Cà phê là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Ý, nó không còn là một đồ uống thông thường mà đã trở thành một môn nghệ thuật, thứ tín ngưỡng, một nghi lễ đối với người dân đất nước Địa Trung Hải này.
Rõ ràng cà phê không phải thứ ngôn ngữ chung trên toàn thế giới. Một người
Mỹ sẽ có thói quen bước vào cửa hiệu, gọi thật nhanh ly cà phê rồi mang chúng theo trên đường đến nơi làm việc.
Người
Pháp và người
Việt Nam thì coi việc uống cà phê là thú vui thưởng thức cuộc sống: Nhâm nhi và chậm rãi. Còn tại Ý – một trong những cái nôi của cà phê thế giới, sẽ là chuẩn mực nếu bạn đứng cạnh quầy bar và thưởng thức ly Espresso của mình một cách tốc độ.
Văn hóa cà phê Ý là một điều thú vị và rất đáng để khám phá. Và nếu bạn yêu thích và vẫn thường thưởng thức một ly Cappuccino, Latte hay Espresso, chắc hẳn bạn sẽ muốn biết thêm nhiều điều về cách uống cà phê tại quốc gia Nam Âu này.
Cà phê Ý rất đa dạng
Espresso
Espresso được người Italy sáng chế ra vào năm 1884. Trong tiếng Ý, Espresso là “express”, nghĩa là cà phê có thể được phục vụ cho khách hàng ngay lập tức.
Loại cà phê này được pha ở áp suất rất cao. Chuẩn mực nhất là pha bằng một loại máy do người Italy phát minh. Máy có một ống xoắn bằng đồng. Khi nước được bơm vào, hệ thống ống đồng sẽ đun nước nóng thật nhanh đến mức trên 90, dưới 100 độ C. Áp lực đẩy nước chảy nhanh qua bột cà phê được nén chặt trong một cái lọc và đổ thẳng ra cốc chỉ trong khoảng 25 đến 30 giây. Trên mặt cà phê phải có một lớp bọt màu nâu vàng gọi là crema, là tiêu chuẩn để đánh giá xem tách Espresso có ngon hay không.
Espresso thường được uống bằng tách dày có hâm nóng trước, dung tích vào khoảng 40 ml. Loại cà phê này rất đậm đặc và có lượng caffeine cao hơn nhiều thứ đồ uống khác.
Việc uống Espresso là cả một nghệ thuật đối với dân Italy. Người thưởng thức một tay cầm tách một tay giữ đĩa, hít hà mùi thơm quyến rũ rồi uống cạn ly chỉ trong 3-4 hơi. Cả quá trình diễn ra nhanh chóng nhưng gọn ghẽ và đầy thanh lịch.
Nếu không quen với vị đắng, bạn có thể cho thêm đường. Nhưng đối với những người sành sỏi, Espresso nguyên chất mới chuẩn vị và đậm đà khó quên. Espresso còn được dùng để pha các loại cà phê khác như caffè latte, cappuccino, caffè macchiato, cafe mocha, caffè Americano...
Cappuccino
Cappuccino có nguồn gốc từ Espresso nhưng có phần nổi tiếng hơn và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Một tách Cappuccino bao gồm ba phần đều nhau: cà phê Espresso pha với một lượng nước gấp đôi (espresso lungo), sữa nóng và sữa sủi bọt.
Những người pha chế Cappucino chuyên nghiệp được gọi là Barista. Mỗi Barista thường có bí quyết riêng để pha được ly Cappucino ngon nhất. Tay nghề của Barista được thể hiện ở khả năng tạo bọt sữa.
Bọt sữa dày trên một tách Cappucino được tạo ra bằng cách cho tia hơi nước nóng mạnh quậy và đánh bọt trong một bình sữa tươi. Trên mặt lớp bọt được rắc một ít bột cacao hay bột quế nhằm tăng vị thơm. Trong lúc rắc, các Barista sẽ dùng khuôn hay thìa khéo léo tạo hình nghệ thuật.
Tên gọi của loại đồ uống này được cho là xuất phát từ tên gọi các nhà tu dòng Capuchin. Màu áo thụng của các nhà tu tương tự như màu nâu của một tách Cappuccino hoàn hảo.
Theo lệ thường, Cappuccino được phục vụ trong tách làm bằng đá hay sứ, có thành dày và được hâm nóng trước. Ở Italy, người ta gần như chỉ uống loại cà phê này vào bữa sáng.
Latte Macchiato
Latte Macchiato là một loại đồ uống nóng gồm cà phê Espresso và sữa, giống cà phê sữa về cơ bản nhưng lượng sữa nhiều hơn. Người Italy ban đầu pha loại cà phê này cho trẻ em uống, dần dần chính người lớn cũng bị nghiện. Lượng caffeine trong Latte Macchiatio đặc biệt thấp.
Dân Italy thường uống Latte Macchiato bằng cốc thủy tinh cao, có thành dày. Một cốc cà phê đúng chuẩn phải bao gồm ba tầng rõ rệt, được rót lần lượt mà không hòa lẫn với nhau. Sữa là lớp đầu tiên, sau đó là bọt sữa - lớp cao nhất. Cuối cùng, người ta rót Espresso vào ly xuyên qua lớp bọt sữa.
Bột cacao, chocolate hay bột quế được rắc lên trên cùng để trang trí và tạo mùi thơm. Các tiệm cà phê luôn phục vụ Latte Machiato kèm bánh quy.
Caffé Latte
Latte được pha từ Espresso và sữa nóng theo tỉ lệ: 1/3 cà phê, 2/3 sữa, ở trên có lớp bọt dày khoảng 1 cm. Người Italy uống Caffé Latte trong một cốc to, thậm chí bằng bát. Thứ đồ uống này thường được dùng vào bữa sáng.
Caffé Latte tương tự Cafe Au Lait của Pháp, chỉ khác là Cafe Au Lait có tỉ lệ một phần sữa và hai phần cà phê.
Ngoài ra, nếu đến Italy, bạn nên thử những loại cà phê khác như Corretto (được nhỏ thêm vài giọt rượu), Freddo (cà phê đá), Americano (cà phê kiểu Mỹ nhưng đậm hơn, tuy chưa bằng Espresso), Hag (cà phê không có caffeine)…
“Bar” của người Ý có nghĩa là quán cà phê
Số lượng cửa hàng đề “bar” trên biển hiệu ở Ý có thể khiến bạn cho rằng quốc gia này đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về rượu. Thực tế, người Ý hiểu “bar” là một địa điểm phục vụ cà phê đích thực - nơi bạn có thể gọi cho mình những tách Latte hay Cappuccino.
Người Ý thường đứng uống cà phê
Bước chân vào quán cà phê Ý, trừ khi bạn quá mệt và cần để đôi chân của mình nghỉ ngơi, còn không, hãy đứng ở quầy bar và thưởng thức cà phê như những người bản địa. Điều này không những giúp bạn hòa nhập và làm quen với văn hóa của họ, mà còn giúp bạn tiết kiệm một nửa số tiền phải trả so với việc ngồi ở ghế và chờ người phục vụ.
Hãy trả tiền trước khi gọi cà phê
Không phải ở đâu cũng bắt buộc quy định như vậy, nhưng như một quy tắc lịch sự, sẽ là tốt hơn nếu bạn đến quầy thanh toán, nói bạn sẽ gọi gì và trả tiền trước. Sau đó, hãy giữ lấy tờ hóa đơn, mang đến quầy bar rồi đưa cho người phục vụ. Họ sẽ mang đến cho bạn tách cà phê đúng như bạn yêu cầu.
Đừng gọi Cappuccino sau buổi trưa
Hãy làm như vậy nếu bạn muốn hòa hợp với văn hóa cà phê của người Ý. Bởi nếu bạn gọi một tách Cappuccino sau bữa trưa tại một quán bar địa phương, mọi người sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt rất kỳ lạ.
Về nguồn gốc của thói quen trên, có người giải thích vì Cappuccino gây rối loạn tiêu hóa vào buổi chiều, cũng có ý kiến cho rằng bởi vì bọt và kem trong Cappuccino đã được coi là thứ thay thế cho một bữa ăn rồi. Vì vậy, nếu muốn uống Cappuccino, sẽ là tốt hơn nếu bạn dùng chúng vào buổi sáng.
(Tổng hợp)