Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Dàn mỹ nhân nóng bỏng "đốt cháy" lễ hội bia Đức

Lễ hội bia Oktoberfest của Đức chính thức khai mạc vào ngày19/9 vừa qua thu hút khoảng 6 triệu du khách trên thế giới tham dự. Đây cũng là một trong những ngày hội bia nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới.
Xem thêm: Lý do khiến du khách phải lòng nước Đức

Đến hẹn lại lên, lễ hội bia Oktoberfest được mong chờ nhất thế giới lại khai cuộc vào tuần cuối tháng 9 hàng năm. Ngày lễ năm nay bước sang mùa thứ 182, diễn ra tại thành phố Munich Đức, kéo dài từ cuối tháng 9 đến hết tuần đầu tiên của tháng 10, dự kiến thu hút khoảng 6 triệu khách. Đây là một trong những ngày hội sôi động đặc biệt hút khách vào dịp mùa thu.

Những người tới dự hội thường sẽ mặc những trang phục truyền thống đặc trưng vùng Bavarian. Ngoài thưởng thức những cốc bia tươi hảo hạng tuyệt ngon, du khách còn được nếm nhiều món ăn truyền thống như xúc xích Đức, thịt chiên, bánh mỳ vòng, thịt hầm, ngồi trong những ngôi lều đúng phong cách Đức. Lễ hội bia được khởi động khi Thị trưởng thành phố đóng vòi vào thùng bia. Tất cả du khách cùng nâng ly chúc mừng cho ngày hội thành công.

Estrada, một kỹ sư của hãng xe BMW tới dự lễ hội hào hứng cho biết, anh yêu thích không khí sôi động và tới dự cả 3 mùa gần đây.. Tất cả mọi người đều mặc đồ truyền thống tạo nên bữa tiệc thực thụ.


Năm ngoái, lễ hội bia tiêu thụ khoảng 7 triệu lít bia, gần 120 con bò, nửa triệu con gà, 50 con bê trong vòng 2 tuần. Năm nay, ngày hội diễn ra trong bối cảnh Đức đang đối mặt với nạn di cư bùng phát. An ninh được thắt chặt kiểm soát hơn nữa, đảm bảo sự an toàn cho người tham dự.


Dàn mỹ nhân dự hội.

Chụp hình selfie



Ngày hội thu hút hàng triệu lượt khách
Việt Hà (Theo DM)

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

4 món ăn đường phố giá bèo nhưng ngon "mê ly" của Lào

Ngoài Lạp và xôi nếp nương, đất nước Lào có nhiều món ăn đường phố giá rẻ với giá dưới 60 ngàn để bạn thoải mái khám phá.

1. Khao Piak Sen

Có vài điểm tương đồng với những tô bún phở Việt Nam khi dùng nước xương ninh hoặc nước luộc gà để làm nên bát Khao Piak Sen. Nhiều khách du lịch quen gọi Khao Piak Sen là “phở Lào” bởi thành phần chính làm nên bát phở là bánh phở, thịt gà, thịt bò hoặc thịt lơn và không thể thiếu nước dùng.

Điều dễ nhận thấy khi ăn phở Lào là nước dùng không cho miếng vỏ quế, vài cánh hồi, gừng và hành khô nướng để tạo mùi thơm như người Việt quen dùng; nước dùng của Khao Piak Sen hoàn toàn lấy vị ngọt thanh từ xương làm chủ đạo để thực khách tùy ý gia giảm. Bạn muốn thêm vị chua, hãy vắt vài giọt chanh vào bát; bạn muốn tăng chút cay, đơn giản là dùng vài quả ớt đỏ.


Không chỉ vậy, phở Lào còn có một rổ rau sống ăn kèm với húng quế, xà lách và đậu đũa tươi cắt khúc chấm mắm. Giá cho một tô Khao Piak Sen chỉ khoảng 10.000 kip (gần 28 ngàn đồng).

2. Tam Mak Houng


Nộm đu đủ xanh trong tiếng Lào là Tam Mak Hoong. Gần giống với món Som Tam của người Thái Lan với thành phần chính là những sợi đu đủ xanh bào mỏng dài, thêm gia vị chanh, ớt, đường, tiêu vừa đủ, sau đó bóp trộn để đu đủ tự ra nước và ngấm đầy đủ vị chua cay mặn ngọt. Tam Mak Houng ngày nay được trộn thêm với một vài miếng cà chua chín đỏ, điểm vài con tôm bóc nõn càng làm cho món ăn thêm bắt mắt và hấp dẫn. Giá cho một phần nộm đu đủ rất bình dân khoảng 10.000 kip (tương đương 28 ngàn đồng).

3. Sai Oua

Sai Oua hiểu một cách đơn giản là xúc xích “made in Lao”. Có hình dáng và cách làm như những chiếc xúc xích quen thuộc, điều đặc biệt trong mỗi chiếc Sai Oua chính là thành phần nguyên liệu và nêm nếm gia vị. Thành phần chính của mỗi chiếc xúc xích Lào là thịt lợn, không thể thiếu sả, gừng, lá chanh, rau mùi, ớt, tỏi và nước mắm. Ăn Sai Oua đúng điệu khi bạn chấm cùng với Nam Cheo - một loại nước chấm làm từ cá và gạo nếp. Giá của một suất Sai Oua cũng rất hợp lý, chỉ khoảng 20.000 kip (khoảng 55 ngàn đồng).

4. Sien Savanh

Thịt bò khô - Sien Savanh là một trong những món ăn vặt rất được yêu thích tại Lào. Thịt bò sau khi được pha thành từng miếng nhỏ sẽ ướp cùng với tương đen, dầu hào, tỏi, tiêu, đường thốt nốt cùng vừng trắng rang chín. Sau khi thịt bò thẩm thấu gia vị, chúng được làm chín và phơi khô dưới ánh nắng chói chang của đất Lào nóng bỏng tạo nên những miếng thịt bò có hương vị rất riêng. Thịt bò khô khi thành phẩm rất phù hợp để uống cùng bia hoặc ăn với một phần xôi nếp. Giá cho một phần bò khô để lai rai chỉ khoảng 10.000 kip (khoảng 28 ngàn đồng).


(Theo Trí Thức Trẻ)

Như thực như mơ ở bãi Tiên

Cách trung tâm TP Nha Trang chưa đầy 10km có một nơi được gọi là bãi Tiên. Điểm đến mới mẻ này hiện thu hút rất đông du khách tìm đến đạp xe, leo núi và ngắm biển vào mỗi chiều muộn.
 


Vẻ đẹp nguyên sơ, hữu tình của bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành

Để tới bãi Tiên, từ trung tâm thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cứ thế chạy xe theo con đường mới nối liền đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng. Gọi là đường mới vì nó không có tên, chỉ là con đường nhựa phẳng lì chạy giữa núi và biển theo hướng bắc của thành phố.

Càng đi, đường càng heo hút. Ấn tượng sau con dốc quanh co là những mái chòi của dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka bị bỏ hoang làm tôi có cảm giác như vừa đặt chân tới ngôi làng của một bộ tộc da đỏ giữa cánh rừng nguyên sinh Amazon.

Tiếp tục hành trình sẽ dễ dàng nhận ra bãi Tiên, một bãi biển hình cánh cung hiện ra trước mắt. Bãi biển ở đây không có cát, mà trải đều những viên đá cuội nhiều hình dáng.

Đứng từ trên cao có thể thấy rõ vẻ mềm mại lẫn hun hút của bãi biển. Đây cũng chính là điểm hẹn hò lãng mạn của những cặp đôi vào mỗi buổi chiều.

Để xuống bãi Tiên, bạn phải men theo con đường đất rậm rạp cỏ cây. Chui qua những búi cây gai sẽ bắt gặp một mép núi chênh vênh, phía dưới sóng biển màu xanh ngọc bích vỗ rì rào.

Ở đây có thể cảm nhận rõ những doi núi lấn ra biển, tạo thành nhiều hốc đá với nhiều hình thù kỳ lạ do sóng và gió bào mòn.

Chiều xuống, bọt biển trắng xóa làm thành lớp sương khói mờ ảo. Đứng từ mép núi này có thể nhìn ra các đảo yến Hòn Cau, Hòn Vung.

Tiếng lành đồn xa, thời gian gần đây bãi Tiên không chỉ là nơi người Nha Trang tìm đến để ngắm cảnh, hẹn hò hay tập yoga, mà còn là điểm đến lý tưởng của nhiều cặp đôi tìm đến chụp hình cưới.

Điều thú vị là thay vì bỏ ra tiền triệu đồng để thuê chụp hình trong những khu resort sang trọng, cô dâu chú rể chỉ mất tiền… gửi xe để thỏa sức sức tạo dáng, hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ.

Những căn chòi của công trình du lịch Rusalka bỏ hoang nhìn từ đường mới - Ảnh: Tiến Thành


Một hẻm núi trên đường xuống bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành


Trải nghiệm cảm giác leo núi bên mép vực - Ảnh: Huyền Trâm


Người dân Nha Trang tập yoga bên đường mới - Ảnh: Tiến Thành


Các cuarơ TP Nha Trang trải nghiệm trên con đường biển và núi - Ảnh: Tiến Thành


Bãi Tiên là nơi lý tưởng chụp hình cưới - Ảnh: Tiến Thành


Rạn san hô dưới vịnh Nha Trang - Ảnh: Tiến Thành


Câu cá dưới bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành


Bạn trẻ chụp hình trên bãi đá cách trung tâm thành phố gần 5km - Ảnh: Tiến Thành

Tiến Thành

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ra đảo Bé Lý Sơn bắt nhum sọ nấu cháo

Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất sau chuyến đi An Bình (đảo Bé Lý Sơn, Quảng Ngãi), tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời ngay rằng có hai điều tôi nhớ nhất, đó là biển xanh, cát trắng và món cháo nhum.

Nhum tươi ngon mới bắt ở biển An Bình - Ảnh: Iris Trương

Nhum (hay còn gọi là nhím biển, cầu gai) phân bố ở nhiều vùng biển nước ta và không phải là món ăn xa lạ, nhưng ra An Bình tự mình bắt nhum rồi nấu cháo để ăn đến no nê thỏa thích, sau khi đã vùng vẫy đến mệt lử trong biển xanh, cát trắng và sự hoang sơ đến ngây dại của nơi này thì không phải ở đâu cũng có thể có được.

Nhum thường sống ở những vùng biển ven bờ nhiều san hô từ Bình Định đến Quảng Ngãi, trong đó những ghềnh đá ven bờ đảo An Bình nổi tiếng có nhiều nhum.

Ra An Bình vào mùa thu hoạch nhum, khoảng từ cuối xuân đến giữa thu, nếu biết bơi và ưa mạo hiểm bạn có thể tham gia bắt nhum cùng thanh niên trên đảo.
Nhum là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và có thể chế biến thành nhiều món: nhum tái chanh, nhum nướng mỡ hành, xúp nhum… Nhưng dễ ăn và phù hợp với mọi lứa tuổi thì chỉ có cháo nhum. Đối với tôi, món cháo nhum đã thưởng thức ở An Bình là món cháo tuyệt vời nhất trong đời tôi từng thưởng thức cho tới hiện tại.

Bắt nhum ở An Bình trông thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Đơn giản vì chỉ cần mặc đồ bơi, mang chiếc kính lặn tự chế giúp nhìn rõ dưới nước, một chiếc móc sắt để cời nhum là bạn có thể bắt đầu lặn xuống và săn nhum.

Chỉ cần men theo các tảng đá nhiều san hô, rong biển là sẽ nhìn thấy những con nhum to chừng bằng quả cam, gai lông tua tủa như những quả chôm chôm màu sắc sặc sỡ đang bám trên đó. Khẽ dùng móc sắt cời con nhum ra, sau đó nhặt vào thúng phao, thế là đã có nhum để chế biến tùy thích rồi.

Trông thì đơn giản thế nhưng cái khó là ở chỗ nếu bắt nhum không cẩn thận bị gai nhum chích vào tay, hoặc bơi lặn không để ý mà giẫm phải nhum thì sẽ rất nhức và buốt. Bởi vậy đòi hỏi người bắt nhum phải khéo léo, cẩn thận và kiên trì.

Nhum ở An Bình chủ yếu là nhum sọ, màu sắc sặc sỡ, đỏ, vàng, cam, trắng đủ loại. Nhum sọ gai ngắn và mềm hơn nên dễ chế biến hơn nhum gai (hay còn gọi là nhum đen), gai cứng và dài hơn.

Nhum bắt về rửa sạch rong rêu, sau đó lấy dao tách làm đôi. Đầu tiên bạn sẽ tưởng đó là một quả cầu rỗng vì phần lớn bên trong con nhum hoàn toàn trống không. Chỉ khi nhìn kỹ vào bên trong bạn mới thấy sát lớp vỏ nhum là những múi thịt lẫn với trứng nhum có màu vàng tươi rất ngon mắt.

Nhẹ nhàng lấy thìa, đĩa hoặc tốt nhất là thanh tre mỏng khều trứng và thịt nhum ra để vào tô.

Trong khi mấy anh em tôi ngồi bệt trên bãi cát gần nhà hì hụi khều trứng nhum - một trải nghiệm rất thú vị mà không phải lúc nào và ở đâu bạn cũng có thể trải qua, thì trong bếp bác chủ nhà nơi chúng tôi homestay đã bắc một nồi cháo hoa tự bao giờ.

Trứng nhum khều xong có thể đem xào qua với gia vị, hạt tiêu, hành phi thơm cho vừa ăn rồi đợi cho vào cháo. Một số người không thích xào thì cứ thế cho vào cháo luôn, vì như vậy sẽ giữ được vị tươi ngon, nguyên chất của nhum.

Đợi đến khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho trứng nhum vào đun cùng cháo. Ủ cháo trong bếp cho ấm, đến khi nào bắc ra ăn thì rắc thêm ít hành hoa nữa cho thơm là có thể bắt đầu thưởng thức.

Bát cháo nhum thơm lừng bổ dưỡng - Ảnh: Iris Trương

Vùng vẫy chán chê trong làn nước xanh trong văn vắt, chạy nhảy chán chê trên những bãi biển cát trắng phau phau gần nhà - những bãi biển đẹp và nguyên sơ đến ngộp thở mà bạn không thể thấy ở nơi nào khác ngoài An Bình - đến khi đã thấm mệt và ngấm lạnh thì trở về ăn cháo nhum là vừa.

Giữa lúc ấy, một bát cháo nhum nóng hổi, thơm lừng làm bạn hồi sức và tỉnh táo cả người.

Cháo nhum chuẩn mực phải là cháo hoa nấu từ gạo chứ không phải từ bột gạo. Lúc múc cháo ra ăn những hạt gạo phải nở bung, nhuyễn, quyện vào nhau, nước cháo có độ sánh và cháo phải có màu hồng hồng vàng vàng của trứng nhum, thơm thơm của hành.

Ăn cháo nhum tuyệt nhất phải ăn với bánh đa nướng. Trong khi chuẩn bị nhắc cháo ra ăn, nhanh tay quạt một vài chiếc bánh đa trên bếp than cho phồng đều, vàng ươm để đến khi mang ra ăn cùng cháo, bánh hãy còn nóng ấm và giòn. Bẻ nhỏ những miếng bánh đa cho vào bát cháo rồi bắt đầu thưởng thức.

Cháo nhum có một vị ngọt mà không loại bột nêm, gia vị hay nước xương nào có thể mang lại được. Vị ngọt thanh, dịu mà lại rất đậm đà. Đồng thời là một hương vị hấp dẫn vô cùng, tươi ngon, thơm nồng như mùi vị từ nắng và gió từ biển xanh bao la.

Xen giữa những thìa cháo là miếng bán đa giòn tan, ăn hoài không biết chán.
Iris Trương

Du khách Mỹ 6 tháng bị Sài Gòn quyến rũ

Chỉ định ở một ngày, nhưng rồi Sài Gòn đã níu kéo David Vann, một nhà văn người Mỹ, suốt 6 tháng với 'những trải nghiệm khó quên'.
Xem thêm: Hoa Osaka vàng rực đường phố Sài Gòn

Rời Sài Gòn, David Vann đã có bài viết chia sẻ trên tờ Guardian của Anh.
David Vann dự định đến một vùng đất ấm áp và sôi động để tránh cái lạnh cắt ca cắt thịt và cảm giác cô đơn mà anh đang phải chịu đựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Anh miêu tả Bắc Kinh nặng nề với bầu không khí u ám, ô nhiễm, không chim chóc mà cũng chẳng còn sự trong lành. Lúc ấy, trong đầu David Vann chỉ nghĩ đến Thái LanPhilippines, nhưng cuối cùng anh lại quyết định chọn Sài Gòn, và chỉ một đêm transit tại đây, trước khi đến Mũi Né thư giãn. Thế nhưng cơ duyên đã khiến anh lưu lại tận 6 tháng và hoàn toàn không hối tiếc với quyết định của mình.
Phố Bùi Viện lung linh dưới ống kính của tác giả.

David Vann vốn không phải là người thích cuộc sống tại các thành phố sôi động, nhưng TP HCM lại là một ngoại lệ. Tuần đầu tiên, đêm nào anh cũng đi nhảy đến sáng và các quán bar và sàn nhảy ở đây không hề có sự phân biệt đối xử. “Từ những năm 1990 cho tới nay thì đây là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm tuyệt như thế này. Sài Gòn dường như không còn khoảng cách giữa những con người. Ai nấy đều thân thiện, đều sẵn sàng nhảy và nâng ly cùng nhau. Tôi đã 48 tuổi, thế mà những người ở đấy, 20-30 hay 40 tuổi, đều chẳng ngại ngần rằng tôi là già nhất. Họ khiến tôi như trẻ lại. Tôi nhảy bò trên sàn, và họ cười rồi quậy cùng tôi. Chẳng còn phân biệt gì cả. Thú thật nhiều năm rồi tôi không được vui như thế. Lúc ấy tôi như một đứa trẻ”.

Là một người Mỹ, sinh ra khi vẫn còn chiến tranh, nên David Vann hiểu được phần nào những dư âm mà chiến tranh để lại. Thế nhưng khi quay lại Sài Gòn, quay lại Việt Nam, David Vann bất ngờ khi không còn thấy sự hận thù khi xưa. “Quân đội Mỹ đã tới đây, đánh bom mảnh đất này, rồi thả cả chất độc da cam. Thế mà người dân nơi này chẳng giận dữ gì khi tôi nói mình là người Mỹ. Tôi đến đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn. Người dân háo hức kỷ niệm ngày chiến thắng chúng tôi, đường phố rực rỡ ánh đèn, ngập tràn sắc hoa. Và họ luôn nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, luôn dành cho tôi những nụ cười”, David Vann chia sẻ.

“Cảm động hơn khi biết rằng rất nhiều người dân nơi này vẫn vất vả từng ngày. Thậm chí trong số họ, nhiều người còn phải cật lực mới có thể tồn tại nhưng họ vẫn mỉm cười mà chẳng bao giờ than vãn như người Mỹ chúng tôi vẫn hay làm. Họ để dành từ thu nhập ít ỏi ấy vun vén cho gia đình, chu cấp cho cha mẹ hay anh em ruột thịt. Họ cũng tự bỏ tiền ra để hàn gắn những nỗi đau từ chiến tranh. Đến đây, tôi mới hiểu thế nào là giá trị gia đình”, anh nói thêm.
Vann và các bạn trẻ Sài Gòn.

6 tháng ở Sài Gòn, Vann được mời đến dự nhiều đám cưới, đám tang và bị chúc rượu rất nhiều, cũng được nếm nhiều món ăn đặc biệt. "Họ mời tôi ăn bằng được mấy món rất sốc như máu của lợn hay trứng vịt mà bên trong vịt con đã hình thành. Tôi cũng bị một vết sẹo do để chân vào ống pô xe máy, cái cảm giác ấy đau đớn vô cùng. Và tôi cũng hiểu được lòng hiếu khách vô bờ bến của người bản xứ. Họ sẵn sàng nhường tôi phòng ngủ, dù tôi khăng khăng chỉ xin nghỉ qua đêm ở phòng khách mà thôi. Họ còn nấu cho tôi ăn những món tuyệt nhất thế gian, với nguyên liệu tôi chưa nghe tên bao giờ”.

Từ một ngày như dự định ban đầu, David Vann đã quyết định ở lại Sài Gòn đến 6 tháng. Khoảng thời gian ấy, anh sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và thiếu tiếng cười. Có lần đi mua sắm, anh gặp một người, thấy vết bỏng trên chân họ và rồi chỉ vào vết bỏng trên bắp chân mình và cả hai cùng người. "Cảm giác ấy thật ngộ nghĩnh. Người Sài Gòn luôn lạc quan, yêu đời, bất chấp cuộc sống của họ còn vô vàn khó khăn. Tôi thực sự khâm phục tinh thần ấy”.

Hồng Hải

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

13 món ăn rất ngon vừa quen, vừa lạ của đất cảng Hải Phòng

Bên cạnh những món quen thuộc như nem cua bể, bánh mì cay, bánh đa cua, bún tôm… thì giá bể, chả chìa, cua rang muối, gỏi rau muống tép sông…là những món ngon ít người biết của quê hương Hải Phòng. 
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Giá bể (giá biển)

Giá bể là món ăn mà không phải ai là người Hải Phòng cũng biết về nó. Giá bể là loài sống ở những bãi bồi ven biển, thường có quanh năm nên cũng có khi người ta gọi nó là giá biển. Giá bể có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn. Chân của nó giống như giá đỗ thò ra ngoài. Giá bể được chế biến phổ biến nhất là giá bể xào và nộm giá bể.


Giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn. Tuy nhiên, với nhiều người thiếu kiên nhẫn thì ăn giá bể rất mất thời gian vì phải tách vỏ từng con một để lấy thịt bên trong.

Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà cũng khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn, có thể cho thêm hành phi thơm lên trên. Giá tiền cho một bát cháo khoái là 10k/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng). Ngoài cháo khoái, bạn cũng có thể thưởng thức thêm món cháo sườn hoặc cháo trai.


Cháo khoái thường được bán vào buổi chiều. Bạn sẽ thấy thật tuyệt khi được thưởng thức một bát cháo khoái vào lúc bụng “ngon ngót” mỗi chiều, nhất là trong những ngày đông lạnh như thế này.

Gỏi rau muống tép sông

Được xem là món ăn chơi cũng giống như những món gỏi khác, nhưng gỏi rau muống tép sông đặc trưng ở chỗ rất dân dã, dễ làm và được ưa chuộng. Rau muống có quanh năm và ở mọi nơi nên việc tìm nguyên liệu cho món này cũng không khó. Cái quan trọng nhất trong món gỏi là sự kết hợp hài hòa các gia vị sao cho thật vừa miệng và hấp dẫn từ bề ngoài cho tới hương vị món ăn.


Tép sông con nhỏ, rửa sạch, để ráo, đem rang chín với một chút dầu ăn. Lạc khô rang chín, xát bỏ vỏ và đập dập, húng quế đem rửa sạch thái nhỏ, ít hoa chuối rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, giã dập, ớt thái sợi, bỏ hạt. Cho tỏi, ớt, nước cốt chanh cùng ít đường, mì chính khuấy đều cho tan. Rau muống, hoa chuối trộn với tỏi ớt chua ngọt, sau đó cho hung quế và tép vào, kế tiếp là lạc rang lên trên. Dùng đũa trộn đều các hỗn hợp. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị giòn giòn rất thú vị từ rau muống.

Cơm cháy hải sản

Nhắc đến cơm cháy, nhiều người thường nghĩ đến Ninh Bình. Nhưng người Hải Phòng không nhất thiết phải đến tận Ninh Bình để thưởng thức món cơm cháy đặc biệt đó. Ngay tại đất Cảng cũng có món cơm cháy, nhưng mang đặc trưng của Hải Phòng: cơm cháy hải sản.


Thực ra cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn, nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Cái lạ của cơm cháy là nếu ăn với loại nước sốt nào sẽ có hương vị của nước sốt ấy, nên nước sốt càng ngon thì ăn với cơm cháy càng ngon. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.

Thơm ngon, không ngán và đặc biệt, có thể ăn đến no. Đó là những điều ẩn chứa trong món ăn lạ miệng nhưng rất bình dân này.

Cua rang "muối"

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra một món ngon Hải Phòng vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải.


Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Ốc xào khế

Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản gồm khế chua, củ nghệ, nắm lá tía tô, vài cái lá lốt, mỡ hành hoa, ốc. Các thứ rau hành gia vị nhặt rửa sạch sẽ, khế thái ngang như những ngôi sao nhỏ rồi bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân.


Cho ít dầu ăn vào chảo, phi thơm đầu hành trắng, cho khế đã vắt khô vào đảo, nêm ít mắm muối và nước nghệ vào đảo đều. Khi khế ngấm mắm muối thì cho ốc đã làm sạch vào đảo thêm vài lượt cho ốc thật nóng và ngấm gia vị. Để món ăn thêm thú vị và béo thơm, người Hải Phòng còn cho thêm chuối xanh xào cùng các nguyên liệu. Bắc chảo ra, cho tía tô, lá lốt và hành thái nhỏ vào đảo đều. Cho ra đĩa, rắc lên ít gừng thái mỏng ăn thật nóng rất ngon. Gắp một đũa, ốc thì giòn và béo, khế chua dịu, gia vị đậm đà, quyện với mùi rau hành và tía tô ngon không thể tả.

Chả chìa

Chả chìa với 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…


Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.


Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng.

Bún tôm

Bún tôm cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Lẩu cua đồng

Món lẩu cua đồng tại Hải Phòng có hương vị đậm đà hơn so với các địa phương khác, do người dân Hải Phòng đặc biệt ưa thích những món ăn chế biến từ cua (gồm cả cua đồng và cua bể). Nguyên liệu chính của món này là cua đồng loại tươi, khi ăn nước lẩu ngọt đậm đà với riêu cua, ăn kèm rau, hành, thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn… Các quán lẩu cua đồng ngon cho bạn lựa chọn: Lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.

Nem cua bể

Nem cua bể được xem là món đặc trưng của thành phố Cảng. Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống ở miền Nam hay của người Hà Nội, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông, nên còn được gọi là nem vuông.


Nhân nem gồm có thịt cua tươi, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, trứng, giá… tẩm ướp gia vị vừa miệng. Một điều cũng rất quan trọng để nem có độ giòn, thơm, chính là loại bánh đa cuốn thường chỉ được đặt làm riêng. Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó khéo léo gói thành hình vuông trông đẹp mắt. Khi ăn, người ta kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Bánh mì cay

Bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, ruốc và tương ớt. Bánh được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Đây là món ăn lót dạ được yêu thích của học sinh - sinh viên. Bánh mì cay được bán phổ biến tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh, quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp ở Chợ Con…

Bánh đúc tàu

Món ăn với cái tên khá xa lạ, nhưng đối với các bạn trẻ Hải Phòng thì đây lại là món ăn quen thuộc. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.


Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Những món chè ấm lòng khi thu se lạnh ở Hà Nội

Bát chè sắn quánh dẻo thơm mùi gừng, chè cốm xanh thoang thoảng hương thơm của lúa non sẽ làm ấm lòng du khách khi thu về.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nếu có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức món chè từ gánh hàng rong hay quán ven đường để cảm nhận mùa thu đang lan tỏa.

Chè sắn

Bát chè sắn nóng hổi cùng vị cốt dừa ngọt, thơm mát mùi gừng rất thích hợp ăn vào những ngày mát dịu. Thường để nấu món này người ta phải ngâm sắn trong nước vo gạo hay nước muối loãng 7 - 8 tiếng để ra hết nhựa rồi mới đem luộc. Sau đó, sắn được thái thành những miếng nhỏ, thêm đường, gừng thái sợi rồi đun trên bếp lửa liu riu. Cho bột sắn dây đã được quấy bằng nước nguội vào khuấy nhanh tay để chè không bị vón cục.
Chè sắn đặc quánh với vị thơm của sắn và dừa hòa quyện. Ảnh: N.Sao

Bát chè sắn có màu nâu nhẹ và hơi quánh, thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận những miếng sắn dẻo quyện cùng sợi dừa giòn, thơm thơm mùi gừng. Bạn có thể thưởng thức chè sắn tại phố Lý Quốc Sư, với giá 15.000 đồng một bát, tuy nhiên quán chỉ bán vào buổi trưa. Buổi chiều bạn có thể ăn ở hàng chè ngay đầu phố Hoa Lư.

Chè cốm

Lang thang trên phố Hà Nội, thưởng thức món chè cốm ngay ở các quán bên đường, cảm nhận vị dẻo, bùi, phảng phất mùi thơm là một trải nghiệm thú vị.
Vào thu, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm rong trên nhiều con phố. Hương cốm thơm len lỏi khắp các ngóc ngách Hà Nội. Ảnh: Lê Thảo

Để chế biến chè này không khó, chỉ cần một chút cốm non, bột sắn dây, đường phèn. Tạt vào quán ven đường, khi gọi, chủ quán mới múc chè từ trong chiếc nồi được ủ ấm, rắc thêm chút dừa nạo sợi nhỏ, trắng tinh điểm trên bát chè xanh mướt, rất bắt mắt.

Chỉ cần hít hà thôi cũng đã cảm nhận cả một không khí mùa thu Hà Nội tràn vào trong huyết quản. Bạn có thể ăn ở chợ Thành Công, phố Đinh Liệt, Ngô Thì Nhậm..., giá 10.000 - 15.000 đồng một bát.

Chè khoai môn

Chè khoai môn ngọt dịu với trân châu, cốt dừa luôn hấp dẫn thực khách. Nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn, chỉ vài củ khoai môn, chút gạo nếp thơm, vài lát gừng cộng thêm sự tỉ mỉ của người nấu.
Bát chè khoai môn sóng sánh với trân châu dai dai. Ảnh: Diệu Kim

Các hạt trân châu dai sần sật, cộng với vị bùi của khoai môn, vị ngọt béo của nước cốt dừa sẽ hấp dẫn bạn. Để thưởng thức, bạn có thể ghé qua phố Lý Quốc Sư hoặc ngõ chợ Nam Đồng, giá khoảng 20.000 đồng một bát.

Bánh trôi Tàu, lục tàu xá

Đây là món ăn khá hấp dẫn giới trẻ mỗi khi thời tiết se lạnh. Bánh trôi Tàu thường là hai viên bột với nhân khác nhau dầm trong thứ nước sóng sánh thơm phức mùi gừng.

Lục tàu xá là chè đậu xanh được nghiền nát và thơm ngát mùi vỏ quýt, có màu vàng óng. Trên màu vàng ươm của đậu xanh điểm xuyết hạt trắng trong của bột năng, chút vàng nâu của vỏ quýt khô.
Bánh trôi tàu được rắc thêm chút lạc rang, ăn rất bùi và ngậy. Ảnh: N.Sao

Bạn có thể thưởng thức những món ăn này ở đường Nguyễn Hữu Huân, giá khoảng 15.000 đồng một bát.

Anh Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Bí quyết nhập cảnh Singapore dễ dàng

Để không bị từ chối nhập cảnh, bạn cần mua vé máy bay khứ hồi, đặt chỗ lưu trú có xác nhận rõ ràng và lên lịch trình chi tiết cho chuyến khám phá đảo quốc sư tử.
Xem thêm: Những chú ý khi đi du lịch Singapore và Malaysia

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn yên tâm tiến vào đảo quốc Singapore.

Chọn ngày hành trình từ 3 đến 4 ngày

Công dân Việt Nam khi nhập cảnh Singapore có thời hạn lưu trú tối đa 30 ngày. Tuy nhiên, diện tích của đất nước này khá khiêm tốn với khoảng 700 km vuông. Do đó, bạn cần đi từ 3 đến 4 ngày là có thể dạo chơi khắp ngõ ngách của đảo quốc. Từ đó, bạn chọn lịch cho phù hợp và đặt vé máy bay khứ hồi. Với hành trình quá dài có thể khiến hải quan Singapore nghi ngờ.

Đặt chỗ lưu trú có xác nhận rõ ràng

Hoàn tất khâu đặt vé máy bay khứ hồi, bạn lên mạng tìm chỗ lưu trú ở Singapore. Với tiêu chí du lịch nghỉ dưỡng, bạn có thể chọn các khách sạn 3 sao với mức giá trên 2 triệu đồng. Nếu đi phượt, bạn chọn dạng “dormitory” (giường tầng) ở các nhà nghỉ với giá từ 500.000 đồng một giường mỗi ngày, có cả bữa sáng.

Ngoài việc cân nhắc chi phí, bạn nhớ chú ý khu vực lưu trú, nên chọn các khu gần trung tâm tài chính như Clarke Quay, Chinatown… và tránh khu nhạy cảm như Geylang. Ở mỗi trang đặt phòng đều có địa chỉ và bản đồ vị trí khách sạn, bạn nên nhấp vào xem trước.

Khi đặt phòng, các trang này đều gửi đến bạn một thư điện tử xác nhận, bao gồm mã đặt chỗ, thời gian lưu trú, giá tiền, tên khách, thông tin liên lạc khách sạn. Bạn nên nhớ các chi tiết này để trả lời chính xác nếu bị hỏi lúc làm thủ tục nhập cảnh.

Lập lịch trình chi tiết

Bạn đã có lịch bay và chỗ lưu trú, bước tiếp theo là lập lịch trình chi tiết. Cách tốt nhất là kẻ bảng và liệt kê những hoạt động tham quan, vui chơi dự kiến từ ngày thứ nhất đến ngày cuối của hành trình. Tương ứng với mỗi hoạt động, bạn ghi rõ chi phí dự trù như giá tiền mua thẻ tàu điện ngầm, giá vé vào cổng tham quan tại mỗi điểm, tiền ăn uống… Từ đó, bạn cộng tất cả các con số là sẽ ra chi phí ước tính cho hành trình du lịch tự túc từ 3 đến 4 ngày ở Singapore.

Chinatown (Khu phố Tàu) tại Singapore lúc nào cũng nhộn nhịp. Ảnh: Andrew Yee.

Chuẩn bị ngoại tệ

Ngoại tệ được sử dụng ở đây là đồng Dollar Singapore với tỷ giá một SGD quy đổi khoảng 16.000 đồng, tùy thời điểm. Nên nhớ, theo quy định của Luật quản lý ngoại hối Việt Nam, khi ra nước ngoài, bạn không được mang theo quá 5.000 USD và 15 triệu đồng tiền mặt. Riêng các loại thẻ tín dụng, bạn được mang theo thoải mái.

Giả sử, theo bảng lịch trình chi tiết có chi phí dự trù là 400 SGD, bạn có thể mua ngoại tệ Singapore với con số đó. Song phòng khi hải quan Singapore hỏi, bạn cần có ít nhất 500 USD. Như vậy, bạn sẽ có 400 SGD và 500 USD mang theo khi qua tới Singapore. Nếu không muốn lỉnh kỉnh hai loại ngoại tệ, bạn cũng có thể cầm theo 1.000 SGD.

In sẵn các loại giấy tờ quan trọng

Trước ngày khởi hành, bạn in ra các giấy tờ quan trọng: giấy xác nhận hành trình bay khứ hồi, thư điện tử có mã đặt phòng, bảng lịch trình chi tiết. Bạn xếp hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng, các giấy tờ đã in và ngoại tệ vào túi xách tay.

Đối với những bạn đi du lịch theo đoàn, nếu là nữ, cần yêu cầu công ty du lịch in sẵn lịch bay, lịch trình tour, thông tin khách sạn lưu trú ở Singapore, số điện thoại của hướng dẫn viên.

Cẩn thận viết không sai sót trên tờ khai nhập cảnh

Vào ngày bay, trên các chuyến bay đến Singapore, các tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn tờ khai nhập cảnh. Nếu quên lấy, khi tới sân bay Changi, ở mỗi nhà ga đều có những chiếc kệ để sẵn các tờ khai.

Trong tờ khai nhập cảnh Singapore, bạn điền thông tin đầy đủ và không bỏ dấu. Họ tên của bạn phải được viết in hoa. Số hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại khách sạn ở Singapore phải được ghi rõ ràng. Bên cạnh đó, số ngày lưu trú, điểm xuất phát trước khi tới Singapore và điểm rời đi sau đó cũng là các thông tin cần ghi rõ.

Ăn mặc chỉnh tề khi nhập cảnh

Bạn cần ăn mặc kín đáo, tránh mặc áo hai dây, áo trễ vai, quần short ngắn hoặc những chiếc quần jean có kiểu rách te tua. Hơn nữa, bạn tránh trang điểm quá đậm, đeo khuyên mũi. Những loại trang phục vừa nêu sẽ khiến hải quan Singapore có cái nhìn dò xét và đặt những nghi ngờ không hay về bạn.

Phan Ngọc Hạnh

Mẹo tìm phòng khách sạn giá rẻ ở Singapore

Chọn mùa thấp điểm hoặc các khách sạn nằm xa trung tâm sẽ giúp bạn đặt được phòng giá rẻ, tiết kiệm chi phí du lịch ở đảo quốc Sư Tử.
Xem thêm: Ngắm Singapore thật khác từ vòng đu quay khổng lồ

Nếu áp dụng linh hoạt các bí quyết dưới đây, bạn còn có thể tìm được phòng giảm giá tới 60%.

Đặt phòng trong thời gian thấp điểm

Một trong những cách dễ nhất để tiết kiệm chi phí ở tại Singapore là lên kế hoạch đi tránh các mùa cao điểm. Bởi thời gian thấp điểm các khách sạn sẽ có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn.

Du khách có thể đặt phòng qua các trang mạng với giá ưu đãi như agoda, booking... Một số khách sạn ở Singapore trong mùa thấp điểm có khi giảm giá phòng tới 60%.

Khoảng thời gian thấp điểm ở Singapore rơi vào tháng 3 - 5 và tháng 8 - 10. Tuy nhiên, bạn nên tránh tháng 9 vì có cuộc đua xe công thức 1.
Du lịch mùa thấp điểm sẽ giúp bạn kiếm được phòng giá rẻ hơn cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Đi vào ngày thường trong tuần

Thời điểm giữa tuần, các khách sạn nhắm vào lượng du khách đi công tác, hội họp thay vì đi nghỉ dưỡng. Vì thế bạn dễ đặt được phòng rẻ trong các khách sạn hơn. Hãy thoải mái với lịch trình đi của mình và chuyển đổi thời gian ở trong lúc đặt phòng. Một điểm khác đáng chú ý là nên tìm các khách sạn chuyên cho người công tác nếu bạn chỉ có thể tới Singapore vào cuối tuần.

Nếu quan tâm tới nội thất và vị trí tiếp cận, bạn sẽ hài lòng vì những khách sạn cho giới doanh nhân nằm khá gần các trạm MRT (tàu điện ngầm), được trang bị nội thất đẹp, trang bị mạng không dây miễn phí, phòng tập thể hình, bể bơi...

Tìm khách sạn nằm xa trung tâm

Singapore, có một số quận đông dân cư với các khách sạn giá vừa tiền cho dân du lịch. Những địa chỉ này bao gồm nhiều phòng giá rẻ vì nằm xa trung tâm, các khu kinh doanh và mua sắm. Tuy vậy, bạn vẫn thấy dễ di chuyển nhờ sự tiện lợi của hệ thống MRT. Hầu như từ các khách sạn du khách chỉ cần đi bộ là tới trạm tàu.

Các quận của Singapore mà bạn có thể tìm khách sạn dạng như trên là Geylang, Changi, Lavender, Little India và Chinatown.

Khi tìm khách sạn ở Singapore trên các hệ thống đặt phòng, ngoài việc tra cứu quận, khu vực (hotel area) thì bạn còn nên xem đánh giá khách sạn (star rating). Để tiết kiệm du khách chọn vào khách sạn có 2 sao với mức giá dưới 100 USD/đêm hoặc dạng hostel (dạng phòng giống khách sạn nhưng cho người nghỉ dài hạn) có 1 sao.

Tìm chuỗi khách sạn giá rẻ giá dưới 100 USD

Nếu du khách muốn có phòng sạch sẽ, nội thất và tiện nghi tốt như mạng không dây miễn phí và dịch vụ giặt là thì hãy thử tìm kiếm với tiêu chí trên. Hiện có 3 chuỗi khách sạn giá tiết kiệm ở Singapore: 81, Gragrance và Santa Grand. Tại đây, họ cung cấp cho bạn hơn 50 khách sạn trên khắp Singapore và hầu hết các phòng có giá dưới 100 USD/đêm.

Tận dụng phòng "rẻ hơn cả rẻ"

Những du khách thông minh rất hay dùng phương pháp này để tìm phòng ở Singapore. Nguồn chỗ ở thay thế này chính là các phòng "đặc biệt" ở hostel. Mọi người nhận xét loại phòng này khá luộm thuộm, ồn ào, thiếu riêng tư và thường dành cho khách "trẻ và có máu phiêu lưu".

Ở Singapore, bạn lại tìm được nhiều hostel sạch sẽ, hiện đại và quản lý tốt. Thực tế, một số hostel còn trang bị nội thất tiện nghi như máy pha cà phê, ghế tắm nắng. Những nơi này có thể đáp ứng nhu cầu của cả khách đi một mình lẫn theo nhóm 4 người. Hầu như loại phòng này chỉ có giá dưới 50 USD/đêm.

Hương Chi

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Mẹo du lịch bụi Singapore với 5 triệu

Nếu đi các điểm tham quan không thu phí, chi tiêu tiết kiệm và săn vé giá rẻ, du khách sẽ có một chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở Singapore chưa đến 5 triệu.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Singapore

Singapore là điểm đến vào hạng đắt đỏ nhất thế giới. Giá tour thường khoảng 9 triệu đồng. Dưới đây là cách để bạn có chuyến du lịch bụi Singapore 4 ngày 3 đêm tiết kiệm nhất với chi phí chưa tới 5 triệu đồng.
Tượng sư tử biển Merlion nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Saru

Vé máy bay - khoảng 2 triệu/vé khứ hồi

50% quyết định chi phí cho chuyến du lịch Singapore của bạn rẻ hay đắt phụ thuộc vào giá vé máy bay và chỗ ngủ.

Để mua được vé máy bay rẻ, bạn hãy lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng, đặt vé càng sớm giá càng rẻ. Hiện nay có nhiều hãng bay giá rẻ thường có chương trình khuyến mãi cuối tuần, bạn hãy canh để được giá vé rẻ nhất. Tham khảo các hãng Jetstar, Vietjet Air, Tiger Air...

Lưu trú - 800.000 đồng/3 đêm

Ở Singapore, khách sạn giá khá cao. Để tiết kiệm bạn nên chọn những nơi có phòng dorm, giường tầng ngủ tập thể. Giá mỗi loại phòng đều khác nhau, tùy điều kiện mà bạn chọn nơi thích hợp với mình. Giá phòng dorm khoảng 250.000 - 400.000 đồng một giường mỗi đêm.

Đi lại tại Singapore - 400.000 đồng

Bạn đừng chọn taxi mà hãy đi tàu điện ngầm MRT và xe buýt. Đây là hai phương tiện rẻ nhất có thể thanh toán bằng một thẻ EZ Link. Thẻ chỉ khoảng 190.000 đồng, trong đó 110.000 đồng là tiền bạn sử dụng, 80.000 đồng là tiền cố định trong thẻ.

Bạn vẫn có thể tiết kiệm hơn nữa khi thuê thẻ EZ Link ở Việt Nam chỉ mất 30.000 đồng rồi nạp thêm tiền, thay vì bỏ luôn 80.000 đồng để mua thẻ dùng một lần đi chơi rồi bỏ. Đối với chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở Singapore, bạn chỉ cần nạp thêm 160.000 - 320.000 đồng là đủ cho việc di chuyển tại đây.

Ăn uống - 1,2 triệu đồng

Tại phố ăn uống ở khu ChinaTown hoặc trung tâm mua sắm có tầng ẩm thực, bạn có thể chọn đồ ăn giá từ 48.000 đến 96.000 đồng cho một bữa, như hủ tíu, cơm gà Hải Nam ... Các món này dễ ăn mà không tốn nhiều tiền. Ẩm thực Singapore không quá đặc biệt, bạn không nhất thiết phải thử những món quá đắt tiền.

Đi du lịch bụi nước ngoài, khách Việt thường mang theo mì gói, vì vừa tiết kiệm, vừa đề phòng không hợp khẩu vị đồ ăn. Đừng ngại không có nước pha mì vì các nhà nghỉ tập thể bên Singapore đều có bếp, tô, chén, muống, đũa, tủ lạnh… để bạn nấu mì. Lưu ý ăn xong nhớ tự động rửa sạch sẽ úp lên kệ. Buổi sáng cứ vào bếp có đầy đủ trái cây, ngũ cốc, bánh mì, sữa, cafe, nước ép… cho bạn ăn uống miễn phí.

Ngoài ra, bạn có thể ra một số siêu thị, quầy thực phẩm, có bán đùi gà, cánh gà chiên, nướng... giá 16.000 đồng. Mua nhiều bạn có thể được tặng thêm, mang về bỏ tủ lạnh tại nhà nghỉ, dán giấy điền tên bạn vào đồ ăn của mình.

Lựa chọn khác cho bạn là cua sốt ớt Chilli crab giá khoảng 560.000 - 800.000 đồng một phần, món này ngon nhất là nước sốt. Để tiết kiệm bạn hãy mua một phần về nhà trọ (ăn được 2 – 3 người) và sử dụng mì gói mang theo ăn kèm với nước sốt.

Ngoài cháo ếch, một đặc sản của Singapore nữa là kem tuyết (đá bào nhiều hương vị), bạn có thể thử ăn, giá khoảng 64.000 - 80.000 đồng một đĩa. Hai người ăn một đĩa là vừa.

Một chai nước suối nhỏ ở đây có giá 32.000 đồng vì phải nhập từ Malaysia. Du lịch bụi đi bộ nhiều, trời nắng, thiếu nước uống sẽ ảnh hưởng lớn tới hành trình. Bạn có thể mang hai chai nước suối không từ Việt Nam qua. Sáng từ nhà trọ, bạn hứng nước đầy hai bình, đi chơi đến đâu, thấy vòi nước công cộng hứng đầy dù bình còn nhiều nước, vì có thể chỗ khác không có vòi.

Điểm tham quan tại Singapore

Các điểm miễn phí:

Khu vườn bên vịnh: ban ngày và ban đêm đều có vẻ đẹp khác nhau nên bạn đừng ngần ngại ghé tới đây hai lần.
Khu vườn bên vịnh vào buổi tối. Ảnh: Saru

Haji Lane: hãy đi bộ để ngắm nhìn những tác phẩm nghê thuật đường phố.

Show trình diễn ánh sáng nghệ thuật và nhạc nước Wonder Full ở Marina Bay Sand, diễn ra lúc 20h và 21h30 mỗi ngày.

Orchard Road: khu mua sắm cao cấp của Singapore, đừng quên ghé nơi này vào buổi tối.

Đường mòn tự nhiên MacRitchie Reservoir và Southern Ridges là một trong những điểm đến xanh ấn tượng nhất Singapore. Đây là địa điểm cho những ai thích vui chơi và hoạt động ngoài trời.

Các điểm tốn phí:

Universal Studio: bạn sẽ được chiêm ngưỡng đại lộ danh vọng Hollywood, tham quan Thế giới khoa học viễn tưởng, nơi có nhiều trò chơi thú vị dành cho người thích mạo hiểm. Vé tham quan khoảng 1,1 triệu đồng.

Thủy cung S.E.A Aquarium có giá vé khoảng 500.000 đồng. Khi bạn đi qua hết khu sứa biển sẽ bắt gặp một hồ cá khổng lồ cùng tiếng nhạc du dương. Lúc này bạn nên ngồi yên lặng và ngắm nhìn những chú cá này.

Flower Dome và Cloud Forest: nhà kính trồng hoa, giá vé 350.000 đồng.

Nhạc nước Singapore Wings of time (đảo Sentosa): giá vé 160.000 – 240.000 đồng.

Du thuyền dạo sông Singapore: giá vé 448.000 đồng. Singapore ban ngày và ban đêm hoàn toàn khác biệt nên bạn đừng vì tiếc tiền mà bỏ qua việc đi thuyền đêm này.

Nếu chỉ tham quan những điểm không tốn phí thì bạn chỉ tốn chưa tới 5 triệu đồng. Còn nếu đi tham quan các điểm thu phí, bạn có thể phải tốn hơn 7 triệu đồng.

Lưu ý: Tỷ giá một đô la Singapore (SGD) tương đương 16.000 đồng.

Bùi Ngọc Hà

Kinh nghiệm cho người đi Maldives theo kiểu bụi

Có người bảo đi Maldives là phải ở resort trên biển mới xứng đáng, nhưng nếu không có nhiều tiền cũng chả sao, đi bụi cũng có cái hay riêng.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Maldives

Với tiêu chí là ngon bổ rẻ nên đi Maldives bạn có thể lựa chọn ở ngủ khách sạn bình dân, ăn uống đơn giản, mua tour đi đảo trong ngày.... Nếu biết cách sắp xếp lịch trình, bạn vẫn có một chuyến đi thoải mái, tiết kiệm và đặc biệt là trải nghiệm nhiều hơn hẳn. Điều được nhất là bạn được gặp gỡ, nói chuyện và sống với người dân Maldives thân thiện, hiền hậu vui tính dễ gần. Tổng chi phí cho chuyến đi chưa đến 1.000 USD cho khoảng một tuần.

Visa

Đến Maldives không cần visa, mọi người cần in vé máy bay và booking khách sạn ra sẵn để phòng khi nhập cảnh được hỏi thì đưa.

Vé máy bay

Nếu mua được vé rẻ thì tiết kiệm được nhiều. Mọi người có thể canh vé rẻ của AirAsia hoặc Tiger Airways. AirAsia sẽ nối lại đường bay đến Male từ tháng 10 (hiện có vé khứ hồi khoảng hơn 8 triệu đồng/người bay từ Hà Nội cho năm 2016) còn Tiger Airways thì sẽ phải mất một đêm transit ở Singapore. Thỉnh thoảng, Singapore Airlines hay Bangkok Airways (bay từ Bangkok) cũng có khuyến mãi. Bạn nên xác định đi chơi rẻ và canh vé rẻ thì phải tính kế hoạch dài hạn.

Ăn ở

Thường thì bạn sẽ phải ở lại thủ đô Male một đêm hoặc là lúc vừa đến hoặc là lúc từ đảo về... Male nhỏ, khách sạn không rẻ, phòng bèo cũng 50-60 USD và rất sơ sài. Ở Male thì tranh thủ đi bộ lòng vòng xem chợ cá, chợ trái cây, đền Hồi giáo cũng như cuộc sống của thủ đô nhỏ xíu này. Từ sân bay vào Male rất dễ, chỉ cần vác ba lô ra phía trước sân bay là gặp bến phà, mua vé phà chưa tới 1 USD.

Đảo Maafushi là nơi ở của đa số dân ba lô khi đi Maldives. Bạn có thể thuê cano riêng ra đảo nếu đi nhóm đông hoặc đi phà công cộng. Phà công cộng đi theo lịch, theo giờ với giá 2 USD/người, đi mất gần 2 tiếng trong khi đi cano chừng 35 phút. Giá thuê cano một lượt từ Male đi Maafushi chừng 170 USD. Maafushi có nhiều khách sạn nho nhỏ, giá cả cũng từ 50 USD trở lên. Tuy nhỏ nhưng họ bố trí và decor rất sạch sẽ và đẹp mắt. Bạn có thể chọn khách sạn Masaaree Boutique Hotel phục vụ tốt.

Các hoạt động cho dân đi bụi

Ở Maafushi thì biển không đẹp khi so với các đảo có resort sang hay các đụn cát (sand bank), có duy nhất một bãi tắm nhỏ được che lại cho du khách tắm vì ở Maldives chỉ có nơi đây cho phép du khách mặc bikini còn lại thì không vì phải theo luật đạo Hồi - quốc giáo của Maldives. Hằng ngày, bạn có thể tắm biển ở đây, lang thang trên các con đường nhỏ nhưng sạch sẽ và yên bình để ngắm những cổng nhà đủ màu sắc của dân bản địa rồi ăn uống ở vài nhà hàng nơi đây.
Hãy mua tour đi chơi hằng ngày, bạn sẽ tiết kiệm mà vẫn được đến những địa điểm nổi tiếng ở Maldives.

Tại đây có nhiều tour hằng ngày cho du khách. Bạn có thể mua tour đi lặn ngắm cá và san hô, mua tour đi tắm biển ở sand bank, mua tour đi xem cá heo hay tham quan các resort gần đó tùy resort sang trọng mức nào, xa gần ra sao mà có giá khác nhau. Nếu đi đông thì giá sẽ rẻ hơn đi ít. Nếu bạn đi từ 8 đến 10 người có thể làm tour riêng theo ý mình và mặc cả giá. Người Maldives thân thiện, hiền hậu nên bạn không phải lo lắng. Tour sand bank và lặn biển rất nên đi vì không ở đâu có sand bank đẹp như ở Maldives. Có một điều thuận lợi khi ở Maafushi là giá tour luôn rẻ hơn gấp nhiều lần so với khi bạn mua tour ở resort sang trọng. Nếu ko biết lặn thì snorkeling cũng được vì cá và san hô ở Maldives rất tuyệt.

Maafushi không có nhiều lựa chọn về hàng quán nên cứ thoải mái thử hết các quán trong thời gian ở đây. Bạn có thể ăn buffet với giá khoảng 10 USD/người.

Bình minh và hoàng hôn ở Maafushi khá đẹp, nhớ dành thời gian đi ngắm những khoảnh khắc rất đẹp này.
Một góc ở thủ đô JMale của đảo quốc Maldives.

Đổi tiền

Bạn không cần đổi tiền Maldives vì ở đây có thể tiêu bằng USD nhưng nên nhớ là họ chỉ nhận tiền mới. Tiền cũ và bẩn sẽ bị trả lại. Nên đổi một ít tiền USD lẻ và còn mới để tiêu cho dễ.

Thời tiết

Nhớ tránh tháng 6 và tháng 7 vì đây là mùa mưa ở Maldives, còn lại thì đa số là nắng đẹp.

Thiện Nguyễn

Bài đăng phổ biến