Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch

Cầm máu, băng bó vết thương và hô hấp nhân tạo là những kỹ năng cần thiết giúp bạn xử lý khi gặp các sự cố không may trên đường du lịch.

Nên xem: Cách xử lý các tình huống thường gặp trên đường du lịch

Do nhiều nguyên nhân, trên hành trình du lịch rất có thể bạn sẽ bị trầy xước, bị thương hay đuối nước. Do đó, bạn nên bỏ túi một vài kỹ năng sơ cứu cơ bản sau:

1. Cầm máu và làm garô

Với những vết trầy xước hoặc chảy máu ít (chảy máu mao mạch), bạn chỉ cần dùng khăn hoặc tay sạch loại bỏ bụi bẩn, các mảnh nhỏ, rồi giữ chặt vết thương hở để cầm máu. Sau đó, dùng urgo hoặc gạc sạch băng lại trong 1 - 2 ngày tùy theo độ sâu và rộng của vết thương.

Với những vết thương có máu đỏ sậm, chảy thành dòng (chảy máu tĩnh mạch) và máu đỏ tươi bắn thành tia (chảy máu động mạch), việc đầu tiên là phải làm garô để cầm máu.

Trong trường hợp không có dây garô chuyên dụng, bạn nên tận dụng một đoạn dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào ngay phần phía trên của vết thương để làm ngừng lưu thông máu xuống phía dưới.

Ngoài việc đảm bảo nguyên tắc khi đặt garô là lộ ra ngoài (không để bị quần áo che), chuyển nhanh người bị garô về tuyến sau và nới lỏng garô 60-90 phút/lần, đồng thời ghi rõ giờ garô, giờ nới..., bạn nên đặt garô trên một chiếc khăn mỏng quấn quanh phía trên vết thương để không bị hằn và hoại tử cho người bị nạn.

Chú ý, tuyệt đối không cố gắng loại bỏ các dị vật quá lớn hoặc đâm quá sâu vì có thể làm chảy máu nhiều hơn và nhiễm trùng vết thương.

2. Băng bó

Sau khi cầm máu và làm sạch vết thương bằng gạc, băng bó là bước làm tiếp theo. Với vết thương nằm ở đoạn bộ phận có độ lớn đều nhau như cổ tay, bạn có thể sử dụng cách băng xoắn ốc. Đây là cách băng bó đơn giản nhất, đầu tiên bạn quấn 2 vòng để cố định gạc, sau đó cho đường băng quấn vòng đi đầu lên, vòng băng sau đè lên 2/3 vòng băng trước cho đến khi che kín toàn bộ vết thương và buộc băng lại.

Kỹ thuật băng chữ nhân. Ảnh: Vy An

Băng chữ nhân áp dụng có những vết thương nằm ở bộ phận có độ lớn không đều nhau như khuỷu tay, khuỷu chân. Cách băng này khá giống băng xoáy ốc nhưng mỗi vòng đều gấp lại. Sau khi cố định gạc, quấn một vòng xoáy, ngón cái tay trái đè lên chỗ định gấp giữ chặt vòng băng. Nới dài cuộn băng khoảng 15cm, tay phải lật băng kéo xuống dưới và gấp lại. Sau đó quấn chặt chỗ băng, kết thúc với hai vòng tròn và cố định.

Khi gặp các vết thương ở các vùng vai, nách, bẹn, mông, cẳng tay, gót chân..., bạn nên sử dụng cách băng theo hình số 8 với các đường băng bắt chéo. Dù thực hiện cách nào, bạn cũng phải tuân thủ nguyên tắc: băng kín vết thương, chặt vừa phải.

3. Hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực

Kỹ năng này sẽ giúp bạn sơ cứu khi gặp các trường hợp bị đuối nước. Trước tiên, đưa nạn nhân vào nơi khô ráo, bằng phẳng, kê khăn hoặc áo xuống cổ nạn nhân, đặt nghiêng đầu rồi dùng khăn sạch móc hết đờm, dãi trong họng.

Sau đó đặt thẳng lại đầu, quỳ bên cạnh nạn nhân (ngang tim), đặt bàn tay trái lên 1/3 dưới xương ức, bàn tay phải úp lên mu bàn tay trái, hai tay duỗi thẳng, hai vai vuông góc với tay. Dồn sức nặng của toàn thân ép xuống lồng ngực của nạn nhân nhịp nhàng, liên tục 60-80 lần/1 phút.

Kỹ năng sơ cứu hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân bị đuối nước. Ảnh: Vy An

Sau khoảng 20-30 lần ép tim, bạn chuyển sang thổi ngạt 2 lần. Lúc này, đặt một tay lên trán lấy hai ngón tay bịt mũi nạn nhân, đồng thời một tay lên cằm nạn nhân, kéo về phía sau sao cho miệng nạn nhân mở ra, thổi ngạt từ từ để không khí từ miệng bạn dần đi vào phổi nạn nhân. Làm liên tục ép tim lồng ngực và hà hơi thổi ngạt khoảng 30 phút cho đến khi nạn nhân tỉnh lại và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm: Khám phá thiên đường hoang dã KENYA

Vy An - VNExpress

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Cách xử lý các tình huống thường gặp trên đường du lịch

Bạn rất có thể bị say nắng, rắn cắn, muỗi cắn, vắt cắn hay ong đốt trên đường khám phá những vùng đất mới. Vì vậy hãy trang bị kiến thức để xử lý khi các tình huống này xảy ra.

Xem thêm: 20 sai lầm người du lịch thường mắc phải

Say nắng

Du lịch vào mùa hè nắng nóng, cộng với các hoạt động ngoài trời kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị mất nước do ra quá nhiều mồ hôi, dẫn đến say nắng. Lúc này nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, tới 39 - 40 độ C, da khô, môi và lưỡi khô rộp, có thể tụt huyết áp, tiểu ít. Nặng hơn có thể bị ngất và lên cơn co giật.

Dùng khăn dấp nước mát đắp lên trán để hạ nhiệt cho người bị say nắng. Ảnh: wisegeek

Khi gặp tình huống này, bạn nên đưa người bị say nắng vào nơi râm mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo. Sau đó, dùng khăn dấp nước mát liên tục đắp lên trán, gáy, ngực, nách, cánh tay, đùi. Có thể dùng đá lạnh để chườm nhưng phải liên tục thay đổi vị trí tiếp xúc.

Khi người say nắng tỉnh, bạn nên cho uống nước có pha muối loãng (4 - 5g muối ăn trong 1 lít nước) hoặc dung dịch oresol cho tới khi hết khát. Trong trường hợp người bị say nắng không tỉnh và mê, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi tiếp tục chườm lạnh và bù dịch.

Rắn cắn

Leo núi, đi bộ đường rừng, nhất là trong đêm tối có thể khiến bạn gặp tai nạn rắn cắn bất cứ lúc nào. Thay vì hoảng loạn, bạn nên bình tĩnh và nhanh chóng xác định xem đó là rắn lành hay rắn độc. Trong khi rắn lành thường để lại cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung thì vết thương tại nơi bị rắn độc cắn lại có hai vết răng nanh cách nhau 5 mm.

Hãy cẩn thận khi đi rừng bởi sự ngụy trang hoàn hảo của nhiều loài rắn độc. Ảnh: Nationalgeographic

Nếu bị rắn độc cắn hoặc không xác định được, bạn cần ngồi yên một chỗ, không cử động phần cơ thể bị rắn cắn. Sau đó rửa sạch vết rắn cắn bằng xà phòng và nước sạch. Dùng dao sạch (đã hơ trên lửa) rạch một đường dài khoảng 10 mm, sâu độ 3 mm tại vết răng nanh, sau đó nặn ra ít máu. Sát khuẩn vết rạch bằng cồn 70 độ hoặc ôxy già, nước muối, rồi băng ép vết thương lại và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Ong đốt

Ngoài nguy cơ bị rắn cắn, bạn cũng không nên chủ quan với trường hợp bị ong đốt, đặc biệt là ong vò vẽ. Chúng có thể gây phù mặt, khó thở, đau buốt, thậm chí liệt thần kinh, suy gan thận.

Vì vậy, ngay khi phát hiện bị ong đốt, vết cắn cần được rửa xà phòng rồi chườm lạnh, sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để gắp vòi ong, nặng sẽ phải lọc máu ngoài thận để cứu sinh mạng và bảo đảm không để lại di chứng về sau.

Ong vò vẽ là loài ong độc thường gặp khi đi rừng. Ảnh: wiki

Cách phân biệt 2 loại ong vò vẽ thường gặp:
- Loại nhỏ: Thân màu đen, vàng xen kẽ, bụng có một khoanh vàng rộng; làm tổ cao, thích sống gần hơi ấm của con người và gia súc. Độc tính của nọc ong này khá cao; nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.
- Loại to: Làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc. Chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt. Chúng thường làm tổ ở các gò, đồi, mô đất cao hơi yên tĩnh, thường xa nhà và nơi thả gia súc.

Muỗi cắn

Muỗi rừng sống hoang dã, thường gần gũi và rất ưa thích đốt máu người, hoạt động mạnh khi trời tắt nắng. Muỗi có thể gây nên bệnh sốt rét nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện trên thị trường có bán nhiều loại thuốc phòng ngừa muỗi đốt mà bạn nên thoa lên da trước khi đi vào rừng. Nếu không có, bạn có thể thoa chanh lên các vùng da lộ hoặc mang theo chút sả, những hương liệu này có tác dụng xua muỗi tránh xa khỏi bạn một chút.


Muối và chanh rất quan trọng khi đi rừng, không chỉ dùng nấu ăn mà còn có tác dụng trong nhiều việc.
Uống thuốc B1 trước khi đi du lịch, da bạn sẽ tiết ra mùi thuốc khiến nhiều loại côn trùng lảng tránh. Thuốc tẩy quần áo (chlorine) thường tiết ra mùi làm cho các côn trùng không dám đến gần. Nếu bạn ngâm mình 15 phút trong bồn nước có pha khoảng nửa lon sữa bò thuốc tẩy thì côn trùng sẽ không dám tấn công bạn trong nhiều giờ.

Mặc quần áo dài tay và bịt kín các vùng hở như cổ. Khi hạ trại nghỉ ngơi, tránh các chỗ ẩm ướt, gỗ mục vì đó là nơi trú ngụ ưa thích của muỗi và nhiều loại côn trùng.

Xử lý vết cắn

Khi bị muỗi cắn bạn nên thoa ngay chút nước muối hoặc chút vỏ chanh để sát trùng. Không dùng tay gãi làm xước vết cắn. Chỉ nên xoa nhẹ. Vết muỗi cắn sẽ rất ngứa. Một chút kem đánh răng sẽ làm dịu bớt vết rát ngứa.

Aspirin luôn được cất cẩn thận trong túi của những người đi rừng lâu ngày vì nó là thuốc để chống lại căn bệnh sốt rét cực kỳ nguy hiểm.

Vắt cắn

Vắt thường đi tìm mồi từ 5 đến 8h sáng hoặc 17 đến 19h tối. Chùng thường chọn nơi có nhiệt độ ấm như sau gối, đùi, bẹn, lưng, nách, cổ…để hút máu. Vắt có khả năng leo trèo trên giày, quần áo để tìm những nơi không bôi thuốc và nơi có thể chui vào cơ thể người.


Các vết cắn nên được rửa bằng nước sát khuẩn hoặc nước muối loãng để tránh nhiễm trùng.
Bôi thuốc chống vắt bên trong: cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách. Bôi thuốc chống vắt bên ngoài: các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ. Bên ngoài bạn có thể dùng xịt muỗi cho dễ thao tác.

Phòng chống vắt cắn. 

Cho ống quần vào trong tất. Dùng tất chống vắt bán ở các cửa hàng phục trang du lịch và mặc quần áo dày và dài tay, đeo găng, tránh để hở vùng cổ, tai là những điểm ấm trên cơ thể rất dễ bị vắt chui vào cắn. Chú ý phát hiện những con vắt bò trên quần, áo để búng đi ngay vì chúng sẽ chui vào người qua thắt lưng, nẹp áo của bạn.

Không ngồi nghỉ nơi rậm rạp, trên mặt đất, lá mục. Không đứng, ngồi lâu tại khu vực nhiều vắt. Nên chọn chỗ thoáng và mỏm đá để ngồi. Xua đuổi vắt khỏi một khu vực bằng cách quét hết lá mục, xịt thuốc muỗi, hoặc rắc muối lên mặt đất, đốt lửa-xông khói.

Trước khi hạ trại, chú ý dọn sạch và làm quang đãng xung quanh.

Xử lý vắt cắn

Dùng đầu ngón tay miết sát da và gạt đầu nhỏ (đầu hút máu) của vắt, sau đó gạt tiếp đầu kia của vắt, rồi vẩy nó đi trước khi nó bám lại vào ngón tay bạn. Hoặc lấy vài hạt muối xoa thẳng vào chỗ vắt đang cắn, vắt sẽ lập tức nhả ra. Dùng bật lửa đốt, dùng cao bôi vào con vắt cũng khiến chúng nhả ngay.

Rửa vết thương, dùng ngón cái ấn vào miệng vết thương cho máu tạm ngưng chảy, dính băng vào vết cắn. Sau 15 phút kiểm tra vết thương, nếu cần thay băng mới. Bật lửa và muối phải có trong túi người đi rừng.

Đuối nước

Mùa hè nóng nực, không có gì thích thú hơn là được bơi lội trong làn nước mát của suối, hồ và biển cả. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nguy cơ bị đuối nước do chuột rút, khởi động chưa kỹ hay gặp phải sóng lớn hoặc vùng nước xoáy.

Xứ lý đuối nước cần nhanh chóng, bình tĩnh và chính xác. Ảnh: connorcares

Do đó, khi gặp người bị đuối nước, bạn cần kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. Sau đó, để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo và tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực ngay lập tức. Khi mạch đập trở lại và có nhịp thở, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để hồi sức cấp cứu.

Xem thêm: Những mẹo nhỏ giúp bạn tự tin du lịch khắp thế giới

Vy An - vnexpress

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba - Nha Trang

Đảo Bình Ba có một vị trí rất đặc biệt ở vịnh Cam Ranh, nó tựa như bức bình phong chắn ngay cửa vịnh được hình thành bởi mũi Điện và mũi Hời, đảo cách cảng Ba Ngòi (Cam Ranh) khoảng 8 hải lý (khoảng 15km) về phía đông. Người dân Bình Ba vốn rất thân thiện và mến khách và nơi đây rất thích hợp cho những chuyến du lịch biển đảo bình yên ngắn ngày, tránh xa cuộc sống xô bồ và phức tạp.

Xem thêm: 7 bãi biển đẹp nhất Việt Nam - 10 bãi biển đẹp tựa thiên đường trên thế giới

Đảo Bình Ba được ví với cái tên gọi thân thuộc là Đảo Tôm Hùm, bởi nơi đây nổi tiếng với những con tôm hùm to và ngon. Đi du lịch đảo Bình Ba rất dễ dàng và thuận tiện. Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi hoàn hảo.
Đảo Bình Ba yên bình trong sáng sớm

Đến Bình Ba như thế nào?

Vì đảo Bình Ba nằm cách sân bay Nha Trang 15km nên bạn có thể đi đến đây bằng xe khách hoặc máy bay. Tuy nhiên, với những người thích du lịch bụi thì đi xe khách để tiết kiệm chi phí là sự lựa chọn tốt nhất cho họ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Nha Trang

Máy bay

Hiện nay, có hai hãng máy bay đi từ Hà Nội và Tp. HCM đi Nha Trang là: vietjetair (www.vietjetair.com) hoặc vietnamairlines (www.vietnamairline.com). Sau khi xuống sân bay bạn có thể dễ dàng bắt taxi đến cảng Ba Ngòi (điểm xuất phát tàu đi đảo Bình Ba) cách sân bay Cam Ranh 15km.

Xe khách

Từ Tp.Hồ Chí Minh có nhiều hãng xe đi Nha Trang như: Phương Trang, Phương Nam, Mai Linh, Các bạn nhớ dặn lái xe cho xuống Bưu điện Cam Ranh cách cảng Ba Ngòi 3km hoặc tại bến xe C.Ranh cách 5km. Dưới đây là một số thông tin liên lạc với các hãng xe khách đáng tin cậy:

Đại lý bán vé Mai Linh Express Cam Ranh:

Địa chỉ: Lô Số 0, Đường Lê Duẩn, Cam Lộc, Cam Ranh (gần Bến Xe Cam Ranh)

Điện thoại: Cam Ranh – (058) 3 856 752, TP.HCM – (08) 39 29 29 29

Văn phòng giao dịch xe Phương Trang

Tại Cam Ranh: Địa chỉ: Lô Số 0, Đường Lê Duẩn, Cam Lộc, Cam Ranh (gần Bến Xe Cam Ranh)

Điện thoại: Cam Ranh – (058) 626 0263

Tại Nha Trang: Điện Thọai: 0583. 524.315

Tại TP HCM: Điện Thọai: (08) 38.375.570

Địa chỉ: 272 Đề Thám, Quận 1

Điện Thọai: (08) 38.333.468

Địa chỉ: 328A Lê Hồng Phong, Quận 10

Tàu đi đảo Bình Ba

Từ bến xe Cam Ranh bạn có thể đi xe ôm ra bến đò Ba Ngòi với giá khoảng 15.000đ. Hàng ngày đều có đò khởi hành ra đảo lúc 10h sáng với giá 20.000đ/ hành khách. Đò từ đảo về đất liền có 2 chuyến: chuyến sáng sớm lúc 5h và chuyến 12h trưa.

Tàu đi đảo Bình Ba

Nhà nghỉ trên đảo Bình Ba

Ngay bãi Nồm có một số nhà nghỉ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo thêm nhà nghỉ của chị Dung 0972332202, giá lưu trú khoảng 70.000đ/ đêm, ăn 70.000đ/ bữa.

Một địa chỉ nữa cũng được nhiều bạn gợi ý đó là nhà chị Tuyền 0914.493.793, hoặc số điện thoại mẹ chị Tuyền 0962.466.528. Nhà nghỉ rộng rãi mát mẻ, ở được khoảng 40 khách, có khoảng 7 phòng tắm/ WC. Ngoài ra bạn có thể đặt tôm hùm tại đây với giá hợp lý. Tham khảo giá Tôm Hùm và dịch vụ lưu trú sau đây (cập nhật 05/ 2013)

Tôm hùm ngộp loại 2-3 con/kg giá 500.000đ
Ốc vú nàng 70.000đ/kg
Ngủ đêm 50.000đ/người
Ăn trưa tuỳ giá: 30-50.000VND /người

Nghỉ ở đây rất tiện, các bạn sẽ được cô chủ cho mình mượn bếp than, bạt, chén bát để mình có thể đem ra bãi nướng… hoặc các bạn có thể mua hải sản nhờ cô chế biến (gửi công nấu).

Nếu bạn nào muốn trải nghiệm cảm giác ở home-stay, các bạn có thể liên hệ Ngọc Tú số điện thoại: 0942016958. Nhà rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ đủ tiện nghi, gần chợ và các bãi tắm rất thích hợp với các đoàn du lịch khoảng 20 người.

Về lưu trú thì tại thị xã Ba Ngòi, bạn có thể ở một số nhà nghỉ, khách sạn như Thành Mỹ – Hoàng Nhật, các khách sạn tầm 1 sao giá chừng 160.000đ đến 200.000đ. Ăn uống thì có nhà hàng Ngọc Sương – Vui – Liên Hoa – Nhuận – Hải Châu – Linh Anh ngoài ra có quán mì Quảng nổi tiếng. Hải sản ở đây rất ngon như các loại ốc vòi voi, sá sùng, ốc hương, cá mú, chình…

Ốc vú nàng luộc

Thăm quan trên đảo

Đây là một trong những nơi đón bình minh sớm nhất tại Việt Nam. Có nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp tại đảo Bình Ba: Các di tích từ thời Pháp thuộc: lô cốt, bệ súng thần công, đường hầm xuyên núi. Hai bãi tắm ngay tại khu vực đảo: Bãi Nồm, Bãi Chướng. Rất nhiều các bãi tắm khác xung quanh đảo và các nơi có thể lặn ngắm san hô: bãi Nhà Cũ, bãi Bồ Đề, bãi Rạng, hòn Rùa, hòn Me…

Bãi Nồm

Đây là bãi tắm đẹp nhất ở đây. Đó là một bãi cát hình cánh cung, hai đầu là những ghềnh đá vững chãi. Vào cuối tuần, hàng trăm khách ra đảo và dừng lại bãi Nồm đùa giỡn với sóng biển. Ban đêm, họ lại hát hò, đốt lửa, vui chơi trên biển đến quá nửa đêm.

Bãi Nồm

Bãi cát hình cánh cung tuyệt đẹp

Bãi Chướng

Nằm cách cầu cảng chừng 30 phút đi bộ. Đây là bãi biển duy nhất trên đảo ngắm được bình minh. Mùa này, mặt biển bãi Chướng như mặt hồ phẳng lặng. Những chiếc thuyền câu, ghe chài trên biển giăng đèn làm sáng một vùng bãi Chướng và làm nơi đây trở nên sầm uất hơn bao giờ hết và đêm.


Bình minh trên bãi Chướng

Hoạt động câu cá mực rất phổ biến nơi đây. Câu cá ngoài bè, thường câu vào lúc sáng sớm, câu mực thì về đêm, ngay tại bè mực cũng ăn mồi. Ngoài ra bạn có thể thuê thuyền đi câu cá, có khá nhiều loại: cá mú, cá nhái, cá bè…

Ngoài ra, để nhìn toàn cảnh đảo Bình Ba, một phần vịnh Cam Ranh và thăm quan lô cốt thời Pháp thuộc, bạn nên thuê hoặc mượn xe máy chạy lên đỉnh đồi.

Bãi Nhà Cũ

Hiện nay do quân đội đóng quân và quản lý. Nơi đây có bờ cát trắng mịn màng ôm lấy làn nước biển trong xanh. Đứng trên bờ, các bạn có thể nhìn thấy những rạn san hô dày đặc bên dưới làn nước xanh trong, không một chút ô nhiểm. Ngoài kia, cách bờ không xa là những bè nuôi thủy sản và bạn có thể mua trực tiếp tôm hùm tại đây với mức giá như trên.

Một góc bãi Nhà Cũ

Bãi Bồ Đề

Bãi này được gọi là Bồ Đề đơn giản vì trên bãi có cây Bồ Đề. Bãi Bồ Đề có làn nước xanh trong veo, không có sóng, có bãi cát trắng mịn để các bạn có thể nằm phơi nắng.

Bãi Bồ Đề

Bãi Bồ Đề với làn nước xanh trong veo

Một hoạt động thú vị khác mà các bạn không muốn bỏ lỡ là soi còng. Các bãi biển không có người ở quanh đảo Bình Ba có rất nhiều còng, các bạn có thể cầm đen pin đi soi và rượt còng vào buổi tối rất vui. Đặc biệt là bạn có thể tận hưởng món thịt còng chiên rất ngon sau đó.

Xem thêm: Du lịch Vinpearl Land Nha Trang

Ẩm thực đảo Bình Ba

Đặc sản ở đây bạn không thể bỏ qua đó là Tôm Hùm. Người dân Khánh Hòa có câu:“Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh” để kể về những đặc sản trứ danh của tỉnh này. Tôm Hùm ở đây giá rẻ hơn 30 – 60% so với giá trên các nhà hàng. Tôm Hùm ngộp giá dao động: 400.000 – 600.000đ/ kg, tôm sống: 1.400.000đ/ kg – 1.800.000đ/ kg.

Tôm hùm Bình Ba là một đặc sản không nên bỏ qua khi đến đây

Ngoài ra trên đảo cũng có rất nhiều các hải ản tươi sống: cá dìa, cá dò, mực, nhum, các loại ốc: bàn tay, ốc nón, ốc nhảy, sò bay…

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo

Bài đăng phổ biến