Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Vẻ đẹp miền núi phía Bắc Việt Nam trên báo nước ngoài

Bộ ảnh Việt Nam của nhiếp ảnh gia Rehahn được trang Boredpanda đăng tải, chủ yếu xoay quanh con người và phong cảnh ở vùng núi phía Bắc.
Xem thêm: Việt Nam qua những tấm hình siêu rộng


Miêu tả về Việt Nam, trang Boredpanda viết nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hút khách trong hơn thập kỷ qua với người dân thân thiện, phong cảnh hoang sơ và nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Trên hình là dòng sông Nho Quế nhìn từ đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang.

Bắt nguồn từ cảm hứng đó, nhiếp ảnh gia Pháp tiếp tục thực hiện hành trình 12 ngày khám phá miền núi phía bắc Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng... Trên hình là một phụ nữ Dao Đỏ.


Cụ ông Lùng Leo Phố, 78 tuổi, dân tộc La Chí. Trò chuyện với Rehahn, ông cho biết mình phải dành nhiều ngày để dẫn nước về nhà bằng những đường ống làm bằng tre.


Từ ngọn núi cao lớn đến ruộng lúa xanh rì hay ánh nhìn thơ ngây của trẻ em dân tộc, Rehahn đã mang đến cho người xem vẻ đẹp ẩn giấu của đất nước Đông Nam Á này. Đây ảnh là hoàng hôn trên ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.


Lân Thị Lợi là một bé gái dân tộc Lô Lô Đen. Em sống ở một ngôi làng nhỏ, gần Bảo Lạc (Cao Bằng). Em không biết nói tiếng Kinh vì em không đi học.


Hai chị em đang chơi đùa ngay bên cạnh đường.


Cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang.


 chị em dân tộc Mông đang ăn cơm trưa.


Ngôi nhà chênh vênh trên cao nguyên đá.


Với những bức hình ghi được sau chuyến đi, anh đang lên kế hoạch cho cuốn sách ảnh sắp tới của mình về hơn 50 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trước đó, anh từng cho ra mắt cuốn sách ảnh "Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản".

Vy An - Ảnh: Rehahn

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

6 địa điểm lãng mạn liên tục xuất hiện trong phim Hàn

Cũng chính nhờ những thước phim đẹp đẽ được quay tại các danh thắng này mà lượng khách du lịch đến Hàn Quốc ngày càng tay.
Xem thêm: Những khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc
Du lịch Hàn Quốc ngày càng phổ biến đối với du khách nhờ một phần những bộ phim truyền hình lãng mạn. Những thước phim đó đã làm rất nhiều khán giả thích thú và muốn được ghé thăm nơi mà diễn viên họ yêu thích từng đóng phim. Dưới đây là danh sách 6 điểm thăm quan ở Hàn Quốc thường xuất hiện trên phim thu hút rất đông lượng khách du lịch.

Tháp Namsan


Tháp Namsan không chỉ là biểu tượng nổi bật ở Seoul mà còn là một trong 5 điểm tham quan thường xuất hiện trên phim Hàn Quốc. Nơi được quay nhiều nhất là cáp treo, đài quan sát và khu vực dưới chân tháp. Khi leo lên tới đỉnh, du khách sẽ nhìn được toàn cảnh thủ đô Seoul và các khu vực lân cận khác.

Các bộ phim tiêu biểu: My girl, Vườn sao băng, Hoàng tử gác mái…

Đảo Jeju


Đảo Jeju quyến rũ du khách không chỉ bằng cảnh sắc tuyệt trần mà còn vì là địa điểm quay nhiều bộ phim nổi tiếng. Các địa điểm ở Jeju thường được ưu ái đưa lên màn ảnh là bờ biển Yongmeori lộng gió, ngọn hải đăng gần khách sạn Pyoseon Haevichi, trường đua ngựa, cánh đồng hoa cải.

Các bộ phim tiêu biểu: Chuno, Iris, Vườn sao băng, Tôi là Kim Sam Soon, Nàng Dae Jang Geum...

Gwanghwamun


Gwanghwamun là một thành phố lịch sử 600 năm tuổi cổ xưa ở Hàn Quốc. Đây là nơi ở của Sejong Đại đế và Đô đốc Yi Sun Shin. Khi dừng chân tham quan nơi này trong chuyến du lịch Hàn Quốc, du khách sẽ thấy được bức tượng vua Sejong đang ngồi rất hoành tráng ngay trung tâm quảng trường Gwanghwamun.

Các bộ phim tiêu biểu: Iris, Queen In Hyun’s Man…

Làng dân gian Hàn Quốc


Làng dân gian Hàn Quốc là nơi còn lưu giữ rất tốt lối sống của người dân địa phương trong triều đại Joseon. Vì thế, nó là một điểm tham quan thường xuất hiện trên các phim Hàn lấy bối cảnh trong triều đại Joseon. Du khách sẽ được thấy những ngôi nhà truyền thống và vật dụng sinh hoạt hàng ngày được bảo quản rất cẩn thận, còn khá nguyên vẹn.

Các bộ phim tiêu biểu: Jumong, Sungkyunkwon Scandal, The Moon Embracing The Sun…

Petite France


Lấy cảm hứng từ câu chuyện “Hoàng tử bé” nổi tiếng, Petite France là một ngôi làng mang phong cách Pháp với khu vườn cây xinh đẹp ở Hàn Quốc. Không khí nơi này rất thoáng đãng, mát mẻ vì được xây trên một ngọn đồi. Làng Petite France có thể chứa tối đa khoảng 200 khách du lịch với 34 phòng. Ngoài ra, nơi này còn có cửa hàng bán hương liệu, cửa hàng lưu niệm và một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc về Gà trống Gallic - biểu tượng của nước Pháp.

Các bộ phim tiêu biểu: Khu vườn bí mật, Bản giao hưởng định mệnh, Vì sao đưa anh tới…

Vườn bách thảo Byeokchoji

Nằm ở ngoại ô Seoul, vườn bách thảo Byeokchoji là nơi bảo tồn các loài thực vật quý hiếm của Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Khi ghé tham quan nơi này, du khách sẽ được thưởng thức món ăn và nước uống làm hoàn toàn từ thảo mộc ở nhà hàng trong vườn bách thảo này. Khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ở đây chính là bối cảnh được nhiều đạo diễn lựa chọn để quay phim.

Các bộ phim tiêu biểu: Cô nàng đẹp trai, 49 ngày, Thợ săn thành phố…

Chuseok - Tết Trung thu cổ truyền của người Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngày Tết lớn nhất và quan trọng nhất trong năm không phải là Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, mà là Tết Trung thu.

Xem thêm: 8 lễ hội hoa cải nổi tiếng ở Hàn Quốc

Khi những cơn mưa và những đợt nóng gay gắt thất thường cuối cùng của mùa hè kết thúc, cả đất trời Hàn Quốc bắt đầu chuyển mình đẹp dịu dàng trong nắng thu và mọi người náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok - một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất tại Hàn Quốc.

Tết Trung thu là thời điểm mà nhà nhà đều vào vụ thu hoạch. Lương thực và hoa quả đầy nhà, sung túc. Sau Trung thu thì Hàn Quốc bước vào mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt, lương thực chỉ còn là những gì đã chuẩn bị được từ mùa thu.

Điều kiện khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người Hàn Quốc. Do đó, trong xã hội hiện đại ở Hàn Quốc, ngày Tết Trung thu người người đều phải về quê xum họp với đại gia đình, trong khi ngày Tết Nguyên đán thì người Hàn Quốc có thể về quê hoặc không nhất thiết phải về quê.

Cũng giống như Việt Nam và các quốc gia Á Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, ngày Tết Chuseok (Tết Trung thu) ở Hàn Quốc cũng diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, mỗi quốc gia dựa trên những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa khác biệt, đều chỉ mượn chiếc bình hình thức để thay vào đó những men rượu riêng, thể hiện tinh thần và sức sống nội tại của riêng mình.

Ở Việt Nam Tết Trung thu ban đầu là tết của người lớn để mừng mùa màng bội thu, cúng tổ tiên rồi dần dần được chuyển thành Tết dành cho thiếu nhi, nhưng ngày tết này lại không được công nhận là ngày nghỉ lễ chính thống. Trái lại, ở một đất nước công nghiệp “tham công tiếc việc” như Hàn Quốc, mọi người sẽ được nghỉ tới 3 ngày để nghỉ ngơi và chuẩn bị đón chào ngày Tết Chuseok.

Trong ngày đầu tiên nghỉ Tết Trung thu ở Hàn Quốc, hàng triệu người từ thủ đô Seoul đổ về quê tạo nên nạn tắc đường khủng khiếp (thường là thời gian di chuyển gấp 3-4 lần so với ngày thường) và người Hàn Quốc gọi hiện tượng này là cuộc đại di dân.

Nguồn gốc của ngày Chuseok

Từ Chuseok có nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” để ám chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nữa. Nguồn gốc của Chuseok vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng Tết Chuseok còn có những tên gọi khác như Hangawi, Gabae - ngày Gia bài (tương truyền vào thời Shinla, đến ngày này, nhà vua thường tổ chức cho các công chúa chơi trò chơi thi dệt vải trong cung điện, ai thua sẽ phải chuẩn bị các tiết mục múa hát và các món ăn).

Những hoạt động trong ngày Chuseok

Charye


Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm. Nếu như vào ngày Tết Nguyên đán, món ăn điển hình là Tteok-guk (canh bánh gạo) thì vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo được dùng để cúng bái là Mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch). Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để “hưởng lộc” của tổ tiên ban cho. Một đặc điểm trong văn hóa ẩm thực nói chung cũng như văn hóa tế lễ nói riêng ở Hàn Quốc đó là các món ăn được bày trong các đĩa nhỏ, gọi là banchan. Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày lễ như thế này, người phụ nữ trong gia đình luôn là người bận rộn và vất vả nhất để chuẩn bị đồ cúng và các món ăn cho các thành viên khác trong gia đình.

Beolcho và Seongmyo

Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là việc thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên - nghi thức Beolcho và Seongmyo. Các hoạt động này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Vào ngày Chuseok, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Những trò chơi truyền thống

Ganggangsulae


Đây là trò chơi tiêu biểu trong dịp Chuseok được truyền lại từ những người phụ nữ thuộc tỉnh Seonamhaean. Cách thức của trò chơi này là dưới ánh trăng đêm rằm, các cô gái sẽ nắm tay nhau xếp thành vòng tròn vừa hát và vừa nhảy múa. Trong xã hội nông nghiệp, trăng rằm là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, rất tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ. Bởi thế, ngày mãn nguyệt (ngày trăng tròn) còn được ví như người phụ nữ đến kì “khai hoa nở nhụy”. Trò chơi Ganggangsulae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ.

Juldarigi - kéo co

Đây là trò chơi phổ biến dành cho tất mọi lứa tuổi. Các đội được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài. Tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười và những khuôn mặt hăng say lấp lánh mồ hôi khiến cho bầu không khí của ngày Tết Chuseok thêm rộn ràng, vui nhộn.

Ssireum - đấu vật

Trong những ngày Tết Chuseok, môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình. Trên bãi cỏ hoặc trên bãi cát, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng là người trụ lại đến cuối cùng và được tôn vinh là Jangsa (tráng sĩ) và được nhận rất nhiều các giải thưởng của dân làng.

Olgesimni - tục treo ngũ cốc khô trước cửa

Sau khi thu hoạch, người Hàn Quốc sẽ chọn ra trong mỗi loại ngũ cốc những bó chín đượm nhất, đẹp nhất để treo lên cột nhà, cửa chính hay trước hiên nhà. Những bó ngũ cốc được chọn này sẽ được dùng làm hạt giống cho năm sau, để làm bánh cúng tổ tiên, cúng ông địa hoặc được dùng để thiết đãi khách khi nhà có tiệc. Phong tục này thể hiện tính tuần hoàn của đất trời, mùa màng và ước nguyện có những mùa màng sung túc, bội thu.

Các món ăn tiêu biểu ngày Chuseok

Songpyeon


Là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, gạo không dính, có nhân là vừng, đậu, đậu đỏ. Nếu như bánh Trung Thu ở Việt Nam được làm theo hình tròn hoặc hình vuông (tượng trưng cho trời đất) thì bánh Songpyeon được nặn thành hình bán nguyệt. Sau khi nặn xong, bánh sẽ được cho vào chõ hấp, bên dưới có lót lớp lá thông để tạo cho bánh có hương vị thanh khiết.

Chuseok còn được gọi là ngày tết của các loại bánh. Tuy mỗi địa phương đều có những phương thức và nguyên liệu làm bánh khác nhau nhưng tất thảy đều sử dụng những ngũ cốc tươi mới được thu hoạch để tạ ơn đất trời, tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu. Theo truyền thuyết, các cô gái nào làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ gặp được ý trung nhân tuấn tú. Chính vì thế, trong ngày Chuseok, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau nặn bánh và bầu chọn xem ai là người làm ra chiếc bánh đẹp nhất trong tiếng cười đầm ấm vui vẻ.

Toranguk - canh khoai sọ


Khoai sọ, tiếng Hán còn được gọi là thổ noãn - nghĩa là trứng dưới lòng đất. Vì khoai sọ chứa nhiều tinh bột và có nhớt nên khi chế biến, nhất thiết phải luộc qua nước muối hoặc nước vo gạo. Canh khoai sọ thường được ninh cùng với ức bò hoặc gân bò và được coi là món canh bổ dưỡng, thanh đạm rất thích hợp để thưởng thức vào mùa thu.

Rượu Baekju - bạch tửu

Vào dịp Chuseok, người Hàn Quốc rất thính tụ tập ăn uống với gia đình, tiếp đãi bạn bè nên trên bàn tiệc không thể thiếu men rượu. Ngoài loại rượu thông thường là Soju còn có một loại rượu truyền thống được làm từ gạo mới gọi là Baekju.

Theo Thông tin Hàn Quốc

Trải nghiệm các cung đường đèo đẹp vào Đà Lạt

Để tiến vào trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp ngay từ những con đường cửa ngõ qua đèo Chuối, đèo Prenn, hay đèo Ngoạn Mục.
Xem thêm: Đà Lạt lãng mạn mùa cuối năm

Tháng 9 là lúc những cơn mưa mùa hạ bắt đầu thưa dần, để lại những mảng màu đặc trưng của mùa thu trong không khí se lạnh. Cảm giác dễ chịu, khiến ai nấy đều khoan khoái và hào hứng ghé thăm Đà Lạt, dù không phải lần đầu đến.

Đèo Chuối, nối liền Đồng Nai với Lâm Đồng

Sáng sớm, mây mù giăng kín trên mọi nẻo đường ở đèo Chuối, khiến khung cảnh thật huyền ảo. Ảnh: Xuân Lộc.

Nằm cách TP HCM hơn 150 km, thuộc thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, đèo Chuối là con đèo đầu tiên của cao nguyên Lâm Viên, nối Đồng Nai và Lâm Đồng. Cũng nhiều khúc cua tay áo nhưng đèo Chuối lại ít nguy hiểm và không quá dài.

Cái tên “đèo Chuối” gắn liền với vùng đất ngày xưa trồng nhiều chuối hay ví von “đèo Chúi” vì có những đoạn dốc cao khiến người đi chúi xuống khá nhiều. Cung đèo để lại khá nhiều ấn tượng đối với các tay phượt khi bước vào cửa ngõ của vùng đất cao nguyên xanh mát.

Nếu bạn chạy xe máy sẽ cảm nhận rõ rệt không khí mát lạnh ùa vào mặt và xua tan mệt mỏi. Bạn sẽ được ngắm những mảng màu xanh tươi của núi rừng trên những khúc cua gấp, đoạn đèo dốc,…

Đèo Prenn, chiêm ngưỡng rừng thông và những dòng thác dữ

Đèo Prenn được đặt tên theo tiếng Chăm có nghĩa là “xâm chiếm”, có chiều dài 11 km và nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10 km.

Đèo uốn lượn qua những ngọn núi cao, xuyên qua các rừng thông bạt ngàn, để lại những khúc cua nguy hiểm. Càng tiến sâu vào thành phố, du khách càng cảm nhận rõ rệt tiết trời mát mẻ của thành phố tình yêu, nơi quyến rũ du khách dừng chân trải nghiệm chinh phục các dòng thác dữ Prenn, Datanla.

Đèo Bảo Lộc, nơi đất trời hòa quyện

Những khúc cua nguy hiểm luôn khiến du khách đi dè chừng. Ảnh: Xuân Lộc.

Đèo Bảo Lộc dài 10 km với khoảng 107 khúc cua gấp và có độ dốc cao, là cung đường lý tưởng thách thức các tín đồ yêu thích khám phá và chinh phục. Con đường đèo chạy qua những dãy núi hùng vĩ, các vách đá cao nhô ra sát lề đường, phía dưới là vực thẳm hàng trăm mét và đi xuyên qua các cánh rừng xanh um.

Trên đường, bạn sẽ bắt gặp những dòng thác nhỏ đổ từ vách đá cao xuống, đôi lúc nước bắn tung tóe lên người khách. Những bụi hoa dại ven đường thi nhau khoe sắc, thấp thoáng đồi thông, đồi chè mênh mông phía dưới đoạn đèo, khiến cho khung cảnh nơi đây vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Đèo Mimosa, nơi gắn liền với một loài hoa

Còn có tên là đèo Prenn 2, nằm song song với đèo Prenn, Mimosa là con đèo mang tên của một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt. Với chiều dài khoảng 10 km dẫn vào trung tâm thành phố, đèo uốn lượn hiền hòa qua những rừng thông vun vút từ đoạn thác Prenn để rồi nói lời “xin chào” và dành tặng du khách hàng hoa mimosa rực rỡ sắc vàng.

So với đèo Prenn, Mimosa thiếu vắng những khúc cua nguy hiểm, nhưng không hề kém phần thú vị. Nơi đây hấp dẫn du khách bằng chính sự hiền hòa của các thung lũng thấp thoáng trong sương trắng và những hàng hoa mimosa bung nở hai bên đường.

Đèo Ngoạn Mục, cung đường hiểm trở bậc nhất ở phía nam

Với chiều dài khoảng 18.5 km, uốn lượn qua núi non trập trùng và rừng thông tạo thành những khúc cua như “con rắn khổng lồ”, đèo Ngoạn Mục luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Ảnh: Wiki.

Đúng như tên gọi của nó, đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha, nối Đà Lạt với Ninh Thuận, khiến biết bao du khách ấn tượng với phong cảnh núi non trùng điệp.

Mang trong mình hai kiểu khí hậu “mát mẻ” của Đà Lạt và “khô nóng” của Ninh Thuận, vì thế, nếu bạn để ý trên đường đi sẽ cảm nhận được cả hai tiết trời. Cảnh quan xung quanh cũng thay đổi từ ở dưới địa phận Ninh Thuận lên đến đất Lâm Đồng.

Địa thế hiểm trở, những khúc cua ngoằn ngoèo, độ dốc cao chênh vênh, các thác nước, con suối chảy róc rách dưới chân đồi vọng lại từ xa, khiến du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Xuân Lộc

Những món ngon Đà Lạt níu chân du khách

Bánh tráng nướng, mì Quảng hay nem nướng... sẽ khiến những ngày ở Đà Lạt thêm kỷ niệm.

Xem thêm: Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Bánh tráng nướng


Món bánh tráng nướng cơ bản nhất có hai thành phần chính là bánh tráng và trứng gà, được điểm xuyết thêm ít hành lá và tép khô. Ngày nay có rất nhiều loại bánh tráng, đa dạng về nhân cho bạn lựa chọn như trứng cút, xúc xích, khô bò, phô-mai.. Bánh nướng trên than hồng, sau khi nướng chín và giòn đều, bạn có thể gấp lại làm đôi, hoặc để nguyên chiếc. Bánh tráng nướng được dân xê dịch truyền tai nhau nên thử ở chợ Đà Lạt, hoặc đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Hoàng Diệu- Trần Nhật Duật... với giá 10.000-15.000 đồng một cái.

Nem nướng


Nem Đà Lạt ăn cùng bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế... và chấm nước tương được pha chế riêng. Nước chấm ở đây nấu từ xương heo được ninh kỹ lọc lấy nước cốt, cùng tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị, nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng rang, tạo vị ngọt và béo. Ở Đà Lạt nổi tiếng nhất là quán nem Bà Hùng trên đường Phan Đình Phùng và chợ Chi Lăng. Một phần nem nướng cho một người ăn khoảng 30.000 đồng.

Bánh bèo


Bánh bèo Đà Lạt hơi giống với bánh bèo miền Trung, có chút khác biệt trong hương vị. Bánh bèo chén Đà Lạt được làm từ bột gạo tẻ pha chút bột lọc chứ không phải làm hoàn toàn từ bột gạo tẻ như nhiều nơi khác. Chính vì vậy mà bánh bèo chén ở đây hơi trong, dai, không quá dính và khi ăn thì không quá mềm cũng không quá cứng. Nước sốt làm từ tôm, thịt băm nhỏ, thêm một ít da lợn chiên giòn và chén nước nắm chua ngọt bên cạnh. Bạn có thể ghé quán bánh bèo trên đường Phan Đình Phùng để thưởng thức với giá 25.000 đồng một phần.

Bánh canh


Bánh canh được bán ở nhiều đường phố Đà Lạt nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh Xuân An trên đường Nhà Chung. Trong cái không khí se lạnh của Đà Lạt, tô bánh canh bốc khói nghi ngút chưa ăn đã thấy ấm lòng. Thêm chút hành ngò xắt nhỏ trộn với củ hành tươi xắt mỏng cùng với tiêu xay và những miếng ớt đỏ càng làm tăng thêm hương vị nồng nàn, đậm đà hấp dẫn. Giá một tô là 25.000-35.000 đồng.

Cháo gà


Thời tiết se lạnh của Đà Lạt khiến món cháo gà, miến gà rất đắt hàng. Sau khi lang thang ngắm thành phố buổi đêm, dừng chân quán nhỏ, thưởng thức tô cháo gà nấu loãng, bỏ nhiều hành và tiêu để thêm ấm bụng. Các quán ngon nên ghé ở đường Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Huyền Trân Công Chúa... với giá 25.000-30.00 đồng một tô, gỏi gà từ 40.000 đồng một đĩa.

Mì Quảng


Mì Quảng ở Đà Lạt mang hương vị đậm đà, nước dùng có bỏ thêm củ sắn (củ đậu) nên khá ngọt, sợi mì vàng óng, miếng thịt sườn non hay cốt lết thấm màu hạt điều hấp dẫn, bên trên rắc thêm đậu phộng, vài miếng bánh tráng mè nướng giòn. Muốn ăn thập cẩm thì có thêm trứng cút, tôm tươi hay miếng giò nạc. Mỳ Quảng được bán như một món ăn sáng tại rất nhiều đường phố ở Đà Lạt, nổi tiếng trên đường Hoàng Văn Thụ, Nhà Chung... với giá 20.000-30.000 đồng một tô.

Trái cây kem


Dù buổi tối Đà Lạt lạnh run, ai đến Đà Lạt cũng muốn thử món trái cây kem lạnh buốt này. Đơn giản chỉ là dĩa kem, trái cây như dưa hấu, thanh long, bơ, mít... thêm chút nước cốt dừa. Đặc biệt nếu đến Đà Lạt vào mùa bơ, món kem bơ luôn được du khách gọi nhiều nhất. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi có hai quán trái cây kem luôn đông khách, với giá từ 10.000-20.000 đồng một dĩa tùy loại.

Sữa chua phô-mai


Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ “truy tìm” khi đến Đà Lạt, được làm như sữa chua thông thường nhưng khéo léo cho thêm phô-mai trong nguyên liệu. Sữa chua phô-mai có vị béo, dẻo, chua chua, được bán ở một gia đình rất nổi tiếng ở đường Khe Sanh, với giá 7.000 đồng một hũ.

Má Lúm

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Đêm không ngủ ở thiên đường mua sắm

Du khách sẽ có cơ hội mua sắm nhiều hàng giảm giá, khám phá nền văn hóa pha trộn Đông - Tây và nét hoa lệ tại xứ Cảng Thơm. 

Hong Kong là thành phố lớn không chỉ của châu Á mà còn của thế giới. Nơi đây được xem là một trung tâm tài chính nhộn nhịp, thiên đường giải trí và mua sắm hấp dẫn.

Theo một kết quả khảo sát, cứ 100 người tìm kiếm tour du lịch Đông Bắc Á thì có đến 80 người muốn đi Hong Kong để mua sắm. Điều đó nói lên sức hút của viên ngọc Á Đông. Thành phố quê hương của kênh truyền hình châu Á TVB được nhiều người Việt ưa chuộng này cũng là điểm đến có thể lui tới bất cứ lúc nào trong năm, vì xứ Cảng Thơm hầu như lúc nào cũng rộn bước chân du khách quốc tế bất kể ngày hay đêm.
Toàn cảnh Hong Kong nhìn từ đỉnh Victoria.

Tháng 11 là thời gian thích hợp cho những tín đồ mua sắm muốn mua hàng giảm giá vào đợt xả hàng trước mùa cao điểm lễ Giáng sinh tại “thiên đường mua sắm” của châu Á. Đến Tsim Sha Tsui, khu phức hợp mua sắm và dịch vụ lớn nhất Hong Kong, du khách có thể tìm thấy hầu hết các thương hiệu cao cấp của thế giới như Louis Vuitton, Gucci, D&G… đến các thương hiệu quốc tế phổ thông dành cho giới trẻ như Coach, H&M, Zara...

Dọc theo con phố Nathan, du khách như lạc vào thế giới của các đồ vật trong phim Bollywood, những cửa hiệu cắt may Shanghain, các cửa hàng trang sức, những chiếc máy camera sáng bóng bên cạnh những cửa hàng hiệu châu Á. Du khách cũng có thể thoát khỏi không khí hối hả và nhộn nhịp của nơi được gọi là "golden mile" (dặm vàng) này bằng cách ghé vào các khu thương mại rộng lớn và lộng lẫy, không gian thoáng đãng như iSQUARE, the One hay K11. Những người lớn tuổi có thể tìm đến những cửa hiệu Đông dược tìm cho mình những sản phẩm từ bào ngư, hải sâm... đến đủ loại thuốc gia truyền.

Trong khi đó, những người thích hàng giá rẻ có thể ghé bước tới chợ Quý Bà ở khu Mong Kok. Nơi đây tựu trung khoảng hơn 100 gian hàng chủ yếu bày bán hàng bình dân từ phụ kiện đeo tay, quần áo, nón, giày dép đến vali, điện thoại... và khách mua mặc sức trả giá. Tên gọi là chợ “Quý Bà” nhưng không ít khách mua ở đây là nam giới, những người luôn muốn thỏa mãn sở thích săn lùng đồ hiệu “made in Hong Kong” như G.2000, Bossini, Giordano; hay săn hàng mỹ phẩm Color Mix, BonJour, Sasa.

Thoát khỏi không khí nóng bỏng ở những trung tâm mua sắm, du khách có thể đi dạo dọc theo đường Nathan, diễu qua các con phố tìm sự thư giãn. Khi đôi chân đã mỏi, du khách có thể ghé lại các quán bar, nhà hàng ngoài trời cạnh bến cảng để thưởng thức những hương vị cổ điển đậm chất Hương Cảng.
Một góc khu Tsim Sha Tsui.

Khi túi đựng đồ đã hết chỗ chứa hoặc chí ít nhãn quan đã được thỏa mãn cũng là lúc du khách nên nghĩ đến việc tận hưởng thú vui tại thế giới thần tiên Disneyland mà không cần phải đến tận nước Mỹ xa xôi, nơi khởi nguồn mô hình công viên giải trí nổi tiếng toàn cầu này. Được chia làm bốn khu, gồm Main Street, Adventureland, Fantasyland và Tomorrowland, Disneyland Hong Kong là công viên giải trí theo chủ đề hàng đầu châu lục mà bất cứ du khách nào cũng muốn một lần đặt chân tới. Những ai yêu thích các câu chuyện cổ tích của Walt Disney hãy một lần vào mê cung Fantasyland hòa mình vào dòng người, khám phá lần lượt từng gian phòng, mỗi căn phòng chứa những điều bí mật khác nhau… cảm giác như Alice lạc vào xứ thần tiên.

Và bất kỳ du khách nào đặt chân tới Disneyland cũng đều hồi hộp đợi chờ giây phút đặc biệt để chứng kiến cuộc diễu hành của các nhân vật cổ tích diễn ra lúc 15h30. Từng nhóm nhân vật trong mỗi câu chuyện lần lượt xuất hiện, với chú voi bay, những chú lính đánh trống thổi kèn và các cô nàng thủy thủ mặt trăng, chú chuột Mickey, cô nàng Minnie, chú chó Pluto, vịt Donald… Và để kết thúc chuyến viễn du vào thế giới thần tiên này, khi đồng hồ điểm 20h, trước tòa lâu đài của công chúa ngủ trong rừng, du khách sẽ mãn nhãn với màn bắn pháo hoa hoành tráng. Đó là một bữa tiệc của nghệ thuật với cả dòng thác ánh sáng đủ màu sắc chiếu lên nền tòa lâu đài, đôi lúc tuôn chảy trên không trung, từng đợt pháo hoa rực rỡ bừng sáng trên bầu trời đêm.

Hành trình còn đưa du khách khám phá những biểu tượng kinh tế và văn hóa hàng đầu của xứ Cảng Thơm. Du khách sẽ chiêm ngưỡng cầu Thanh Mã, cây cầu đẹp nhất châu Á, nối hai bán đảo Tân Giới và Cửu Long. Du khách có dịp thăm lại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong, nơi diễn ra sự kiện Hong Kong được Anh ký trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Phía trước tòa nhà là quảng trường Golden Bauhinia với bức tượng mô phỏng bông hoa Dương tử kinh mạ vàng, biểu tượng quen thuộc của đặc khu hành chính Hong Kong.

Nằm giữa đảo Hong Kong và Cửu Long là Victoria Peak, một đỉnh núi mang tên nữ hoàng Anh, hay còn gọi là đỉnh núi Thái Bình hoặc The Peak. Ngồi trên xe điện lên đỉnh núi là một trải nghiệm thú vị khi những hình ảnh của đảo Hong Kong dần lướt qua ô cửa kính xe điện. Từ trên đỉnh cao 552m, du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh Hong Kong với vô số tòa nhà hình hộp cao chọc trời nằm san sát nhau. Đây là một trong những trải nghiệm thú vị mà khách quốc tế nên thử, theo lời khuyên của tờ Huffington Post của Mỹ.
Disneyland Hong Kong.

Trên đường tới Vịnh Nước Cạn, du khách sẽ được cảm nhận một phần Hương Cảng hoa lệ và thịnh vượng khi nhìn ngắm ngôi nhà của các siêu sao màn bạc Hong Kong, các khu biệt thự sang trọng của những ông chủ trong lĩnh vực tài chính, bất động sản và chính khách. Theo tour có một ngày tự do, du khách còn được bố trí tham quan đền Wong Tai Sin - một trung tâm tôn giáo quan trọng, hội tụ cả ba tôn giáo Lão, Phật và Nho giáo, ấn tượng với các ngôi đền cổ kính hài hòa với nơi phong cảnh thiên nhiên. Tại đây, du khách có thể xin xăm cầu may theo phong tục của người địa phương.

Trong tour kết nối tới Thâm Quyến, du khách còn có thời gian tận hưởng cảm giác nhàn hạ trong Công viên Liên Hoa Sơn, khám phá một trong 10 thắng cảnh đẹp nhất Quảng Châu với điểm nhấn 1.000 bức tượng bằng đồng và vàng cao 40,8 m. Và không cần phải đi hết 5 châu, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng những kỳ quan nổi tiếng của thế giới qua những mô hình thu nhỏ trong Công viên Cửa sổ Thế giới. Nơi đây hội tụ khoảng 130 mô hình các địa danh nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel của Paris (Pháp), quần thể Kim Tự Tháp của Ai Cập, khu vườn Nhật Bản, cánh đồng cối xay gió Hà Lan, tháp nghiêng Pisa của Italy...

Tour du lịch đến hiện trường vụ án giết người hàng loạt

Lần theo dấu vết của tên tội phạm Jack the Ripper, du khách đến London sẽ được đặt chân tới hiện trường, tận mắt chứng kiến hình ảnh khám nghiệm tử thi và nghiên cứu hồ sơ điểu tra vụ án.
Xem thêm: 7 thiên đường về đêm nơi trời Âu

Các vụ án giết người ly kỳ dường như kích thích nhóm khách tò mò. Sự thành công của London với tour đi bộ tìm hiểu về tên sát nhân bí ẩn Jack the Ripper, nỗi kinh hoàng của người dân Anh những năm 1880, đã chứng minh loại hình du lịch rùng rợn này thực sự thu hút được du khách.

"Jack - kẻ phanh thây" là biệt danh của tên giết người hàng loạt đã sát hại dã man 11 nạn nhân trước sự bất lực của cảnh sát thành phố. Hắn đặc biệt nhắm vào những cô gái điếm và ra tay một cách dã man.
Du khách trước một điểm dừng thăm quan trong tour Jack the Ripper. Ảnh:Telegraph.

Vào 7h tối hàng ngày, hướng dẫn viên sẽ dẫn khách tham gia tour Jack the Ripper, bắt đầu hành trình tìm hiểu về một trong những tội ác bí ẩn nhất lịch sử ở London.

Để bạn thấy bức tranh hoàn chỉnh nhất về khung cảnh thời đó, du khách được cầm trong tay những tấm ảnh khu phố năm 1888, đi qua từng địa điểm với diện mạo ngày nay. Khu nhà cổ ở phố Princelet là nơi có những ngôi nhà bị Jack rình rập, người dân sống trong nỗi sợ hãi luôn có kẻ sát nhân đang theo dõi từng hành động của mình. Cách bố trí các lối đi phức tạp như mê cung ở đây là địa điểm ẩn mình, cung cấp lối thoát hoàn hảo để kẻ sát nhân hàng loạt tẩu thoát mà chẳng ai có thể lần theo.

Sau đó khách vào những ngõ hẻm và góc tối Whitechapel, khu East End, nơi 11 phụ nữ vô tội bị Jack Ripper giết hại dã man. Hành trình bắt đầu từ từng nơi kẻ sát nhân hàng loạt thực hiện hành vi tội ác, tiếp đó đi qua các địa điểm được phỏng đoán là nơi hắn lảng vảng. Ngoài ra, du khách còn được nghiên cứu những hồ sơ cảnh sát liên quan đến vụ án, bao gồm cả cả bức thư nổi tiếng “Dear Boss, Jack the Ripper”.
Bản đồ địa điểm tour sẽ đi qua tại khu Whitechapel. Ảnh: londonhorrortours.

Du khách được tận mắt chứng kiến những bức ảnh ghi lại quá trình khám nghiệm tử thi các nạn nhân của Jack the Ripper. Mọi người sẽ thực sự thấu hiểu tại sao thảm án này là một cú sốc kinh hoàng với người dân nơi đây.

Từng bước theo dấu án mạng đẫm máu, bạn sẽ có cảm giác thực sự quay trở lại những đêm thu kinh hoàng năm 1888, trải nghiệm sự sợ hãi, phấp phỏng đã bao trùm người dân địa phương.

Đây là tour du lịch được sáng lập bởi nhà văn, phát thanh viên Richard Jones năm 1982. Tour có hơn 30 năm kinh nghiệm hướng dẫn cho người dân London và du khách về một trong những thảm sát bí ẩn nhất lịch sử. Richard và những cộng sự (tác giả cuốn Jack the Ripper và sử gia Philip Hutchinson, John Bennett và Lindsay Siviter) có đủ kinh nghiệm và chuyên môn để đảm bảo du khách có trải nghiệm thật, cuốn hút nhất.

Cuối cùng, sau nhiều năm với hàng trăm cái tên nghi phạm, câu hỏi ai là Jack the Ripper vẫn chưa có lời giải đáp. Hướng dẫn viên sẽ giúp du khách tiếp cận những chứng cứ xác thực, danh sách tình nghi chính xác nhất và bạn có thể tự mình đưa ra kết luận vụ án theo lập luận của bản thân.

Như Bình (theo Foxnews)

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

8 trải nghiệm nhất định phải thử ở Busan

Đến thành phố Busan, du khách đừng quên hòa mình vào những bãi biển xinh đẹp, xem một trận bóng chày và mua sắm ở trung tâm thương mại dưới lòng đất.
Xem thêm: Lễ hội xây lâu đài và tắm cát bên bờ biển Busan

Hóng gió trên bãi biển Haeundae


Busan có 6 bãi biển rất dễ tiếp cận, trong đó Haeundae nổi tiếng đông đúc với nhiều khách sạn hạng sang, casino, thủy cung... Người dân Hàn Quốc thường đổ về đây vào mùa hè và tự tìm cho mình một chỗ trống trên bãi biển để tận hưởng không gian mát lạnh. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội hấp dẫn ở Hàn Quốc.

Đi chợ cá Jagalchi


Jagalchi là chợ cá lớn nhất ở Hàn Quốc. Du khách có thể tìm thấy ở đây đủ loại hải sản tươi sống như tôm, cua, cá, mực, bạch tuộc, ngao, sò, ốc... Bạn chỉ cần cầm một chiếc chậu nhựa lớn và người bán sẽ lấy rồi thả vào đó thứ mà bạn chọn. Ngoài các loại đồ tươi và khô, chợ còn có các gian chế biến tại chỗ cho khách thưởng thức. Do đó, bạn khó có thể tìm được nơi nào ăn uống tươi ngon hơn ở đây.

Ngắm biển Gwangalli


Bạn có thể đến bãi biển này bằng tàu điện ngầm. So với Haeundae, Gwangalli không có nhiều khách sạn hạng sang hay đông đúc người trên bãi biển. Nơi đây khá yên bình và có không khí trong lành. Các nhà hàng, quán cà phê, bar cũng luôn sẵn sàng phục vụ du khách. Buổi tối là thời gian lý tưởng để trải nghiệm Gwangalli. Từ đây, du khách có thể hướng ánh nhìn ra cầu Gwangan với hệ thống đèn chiếu có thể tạo ra hơn 100.000 màu sắc khác nhau.

Đi Spa


Jimjilbang là một hình thức spa truyền thống rất phổ biến tại Hàn Quốc và một trong những điểm nổi tiếng ở Busan là Vesta Spa trên đồi Dalmaji. Spa có cửa sổ lớn hướng ra bãi biển Haeundae. Khi ngâm mình trong bồn khoáng nóng và nhìn ra bãi biển đông đúc, bạn sẽ cảm nhận mình đang ở một thế giới khác hẳn, bình yên. Vesta giống như hầu hết các cơ sở jimjilbangs, nơi đây cung cấp chỗ ở qua đêm nên trở thành một địa điểm tuyệt vời để nghỉ ngơi và thư giãn.

Thưởng thức tiệc BBQ tại Cheongsapo Suminine

 
Đây là nhà hàng BBQ nổi tiếng tại Busan. Tuy nhiên thực đơn của nó không phải thịt bò, lợn hay gà mà là sò, hến, điệp, tôm... Tất cả được nướng trên than hồng mang đến hương vị tự nhiên và nóng hổi. Với những làn gió biển thổi vào, bữa ăn của bạn sẽ càng thêm thú vị.

Mua sắm tại Shinsegae Department Store


Đây là trung tâm thương mại hoành tráng với các cửa hàng thiết kế cao cấp. Bạn có thể bắt đầu với bữa sáng ở tầng hầm; thư giãn trong khu jimjilbang sang trọng "Spa Land" hoặc làm vài vòng quanh sân trượt băng; thưởng thức một bộ phim 4D và ngắm hoàng hôn Busan từ khu vườn trên mái; rồi kết thúc tại một trong những nhà hàng ở tầng trên cùng.

Xem bóng chày tại sân vận động Giants Sajik


Bóng chày là môn thể thao phổ biến ở Hàn Quốc. Đến Giants, bạn được phép mang đồ ăn uống bên ngoài vào, thậm chí bia, rượu soju, pizza và gà rán còn được bán ngay ngoài cửa. Đến hiệp đấu thứ bảy, túi nhựa màu cam được phát cho mọi người để có thể dọn sạch rác chỗ mình trước khi rời khỏi. Tuy nhiên, người hâm mộ thường thổi túi lên và buộc chúng vào đỉnh đầu của họ, khiến cả sân vận động toàn màu cam của những trái bóng vào giờ giải lao.

Mua sắm tại trung tâm thương mại ngầm Seomyeon


Khu trung tâm thương mại này gồm hai khu mua sắm dưới lòng đất rộng tương đương 8 làn xe đi qua đó Các cửa hàng nhỏ tràn ngập mặt hàng điện tử, mỹ phẩm và các bộ thời trang mới nhất. Lưu ý nơi đây không phù hợp cho những người mắc hội chứng sợ phòng kín.

Vy An (theo CnTraveller)

10 điểm đến hấp dẫn du khách đến Seoul

Nổi tiếng là một thành phố lớn và đông đúc nhưng Seoul vẫn có những địa điểm độc đáo, hấp dẫn để du khách tham quan.
Xem thêm: Các chợ nhân sâm, nấm linh chi lớn ở Hàn Quốc

Làng Bukchon Hanok


Có thể nói Bukchon là khu vực lịch sử đẹp nhất ở Seoul, thích hợp cho du khách đến tìm hiểu về văn hóa thành phố. Bằng cách đi bộ ngang qua ngôi làng, bạn có thể xem những bức tường có đầu hồi để quan sát ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc ở nhiều kích cỡ. Những điểm đến đáng ghi nhớ trong làng là Trà Thất (nhà uống trà) và một khu bảo tàng ngoài trời.

Octagon


Với những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống về đêm ở Seoul, Octagon là câu lạc bộ “nóng” nhất thành phố. Không giống như những câu lạc bộ khác ở Seoul, Octagon không cần phải đặt chỗ trước. Âm nhạc, khiêu vũ và ánh sáng laser đầy khích động là những thứ luôn có sẵn ở câu lạc bộ này. Nó tọa lạc tại khách sạn New Hilltop.

Viện bảo tàng đồ nội thất Hàn Quốc


Viện bảo tàng đồ nội thất Hàn Quốc là công trình kiến trúc quan trọng và đẹp nhất ở Seoul. Bản thân viện bảo tàng là một kiến trúc đẹp đáng để chiêm ngưỡng, hơn nữa nơi đây còn trưng bày hơn 2.000 mẫu vật dụng nội thất truyền thống và 10 ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc.

Cung điện Gyeongbok


Là một trong những cung điện hoàng gia nổi tiếng nhất Hàn Quốc, cung điện Gyeongbok là một điểm đến quan trọng khi du lịch Seoul. May mắn là nó không khó để nhớ vì nằm cuối đại lộ chính của thành phố, Seyongro. Các tour tham quan được tổ chức ba lần một ngày để nghiên cứu về các tập tục, nghi thức hoàng gia và kiến trúc truyền thống ở Hàn Quốc.

Insadong


Trong quá khứ, khu vực Insadong được biết đến với tai tiếng xấu là nơi lừa gạt du khách với những cửa hàng lưu niệm, nhưng thời gian gần đây khu vực này đã chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, Insadong còn có cả những phòng triển lãm nghệ thuật, cửa hiệu trà hiện đại và nghệ thuật. Đây là nơi hấp dẫn để mua sắm những đồ thủ công và nữ trang mỹ nghệ ở Seoul.

Itaewon


Itaewon là một điểm du lịch thân thiện với du khách. Nó tọa lạc gần căn cứ quân đội Mỹ ở Seoul. Tại khu vực này đầy những nhà hàng, câu lạc bộ, quán bar và các cửa hàng bán đồ sứ, nữ trang, quần áo may sẵn và ngay cả đồ nội thất dùng rồi của Hàn Quốc.

Con suối Cheonggyecheon


Seoul là một thành phố ồn ào và đông đúc, vì thế nếu bạn cần một không gian yên tĩnh và chậm rãi để nắm bắt suy nghĩ của mình. Hãy cân nhắc đến việc tản bộ dọc theo con suối dài gần 6 km ở đại lộ Sejongro. Vì con suối thấp hơn mặt đường 5m nên nó rất yên tĩnh và thanh bình. Những con thác nhỏ cũng được xây dựng để làm đẹp cảnh quan và đây là nơi đến quen thuộc của các cặp tình nhân.

Đài tưởng niệm chiến tranh


Hàn Quốc có một lịch sử bị xâm chiếm lâu dài, phức tạp, và đài tưởng niệm chiến tranh Hàn Quốc là một điểm đến cần thiết để tìm hiểu về đất nước này trong quá khứ. Dù là một đài tưởng niệm nhưng thực tế đây là một bảo tàng lịch sử quân đội lớn với những vật trưng bày như súng các loại, máy bay và xe tăng.

Nhà hàng Baedongbaji


Để hành trình khám phá Seoul trọn vẹn, một điều quan trọng là bạn phải thưởng thức các món ăn địa phương. Các nhà hàng nổi tiếng như Baedongbaji tại Samcheong-dong sẽ giới thiệu các thực đơn cho bữa trưa với giá 17.500 won (15 USD). Bạn có thể thử những món ăn truyền thống của Hàn Quốc như Japchae gồm nấm xào với rau và thịt bò.

Chợ Nam Đại Môn


Chợ Nam Đại Môn là địa điểm lý tưởng để tìm mua hàng hóa với giá rẻ như: quần áo, vải, nữ trang, đồ chơi, thực phẩm, đồ gia dụng, hoa... Các tòa cao ốc thương mại với hàng nghìn cửa hàng và chợ thường xuyên đông nghẹt người mua sắm.
Nguyễn Tuấn Quyền

Bài đăng phổ biến