Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Kinh nghiệm du lịch Núi Tà Cú

Khu du lịch Núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cách TP Phan Thiết 30km. Đây là một hòn núi có phong cảnh khá đẹp, cây cối xanh um, hoa rừng nở đỏ cả góc trời, trọng tâm của khu du lịch là đỉnh núi Tà Cú. Tour Núi Tà Cú bạn có thể tham khảo các chương trình du lịch Phan Thiết, Du Lịch Hàm Thuận Nam của Vietravel.

Cách đến Núi Tà Cú

Núi Tà Cú nằm ở vị trí đầu mối các tuyến đường giao thông: Từ thành phố Hồ Chí Minh ra hoặc từ Vũng Tàu đi qua suối nước nóng Bình Châu, Dinh Thầy Thím, Mũi Điện Khe Gà … rất thuận lợi cho lộ trình hành hương và những lữ hành snh thái.

Từ thành phố Hồ Chí Minh dọc theo quốc lộ 1A vượt một đoạn đường khoảng 170km và dừng ở cây số 28 tính từ Phan Thiết vào có con đường rẽ về hướng biển chừng hơn 2 km là đến chân núi Tà Cú, một địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Chùa Linh Sơn Trường Thọ mang đậm sắc cổ kính, nằm giữa khung cảnh rừng núi chập chùng  lẫn khuất bóng mây. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước cảnh chùa cổ kính, tượng Phật trầm tư và dấu thiêng của Tổ sư từ buổi khai sơn cách đây trên 130 năm.

Đường lên Núi Tà Cú

 Có hai phương án để lên núi. Một là men theo hơn 1000 bậc thang, tốn gần 1 ngày đường để lên núi. Phương án này thường được các tay thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt, có kế hoạch ngủ lại trên núi thực hiện.

Phương án thứ hai chỉ 15 phút đã có mặt trên đỉnh là vừa nhanh, vừa tiện là cáp treo. Ngồi trên cáp treo, ngoài việc không phải tiêu tốn bất kỳ giọt mồ hôi nào, du khách còn được tận hưởng cảm giác lướt trên những ngọn cây cổ thụ xanh um, cây dong nở hoa đỏ rực. Đâu đó trong không trung, hương hoa thoang thoảng, tiếng chim hót, gió biển thổi nhẹ càng dễ chịu.

Tham quan núi Tà Cú

Nếu bằng đường bộ lên núi phải leo hàng ngàn bậc đá quanh co, luồn qua truông lá đại ngàn mới đến chùa Long Đoàn và chùa Tổ. Khu vực chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm lưng chừng núi ở độ cao 420m so với mặt nước biển, hài hòa với bức tranh thiên nhiên được kết bằng những tảng đá, khe suối, cây rừng trầm lặng trước pho tượng phật nằm giữa song lâm thị tịch. Đứng dưới bóng đại thụ ngàn năm nhìn về hướng đông có thể thấy cả đảo nhỏ Hòn Bà ở La Gi giữa biển mênh mông.

Đường lên chùa núi dài hơn 2500m, qua nhiều chặng dốc cao với nhiều địa danh rất ấn tượng. Chặng đầu có Đá Bàn Hạ rồi Đá Bàn Thượng và có người gọi là Đá Ông Địa, cạnh đó có dòng suối chảy róc rách len dưới chân tảng đá lớn thờ Thổ thần. Càng lên cao dốc càng gắt cũng là lúc gặp Dốc Bằng Lăng bởi quanh đây có nhiều Cây Bằng lăng, hoa nở tím ngắt một góc rừng, tiếp đến là Dốc Yên Ngựa với một khối đá lớn mặt phẳng như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối có tên gọi là Giếng tiên gợi cho du khách hành hương hình dung được một bàn cờ của các vị tiên chưa tàn cuộc còn lưu dấu.

Rời cáp, rảo bước thêm khoảng 100 bậc thang, một vùng biển xanh bao la, trải dài như nối vào đường chân trời, ngọn hải đăng Kê Gà bao năm trầm mặc, những mái nhà thấp thoáng, những con đường uốn cong hiện ra trước mắt du khách…Tiến sâu hơn vào đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt các bức tượng phật, ấn tượng nhất là bức tượng phật nằm dài 49m, cao 11m. Người thành tâm khấn vái, người tinh nghịch tạo dáng chụp ảnh. Tiếng cười đùa, tiếng rì rầm phá tan không gian tĩnh mịch.

Rời bức tượng phật, du khách tiến về phía đông của đỉnh núi, đến một hang núi sâu thẳm chứa đựng biết bao điều bí ẩn với bao huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây, hang Tổ. Hang tổ được kết cấu bởi khá nhiều khối đá, và dẫn sâu xuống dưới khoảng 100m, ăn thông ra ngọn núi đằng sau. Hang khá tối, lòng hang hẹp, thấp, mỗi bậc đá dẫn xuống hang cao non 1m.

Muốn chinh phục hang, mỗi nhóm phải có ít nhất 2 người để thay phiên nhau cầm đèn cầy, đèn pin. Bóng tối, những tảng đá trơn trượt, cảm giác không biết khi đặt chân xuống bậc đá thấp hơn có chạm phải con vật nào đó khiến nhiều du khách bỏ cuộc, quay lại vạch xuất phát. Song cũng có nhiều du khách xem hang Tổ là một thách thức đáng để khám phá, trải nghiệm nên mạnh chân tiến tới.

Càng xuống sâu, không khí càng ít đi, vài người cảm thấy khó thở nhưng kỳ lạ là chiếc đèn cầy trên tay vẫn cháy sáng, ánh sáng vàng vọt khiến hang càng bí ẩn, khó đoán. Xuống đến cuối hang, một mạch nước ngầm chảy róc rách.

Nước chảy qua nhiều rễ cây, rồi kết thành dòng, nên khi uống có cảm giác ngọt lịm, thơm nhẹ, uống vào thấy mát và sảng khoái vô cùng. Hơn hai tiếng sau, mọi người đã xuất hiện ở cửa sau của hang, vài người bị trầy xước tay do đá, vài chiếc dép sứt quai, mệt mỏi nhưng tiếng cười, ánh mắt không giấu vẻ tự hào khi chia sẻ chai nước dưới hang cho bạn bè, người thân.

Tổng quan Núi Tà Cú

Núi Tà Cú là rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia có thảm động thực vật phong phú với hơn chục loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới như thằn lằn đá Gekko takouensis sp. nov. Ngô & Gamble, thằn lằn chân ngón Cyrtodactylus takouensis Ngô & Bauer, gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen… các loại cây quý như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana…và trên 150 loại cây thuốc. Cứ mỗi độ xuân về hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng, triền núi có nhiều dòng suối tuôn nước trong ngần như vắt ra từ tảng đá và vị ngọt lịm của nước làm cho khách hành hương cứ tưởng là được uống nước Cam lồ trong truyền thuyết.

Quần thể Chùa Núi được hình thành dựa theo thế núi nên có Chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng đông nam. Với đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc Tông thường thấy dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét riêng cổ kính với mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt đã nhuốm dày bao lớp rêu phong tồn tại với thời gian. Các chú chuẩn đề ở vòng linh phù được chạm khắc trên vách đá sau chùa Tổ mới thấy phần nào dấu tích của phái mật tông, nói lên một thời các bậc cao tăng đại lão đã tu luyện phép thuật làm phương tiện tu chứng nhằm đạt hai chữ Chơn – Không.

Cảnh tịnh độ nhân gian với ba pho tượng Phật Di Đà (7m) Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (6,5m) hiện nay là một trong bảy cấp của cảnh tịnh độ đạo tràng theo Quán kinh và Kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. màu vôi trắng toát của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng tạo nên cảnh hùng vĩ siêu nhiên. Ban sớm có những đám sương mù bao phủ như trộn lẫn vào lớp đá hoa cương đang phiêu bồng giữa thực và mộng.

Vị trí trung tâm chùa Linh Sơn Trường Thọ gồm chùa trên, Chùa Tổ. Chùa xây dựng từ khoảng năm 1870 – 1880 do sư tổ Hữu Đức và các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Quy mô cấu trúc chùa Tổ có ba gian: Giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả là nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ tổ Hữu Đức. Có trên một trăm bậc đá tam cấp rêu phong ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ làm nổi bật vị thế tôn nghiêm, mái chùa điểm xuyết lên bầu trời xanh lồng lộng, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.Ở triền núi hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn được sư Tâm Tố hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi tổ Hữu Đức viên tịch. Lối kiến trúc pha với phong cách hiện đại những nóc chùa hình tháp, mái ngói âm dương được hài hòa thanh thoát. Ngôi chánh điện với những bức tường xây bằng đá chẻ trong rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên tạo nên một màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng. Trong khuôn viên chùa có tháp mộ Tổ và các chư hậu Tổ. Chuyện kể rằng trước khi Tổ Hữu Đức sắp viên tịch có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên chất củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch Bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu chẳng hề ăn uống và mấy hôm sau chết bên tháp. Do vậy mà bên cạnh tháp có một nắm mộ Bạch hổ do nhà chùa mai táng.

Tổng thể di tích Linh Sơn Trường Thọ Tự không thể tách rời những kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn dài 49m cao 11m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần 4 năm sau mới hoàn thành. Đến nay vẫn có những thắc mắc không hiểu sao lúc bấy giờ nơi thâm sơn cùng cốc, đường lên hiểm trở mà chỉ bằng sức lực con người lại có thể chuyển hàng ngàn tấn sắt, thép, xi măng làm nên kỳ công đó?

Phía chân tượng phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang mọc đầy những cây thuốc ngũ gia bì, chuối đá … có một hang đá, cửa vào rất hẹp chỉ đủ một người. Lối vào trong có tảng đá bằng phẳng là nơi Tổ thiền tịch nay trở thành chỗ thờ, bước chân đầu tiên vào buổi khai sơn Tổ đã coi nơi này là “Như lai tịch thất”. Vào sâu nữa bằng con đường đầy ngóc ngách, bóng tối âm u trong lòng đá như vô tận. Lối đi càng sâu càng thấy trút dần, gặp nhiều ngả, nhiều vực thăm thẳm và hơi lạnh từ đá xông lên. Người đi thám hiểm vào hang sâu thường thắp nhang cắm dọc lối đã qua để định hướng quay về. Tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vang vọng chân ngôn huyền bí khó mà diễn đạt bằng ngôn ngữ thế gian. Có người kể, ngày xưa quăng vào hang một trái bưởi hoặc quả dừa nếu đánh dấu thì  những ngày sau sẽ gặp trôi trên biển Khe Gà … Những chuyện mang vẻ kỳ bí và linh diệu về hang Tổ đến nay vẫn nằm trong tâm hưởng của người mộ đạo.

Nghỉ qua đêm ở Núi Tà Cú

Ở Núi Tà Cú có phục vụ cho nghỉ qua đêm với giá cũng tương đối. Có 3 loại phòng

Phòng tập thể

Đây là loại phòng phục vụ cho số lượng đông khách ở cư trú và nghỉ ngơi thích hợp cho cơ quan, đoàn thể đi thăm quan, nghỉ dưỡng. Trang thiết bị hiện đại, phòng rộng thoáng với không gian mở.

- Phòng tập thể thì không có TV , máy điều hòa  và máy nước nóng, chỉ phục vụ cho số lượng khách đi theo đoàn...

- Không gian thoáng mát, lịch sự, ẩn mình trong rừng núi với khí hậu ôn hòa  giúp quý khách có một ngày nghỉ thật thỏa mái.

Giá phòng tập thể: 550.000  VNĐ/phòng/ (12 người).  Giường phụ, giá:  30.000 đồng\người

 Phòng ba giường đôi

Phòng trang bị đầy đủ tiện nghi như TV, máy điều hòa không khí và máy nước nóng, với đội ngũ phục vụ chuyên nghiêp, nhiệt tình...

- Phòng trang bị đầy đủ tiện nghi như TV, máy điều hòa không khí và máy nước nóng...

- Không gian thoáng mát, lịch sự, ẩn mình trong rừng núi với khí hậu ôn hòa  giúp quý khách có một ngày nghỉ thật thỏa mái.

- Giá phòng: 350.000 VNĐ/phòng/ (3 giường đôi). Giường phụ: 50.000 đồng\người

Phòng hai giường đôi

Phòng trang bị đầy đủ tiện nghi như TV, máy điều hòa không khí và máy nước nóng...

- Phòng trang bị đầy đủ tiện nghi như TV, máy điều hòa không khí và máy nước nóng...
- Giá phòng: 250.000 VNĐ/phòng/ (2 giường đôi)

Thông tin về các dịch vụ ở Núi Tà Cú

Cáp Treo Núi Tà Cú

“ Bao gồm hai nhà ga: nhà ga cáp dưới và nhà ga cáp trên, một quảng trường cùng với những khu phụ trợ rộng rãi khang trang. Tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ.”

Một số thông tin cần thiết:

- Vé đi cáp treo:
     + Người lớn:
             ++ Vé khứ hồi: 100.000 đồng/người/lượt.
             ++ Vé một chiều: 60.000 đồng/người/lượt.
     + Trẻ em:
             ++ Vé khứ hồi: 60.000 đồng/người/lượt.
             ++ Vé một chiều: 40.000 đồng/người/lượt.

Ghi chú:  Giá vé trên có thể thay đổi tùy theo sự biến động giá cả của thị trường.

Câu cá giải trí

Bạn sẽ có những giây phút thoải mái, thư giãn khi buông cần bên làn nước trong xanh, không gian thoáng đãng, và còn gì thú vị bằng việc được thưởng thức tại chỗ những món ăn được chế biến từ chính những chú cá do chính mình câu được.

Một số thông tin cần quan tâm:

- Giá vé:
   
 + Giá thuê: 10.000 VNĐ/1 cần câu

Ghi chú:  Giá vé trên có thể thay đổi tùy theo sự biến đổi giá cả trên thị trường.

Thiên nga đạp nước

Với không gian xanh tươi, làn nước êm ả, bên cạnh nhà hàng thoáng mát, sang trọng xuất hiện dịch vụ mới lạ đặc sắc đó là dịch vụ Thiên nga đạp nước phù hợp cho tất cả mọi người.

- Giá vé:
     + Thiên nga đạp nước: 10.000 VNĐ/người/lượt  

Ghi chú:  Giá vé trên có thể thay đổi tùy theo sự biến đổi giá cả trên thị trường.

Xe điện

Đây là loại hình dịch vụ rất đặc sắc của khu du lịch núi Tà Cú, với những con đường rải nhựa, thảm cỏ xanh ngắt hai bên đường, những khúc cua uống lượn quanh co. Đi trên xe bạn có thể ngắm toàn cảnh Tà Cú.

- Giá vé khi đi trên xe điện:
     + Người lớn: 10.000 đồng/người/lượt
     + Trẻ em: 5.000 đồng/người/lượt

Ghi chú:  Giá vé trên có thể thay đổi tùy theo sự biến đổi giá cả trên thị trường.

Ăn uống ở Núi Tà Cú

Ở Núi Tà Cú có hai nhà hàng, bạn có thể ăn ở dưới núi hoặc chân núi điều được

Nhà hàng dưới núi

Nhà hàng dưới núi có quy mô phục vụ cùng lúc 700 thực khách, các món ăn ở đây phong phú, đa dạng, món Tây, món ta đều có, phục vụ đa dạng với mọi đối tượng khách hàng từ bình dân đến sang trọng.

- Nhà hàng chuyên phục phụ các món như:
      + Điểm tâm
      + Cơm dĩa
      + Cơm phần
      + Các món hải sản
      + Lẩu các loại
      + Món chay
      + Món mặn
      + Món âu
      + Món á
      + Ẩm thực đồng quê tươi sống

Nhà hàng trên núi

Nhà hàng trên núi được tọa lạc trên đồi cao, với xung quanh là rừng núi, không khí ôn hòa, bao gồm cà phê, karaoke, có quy mô phục vụ cùng lúc 700 thực khách, các món ăn ở đây phong phú, đa dạng, món Tây, món ta đều có, phục vụ đa dạng với mọi đối tượng khách hàng từ bình dân đến sang trọng.

- Nhà hàng chuyên phục phụ các món như:
      + Điểm tâm
      + Cơm dĩa
      + Cơm phần
      + Các món hải sản
      + Lẩu các loại
      + Món chay
      + Món mặn
      + Món âu
      + Món á
      + Ẩm thực đồng quê tươi sống

Bài đăng phổ biến