Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng

Tháng 3 về báo hiệu sự bung nở trắng muốt của những đồi hoa cà phê và lễ hội đua voi rộn ràng trên vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ví như trái tim Tây Nguyên kiêu hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến thăm các buôn làng – cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi vang vọng tiếng di sản văn hóa cồng chiêng, nhịp nhàng điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài…

Về với trái tim Tây Nguyên kiêu hùng để đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài.

1. Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km, Buôn Đôn được biết đến là nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á. Đến với Buôn Đôn, bạn sẽ được khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… một cách khác biệt khi ngồi trên lưng các chú voi. Một con voi có thể chở 2 - 3 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Sêrêpôk.

Du khách sẽ có cơ hội xem Lễ hội đua voi sôi động ở Buôn Đôn.

Nằm ngay bên bờ sông Sêrêpôk, khu mộ cổ của các Gru (dũng sĩ săn voi) Buôn Đôn xưa là nơi bạn không thể bỏ qua. Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của vua săn voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn.

Một điểm du lịch thu hút khách tham quan khác của Buôn Đôn là cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Cầu bắt đầu từ bên bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và bắc qua một đảo nổi giữa dòng sông. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho du khách.

Ghé thăm nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào ở Buôn Đôn.

Nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào cũng là điểm du lịch đặc sắc nhất ở Buôn Đôn. Được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883, ngôi nhà do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Căn nhà gồm 3 gian, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp đặc trưng của hai nước Lào – Thái với mái hình chóp nhọn, đặc biệt toàn bộ căn nhà đều được làm bằng gỗ, cả phần mái cũng được lợp bằng gỗ cà chít vô cùng công phu, tỉ mỉ. Sàn nhà lại được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của chùa tháp Lào, hoạ tiết và hoa văn cũng được trang trí theo tín ngưỡng người Lào…

2. Buôn Ako Dhong

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km, buôn Ako Dhong hay vẫn thường gọi là Cô Thôn quyến rũ du khách bởi những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê được bảo lưu gần như nguyên vẹn và khung cảnh vườn cà phê trắng muốt thơ mộng vào mỗi dịp tháng 3 xen lẫn với màu xanh rì của những vườn cây ăn trái, khu rừng nguyên sinh cuối buôn giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất Tây Nguyên. Người ta vẫn rỉ tai nhau đến Ako Dhong để nghe về câu chuyện chàng trai Ama Hrin của hơn 60 năm trước đã bắt tay vào công cuộc biến buôn làng Ê đê này trở thành buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên như thế nào.

Kiến trúc nhà dài cổ độc đáo của người Ê đê ở Buôn Ako Dhong

Phải nói không ngoa rằng đặt chân đến buôn Ako Dhong, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào khung cảnh trong bức danh họa nào đó. Trong buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê có vài chục năm tuổi làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt xen lẫn với những ngôi biệt thự mái ngói đỏ tươi mô phỏng theo nếp nhà dài của tổ tiên truyền lại. Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng.

Thưởng thức những buổi diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan làm từ một thân cây trong nhà dài cổ

Nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Cứ mỗi lần gia đình có con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài. Dựa vào các thanh đòn tay được đẽo thủ công từ những thân gỗ nguyên cây dài cả chục mét, người ta có thể biết ngôi nhà đó đã được nối dài bao nhiêu lần và có bao nhiêu người con gái đã đi lấy chồng.

Những người phụ nữ Ê đê ở buôn Ako Dhong vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống để dệt nên những trang phục, túi xách với hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc

Trước cửa ngôi nhà dài có 2 cầu thang đi lên, một câu thang đực dành cho con trai trông thô ráp, một cầu thang dành cho mẹ, con gái và khách gọi là thang cái được điêu khắc kỳ công với biểu tượng đôi bầu vú căng tròn mang hàm ý ca ngợi sự trường tồn của giống nòi cộng đồng người Ê đê. Số bậc thang thường là 5 hoặc 7 vì người Ê đê quan niệm số lẻ mang lại nhiều may mắn hơn.

Vẻ đẹp “nghẹt thở” ở Thác Vợ (Dray Nur) có gốc từ thượng nguồn sông Sêrêpôk

Tại phòng tiếp khách Gah của những ngôi nhà dài này, hàng đêm sẽ có các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan to khỏe dài đến 10 – 12 mét từ một thân cây lớn nhuốm màu thời gian, bên chiếc trống lớn Hgơr, những chiêng núm Mdu và Ana, những chiêng bằng Char, Knati, Hlliang, Khớc, Hluê liang, Mdu khớc diết,… Bên cửa sổ những ngôi nhà dài, những người phụ nữ Ê đê đang mải miết bên khung cửi, dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa thoi, kéo sợi, từng họa tiết hoa văn sống động. Tất cả như tái hiện lại chất huyền thoại hoành tráng trong sử thi Đam San xa xưa với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng.

Chùa Khải Đoan lớn nhất thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến
 
(Theo DanTri)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đến thăm quê hương hoa anh đào

Xuất hiện ở Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng rộng rãi khắp đất nước trước thời tiền sử, hoa anh đào đã trở thành dấu ấn văn hóa đặc sắc của xứ sở mặt trời mọc và các lễ hội ngắm hoa Hanami hàng năm thu hút đến gần 5 triệu lượt du khách tham gia đã chứng minh sức hấp dẫn của loài hoa này.


Nhiều người tin rằng hoa anh đào có nguồn gốc từ nơi nào đó thuộc dãy Himalayas. Các học giả suy đoán loại cây này đã du nhập vào Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng phổ biến trên toàn nước Nhật trước thời tiền sử. Trải qua nhiều thế kỷ lai giống, hiện Nhật đã có hơn 300 loài cây hoa anh đào khác nhau.


Theo bản ghi sớm nhất được tìm thấy thì lễ hội ngắm hoa anh đào hay còn gọi là Hanami trở thành phổ biến trong suốt thời kỳ Heian (năm 794 – 1185) khi mà các hoàng đế và thành viên hoàng gia bắt đầu tổ chức các bữa yến tiệc dưới những gốc cây anh đào. Những buổi tiệc hoàng gia này đã mở đường cho hàng loạt các bữa tiệc ngắm hoa được tổ chức rộng rãi sau đó của mọi thành viên, tầng lớp trong xã hội Nhật Bản. Nhiều thế kỷ sau, các cây hoa anh đào vẫn được coi là biểu tượng văn hóa linh thiêng của quốc gia và truyền thống Hanami vẫn được duy trì gần như nguyên dạng.


Từ tháng 3 đến tháng 4, thậm chí đến đầu tháng 5 hằng năm, dường như hoa anh đào ngự trị cả không gian thơ mộng của đất nước Nhật Bản. Hai tuần lễ vàng là thời điểm hoa anh đào nở rộ đẹp nhất ở bất kỳ thành phố nào, từ Tokyo đến Osaka hay Kyoto...


Ngày khai hội Hanami sẽ chỉ được thông báo khi những cây anh đào biểu tượng ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa. Thời điểm diễn ra lễ hội Hanami cũng là khi người dân Nhật Bản tạm gác lại công việc để hòa mình vào những bữa tiệc ngoài trời, uống rượu sake, ăn bánh sakura, ca hát, giao lưu, trò chuyện cả ngày lẫn đêm và không quên chụp ảnh dưới những tán hoa anh đào nở rộ. Người Nhật còn truyền tai nhau rằng, nếu cánh hoa rơi vào chén rượu sake của ai đó, người đó có thể gặp may mắn cả năm.


Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản mà hoa Anh đào nở rộ bên bờ tả ngạn sông Potomac, quanh hồ Tidal Basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ của thành phố Washington DC của Mỹ; gần tháp Eiffel, Pháp hay tại sân vận động Olympic Munich, Đức; Công viên Côn Minh (Trung Quốc)…và khắp mọi miền của đất nước Hàn Quốc, cũng trở thành sự kiện hấp dẫn nhiều du khách kéo về chiêm ngưỡng và lưu lại khoảng khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.
(Theo DanTri)

'Con đường cà phê' ngắm biển thú vị ở Hàn Quốc

Nếu muốn trải nghiệm du lịch biển Hàn Quốc không chỉ đơn thuần tắm biển và ăn hải sản, hãy đến Anmok để tận hưởng trải nghiệm cà phê ngắm biển độc đáo.
Xem thêm: Du lịch Hàn Quốc với mùa hoa Anh Đào

Gangneung là thành phố trực thuộc khu vực Gangwon ở phía đông bắc Hàn Quốc. Nơi đây được biết đến với hàng loạt bãi tắm lớn nhỏ trải dọc đường ven biển phía đông từ bắc xuống nam như Sokcho, Gyeongpodae, Donghae, Anmok, Jeongdongjin… Về cơ bản, những bãi tắm này đều giống nhau, nước biển xanh và sạch, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng mà lượng khách du lịch có thể nhiều hoặc ít. Nếu muốn tắm biển, bạn có thể lựa chọn bất cứ bãi tắm nào ở Gangneung.


Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm du lịch biển ở Hàn Quốc không chỉ đơn thuần gồm tắm biển và ăn hải sản (hoạt động bạn có thể làm ở bất kỳ bãi biển nào trên thế giới), hãy đến với Anmok để tận hưởng cảm giác cà phê ngắm biển độc đáo.

Khu vực cảng Anmok còn có tên gọi khác là “con đường cà phê Anmok” hay “con đường cà phê Gangneung”. Những năm 1990, xung quanh bãi biển Anmok chỉ có những máy bán cà phê tự động, nhưng từ khi đó, người Hàn đã bắt đầu mua cà phê từ những thiết bị này để vừa đứng nhâm nhi, vừa nhìn ra đại dương mênh mông.

Những năm gần đây, Anmok bắt đầu đình đám vượt trội vì có vô số quán cà phê hội tụ, ngồi cà phê ngắm biển ở “con đường cà phê” cũng được liệt kê vào danh sách những việc “nên làm - cần làm - phải làm” khi đến Gangneung. Dù đi du lịch theo nhóm hay lang thang một mình, đã đến Gangneung, người ta nhất định sẽ không bỏ qua hoạt động tưởng như chẳng có gì đặc biệt nhưng lại rất đặc biệt này.

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc phủ sóng khắp Hàn Quốc như Starbucks, Bene, Hollys Coffee, Angel-in-us… người ta dễ dàng tìm được hàng chục tiệm cà phê bánh ngọt khác nhau nằm dọc con đường dẫn ra hai ngọn hải đăng đỏ và trắng ở cảng Anmok. Từ những quán cà phê hiện đại mang phong cách Hàn Quốc điển hình với cửa kính sáng choang, đèn vàng ấm áp như L.Bean, AM, Coffee Cupper…, đến những quán cà phê nhạc sống rộn ràng như Kikrus, hoặc quán cà phê bắt mắt với vẻ ngoài và tên gọi vùng đất Santorini của Hi Lạp, tất cả đều góp phần làm nên một “con đường cà phê” rất riêng của Hàn Quốc.

Các quán cà phê đều có view nhìn ra biển đẹp tuyệt vời.

Thông thường, những quán cà phê này đều có từ hai tầng trở lên. Để thuận lợi cho mục đích ngắm biển, tầng 2 và tầng 3 (đặc biệt là khu vực ban công hoặc khu vực sát cửa kính) luôn kín chỗ so với tầng 1. Sự kết hợp hài hòa giữa biển xanh cát trắng, tiếng sóng rì rào, cà phê đắng và bánh ngọt sẽ tạo nên bữa tiệc thỏa mãn giác quan cho những khách du lịch muốn bỏ quên cuộc sống bận rộn, lười biếng thả trôi bản thân cùng thiên nhiên.

Một số hướng dẫn về trải nghiệm cà phê ngắm biển ở Gangneung:

Đi lại: Từ bến xe khách Seoul (Central City hoặc East Seoul) ngồi xe hơn 2 tiếng rưỡi tới Gangneung. Từ bến xe khách Gangneung, tìm xe bus số 202-1, 302, 303-1, 503, xuống ở bến Anmok (thời gian di chuyển từ 30 đến 40 phút).

Thời gian hoạt động: Các cửa tiệm cà phê ở Anmok thường mở cửa vào khoảng 8 - 9h30 sáng và đóng cửa vào 1 - 2h đêm. Khoảng thời gian vắng khách nhất thường là sáng sớm, đông khách nhất là trưa và chiều, sau các bữa ăn.


Menu và giá cả: Tập hợp đầy đủ các loại đồ uống quen thuộc như các loại cà phê, nước ép hoa quả, trà sữa… Bánh ngọt ở đây cũng khá đa dạng với strawberry, cherry cake, tiramisu, choux cream, green grape tart, blueberry tart… Giá cả chung cho cả đồ uống và bánh ngọt là từ 4.000 won trở lên (1.000 won tương đương 20.000 VND).

Do ôtô được phép đỗ ở ven biển nên nếu có thể, hãy nhanh chân chọn chỗ ở khu vực tầng 2 và tầng 3, nếu không trải nghiệm cà phê ngắm biển của bạn sẽ bị đổi thành cà phê ngắm… ôtô.

So với các quán cà phê bình thường thuộc con đường dọc ven biển, Hollys Coffee nằm ở vị trí đặc biệt hơn hẳn (mỏm đất nhô ra biển), nên du khách có thể cân nhắc lựa chọn quán cà phê này để có tầm nhìn khác lạ hơn.

HanaZ (theo NgoiSao)

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội

Hội An giữ chân khách không chỉ bởi vẻ đẹp trầm mặc của phố cổ mà còn vì những món ăn chỉ ở đây mới ngon.

Hội An nhỏ bé, xinh xắn và gợi cảm. Cuộc sống chậm rãi tưởng như hững hờ nhưng chứa đựng dòng chảy bền bỉ thuần khiết bên trong khiến ai đã đến Hội An không thể nào không lưu luyến khi rời đi.

Mọi người thường nói, Hội An đi một vòng là hết. Nhưng nếu bạn chậm rãi hơn thì sẽ thấy nhiều điều để ngắm nghía và suy ngẫm về thành phố này. Không chỉ những ngôi nhà cổ, màu sắc chợ đêm phố cổ, những cửa hàng quần áo, giày dép may lấy ngay trong ngày mà Hội An còn khiến khách du lịch say mê bởi những món ăn không đâu ngon như ở thành phố này.
Xem thêm: 15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

1. Cơm gà

Nổi tiếng nhất Hội An chắc phải nói tới cơm gà. Gạo để nấu cơm phải là gạo ngon, mềm và dẻo ngâm cùng nghệ để khi nấu hạt gạo có màu vàng óng, còn gà nhất định phải là gà thả vườn đẻ qua một đến hai lứa, thơm và chắc thịt.

Gà sau khi luộc chín, vớt ra để nguội rồi lọc xương ninh tiếp để nước dùng ngọt đậm. Thịt gà xé vừa miếng bóp hành tây, muối tiêu và rau răm rồi để riêng ra. Đổ nước luộc gà đã ninh kỹ vào gạo và thả thêm vài miếng mỡ gà để cơm chín vừa tơi mềm, óng mỡ căng tròn hạt và thơm phưng phức mùi gà.

Một đĩa cơm gà thường có giá bán khoảng 35.000 đồng, tùy theo sở thích mà khách hàng tự cho tương ớt Hội An trộn vào cùng cơm

Khi dọn cơm gà cho khách ăn, người bán xúc cơm ra đĩa rồi cho gà xé lên trên, tiếp nữa là đu đủ nạo sợi muối chua dịu, rau thơm Trà Quế, và nước tương. Người dùng còn được khuyến mại thêm một chén súp nước canh gà để ăn kèm cho đỡ khô. Nếu muốn ăn thêm thịt gà, bạn có thể gọi riêng một đĩa gà trộn, nhiều quán đặt luôn miếng xương đùi vẫn còn dính một phần thịt gà vào đĩa gà trộn, khiến khách mới chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thòm thèm.

2. Cao lầu

Theo nhiều người kể lại, món Cao lầu có mặt ở Hội An từ lâu lắm rồi, khi cảng Hội An mở cửa cho thuyền thương nhân Nhật BảnTrung Quốc ghé vào buôn bán, thông thương từ những năm thế kỷ thứ 17. Chính vì thế mà món cao lầu có gì đó gợi nhớ đến mì Udon của người Nhật và hương vị hơi giống ẩm thực của mảnh đất Trung Hoa, nhưng vẫn rất đặc trưng của vùng đất phố Hội.
Cao lầu Hội An bán ở rất nhiều nơi, từ các gánh lề đường đến nhà hàng sang trọng, nhưng ngon nhất phải kể tới quán Cao lầu trên đường Trần Phú đã có trên 100 năm tuổi

Cao lầu thực chất là sợi phở khô màu vàng nhạt, luộc lên giống sợi mỳ, ăn dai dai, sần sật. Khi ăn, người ta trụng giá sống rồi xếp vào tô, sau đó mới cho mỳ lên, thêm vài miếng thịt xá xít thái lát mỏng, vài miếng da heo hoặc tóp mỡ chiên giòn, bánh tráng, nước tương, rau thơm Trà Quế và ớt xanh cho người thích ăn cay.

Lý giải tại sao không nơi nào có món Cao lầu ngon như Hội An, người ta cho rằng vì các quán bán Cao lầu tại đây thường dành tầng trên cao cho khách ngồi ăn. Vừa thưởng thức vị thơm, giòn, ngọt, cay của bát Cao lầu, vừa ngắm sắc màu của phố cổ khi lên đèn ở dưới mới ra đúng được kiểu ăn và vị ngon của món.

3. Hoành thánh

Hoành thánh là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã gắn bó thân thiết với đời sống người dân Hội An nên đã trở thành món ăn truyền thống của vùng đất này

Nguyên liệu quan trọng nhất làm nên món hoành thánh ngon chính là mỳ sợi làm từ bột mỳ, trứng cán nhuyễn càng mỏng càng tốt và cắt thành từng miếng vuông nhỏ rồi tùy theo khách ăn tôm, gà hay heo mà xào nhân bỏ nhân vào giữa, dùng tay túm đều 4 góc bóp nhẹ cho miệng khít lại sau đó mới tiếp tục chế biến thành hoành thánh chiên, hoành thánh nước hay hoành thánh mỳ.

Hoành thánh nước là bát hoành thành gồm 5, 7 miếng hoành thánh được trụng nước sôi cho chín rồi đặt vào bát, chan nước dùng ninh từ xương heo, cà chua, hành tây xay nhỏ với dầu ăn, bắp su, dứa chín. Hoành thánh chiên hấp dẫn với đĩa bánh chiên vàng rộm rưới nước sốt cà chua khoai tây lên bề mặt. Còn hoành thánh mỳ thì ăn kèm mỳ, khá giống với với mỳ vằn thắn thông thường. Dù ăn kiểu nào, đây vẫn là món ăn không thể không thử khi đến với Hội An.

4. Chè

Một cốc chè ở đây chỉ có giá 8 nghìn đồng. Nếu bạn mua ở các gánh hàng rong thì chỉ có 6 nghìn một cốc mà chất lượng ngon không kém gì chè bán trong quán

Một trong những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đi du lịch Hội An đó chính là các món chè ngon có tiếng ở đây. Chè phố Hội đa dạng về chủng loại nhưng nổi tiếng nhất phải là chè bắp Cẩm Nam, chè thưng Cẩm Châu, chè hạt sen và chè đậu ván.

Mỗi loại có một vị ngon riêng, nếu ở lâu bạn nên thử hết các loại chè để cảm nhận từng nét đặc trưng riêng của món ăn bình dị, dân dã nhưng không kém phần quyến rũ này. Đặc biệt khi lang thang ngắm nhìn và mua sắm ở phố cổ vào buổi tối đã mỏi chân, bạn có thể dừng nghỉ tại rất nhiều quán chè ven sông Hoài để nhấm nháp vị ngọt ngào của đất phố Hội.

5. Bánh đập hến xào

Nhắc đến món bánh đập hến xào Hội An chắc hẳn ai đã từng đến vùng đất này đều nhớ. Đây là món ăn kết hợp giữa cái mềm mại của bánh ướt, cái giòn tan của bánh tráng và mùi ngọt ngon hấp dẫn của hến xào ở Cồn Hến được bán rất nhiều ở các gánh hàng rong trong phố.
Buổi chiều nhập nhoạng tối trời, ngồi ăn bánh đập của các bà hàng rong dưới chân cầu sẽ để lại những dư âm về Hội An không thể nào quên trong lòng mỗi du khách.

Hến xúc ở Cồn Hến là điều tạo nên sự khác lạ cho món ăn này. Hến nhỏ đều con, được xào qua để vừa chín tới vẫn giữ độ ngọt của hến, sau đó cho thêm chút xíu gia vị, đậu phộng rang, hành phi, sa tế, rau răm thái nhỏ rồi trút món hến xào ra đĩa, dọn thêm vào chiếc bánh đập để du khách thưởng thức. Khi ăn, khách xúc một chút hến cho vào bánh, rưới thêm nước chấm, ớt chưng, nước tương rồi cắn từng miếng nhỏ để cảm nhận vị ngon không ở đâu có của món ăn rất Hội An này.

Tham khảo tour du lịch Hội An của Vietravel tại website travel.com.vn
 
(Theo Công luận)

Kinh nghiệm đi du lịch Thái Lan tiết kiệm tối đa chi phí

Thái Lan là một trong những quốc gia thu hút nhiều du khách du lịch nhất khu vực Đông Nam Á. Thái lan được du khách ưu ái dành tặng cho nhiều mỹ danh như “đất nước chùa vàng”, “thiên đường du lịch”, “thiên đường mua sắm”, “xứ sở của nụ cười thân thiện”… các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hệ thống chùa chiền nguy nga, tráng lệ, các khu vui chơi giải trí, các lễ hội truyền thống đặc sắc và đặc biệt là vô số cơ hội shopping thỏa thuê tại các khu mua sắm giá rẻ sầm uất…đang chờ đón các bạn
Xem thêm: 10 hòn đảo Thái Lan đẹp, đồ ăn ngon và đi lại dễ

Thời gian nào thích hợp nhất?

Thái Lan có khí hậu nhiệt đới gió mùa và có 4 mùa rõ rệt: Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 2, Mùa nóng từ tháng 3 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa mát từ tháng 11 đến tháng 12. Trong đó mưa nhiều nhất (90%) xảy ra vào mùa mưa. Nhiệt độ trung bình của thời tiết Thái Lan cao hơn Việt Nam, nhiệt độ thường từ 32 độ C vào tháng 12 và lên tới 35 độ C vào tháng 4 hàng năm.

Thời điểm lí tưởng nhất để đi du lịch Thái Lan là từ tháng 11 đến tháng 2 vì trong suốt những tháng này hầu như không có mưa và tiết trời không quá nóng. Đây cũng là thời điểm hay diễn ra nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc. Nếu bạn thích tìm hiểu và tham dự lễ hội ở Thái Lan, hãy đi du lịch vào tháng 4 để được hòa mình vào không khí tưng bừng nhộn nhịp của lễ té nước Songkran, lễ hội lớn nhất trong năm diễn ra vào 13-15/4 để đón chào năm mới.

Lễ hội té nước Songkran

Nếu muốn thực hiện một chuyến du ngoạn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bạn có thề đi vào tháng 3 – 5, hoặc tháng 6 – 7, mùa này nhiệt độ trên núi khá ôn hòa và dễ chịu.

Đến Thái Lan bằng gì?

Từ Hà Nội, Hồ Chí Minh, bạn có thể bay thẳng đến Bangkok trên Vietnam airlines, Thai Airway, United Airlines hay Air France. Thời gian bay từ Hà Nội đến Bangkok là 1 tiếng 50 phút, từ Hồ Chí Minh là 1 tiếng 30 phút. Đến Thái Lan, nếu chưa quen đường sá, hãy đi bằng taxi, rẻ và khá dễ chịu hơn. Đi từ sân bay về khách sạn và ngược lại đi taxi, hết khoảng 300-400bath.

Các địa điểm nổi tiếng nên đi khi đến với Thái Lan

Chùa Phật vàng Thái Lan: Tượng Phật Vàng ở chùa Vàng là bức tượng Phật ngồi cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Chùa Phật Vàng mở cửa đón khách từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều với giá vé 40 baht/khách. Nhưng thời điểm lý tưởng nhất để du khách đến tham quan chùa là vào sáng sớm, là lúc ít người, dễ dàng trong việc chụp ảnh bức tượng đặt ở một gian chánh điện chật hẹp. Chùa Phật Vàng là một trong số ít ngôi chùa ở Bangkok cho phép du khách được đến gần một kiệt tác Phật quan trọng này.

Phuket – hòn đảo xinh đẹp phía Nam Thái Lan: Đây là hòn đảo lớn nhất Thái Lan với diện tích gần 540 km², nằm ở miền Nam đất nước, phía Bắc giáp quần đảo Mergui của Myanma, phía Tây giáp quần đảo Andaman của Ấn Độ. Dải bờ biển rộng lớn với nhiều bãi biển đẹp như Patong, Kata, Karon.. cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, vô số đỉnh núi, vách đá, hang động đang chờ đợi những cuộc thám hiểm, khai phá của du khách.

Thành phố biển Pattaya: Pattaya là một thành phố của Thái Lan nằm bên bờ biển phía Đông bên vịnh Thái Lan cách thủ đô Bangkok khoảng 165 km về phía Đông Nam, thuộc tỉnh Chon Buri. Đây là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của Thái Lan. Pattaya là một trong những thành phố biển đẹp, thu hút nhiều khách du lịch Việt Nam tới đây. Món ngon nhất của Pattaya và cũng top 10 Thái luôn là Papaya Pattaya Crab Salad (giống nộm đu đủ ăn với thịt bò ở HN nhưng khác là họ trộn thêm ớt tươi, nước mắm, tôm khô, nước chanh, lạc…Đến với Pataya, không thể quên những địa điểm như Alcazar show và Tiffany show (Bê-đê show) đều nằm trên đường Pattaya Road 2; Đỉnh núi cao nhất Pattaya: đây là nơi thờ Tượng Đô Đốc Hải Quân. Từ đây bạn có thể ngắm nhìn cảnh biển Pattaya lung linh huyền ảo về đêm, tham gia ĐỐT PHÁO TRUYỀN THỐNG – Nguyện cầu bình an, may mắn trong cuộc sống; Tượng Phật lớn nhất thế giới, được khắc trên đỉnh núi Khao Chee Jan bằng 999kg vàng….

Một vài lưu ý khi đi du lịch Thái Lan

- Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình ở Thái Lan từ 28 – 35 độ C. Vì vậy, thời điểm này du lịch sang Thái du khách chỉ nên sử dụng giày dép bình thường - thấp để tiện vận động và đi lại. Thời tiết nóng nực, áo quần nên lựa chọn những trang phục thoáng mát. Khi vào thăm Hoàng Cung (Bangkok) nên ăn mặc lịch sự, phụ nữ không được mặc váy ngắn, áo hở cổ, dép phải có quai hậu.

- Hầu hết các khách sạn tại Thái Lan không trang bị kem đánh răng và bàn chải đánh răng, dép đi trong phòng, nên du khách nhớ đem theo những vật dụng cá nhân này để tiện sinh hoạt. Nếu du khách sử dụng dịch vụ điện thoại và uống nước trong minibar trong phòng thì phải tự thanh toán khi làm thủ tục trả phòng.

- Đơn vị tiền tệ của Thái Lan là đồng baht (1 USD đổi được khoảng 40 baht). Du khách nên đổi tiền tại các quầy đổi tiền an toàn và nhờ hướng dẫn viên người Thái đổi giúp, không nên tự động đổi tiền tại nơi công cộng rất dễ bị thiệt.

- Về thủ tục xuất nhập cảnh: Du khách được mang hành lý mỗi người 20 kg (lượt đi cũng như lượt về). Nếu khách mang hành lý quá mức cho phép phải tự trả 6 USD/kg. Vì vậy, phải hết sức cân nhắc khi mua hàng để tránh gặp rắc rối
(Theo DanTri)

Cung phượt biển đảo ấn tượng từ Nam ra Bắc

Với bờ biển trải dọc theo chiều dài đất nước, sẽ rất lãng phí nếu như bạn bỏ qua cung đường biển đảo cho một hành trình xuyên Việt.
Xem thêm: Ngải Thầu - điểm phượt yêu thích mùa xuân

Lộ trình cho cung đường biển đảo bao gồm: Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) - đảo Đá Bạc (Cà Mau) - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Mũi Né (Bình Thuận) - đảo Bình Ba (Khánh Hòa) - đường ven biển Phú Yên tới Bình Định - đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) - đảo Yến (Quảng Bình) - đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Một điều chú ý tới các phượt thủ là một chuyến hành trình xuyên Việt qua cung đường biển đảo có thể tốn nhiều chi phí hơn so với cung đường bộ, vì vậy các bạn nên chuẩn bị kinh phí dư dả một chút cho chuyến đi của mình.

Đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Phú Quốc sở hữu nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, trong xanh

Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm sâu trong vịnh Thái Lan. Nơi đây được mệnh danh như hòn ngọc giữa biển khơi với làn nước biển trong vắt, những dòng suối yên bình cùng các loại hải sản tươi ngon.

Để đến được Phú Quốc, từ Sài Gòn bạn có thể đi đến Hà Tiên hoặc Rạch Giá rồi bắt tàu ra đảo. Hoặc muốn nhanh hơn có thể đi máy bay ra đảo trong vòng 45 - 60 phút. Taxi tại đảo khá phổ biến nên bạn dễ dàng gọi một chiếc để di chuyển. Tuy nhiên, khi muốn linh động và tiết kiệm chi phí hơn bạn có thể thuê xe máy ở đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông.

Khi lưu lại Phú Quốc, bạn có thể thăm quan các địa danh như núi Hàm Rồng, gành Dầu, Cửa Cạn, bãi Dài, suối Đá Ngọn… Ngoài ra, nơi đây còn có các hoạt động hấp dẫn khác bạn nên thử là câu mực đêm, khám phá rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn sinh thái suối Đá Ngọn hoặc Gành Dầu…

Đảo Đá Bạc, Cà Mau

Hòn Đá Bạc vẫn còn rất hoang sơ

Hòn Đá Bạc cách thành phố Cà Mau khoảng 50 km đường thủy, 42 km đường bộ. Đây là một cụm đảo đẹp và kỳ thú với nhiều nét hoang sơ. Từ TP Cà Mau đến hòn Đá Bạc chỉ mất 1 giờ 30 phút đi xe gắn máy theo ngã Minh Hà, qua Cơi Năm. Nếu đi bằng phương tiện tàu thủy, từ TP Cà Mau, xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng Thành về hướng Tây, vượt thêm khoảng 40 km nữa là đến xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, huyện Trần Văn. Đi thêm đoạn nữa là tới ấp Đá Bạc B, từ xa đã thấy hòn Đá Bạc như một hòn non bộ "sừng sững" vượt lên trên dãy nhà xóm Kinh Hòn.

Hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng gió biển xa ru. Điểm đặc biệt là bao quanh toàn bộ khu Hòn Đá Bạc đều là bờ đá granit chồng chất lên nhau. Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt.

Côn Đảo, Vũng Tàu

Bãi Đầm Trầu nằm gần sân bay trở thành điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua khi tới Côn Đảo

Điểm đến tiếp theo là Côn Đảo, một địa danh nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Côn Đảo được biết đến với những bãi biển trong vắt, cát trắng mịn làm say mê du khách khắp nơi khi đặt chân tới đây.

Bạn có thể ra đảo bằng máy bay hoặc tàu thuyền, tuy nhiên trước khi lựa chọn phương tiện thì bạn nên cân nhắc giá cả và thời gian để có quyết định phù hợp. Đi lại ở Côn Đảo, nên đi bằng xe máy. Không khí biển mát mẻ, nên đi xe máy rất tiện lợi và thoải mái. Điều thú vị nhất là vào bất cứ đâu, bạn không cần khóa xe, cắm nguyên chìa ở ổ, vào thăm thú, ra xe vẫn y nguyên. Thậm chí, để qua đêm, sáng sau, xe vẫn y nguyên đó.

Ở Côn Đảo, bạn có thể ghé thăm mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, đền thờ bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu, Miếu và mộ của hoàng tử Cải ngay gần sân bay Cỏ Ống, Chùa Núi Một, nhà tù Côn Đảo, bãi Đầm Trần…

Mũi Né, Bình Thuận


Để đến được Mũi Né, bạn có thể đi bằng xe khách hoặc xe máy. Có muôn vàn lý do khiến bạn muốn đặt chân đến nơi đây, đó có thể là cảnh hoàng hôn lãng mạn hay những ngôi làng đánh cá đẹp như tranh vẽ nép mình giữa những bãi biển màu xanh ngọc.

Từ Mũi Né, bạn dễ dàng di chuyển khám phá các thắng cảnh nổi tiếng nơi đây cũng như các cung đường biển tuyệt đẹp như Bàu Trắng, Cổ Thạch, Phan Thiết Lagi…

Đảo Bình Ba, Khánh Hòa


Bình Ba là một đảo nhỏ thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, Bình Ba là đảo quân sự, hạn chế dân ở ngoài vào đảo. Bây giờ, luật lệ đã được nới lỏng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cho việc khai thác du lịch đại trà ở đây.

Muốn đến Bình Ba, bắt buộc chúng ta phải đến cảng Ba Ngòi cách sân bay Cam Ranh 15 km. Điều không thể bỏ qua khi du lịch Bình Ba là thuê tàu đi các bãi tắm và lặn biển xem san hô. Thậm chí, bạn có thể không cần xuống nước mà vẫn ngắm san hô được. Thỉnh thoảng, ở bãi Nhà Cũ khi thủy triều xuống thấp, từng dải san hô đầy màu sắc sẽ phơi mình dưới ánh mặt trời, tha hồ cho bạn vừa đi vừa nhìn ngắm, sờ mó, thưởng thức.

Đường ven biển Phú Yên - Bình Định

Ngắm bình minh ở mũi Đại Lãnh, Phú Yên là một trải nghiệm dân phượt nhất định phải thử

Từ Phú Yên, qua khoảng 80 km là bạn đã đến Bình Định, khi phượt trên cung đường biển này, bạn sẽ không khỏi rung động trước vẻ đẹp mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Dải đất tiềm ẩn những vẻ đẹp trời ban, nhưng vẫn yên bình thầm lặng, quá đỗi hoang sơ, chưa bị xáo trộn bởi sự náo nhiệt của nền kinh tế thị trường thời nay.

Cũng trên cung đường này, men theo các con đường không tên để đi sát biển. Bạn sẽ ghé qua Gành Đá Dĩa, địa danh nổi tiếng với những phiến đá hình tổ ong vô cùng lạ mắt. Đi qua các vịnh Vũng Lắm, Xuân Đài, Quy Nhơn. Tham quan đầm Ô Loan, đầm Thị Nại - cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, khám phá 9 bãi biển đẹp nhất Bình Định.

Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi


Khó có từ nào miêu tả được hết vẻ đẹp của Lý Sơn, chỉ có thể đến tận mắt và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ nhưng bình dị và thuần khiết của một trong những hòn đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Để ra được đảo Lý Sơn, bạn có thể đi xe máy đến Sân bay Đà Nẵng hoặc sân bay Chu Lai, sau đó di chuyển bằng các phương tiện như taxi, xe khách, đi tàu hoặc xe máy đến Quảng Ngãi, sau đó chạy ra cảng Sa Kỳ mua vé tàu ra đảo.

Hiện nay do lượng khách du lịch đến với Lý Sơn quá đông trong khi sự quản lý và hoạch định chính sách của các cơ quan huyện đảo còn kém nên vấn nạn rác đang là vấn đề mà khách du lịch cảm thấy Lý Sơn mất điểm. Tuy nhiên, bỏ qua những bất cập đó thì đây vẫn là một hòn đảo với non nước hữu tình, cảnh sắc hài hòa mang vẻ đẹp tinh khôi khó tả.

Cù Lao Chàm, Quảng Nam


Trên cung đường này, Cù Lao Chàm là một điểm dừng chân bạn không thể bỏ qua. Cù Lao Chàm mấy năm trở lại đây thu hút khá nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của các bãi biển, và dịch vụ du lịch ổn định.

Có nhiều cách để đến tham quan Cù Lao Chàm, trong đó cách nhanh nhất và tốn kém nhất là đến Cửa Đại, Hội An thuê ca nô ra đảo chỉ mất 15 phút. Nếu không, cũng tại Cửa Đại, bạn có thể bắt tàu ra chợ đảo lúc 9h sáng hàng ngày. Hoặc cách thứ 3 là đi từ thuyền ngay trong phố cổ Hội An.

Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Bình


Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7 km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vũng Chùa là bãi biển sạch, cát trắng trải dài, được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của cây cỏ. So với nhiều bãi biển khác, Vũng Chùa thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và yên bình.

Cách Vũng Chùa không xa là Đảo Yến thơ mộng, thường được người dân địa phương gọi là Đảo Nồm gọi theo hướng gió. Giữa đại dương bao la, đảo Yến nổi lên như viên ngọc xanh chưa mài giũa. Vẻ đẹp thơ mộng, nguyên sơ với diện tích khoảng 10 ha toát lên từ chính những hạt cát, rặng phi lao ven biển và cánh chim yến chao liệng trên bầu trời.

Đảo Cô Tô, Quảng Ninh


Điểm dừng chân kết thúc hành trình xuyên Việt qua cung đường biển đảo của chúng ta tại đảo Cô Tô. Nơi đây sở hữu biển xanh, cát trắng và những hoạt động du lịch hấp dẫn. Với nhiều cặp đôi, Cô Tô còn hấp dẫn bởi các trải nghiệm mang đến sự lãng mạn, yên bình.

Để ra đảo Cô Tô, sau khi bắt xe buýt hoặc tự túc phương tiện đi ra cảng Cái Rồng, bạn mua vé tàu để ra đảo.

Khi lưu lại trên đảo Cô Tô, bạn có thể lựa chọn ghé thăm bãi cát trắng Cô Tô thơ mộng, Bãi đá Cầu Mỵ - Tuyệt tác của kiến tạo đá và nước, con đường tình yêu lãng mạn, nhà thờ Cô Tô, tượng đài Bác Hồ…

Vĩnh Hy (Theo NgoiSao)

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Những lễ hội xuân rộn ràng sau Tết

Đắm mình trong không gian tràn ngập sắc xuân hay không khí tưng bừng náo nhiệt của các lễ hội là những trải nghiệm thú vị vào những ngày sau Tết.
Xem thêm: Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc

Lễ hội Chùa Hương


Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong vòng 3 tháng, đây là lễ hội kéo dài nhất trong cả nước, thông thường ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức về trên dòng suối Yến trẩy hội chùa Hương cầu sức khỏe, bình an, cầu tài, cầu lộc,... hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.


Lễ hội Yên Tử

Được coi là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, hàng năm vào những ngày đầu xuân, du khách thập phương lại háo hức trảy hội. Lễ hội Yên Tử được tổ chức ngày 9 Giêng đến hết tháng ba âm lịch tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí , tỉnh Quảng Ninh).


Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm và thưởng thức văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính. Ngoài ra, lễ khai ấn "Dấu thiêng chùa Đồng" đầu năm và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… tưng bừng, nhộn nhịp cũng luôn hấp dẫn du khách.

Hội Lim

Cứ đến ngày 12-13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, những người say mê những câu hát quan họ lại nô nức kéo về vùng Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) trảy hội. Đây được coi là một lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh và thu hút rất nhiều du khách thập phương tham dự.

Các liền anh, liền chị hát giao duyên.

Với những nghi lễ đặc sắc như rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, hàng năm nơi đây đón hàng triệu lượt khách tham quan, nhất là mùa trảy hội.

Du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... và không thể bỏ qua phần hát hội, linh hồn của Hội Lim. Các liền anh, liền chị hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng, những câu hát làm say lòng khiến du khách chẳng muốn về.

Hội rước ông lợn

Cứ vào ngày 13/1 âm lịch hàng năm, lễ hội rước ông lợn lại diễn ra tưng bừng náo nhiệt tại làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lễ hội là dịp tưởng nhớ vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc.


Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.

Ngay từ trưa, toàn bộ các gia đình có lợn tế lễ bắt đầu rục rịch mổ xẻ, làm thịt và trang trí. Đến 18h thì rước lợn. Tất cả các gia đình nô nức, chìm trong không khí tưng bừng của lễ hội.

Lễ hội khai ấn Đền Trần

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14, ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, thành phố Nam Định. Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công.


Lễ khai ấn được lưu giữ đến ngày nay. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.

Lễ hội bà chúa Kho

Lễ hội Bà Chúa Kho cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, và đặc biệt thu hút những người làm trong giới làm ăn, kinh doanh buôn bán. Đền Bà Chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".

Tương truyền, bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Nhà nước.

Song An (Tổng hợp)

Hấp dẫn cung đường chocolate nước Bỉ

Chocolat Bỉ nổi tiếng thế giới bởi chất lượng, hương vị và sự độc đáo.
Xem thêm: Những lễ hội ẩm thực mùa hè nổi tiếng nhất châu Âu

Chocopolis, một điểm dừng trong cung đường chocolat ở Brussels - Ảnh: wp

Và với hơn 2.000 xưởng chế biến chocolat trải dài từ thủ đô Brussels đến các tỉnh thành, cung đường Chocolat đang là một trong những thương hiệu của ngành du lịch Bỉ.

Chocolat đen, chocolat sữa hay trắng, kẹo chocolat nhồi nhân có 1.001 hương vị và sắc màu khác nhau, từ trái cây đến hương vani hay các loại hạt đặc trưng của Bỉ luôn đánh thức vị giác.

Vì vậy, dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, một chuyến tham quan cung đường chocolat ở Bỉ có thể khiến tâm hồn những du khách sành ăn ở mọi lứa tuổi tan chảy theo những viên chocolat ngọt ngào...

Từ các quảng trường ở thủ đô Brussels đến các bãi biển ở Knokke, từ các bến cảng đến các con kênh ở tỉnh Ghent, bạn sẽ có những chặng dừng thú vị trên cung đường chocolat nước Bỉ.

Sau đó là cơ hội tận dụng cả năm giác quan trong hành trình khám phá lịch sử 400 năm viễn du từ nền văn minh Aztec ở châu Mỹ đến Bỉ qua cây cacao đến các kỹ thuật sáng tạo giúp di sản ẩm thực này vang xa vượt biên giới nước Bỉ... 


Du khách trải nghiệm làm chocolat tại xưởng chế biến của công ty Chocola Tuti Workshop - Ảnh: visitflanders


Du khách chuẩn bị thưởng thức tiệc chocolat trong một hành trình khám phá chocolat ở Brussels - Ảnh: wp

Brussels là một chặng phải dừng trên cung đường chocolat với các phòng trưng bày của Hoàng gia về những phát minh của ngành sản xuất bánh kẹo chocolat vào năm 1912 qua những viên kẹo chocolat nhồi do Jean Neuhaus chế tạo.

Đây là sản phẩm tạo nên thành công cho gia đình Neuhaus khi thay thế cho những viên kẹo trị ho, cam thảo chống rối loạn dạ dày và các loại kẹo dẻo dược phẩm khác.


Du khách tham quan xưởng sản xuất chocolat tại Belgian Chocolate Zaabär ở Brussels - Ảnh: visitflanders


Chocopolis, một điểm dừng trong cung đường chocolat ở Brussels - Ảnh: flickr


Du khách nhí đặc biệt yêu thích Chocopolis - Ảnh: flickr

Cách Đại quảng trường hai bước chân là Bảo tàng Choco-Story Brussels được xếp vào danh sách di sản thế giới của UNESCO, nơi du khách khám phá lịch sử chocolat, từ loại thức uống vị cay Xocoatl của người Maya ở châu Mỹ đến tách chocolat nóng ở Pháp.

Bạn sẽ hiểu được quy trình tạo nên những thỏi chocolat ngon tuyệt qua phim ảnh tài liệu trình chiếu ở bảo tàng này.


Bảo tàng Choco-Story Brussels - Ảnh: wp

Điểm chính của hành trình là các xưởng chế biến chocolat trong thành phố. Trong đó, với hơn 55.000 du khách tham quan mỗi năm, Planète Chocolatở trung tâm Brussels được xem là đại sứ của chocolat Bỉ và nền sản xuất chocolat thủ công của nước này.

Tại đây, du khách có thể học cách phân biệt, tìm hiểu các tính năng của cacao, thưởng lãm tài nghệ cũng như khám phá một vài bí quyết của các nghệ nhân trong lĩnh vực chế biến chocolat.

Một chuyên gia sẽ hỗ trợ khách mua sắm những vật liệu cần thiết ngay tại xưởng, sau đó bạn sẽ tự tay nhồi bột và chế biến thành những viên kẹo chocolat nhồi nhân.

Sau khi chiêm ngưỡng các bộ sưu tập tạo hình chocolat ấn tượng tại các gian trưng bày của xưởng, bạn sẽ thưởng thức hương vị của các loại chocolat khác nhau cùng một tách chocolat nóng.


Xưởng chế biến chocolat Planète Chocolat - Ảnh: cityplug


Du khách thưởng lãm tài nghệ của nghệ nhân chế biến chocolat tại Planète Chocolat - Ảnh: wp

Tại Ghent, bạn phải đến Henegouwenstraat ở trung tâm thành phố. Đây là cửa hiệu của Jean Daskalidès, một người nhập cư gốc Hy Lạp. Sau khi qua đời, ông đã kịp tạo dựng danh tiếng cho thương hiệu kẹo chocolat nhồi đến nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, cấu trúc duyên dáng theo phong cách cổ điển của cửa hiệu cũng góp phần thu hút khách đến với chocolat của nơi đây nhiều hơn.


Cửa hàng chocolat hiện diện khắp nơi ở Ghent - Ảnh: geekwearingmakeup


Cửa hàng chocolat Henegouwenstraat ở Ghent - Ảnh: figaro


Mustard House, một trong những cửa hiệu chocolat nổi tiếng ở Ghent - Ảnh: wp

Các con hẻm rối rắm từ thời Trung cổ ở Bruges đón du khách bằng xưởng chế biến chololat Line. Dọc theo tường ở xưởng là bộ sưu tập về các chuyến thám hiểm Nam Mỹ để tìm kiếm nguồn gốc cây cacao...

Với hơn 50 xưởng chế biến chocolat, bạn dễ dàng chọn lựa nơi trải nghiệm ở thành phố chocolat này.

Tại Bruges, bạn có thể thưởng thức các loại chocolat truyền thống chế biến theo phương thức thủ công hay được chiêu đãi các loại chocolat mang tính sáng tạo nhất.


Một cửa hàng chocolat ở Bruges - Ảnh: wp

Nếu lỡ dịp đến Choco-Story ở Brussels, hay vẫn muốn tìm lại lịch sử hàng ngàn năm mối liên hệ giữa cacao và chocolat, bạn có thể đến bảo tàng chocolat ở Bruges nằm trong một tòa nhà xây dựng từ thế kỷ 15 giữa lòng thành phố.

"Nàng tiên cacao" sẽ hướng dẫn bạn khám phá sự biến hóa của chocolat từ thời nguyên thủy của nó ở thời đại của người Maya và Aztec đến lúc được người Tây Ban Nha đưa về châu Âu làm thành một thức uống có đường.

Đến thế kỷ 18, cacao được chế biến thành chocolat sử dụng như dược liệu và phát triển mạnh vào thời kỳ cách mạng công nghiệp. Bảo tàng này sẽ tiễn bạn bằng một bữa tiệc cocolat đáng nhớ...


Bảo tàng Câu chuyện chocolat ở Bruges trong một tòa nhà cổ - Ảnh: choco-story-brussels


Du khách tham quan bảo tàng Câu chuyện chocolat ở Bruges - Ảnh: choco-story-brussels


Nghệ nhân ỏ Bảo tàng Câu chuyện chocolat giới thiệu quy trình làm chocolat với du khách - Ảnh: wp

Bình An (Theo Figaro, lintern)

Bài đăng phổ biến