nên thử trải nghiệm lặn biển ngắm san hô với kính tự chế thuê ở các lán trên bờ, tuy nhiên cần chắc chắn bạn có khả năng bơi lội tốt. Ngoài ra, một thú tiêu khiển để giảm căng thẳng khác là câu cá ở Ghềnh Bàng. Bạn vừa được thư giãn vừa có chiến lợi phẩm chiêu đãi mọi người.
Đường đi bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Cuồng Chân.

Giếng Trời

Không phải là một nơi xa lạ của dân phượt Đà Nẵng, Giếng Trời nằm giữa khu vực rừng núi của xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Dân ham mê trekking thường chọn lối đi từ ngoài chân núi Bà Nà để khám phá vì sẽ qua 10 km đường gập ghềnh.

Địa điểm này như một nơi du lịch sinh thái bởi dân phượt tới đây có thể cắm trại qua đêm, làm bè bơi lội hay bắt cua ốc... Tên Giếng Trời ra đời cũng do nằm giữa khu vực rừng núi rậm rạp có một hồ nước xanh trong với thác đổ trắng xóa từ trên cao. Khi đến đây, mọi người không chỉ lưu ý trên đường đi mà cả khi vui chơi cũng phải nhớ gìn giữ môi trường.
Không gian xanh mát của Giếng Trời được bao bọc bởi núi rừng Hòa Vang. Ảnh: baodanang.

Hồ Phú Ninh

Cách sân bay quốc tế Đà Nẵng khoảng 70 km, hồ Phú Ninh thuộc thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Đây là địa điểm thích hợp cho những người muốn tìm nơi bình yên, thơ mộng và hòa mình vào không gian thiên nhiên. Nơi này có sự kết hợp của cả núi rừng, hồ nước bao la cùng nhiều hòn đảo lớn nhỏ với mỏ nước khoáng nóng như đảo Rùa, đảo Khỉ, hố Khế, hố Ba Trăng...

Các hoạt động du lịch bạn có thể tìm thấy ở đây là đi thuyền tham quan cảnh hồ, đạp xe, lội suối, cắm trại trên các đảo, ngắm hoàng hôn hay câu cá...
Câu cá bên hồ Phú Ninh và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên thanh bình. Ảnh:ivivu

Hương Chi

Nam Cát Tiên - điểm đến sinh thái dịp 2/9

Nằm không quá xa TP HCM, Nam Cát Tiên vừa có dịch vụ xe đạp, xe chuyên dụng, xem thú đêm và hệ động thực vật phong phú để trở thành nơi nghỉ hợp lý dịp lễ ngắn ngày.
Xem thêm: Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi

Nam Cát Tiên cách TP HCM khoảng 160 km nên du khách dễ dàng có một chuyến dã ngoại hai ngày ở đây. Vùng đất này nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Ðồng Nai, toạ lạc ngay trên ranh giới ba tỉnh Ðồng Nai, Bình Phước và Lâm Ðồng.

Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích là hơn 71.000 ha, còn khu rừng cấm Nam Cát Tiên là phần chót và cao nhất của huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai có diện tích khoảng 36.000 ha, đại diện cho cả hệ động thực vật Nam Bộ.
Đạp xe dưới bóng cây xanh mát của rừng Nam Cát Tiên. Ảnh: Saru.

Thời điểm tham quan

Bạn tham quan Nam Cát Tiên thời điểm nào cũng được nhưng thời điểm tốt nhất là từ tháng 11 tới tháng 5.

Phương tiện đi lại

Xuất phát từ TP HCM, bạn có thể đi xe máy và xe khách để tới đây.

Xe máy: Đi theo quốc lộ 1A khoảng 67 km đến ngã ba Dầu Giây. Sau đó, rẽ trái theo quốc lộ 20 - đường đi Đà Lạt khoảng 58 km đến ngã ba Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Từ đây, bạn tiếp tục rẽ trái và đi thêm 24 km nữa là đến.

Trên đoạn này có bảng chỉ dẫn dọc theo tuyến đường. Du khách gửi xe máy và mua vé 40.000 đồng một người, rồi lên thuyền qua bên kia bờ sông trong vòng 5 - 10 phút, không tốn phí.

Xe khách: Bạn ra bến xe Miền Đông mua vé hoặc đặt các hãng xe tư nhân đi Đà Lạt, tới ngã ba Tà Lài thì xin xuống. Từ đó bạn có thể đi vào Nam Cát Tiên bằng xe ôm hoặc ô tô nếu đi nhóm đông. Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô (4, 7 hoặc 16 chỗ). Du khách có thể liên hệ trực tiếp bằng điện thoại để thuê.

Lưu trú

Có nhiều nhà nghỉ nằm trong khu vực ban quản lý với các mức giá, thấp nhất là 50.000 đồng một đêm. Du khách cũng có thể mang lều theo và thuê bãi cắm trại 30.000 - 40.000 đồng một đêm. Nếu không đem lều, bạn có thể thuê tại chỗ gửi xe với giá 150.000 đồng một đêm.

Nếu muốn đốt lửa trại, bạn phải xin phép ban quản lý Vườn quốc gia. Du khách nên đặt trước nếu không sẽ hết phòng.

Các hoạt động tham quan

Xem thú đêm: Giá 170.000 đồng một người, có xe chuyên dụng chở đi. Bạn nên chọn đi chuyến sớm nhất lúc18h30 - 19h30 vì đây là thời điểm thú ra nhiều nhất để đi kiếm ăn.

Những điểm tham quan từ gần tới xa: cây tùng 300 năm tuổi đi khoảng 700 m; cây gõ bác Đồng 700 năm tuổi đi 5 km; bến Cự, thác Trời đi 12 km; bàu Sấu đi khoảng 12 km; cây si trăm thân cách 16 km; trụ sở vườn, di chỉ khảo cổ Cát Tiên cách 20 km.
Cây tùng 300 năm tuổi ở Nam Cát Tiên. Ảnh: Saru.

Để tham quan rừng bạn có thể thuê xe đạp tới các điểm với giá 30.000 đồng một giờ. Trước khi đi bạn nhớ chuẩn bị nước, mỗi người khoảng một lít vì trong rừng không có hàng quán.

Ngoài ra, ở đây còn có lựa chọn thuê dịch vụ xe chuyên dụng chở đi, nên liên hệ ban quản lý để hỏi giá vé.

Ăn uống

Thức ăn trong nhà hàng bán giá khá cao, nên bạn có thể tự mang đồ hộp, đồ chế biến sẵn, do trong rừng không cho nấu nướng. Du khách cũng nên chuẩn bị đồ ăn sẵn vì khi vận động nhiều trong rừng sẽ rất nhanh đói.

Lưu ý khi đi rừng

Bạn nhớ mang theo tất chống vắt, áo mưa, đèn pin, không đi giày cao gót, quần short, dùng nước hoa vì sẽ thu hút côn trùng. Đặc biệt, du khách cần mang nhiều nước uống và nhớ sử dụng thuốc chống vắt và muỗi.

Bùi Ngọc Hà

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Trải nghiệm xem xiếc và ăn nhộng giòn ở Siem Reap

Tham gia tour ẩm thực đường phố với các chuyên gia, lạc vào khu phố mua sắm hay thưởng thức buổi diễn xiếc đặc sắc ở rạp Phare là những trải nghiệm du khách dễ dàng có được khi lưu lại Siem Reap một ngày.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia

Dưới đây là lịch trình gợi ý khi bạn chỉ có 24h để khám phá xứ sở chùa tháp Siem Reap, Campuchia.

8h: Tìm hiểu ẩm thực

Ẩm thực đường phố Campuchia cũng phong phú, đa dạng không kém ở các nước lân cận như Thái Lan hay Việt Nam. Một buổi sáng du khách có thể dạo bước và khám phá các chợ trong thành phố cũng như những hàng quán bày bán đồ ăn ngay trên đường cùng đầu bếp Steven Halcrow hay nhà văn Lina Goldberg. Đây là hai nhân vật cùng trải nghiệm với bạn trong tour ẩm thực Siem Reap, giá tour là 75 USD một người.
Món num banh chok, một gợi ý trong tour ẩm thực Siem Reap.

Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn độc đáo như bánh pancake với sốt cá nướng kẹp cùng dưa chuột muối, bánh bao kem dừa, súp sữa đậu với bí ngô... Những món đậm đà hương vị địa phương như num banh chok, bún gạo với cá nấu dừa, gà nấu thảo mộc cũng rất hấp dẫn. Bạn còn được tới thăm một ngôi làng mà rất nhiều gia đình làm bún, mì bằng tay và các dụng cụ thủ công.

14h: Mua sắm thả ga

Minh chứng cho sự sống động của Siem Reap chính là khi du khách tới đây thấy thành phố có vô số cửa hàng. Bạn có thể mở màn cuộc chơi mua bán ở Pop-Up, chủ cửa hiệu lưu niệm này là một người Australia yêu thích các thiết kế mang phòng cách của vùng Scandinavia. Tiếp đó du khách đi qua ba khu nhà tới Kandal Village, một tổ hợp bao gồm cả cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và spa.

Đến với Trunkh, du khách có thể tìm các món đồ lạ như quần áo vải bông họa tiết táo bạo, sarong lụa họa tiết rồng, và cả biển hiệu cũ vẽ bằng tay. Nhà thiết kế Campuchia Sirivan Chak Dumas làm chủ một cửa hiệu cùng tên trưng bày những bộ cánh giá cả vừa phải mà kiểu cách, làm từ liệu bông, lụa... Nếu ghé qua Neary Khmer, bạn có thể lựa chọn những tấm lụa đắt tiền (giá từ 7 USD một mét) và đặt may đồ luôn.

16h: Khám phá thế giới chợ

Nạp lại năng lượng cho ngày lang thang Siem Reap, bạn hãy thưởng thức đồ uống Litter Red Fox Espresso. Một ly cà phê espresso pha đủ sữa đường có giá 2,5 USD. Sau đó, du khách đi về phía bắc qua hai khu nhà tới đường Oum Khun để khám phá một chợ Campuchia. 40 gian hàng bán đủ thể loại hàng hóa, từ khăn lụa, ví, tập tài liệu làm bằng chất liệu tái chế, cho đến những đồ nhuộm màu tự nhiên.

17h30: Thưởng thức đồ lạnh

Du khách hãy tới Glasshouse Deli.Patisserie, quán làm kem thuộc loại ngon và nổi tiếng ở Siem Reap. Tại đây, bạn có thể chọn kem socola đen hoặc thử các hương vị kem tự nhiên như quế, sả và dứa dại. Giá một cây kem là 2 USD.

19h: Giải trí đêm

Một vé xem xiếc ở Phare giá từ 18 USD sẽ cho bạn tha hồ tìm hiểu từ rạp hát, âm nhạc, điệu nhảy, truyện cho tới nghệ thuật xiếc trong một buổi biểu diễn công phu. Nếu du khách chọn chỗ ngồi tốt và bao gồm một chai nước lạnh, vé có giá 35 USD. Nhớ giữ lại vé vì khi ra về bạn có thể tới cửa hàng thủ công, quán cà phê trong Phare để mua đồ.
Buổi diễn xiếc sống động làm cho đêm duy nhất ở Siem Reap của bạn thêm đáng nhớ.

21h30: Ăn tối muộn

Thuê một chiếc tuk tuk giá 2 USD để tới Marum, một nhà hàng nhân viên là các thanh thiếu niên khuyết tật người Campuchia do tổ chức quốc tế Friends điều hành. Xu hướng trong thực đơn là những món mặn kiểu Tây Ban Nha và món Campuchia nhưng phong cách chế biến sáng tạo.

Du khách có thể chọn món nhộng giòn cùng salad xoài xanh cay giá 4,5 USD, cuộn ớt nướng, bơ sữa dê và me chile giá 4 USD. Món chính của bữa ăn, bạn hãy gọi thịt bò xào với nước sốt đặc biệc, kèm rau muống với giá 6 USD. Để kết thúc bữa ăn cuối ngày, du khách hãy thưởng thức món tráng miệng là bánh Kampot với siro chanh leo giá 5,5 USD.

Hương Chi (theo New York Times)

Lý do Angkor Wat là điểm đến hút khách nhất thế giới

Bề dày lịch sử, kho tàng giá trị văn hóa, nghệ thuật cùng số lượng du khách tham quan nhiều nhất năm 2014 đưa Angkor Wat đứng đầu trong danh sách 500 điểm đến của trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia
 

Angkor Wat là một công trình kiến trúc của đế quốc Khmer, cai trị trong khoảng thế kỷ 9 - 13. Khu đền đài của Campuchia này còn là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Khoảng hơn hai triệu du khách tham quan Angkor Wat vào năm 2014.


Toàn bộ khu Angkor Wat có diện tích khoảng 200 ha. Các đền Angkor đều nằm bên trong Công viên khảo cổ Angkor, nơi quy tụ nhiều công trình tôn giáo khác của người Khmer xây dựng trong thời gian thế kỷ 9 - 15.


Không chỉ là trung tâm tôn giáo, Angkor Wat còn là "ngôi nhà chung" của nhiều dân địa phương vì một số làng mạc vẫn nằm trong Công viên khảo cổ. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông.


Mỗi đền đều có những kiểu thiết kế thờ riêng nhưng vẫn tập trung vào đời sống thường ngày. Ví dụ như đền Bayon, có những chi tiết đặc tả hình ảnh gia đình làm cơm tối, đàn ông uống rượu, phụ nữ lao động. Bayon có 37 ngọn tháp trang trí bằng 216 khuôn mặt khác nhau.


Ta Prohm là một trong những đền thuộc Angkor Wat được du khách và nhiếp ảnh gia săn hình nhiều nhất. Ngôi đền gần như bị nuốt chửng bởi rừng già, những cây lớn bao phủ lên đền bằng lớp rễ khổng lồ tạo nên một vẻ đẹp đầy bí ẩn và kỳ lạ.


Ban đầu, Angkor Wat được xây dựng để thờ Vishnu, một vị thần Hindu. Sự rộng lớn của công trình còn được nhiều người mô tả như thiên đường nơi hạ giới. Mặc dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng những ngôi đền trong quần thể vẫn gìn giữ được vẻ đẹp và thường xuyên có người đến thờ cúng.


Tổng cộng trong quần thể Angkor Wat có hơn 3.000 bức chạm khắc Asaparas - một nữ thần Hindu có 37 kiểu dáng khác nhau.


Angkor Thom là một công trình kiến trúc đồ sộ khác với diện tích khoảng 10 km2 và có tường thành bao bọc. Nơi đây từng được biết là thành phố lớn nhất thế giới vào thế kỷ 12.


Không ai rõ vì sao một khu tôn giáo lớn như Angkor Wat lại từng bị lãng quên. Có giả thuyết cho rằng do sự chuyển đổi tôn giáo từ Hindu sang đạo Phật vào khoảng thế kỷ 13, 14. Số khác lại nghĩ các nguồn và hệ thống nước công phu ở đây bị hỏng dẫn tới con người phải di chuyển đến những vùng đất khác.


Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ phương Tây mới lại tìm hiểu về quần thể đền đài này và đưa vào khôi phục trong khoảng các năm 1907 - 1970. UNESCO công nhận Angkor Wat là di sản văn hóa thế giới năm 1992.

Hương Chi (theo Business Insider)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Những điều thú vị về thiên đường Maldives

Maldives do một hoàng tử bị trục xuất sáng lập. Trước khi là nước Hồi giáo, quốc đảo này từng theo đạo Phật.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Maldives 03 Tháng tư 2014

Quốc đảo Maldives nằm ở giữa Ấn Độ Dương, được tạo thành từ 1.190 đảo san hô kéo dài hơn 90.000 km2. Maldives có 90% diện tích là nước biển và sở hữu nền văn hóa 3.000 năm tuổi cùng một hệ thống giáo dục hiện đại. Dưới đây là nhiều điều thú vị khác.

Maldives do một hoàng tử bị trục xuất sáng lập

Maldives là một chuỗi đảo gồm nhiều đường giao thương quan trọng. Những người đầu tiên chính thức định cư ở các đảo này đến từ Ấn Độ khoảng năm 269 trước Công Nguyên. Tương truyền nơi đây, khi xưa chưa có chính quyền mà chỉ là một cộng đồng người yêu chuộng hòa bình, thờ mặt trời và nước. Vương quốc đầu tiên do con trai vua Kalinga, Ấn Độ là hoàng tử Sri Soorudasaruna Adeettiya lập nên. Nhà vua không hài lòng với người con trai nên đày anh đến Maldives, còn được gọi là Dheeva Maari. Lịch sử thời sơ khai của Maldives pha lẫn với truyền thuyết. Các vị vua thời xưa chủ yếu được biết đến qua những lời kể.

Nội các họp dưới đáy biển

Biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đang đe dọa đến sự tồn vong của Maldives. Một số hòn đảo phải di dân do tình trạng nước biển dâng, xâm lấn nguồn nước ngọt. Để thu hút sự chú ý tới mối lo ngại này, tổng thống Mohamed Nasheed chuyển cuộc họp nội các tháng 10/2009 xuống biển. Tổng thống và 13 thành viên chính phủ đeo thiết bị lặn, ngồi làm việc trên bàn được kê dưới đáy biển.
Tổng thống Mohamed Nasheed trong cuộc họp nội các năm 2009. Ảnh: Telegraph.

98% người trưởng thành biết chữ

Maldives tự hào có tỷ lệ 98% người trưởng thành biết đọc viết, một bước nhảy vọt so với 70% năm 1978. Cư dân sống rải rác trên khoảng 200 đảo. Bởi vậy hệ thống giáo dục đồng nhất rất khó khăn. Với 35% dân số dưới 18 tuổi, giáo dục là chìa khóa giúp họ có tương lai tươi sáng. Dưới sự giúp đỡ của UNICEF, Maldives triển khai hệ thống giáo dục đồng nhất từ năm 1978. Họ xây dựng Trung tâm giáo viên, sử dụng internet để giảng dạy từ xa. Kết quả, 100% trẻ em được học tiểu học. Trong khi đó theo thống kê của Bộ giáo dục Mỹ, trong vòng 10 năm qua, nước này vẫn có tới 14% dân số mù chữ.

Maldives từng là quốc gia Phật giáo

Du khách đến Maldives đều phải tuần thủ các quy định địa phương và truyền thống Hồi giáo. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ban đầu Maldives là một quốc gia theo đạo Phật. Đến thế kỷ 12, Maldives chuyển thành quốc gia Hồi giáo khi những người đàn ông đạo Hồi theo các thương gia tới đây. Vào thế kỷ 16, quần đảo thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Họ cố gắng truyền bá đạo Thiên chúa nhưng thất bại. Luật pháp quy định Tổng thống và thành viên nội các phải là người Hồi giáo.

Sinh vật biển phong phú

Ở nhiều nơi, mỗi tour xem cá voi phải mất hàng giờ trên thuyền chỉ để xem một hai chú cá voi, kém may mắn là còn không thấy. Trong khi đó, du khách có thể ngắm cá voi tại bất kỳ địa điểm nào ở Maldives với số lượng 1.500 đến 2.500 con cá voi và cá heo. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, có khoảng 10 – 12 loài cá voi và cá heo sống quanh các rạn san hô. Một bầy cá voi có thể lên tới 200 cá thể. Maldives còn nổi tiếng với loài lớn nhất thế giới – cá mập voi, dài từ 5,5 đến 10 m.
Bơi cùng cá mập voi ở Madives. Ảnh: wp.

Cấm sử dụng đồ uống có cồn ngoài các khu nghỉ dưỡng

Du khách đến Maldives phải tôn trọng và tuần thủ các quy định đạo Hồi truyền thống. Đồ uống có cồn bị cấm, chỉ được sử dụng trong khuôn viên các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhập khẩu các đồ cấm như thịt lợn và chế phẩm từ thịt lợn là phạm pháp. Trong suốt tháng Ramanda, du khách phải tránh ăn uống và hút thuốc lá ở nơi công cộng. Ngoài ra, khỏa thân và bán khỏa thân ở các bãi biển hay cả trong khu nghỉ dưỡng đều không được phép.

Quất roi trừng phạt kẻ ngoại tình

Những kẻ ngoại tình sẽ bị đưa ra trước công chúng và đánh bằng roi. Trên thực tế, phần lớn người bị quất roi là phụ nữ. Theo thống kê năm 2006, 184 phụ nữ bị quất roi và chỉ có 38 người là nam giới. Hầu hết đàn ông khi bị cáo buộc đều phủ nhận và được tha. Năm 2009, một bà mẹ trẻ 18 tuổi bị quất roi 100 lần và phải nhập nhập viện. Cô không nhận tội nhưng bị cáo buộc vì có thai. Hai người đàn ông liên quan đến cô gái lại được xử vô tội.

Tôn giáo cực đoan

Người dân Maldives nổi tiếng không khoan dung với những ai xúc phạm tôn giáo của họ. Du khách nên chú ý nếu không muốn bị phạt tù. Những tội danh như buôn bán thuốc phiện, mang bất kỳ thần tượng tôn giáo nào khác, tranh ảnh khiêu dâm hoặc đồ uống có cồn đều bị trừng phạt. Quan hệ đồng tính cũng có thể bị đi tù. Hiến pháp Maldives năm 1997 quy định công dân nước này phải là người đạo Hồi, không chấp nhận bất kỳ tôn giáo nào khác. Nếu thay đổi tôn giáo, đồng nghĩa với việc mất quyền công dân.

Tin vào bùa chú

Đa số người dân Maldives có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh siêu nhiên, bao gồm cả việc dùng bùa chú. Vào tháng 9/2013, một quả dừa non bị cảnh sát thu giữ sau khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện bên ngoài một địa điểm bầu cử tổng thống, có ý đồ giàn xếp kết quả bầu cử. Dừa là một thành tố thường xuất hiện khi làm bùa chú. Cảnh sát đã mời một thầy phủ thủy thiện tâm tới để kiểm tra quả dừa có đe dọa hay mang thần chú gì không. Thầy phù thủy phán quà dừa vô tội vì không tìm thấy bùa chú gì như lời cáo buộc.

Như Bình (Theo Listverse)

Bài đăng phổ biến